Thư Bali: Khoảng cách từ tờ giấy đến hành động

Lan Anh

clip_image002

Ông Marty Natalegawa (phải), Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Indonesia đón tiếp ông Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì. Ảnh: Reuters

 
SGTT.VN - Bản hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên trong vấn đề Biển Đông (DOC) đạt được ở Bali tuần này được giới ngoại giao ASEAN nhìn nhận như một bước phát triển mới trong vấn đề giải quyết xung đột trên Biển Đông.

Theo ông Marty Natalegawa, Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Indonesia, thì hướng dẫn này: “không phải là giải pháp cho vấn đề Biển Đông, nhưng ít nhất nó là một biểu tượng cho việc nếu các bên trong tranh chấp ngồi lại với nhau, họ có thể đạt được mục tiêu.” Ít nhất, đây là một chuẩn mực mới để đo lường ứng xử của các bên.

Theo lời ông Natalegawa, thì tờ giấy gồm 8 điều khoản ngắn khá mơ hồ này “chứa đựng suy nghĩ, cảm xúc và mong đợi.” Ít nhất thì cuộc đối thoại về vấn đề Biển Đông giờ đây không còn là một vấn đề lẩn tránh, không rõ ràng, mà có một tài liệu trong đó các bên cùng cam kết với nhau tôn trọng và cùng tìm hướng để xây dựng một bộ quy tắc ứng xử cho những tranh chấp ở Biển Đông.

Theo nhận định của một nhà ngoại giao không muốn được trích dẫn tên, hướng dẫn DOC không phải là những điều khoản bắt buộc, nhưng một khi các bên đã đồng ý với văn bản này, nhưng vẫn có những hành động gây rắc rối và thiếu hợp tác, thì có nghĩa là quốc gia đó mất chữ tín đối với cộng đồng quốc tế.

Mặc dù vậy, không có một nước nào đả động đến việc đặt ra một thời hạn cho việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), một vấn đề đã được đặt ra từ nhiều năm nay. Mất 10 năm để ASEAN và Trung Quốc đạt được một tuyên ngôn về ứng xử của các bên trong vấn đề Biển Đông, và không có một thời hạn nào được định ra cho COC.

Trả lời phỏng vấn báo SGTT, ông Natalegawa nói rằng việc đặt ra một thời hạn tạo ra khó khăn ở chỗ nếu thời hạn ấy không được tôn trọng, tình trạng căng thẳng lại có thể gia tăng. Theo ông, điều quan trọng là để cho tình hình diễn tiến tạo ra điều kiện cho việc ra đời một bộ quy tắc như thế. “Tôi tin rằng vấn đề càng không chắc chắn thì chúng ta càng cần có một quy tắc ứng xử.”

Nhưng chính ngoại trưởng Indonesia, nước chủ nhà đang làm việc rất tích cực để các cuộc họp đạt được kết quả mong đợi, cho rằng việc ra đời quy tắc ứng xử trong tình hình hiện nay là vấn đề “con gà và quả trứng.” Ông nói: “Chúng ta cần một bộ quy tắc ứng xử để giải quyết vấn đề, nhưng chúng ta lại phải giải quyết được vấn đề thì mới có được một bộ quy tắc ứng xử.”

Mỹ cảnh báo các nước Mekong về việc xây đập thủy điện

Tại cuộc gặp với năm nước khu vực hạ lưu Mekong bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã cảnh báo các nước về mối nguy hại trong việc xây dựng các đập thủy điện mới ở dọc con sông Mekong.

“Việc xây dựng các con đập thủy điện dọc sông Mekong cần được cân nhắc kỹ vì tất cả các nước dọc sông Mekong sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng. Chúng tôi đề nghị các nước phải nghiên cứu kỹ các ảnh hưởng xã hội và môi trường của việc xây đập mới, trước khi cho phép các dự án này,” bà Clinton nói tại cuộc họp.

Giới truyền thông giờ đây đang đổ dồn sự chú ý vào Diễn đàn An ninh khu vực diễn ra trong ngày thứ Bảy, và quan điểm của Mỹ cùng các nước khác trong vấn đề này. Sau khi các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc cam kết ủng hộ hướng dẫn này, ngày 22.7, Mỹ cũng đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận trên của các bên. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong ngày thứ 6, 22.7 đã tham dự vào hàng loạt các cuộc gặp song phương và đa phương với ngoại trưởng các nước đối tác có mặt tại Bali. Vấn đề an ninh trên Biển Đông cũng như hòa bình trên bán đảo Triều Tiên được cho biết là mối quan tâm chủ chốt của Mỹ tại Diễn đàn An ninh khu vực (ARF). Trong ngày thứ Sáu, Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn và Nam Hàn đã có cuộc gặp song phương cấp cao tại Bali , dọn đường cho việc nối lại đối thoại 6 bên trong vấn đề giải trừ vũ khí ở bán đảo Triều Tiên.

ASEAN và Mỹ trong cuộc họp ngày thứ 6 cũng đã ủng hộ một “Kế hoạch hành động ASEAN – Mỹ” từ 2011 đến 2016. Với tư cách đồng Chủ tịch cuộc họp này, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert De Rosario nói: “Philippines tin tưởng mạnh mẽ rằng chỉ với việc thông qua hợp tác với Mỹ, chúng ta có thể đối mặt với những vấn đề an ninh khu vực như Biển Đông, không phổ biến vũ khí hạt nhân, giải trừ quân bị, cũng như vấn đề trên bán đảo Triều Tiên”.

Theo thông tin từ phía Philippines, kế hoạch hành động này bao gồm những lĩnh vực như biển, an ninh hàng hải, tìm kiếm và giải cứu, an toàn, xây dựng năng lực, chia sẻ thông tin và các dự án về công nghệ.

L.A.

Nguồn: sgtt.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn