Tàu cao tốc có còn là niềm tự hào của Trung Quốc?

Hồng Ngọc

clip_image001  
Tàu cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải có còn là niềm tự hào của Trung Quốc?  

Cuối tuần trước, hôm 30/6, tuyến tàu cao tốc nối 2 thành phố lớn nhất Trung Quốc - Bắc Kinh và Thượng Hải - đã chính thức được khai trương, rút ngắn thời gian đi lại từ 14 giờ trước kia xuống chỉ còn chưa tới 5 giờ.

Với chi phí xây dựng khoảng 220,9 tỷ Nhân dân tệ (khoảng hơn 700.000 tỷ đồng), đường tàu cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải dài khoảng 1.138 km và mất 3 năm để hoàn thành.

Tuy nhiên, theo các báo của Pháp, đường tàu vốn được coi là niềm tự hào về thành tựu kỹ thuật của Trung Quốc, nay đã trở nên mờ nhạt bởi gánh nặng nợ nần khổng lồ, nạn tham nhũng, bè phái, vấn đề an toàn và chất lượng.

Tờ Le Monde cho biết, sau những sự kiện như đưa người lên vũ trụ, tổ chức thành công Thế vận hội và triển lãm World Expo, thì việc đưa tàu cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải vào khai thác chính thức một ngày trước lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, quả là một niềm tự hào mới.

Dẫu vậy, điều không mong đợi đầu tiên đã xuất hiện. Vận tốc của đoàn tàu đã bị giảm đi đáng kể, đặc biệt là sau khi những người chịu trách nhiệm về các đường tàu cao tốc bị kỷ luật vì tham nhũng.

Cho đến năm 2010, Trung Quốc vẫn còn ấn định tốc độ tối đa là 350 km/giờ, một nỗ lực được đánh giá là phi thường đối với một nước đi sau về công nghệ tàu cao tốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phải hạ thấp các tham vọng do nhiều lý do.

Theo công bố của Bộ Đường sắt Trung Quốc, tàu cao tốc CRH380 tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải sẽ vận hành kinh doanh với hai vận tốc 250 km/giờ (mất 7 giờ 56 phút) và 300 km/giờ (mất 4 giờ 48 phút). Ngoài tuyến này, Bộ Đường sắt còn giảm vận tốc tuyến Vũ Hán - Quảng Châu.

Mạng Sina hồi cuối tháng 6 dẫn lời Thứ trưởng Bộ Đường sắt Hồ Á Đông giải thích, nguyên nhân điều chỉnh giảm vận tốc là do các vấn đề liên quan đến tiêu hao điện, hao mòn thiết bị và điều chỉnh vận tốc khác nhau của các đoàn tàu cao tốc.

Còn theo tờ Les Echos, sở dĩ Trung Quốc đã phải hạ thấp các tham vọng, là bởi tốc độ vận hành lên tới 350 km/giờ sẽ là thử thách khó khăn với hệ thống hạ tầng đường sắt của Trung Quốc vốn được xây dựng với mức nhanh kỷ lục so với châu Âu.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn báo 21st Century Business Herald (Trung Quốc) ngày 20/6, ông Chu Kế Dân, nguyên Phó tổng công trình sư kiêm Phó chủ nhiệm Văn phòng Tàu cao tốc Bộ Đường sắt, tiết lộ nguyên nhân thực sự là do cựu Bộ trưởng Bộ Đường sắt Lưu Chí Quân làm giả báo cáo.

Theo ông Chu Kế Dân, tàu cao tốc CRH380 có nguyên bản là tàu Shinkansen của Nhật và tàu ICE3 của hãng Siemens Đức. Hợp đồng mua bán ghi rõ vận tốc tối đa 300 km/giờ, nhưng ông Lưu Chí Quân đã chỉ đạo cho vận hành với vận tốc 350 km/giờ.

Hồi tháng 2 năm nay, Bộ trưởng Lưu Chí Quân đã bị khai trừ đảng và bị cách chức vì "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng". Ông này bị cáo buộc đã ưu tiên cho phe cánh trong việc cung cấp vật tư cho các dự án tàu cao tốc.

Trước đó vài tuần, Đinh Thư Miêu, một đại gia ở tỉnh Sơn Tây, cũng bị bắt. Công ty của Miêu chuyên cung cấp các tấm cách âm đặt hai bên đường sắt cao tốc. Không chỉ có Lưu Á Quân, Đinh Thư Miêu, chiến dịch này cũng khiến nhiều nhân vật tai to mặt lớn bị mất chức.

Món nợ khổng lồ của Bộ Đường sắt là một mối lo ngại khác. Các dự án đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã mang lại cho Bộ Đường sắt nước này những khoản nợ khổng lồ. Chẳng hạn, để hoàn tất tuyến tàu này, Trung Quốc đã tiêu tốn hơn 220 tỷ Nhân dân tệ (khoảng hơn 700 nghìn tỷ đồng).

Ngay từ đầu năm, báo chí Trung Quốc đã đưa ra con số đáng chú ý về nợ liên quan tới đường sắt. Dẫn thông tin từ Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc, tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết, tính đến năm 2009, Bộ Đường sắt nước này gánh khoản nợ 1.300 tỷ Nhân dân tệ.

Tờ báo dẫn lời ông Zhao Jian, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Giao thông Bắc Kinh cho rằng, số nợ trên “giờ đã lên tới ít nhất 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ”, tương đương trên 303 tỷ USD, chưa kể tiền lãi.

Bên cạnh đó, việc công bố hình ảnh sang trọng của các ghế hạng executive tourism không hề thua kém hạng thương nhân trên máy bay cùng giá vé đắt đỏ, đã làm dư luận bất bình trong thời buổi vật giá gia tăng.

Trong lần chạy thử hồi tháng 6 vừa rồi, hơn 200 nhà báo quốc tế và Trung Quốc đã được mời đi thử trên chuyến tàu. Theo lời họ nói, những chiếc ghế bằng da màu đỏ trên tàu không kém gì những chỗ ngồi hạng nhất của các hãng hàng không, với chỗ để chân rất rộng và 3 góc hạ ghế khác nhau.

Hiện tàu cao tốc Thượng Hải – Bắc Kinh có 2 loại vé dựa trên 2 tốc độ hoạt động 300 km/h và 250 km/h. Giá vé tàu giao động giữa 1.750 Nhân dân tệ (khoảng 5 triệu rưỡi cho ghế VIP của tàu 300 km/h) và 410 Nhân dân tệ (khoảng hơn 1 triệu cho ghế hạng hai của tàu 250 km/h).

Mặc dù giá vé như vậy đã giảm khá nhiều, nhưng vẫn còn quá cao. Một vé máy bay hạng phổ thông hiện khoảng 1.300 Nhân dân tệ. Đó là chưa kể các hãng hàng không đã tìm cách hút khách bằng việc giảm giá, thậm chí một vài hãng đã giảm giá tới 65%.

Người ta cũng thắc mắc nhiều đến vấn đề an toàn. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hồng Kông phát hiện, tro bay chất lượng xấu đã được pha trộn vào xi-măng của các thanh tà vẹt trên một số tuyến đường, làm giảm tuổi thọ của chúng.

Cũng tại cuộc phỏng vấn với 21st Century Business Herald hồi tháng 6, ông Chu Kế Dân tỏ ra lo ngại Trung Quốc chưa đủ khả năng chế tạo các tàu cao tốc có độ tin cậy cao với vận tốc trên 300 km/giờ. Tuy nhiên, công ty đóng những con tàu này phản bác, ông Dân đã về hưu chục năm và không cập nhật kỹ thuật mới.

H.N.

Nguồn: vneconomy.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn