Tin trên RFA, BBC, VOA, RFI về biểu tình phản đối Trung Quốc lần thứ 8

Hàng trăm người Việt Nam tiếp tục biểu tình chống Trung Quốc

Gia Minh – RFA

Cuộc biểu tình tại Hà Nội chống Trung Quốc gây hấn tại Biển Đông và đánh đập, cướp bóc tài sản của ngư dân Việt Nam, hôm nay bước sang Chủ nhật thứ 8, có đến hằng trăm người tham gia.

clip_image001

Sáng Chủ nhật 24-7-2011, hàng trăm người tiếp tục biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội. NXD's blog

Kiên quyết biểu tình

Sau hai tuần lễ xảy ra những vụ bắt người biểu tình đưa về trụ sở công an để làm việc, và trong khi dồn người biểu tình lên xe buýt với những hành động bạo lực của an ninh, công an cũng như lực lượng bảo vệ…, những người tham gia những cuộc biểu tình vừa qua vẫn không nao núng và tỏ rõ quyết tâm tham gia cuộc biểu tình vào Chủ nhật 24 tháng 7.

Một trong những trí thức được nhiều người biết đến tại Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, dù vào tối thứ Bảy 23 tháng 7 phía an ninh, công an khu vực và tổ dân phố đến tận nhà ông để yêu cầu không đi biểu tình. Thế nhưng ông vẫn khẳng khái giải thích cho họ và nói hôm nay vẫn đi biểu tình, như phát biểu của ông vào lúc 7:40 sáng ngày 24 tháng 7 với Đài Á châu Tự do như sau:

“Họ nói vợ tôi khuyên tôi không đi biểu tình sáng mai. Tôi có tiếp ba người ở tổ dân phố và một công an khu vực. Tôi giải thích và khuyên họ nên đi biểu tình sáng ngày mai”.

clip_image002

Chủ nhật 24-7-2011, lần thứ 8 liên tiếp người Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội

Anh Nguyễn Tiến Nam, một thanh niên từng tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc hồi tháng 12-2007 và năm 2008; rồi bị đánh đập vì tham gia biểu tình như thế; nhưng trong những Chủ nhật từ ngày 5 tháng 6 vừa qua cho đến nay, Chủ nhật nào anh cũng tham gia các cuộc biểu tình tuần hành bày tỏ lòng yêu nước chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải và hành xử thô bạo, cướp phá ngư dân Việt Nam.

Trong tuần qua, anh nhận được cảnh báo từ phía an ninh, nhưng sáng ngày 24 vào lúc 7:50 anh cùng một số bạn trên đường ra điểm biểu tình:

“Tôi và một số bạn đi theo nhóm nhỏ thôi, đến đúng giờ thì ra”.

Thay đổi chiến thuật

Trong suốt những tuần lễ qua, những người biểu tình tại Hà Nội tập trung ở vườn hoa Lênin, gần Đại sứ quán Trung Quốc; nhưng an ninh và công an cùng lực lượng bảo vệ trong những tuần qua mạnh tay ngăn chặn người biểu tình tại đó; nên vào ngày 23 tháng 7, trên mạng xuất hiện ý kiến của những người biểu tình vào ngày Chủ nhật 24 tháng 7 tập trung quanh khu vực Hồ Gươm và tượng đài Vua Lý Thái Tổ để tiến hành cuộc biểu tình trong ngày 24 tháng 7.

Chị Hằng, vào sáng ngày 24 tháng 7 cũng đi quanh khu vực vườn hoa Lênin và Đại sứ quán Trung Quốc, lúc 8:30 cho biết tình hình tại đó:

“Tôi đi 2 vòng quanh Bờ Hồ, bắt đầu thấy lác đác đang tập trung. Tôi đi taxi lên phía Đại sứ quán Trung Quốc, tôi thấy công an, an ninh tập trung rất đông, căng dây vì họ sợ chúng tôi giương đông kích tây; nhưng các bác trí thức không làm thế”.

Diễn biến biểu tình

Tham gia trong đoàn biểu tình tại Hà Nội vào ngày Chủ nhật 24 tháng 7 có một số khuôn mặt nhân sĩ trí thức, nhiều sinh viên thanh niên và các thành phần khác trong xã hội.

Ngay trước khi cuộc biểu tình diễn ra, blogger Lê Dũng cho biết về thành phần tham dự cho đến lúc đó và một nội dung chuơng trình mới trong cuộc biểu tình ngày 24 tháng 7 như sau:

“Tôi đang đứng tại chân Đài Cảm Tử. Hiện có mấy chục người như chị Bích Phượng, Người Buôn gió, các bác đại tá bộ đội về hưu… đứng đây để chờ mọi người. Họ mặc áo gạch chéo lưỡi bò.

Đúng giờ theo đúng chương trình trên mạng mà trí thức kêu gọi sẽ tiến hành. Cũng như mọi khi, hôm nay có danh sách vinh danh các liệt sĩ Hòang Sa - Trường sa.

Có công an quanh đây nhưng không có căng dây”.

Nhà văn Phạm Xuân Nguyên vào lúc 8:40 cho biết cuộc biểu tình bắt đầu với bài quốc ca Việt Nam hiện nay tại chân tượng đài Vua Lý Thái Tổ, và trong lần biểu tình này có những khẩu hiệu ghi tên những binh sĩ Việt Nam đã hy sinh tại Trường Sa, Hòang Sa:

“Mọi người bắt đầu bằng bài quốc ca; giơ cao các biểu ngữ. Lần này đặc biệt có biểu ngữ ghi tiên các liệt sĩ Hòang Sa - Trường sa, rồi có mấy câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ.

Bên ngoài có loa của chính quyền đọc các câu không được tập trung trước các cơ quan công quyền…”.

Sau đó đòan biểu tình bắt đầu di chuyển và hô vang các khẩu hiệu:

Hòang sa - Trường Sa của Việt Nam.

Đả đảo Trung Quốc xâm lược.

Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh…

Và cùng hát những bài ca như Dậy mà đi

Theo đánh giá của cả những nguời tham gia cuộc biểu tình và những người theo dõi từ bên ngoài thì cuộc biểu tình tuần hành chống Trung Quốc tại Hà Nội vào sáng ngày 24 tháng 7 là khí thế, trật tự.

G.M.

Nguồn: rfa.org

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Hà Nội có biểu tình phản đối TQ lần thứ tám

BBC

Tại Hà Nội đã có cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc về vấn đề biển đảo lần thứ tám, diễn ra sáng Chủ nhật 24 tháng 7 với con số người tham gia tới hàng trăm.

clip_image003

Cuộc biểu tình mới nhất diễn ra quanh khu hồ Hoàn Kiếm

Giới trí thức và cộng đồng mạng Việt Nam tiếp tục đóng vai trò chính trong việc vận động tổ chức ra cuộc xuống đường tuần hành và trương biểu ngữ phản đối chính quyền Trung Quốc lần này.

Trong số các trí thức, nhân sĩ tham gia có các vị Phạm Duy Hiển, Ngô Đức Thọ, Phạm Xuân Nguyên, Trần Nhương, Vũ Ngọc Tiến, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Quang Thạch... và con số thanh thiếu niên lên tới hàng trăm.

Cũng có tin nói Tiến sĩ Nguyễn Quang A bị an ninh yêu cầu không đi biểu tình lần này nhưng ông tuyên bố sẽ vẫn đi.

Và căn cứ vào các hình ảnh đăng tải trên mạng do giới vận động biểu tình phát tán, TS Nguyễn Quang A đã có mặt từ sau 8 giờ sáng.

Cùng ông còn có Giáo sư Lâm Quang Thiệp, cựu Vụ trưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đặc biệt, có nhiều trẻ em được cha mẹ khuyến khích đi biểu tình, bất chấp lệnh cấm từ một số trường.

Các biểu ngữ cũng kêu gọi Quốc hội Việt Nam khóa mới ra nghị quyết về Biển Đông.

clip_image004

Từ một vài tuần qua, thanh thiếu niên từ các gia đình trí thức, cán bộ ở Hà Nội cùng cha mẹ xuống đường

Trong một diễn biến mới, các khẩu hiệu của cuộc biểu tình lần này đề nghị vinh danh cho các chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa bị tàu Trung Quốc giết trong đợt tiến chiếm Hoàng Sa năm 1974, và các chiến sĩ Hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam ở Trường Sa năm 1988.

Nhiều thanh thiếu niên, trí thức cầm biểu ngữ ghi tên các binh sĩ bị Trung Quốc giết trong hai trận hải chiến đó.

Đoàn biểu tình cũng ủng hộ báo Đại Đoàn Kết, tờ báo duy nhất cho tới nay ở Việt Nam công khai kêu gọi vinh danh 74 binh sĩ hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974 và 64 binh sĩ hy sinh tại Trường Sa năm 1988.

Họ cũng tới trước tòa báo Hà Nội Mới, hô khẩu hiệu phản đối tờ báo này đã từng đăng tải bài viết ca ngợi tướng Trung Quốc Hứa Thế Hữu, người có công lớn với Bắc Kinh trong cuộc chiến 1979.

'Yêu cầu về nhà'

̣̣Để phản đối công an Việt Nam đánh dân trong cuộc biểu tình tuần trước, đoàn người đã dừng lại hô khẩu hiệu khá lâu trước trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm.

Vụ Đại uý Minh thuộc Công an quận này đạp vào mặt một người biểu tình [đang] bị bốn công an viên khác giữ chân tay hồi Chủ nhật trước đã gây ra một làn sóng phẫn uất trong dư luận.

Trong tuần, một số nhân sĩ, trí thức ít lên tiếng về các vấn đề thời sự nay cũng công khai phản đối hành vi của Đại uý nọ.

Chẳng hạn nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đã phát biểu trên mạng, phê phán sĩ quan công an gây ra bạo hành.

clip_image005

Con số người tuần hành ở Bờ Hồ nhiều hơn một số lần trước nhưng không xảy ra bắt bớ

Bản thân nạn nhân cú đạp của Đại uý Minh, anh Nguyễn Chí Đức đã ra đến Bờ Hồ, nhưng bị nhà chức trách 'yêu cầu đi về nhà', theo tường thuật của giới vận động trên mạng.

Tuy thế, cuộc tuần hành ngày Chủ nhật này không xảy ra va chạm với nhà chức trách, có thể vì không diễn ra trước Đại sứ quán Trung Quốc mà tập trung ở khu Bờ Hồ.

Chủ nhật tuần trước, nhà chức trách đã bắt gần 50 người nhưng sau thì cũng thả ra.

So với Hà Nội thì tại Sài Gòn, đô thị lớn nhất Việt Nam số cuộc biểu tình mang nội dung phản đối Trung Quốc diễn ra ít hơn nhiều và không hề có vào ngày 24/7.

Một nhà báo từ TP HCM giải thích với BBC trong tuần rằng "Trí thức Sài Gòn bị kiểm soát chặt hơn Hà Nội rất nhiều".

Hiện cũng đang có lời kêu gọi của một số trí thức Việt Nam tại Anh Quốc về việc tổ chức biểu tình trước Sứ quán Trung Quốc tại London trưa 24/7 giờ địa phương.

Nguồn: bbc.co.uk

––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Hàng trăm người tham gia cuộc tuần hành chống TQ lần thứ 8 tại Hà Nội

VOA

clip_image006

Biểu tình chống Trung Quốc tại hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội, ngày 24/7/2011. Hình: ASSOCIATED PRESS

Cuộc tuần hành diễn ra từ 8 giờ sáng tới 11 giờ trưa tại khu vực trung tâm, gần Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội.

Những người biểu tình vẫy cờ, hát quốc ca, hô khẩu hiệu phản đối Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông.

Ngoài những biểu ngữ lớn khẳng định chủ quyền Việt Nam, đoàn tuần hành cũng mang theo các biểu ngữ vinh danh những liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988.

Những người tham gia tuần hành cho đài VOA biết họ quyết tâm đoàn kết và thay đổi cách thức biểu tình, tránh dừng lại một địa điểm để không bị lực lượng an ninh viện lý do người biểu tình gây mất trật tự công cộng và cản trở giao thông mà trấn dẹp như đã xảy ra trong cuộc tuần hành hôm 10/7 và 17/7. 

Cô Bích Phượng, một người tham gia cuộc biểu tình sáng 24/7 tại Hà Nội cho biết:

“Trong 8 cuộc tuần hành liên tiếp ở Hà Nội, trừ cuộc tuần hành lần đầu tiên tôi không tham gia, thì lần này là đông vui nhất và cũng ít bức xúc nhất dù rằng chúng tôi không được đứng trước đại sứ quán Trung Quốc. Các lực lượng chức năng không có hành động gì trấn áp cuộc biểu tình như những lần trước. Chúng tôi thay đổi phương thức biểu tình, đi vòng quanh bờ hồ và hô khẩu hiệu, không đi giữa lòng đường để họ lấy cớ là mình cản trở giao thông mà trấn dẹp. Các cuộc trấn áp của chính quyền ngày 10 và 17/7 không làm cho người dân nao núng hay sợ hãi, chùng bước. Thậm chí, có vẻ người dân phẫn nộ, nên hôm nay có sự tham gia của nhiều người chưa hề tham gia trước đây. Họ đã vượt qua được sự e ngại. Thậm chí nhiều người đi đường và đi dọc quanh bờ Hồ đã gia nhập vào đoàn biểu tình. Họ nhập cuộc, đồng hành cùng với chúng tôi nhiều hơn. Chúng tôi quyết tâm rằng lần này chỉ cần một người bị bắt lên xe buýt, tất cả chúng tôi sẵn sàng cùng lên xe buýt hết, không cần phải co kéo. Đoàn người biểu tình đã đoàn kết với nhau. Sau khi chúng tôi hát quốc ca và mặc niệm các chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ biển đảo năm 1974 và 1988, chúng tôi tự nguyện giải tán. Đúng 11 giờ trưa chúng tôi tự giải tán”.

Bất chấp việc chính quyền dùng võ lực trấn dẹp hai cuộc tuần hành vào ngày 10 và 17/7, đây là cuộc tuần hành thứ 8 diễn ra trong 8 Chủ nhật liên tiếp kể từ đầu tháng 6 tới nay tại Hà Nội, trong khi các cuộc biểu tình tương tự ở Sài Gòn đã bị dập tắt từ rất sớm.

Nguồn: voanews.com

Biển Đông: Hàng trăm người tiếp tục biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội

clip_image007

Biểu tình bảo vệ chủ quyền Việt Nam tại Trường Sa và Hoàng Sa

Nguồn : blog http://anhbasam.wordpress.com/

Thụy My

Ngày 24/07/2011, ít nhất 300 người đã biểu tình tại Hà Nội chống lại các hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông. Đây là cuộc xuống đường lần thứ 8 phản đối Trung Quốc, đặc biệt là sau vụ nhân viên công an có hành động thô bạo với người biểu tình vào tuần trước.

Hãng thông tấn Pháp AFP nhắc lại, hai cuộc biểu tình trước đó đã bị chính quyền Hà Nội đã giải tán bằng vũ lực, do đã có thỏa thuận với Bắc Kinh là sẽ “định hướng dư luận”.

Lần này đoàn biểu tình không tập trung trước Đại sứ quán Trung Quốc như những lần trước, mà tuần hành dọc theo hồ Hoàn Kiếm ở ngay trung tâm thành phố, nơi có đông đảo người qua lại cũng như nhiều du khách ngoại quốc. Nhiều người mặc áo thun có in biểu tượng đường lưỡi bò bị gạch chéo, để phản đối đường yêu sách 9 đoạn hình chữ U do nhà cầm quyền Trung Quốc tự ý vạch ra, đòi hỏi chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông.

Điểm đặc biệt nữa là, những người biểu tình mang các biểu ngữ đề tên những người lính đã hy sinh trong các trận đánh chống lại quân Trung Quốc tấn công vào các đảo do Việt Nam đang chiếm giữ trên Biển Đông.

Có biểu ngữ ghi rõ: “74 binh sĩ hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974, 64 binh sĩ hy sinh tại Trường Sa năm 1988”.

Theo hãng tin Pháp, tình hình Biển Đông bắt đầu căng thẳng kể từ tháng 5, khi tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, đã khiến người dân Việt Nam cay đắng nhớ lại lịch sử một ngàn năm Bắc thuộc và gần đây nhất là trận chiến tranh biên giới năm 1979.

Hãng AFP ghi nhận, trong số các biểu ngữ có cả tấm ảnh chụp lại cảnh một nhân viên công an đạp vào mặt một người biểu tình đang bị khiêng lên xe buýt vào tuần trước. Đoạn video ngắn này đã nhanh chóng được phổ biến trên internet, gây nên một làn sóng phẫn nộ của cư dân mạng.

Nhà văn Nguyên Ngọc trên blog Nguyễn Xuân Diện đã viết: “Đánh dân yêu nước, chỉ có mỗi một tội là biểu lộ lòng yêu nước, chống ngoại xâm, nhất thiết phải bị nghiêm trị.” Blog này vốn là nơi tường thuật trực tiếp các cuộc biểu tình, và quy tụ được nhiều nhân sĩ, trí thức.

Những người xuống đường cũng dự định sẽ kêu gọi Quốc hội thông qua các luật lệ cho phép người dân biểu tình vốn được ghi trong Hiến pháp, nếu lần này lại bị đàn áp. Nhưng theo blog Ba Sàm, thì tuy công an tiếp tục chặn lối vào Đại sứ quán Trung Quốc và gọi loa yêu cầu giải tán, nhưng không có những hành động thô bạo như tuần trước. Cũng theo blog này, thì có đến 5 – 600 người tham gia tham gia tuần hành một cách hòa bình, thu hút nhiều người đi đường tham gia.

Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn