Đòi hỏi quyền được thông tin

Gia Minh, Biên tập viên RFA

Web  

Vùng đảo, quần đảo đang tranh chấp giữa các nước trong khu vực biển Đông. RFA

 

Một bản Kiến nghị ‘yêu cầu Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin liên quan đến quan hệ với Trung Quốc’ do một số nhân sĩ, trí thức và người dân trong nước ký tên hồi ngày 2 tháng 7 và xuất hiện trên mạng trong những ngày qua.

Đây được xem là đòi hỏi quyền được thông tin về một vấn đề đại sự của đất nước.

Bản Kiến nghị ký tên bởi một số những nhân vật được nhiều nguời biết đến như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, các vị Giáo sư như Nguyễn Huệ Chi, Hoàng Tụy, Chu Hảo, Phạm Duy Hiển, rồi Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà văn Nguyên Ngọc, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh… cùng một số người khác.

Thông tin đầy đủ, minh bạch mà những người ký tên yêu cầu được cung cấp là cuộc làm việc tại Bắc Kinh hồi ngày 25 tháng 6 giữa Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và người tương nhiệm Trung Quốc Trương Chí Quân, cũng như Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, Đới Bỉnh Quốc.

Sau cuộc làm việc của ông Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn trở về, Thông tấn xã Việt Nam loan tin hai phía đạt được những đồng thuận về Biển Đông, ngoài ra phía Trung Quốc còn yêu cầu chính quyền Hà Nội phải định hướng dư luận không để gây ảnh hưởng đến tình hữu nghị và niềm tin giữa người dân hai nước.

Phía Trung Quốc thì Tân Hoa xã trong ngày 28 tháng 6 có bản tin tiếng Anh được những người ký tên trích dẫn nêu ra là hai chính phủ Việt Nam và Trung Quốc đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào vấn đề Biển Đông.

Tân Hoa Xã cũng nhắc đến thư ngoại giao hồi năm 1958 do Thủ tuớng Phạm Văn Đồng ký gửi cho người tương nhiệm Chu Ân Lai vào thời điểm đó và như thế là tán đồng về khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo tại Biển Hoa Nam, mà Việt Nam gọi là Biển Đông.

Phải minh bạch chuyện quốc gia

Những người ký tên trong bản Kiến nghị căn cứ vào điều 53 của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nêu rõ nguời công dân có quyền tham gia thảo luận các vấn đề chung của đất nuớc, và họ yêu cầu ba điểm liên quan đến những vấn đề vừa nêu.

JAPAN-VIETNAM-CHINA-MARITIME-PROTEST

Khoảng 200 người Việt Nam sống tại Tokyo biểu tình tại một công viên, lên án Trung Quốc vào ngày 25/6/2011. AFP photo

Thứ nhất là ông Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn phải xác định những thông tin mà Tân Hoa xã đưa ra có đúng sự thực hay không. Thứ hai, Việt Nam phải nêu rõ quan điểm về thư ngoại giao của Thủ tướng Phạm Văn Đồng hồi năm 1958. Và thứ ba nếu trong cuộc làm việc giữa ông Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn và phía Trung Quốc có đạt thỏa thuận nào cần phải thông tin chi tiết toàn văn thỏa thuận đó.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một trong những người ký tên vào bản kiến nghị cho biết lại lý do phải có yêu cầu đó:

"Bởi vì Trung Quốc đưa tin như là ‘mình’ chấp nhận quần đảo Hoàng Sa thuộc về họ; nên chúng tôi ký kiến nghị để hỏi lại cho rõ ràng".

Ông Nguyễn Quang Thạch, một người khác ký tên trong bản kiến nghị, cho rằng đối với vấn đề hệ trọng của đất nước như chủ quyền lãnh thổ phải được công khai cho dân chúng biết, vì đó là quyền được thông tin của họ:

"Đây là mong muốn của một số người trong đó có tôi. Thực ra, mọi người đều mong muốn mọi thứ cần được minh bạch cho người dân biết. Theo tôi nghĩ, chính phủ đã minh bạch một số ‘thứ’; do đó minh bạch về quan hệ với các quốc gia cũng cần phải minh bạch. Chẳng hạn như vấn đề đa phương hóa, mua tàu ngầm, máy bay của Nga nhà nước đã minh bạch thì quan hệ với Trung Quốc cũng phải minh bạch thôi.

Tôi cũng nghĩ đây là cách để chính phủ và người dân có sự giao hòa với nhau. Người dân biết thì có thể có những kiến nghị với chính phủ theo đúng nguyên tắc Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Ông Nguyễn Quang Thạch

Tôi nghĩ đây chẳng có gì là to tát cả. Tôi cũng nghĩ đây là cách để chính phủ và người dân có sự giao hòa với nhau. Người dân biết thì có thể có những kiến nghị với chính phủ theo đúng nguyên tắc Nhà nước của dân, do dân và vì dân".

Cho đến nay nhiều người dân vẫn thắc mắc về những hiệp đinh về biên giới đất liền Việt - Trung và Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Nghề cá mà Hà Nội và Bắc Kinh ký kết vào những năm 1999 và 2000.

Nay lại thêm những thông tin không rõ ràng về các cuộc gặp cấp cao giữa hai chính phủ liên quan đến vấn đề lãnh thổ, lãnh hải khiến người dân thêm phần bức xúc. Đến lúc quyền được thông tin theo Hiếp pháp qui định tiếp tục được nêu ra như là một nhu cầu bức thiết hơn bao giờ hết đối với mọi vấn đề của đất nước.

G.M.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn