Trung Quốc luôn nhắm vào điểm yếu của Việt Nam

Khánh An, Phóng viên RFA

Tuần qua, tờ báo Đại Đoàn Kết đưa bài viết “Gặp nhân chứng trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974”, trong đó phỏng vấn một số chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã trực tiếp tham gia vào trận hải chiến ở Hoàng Sa ngày 19/1/1974.

Nhiều ý kiến trong công luận xem đây là một bước ngoặt về quan điểm khi trên thực tế suốt một thời gian dài, sự kiện và các nhân chứng lịch sử trên hầu như chưa bao giờ được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông chính thống.

Khánh An phỏng vấn cựu Phó Đề đốc, Tư lệnh hải quân Vùng I duyên hải Hồ Văn Kỳ Thoại, để biết thêm ý kiến của một người đã trực tiếp chỉ huy và tham gia vào trận hải chiến ở Hoàng Sa năm 1974.

Không thể bưng bít lịch sử

Khánh An: Câu hỏi đầu tiên mà Khánh An muốn đặt ra cho Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại là có thể nói đây là lần đầu tiên một tờ báo chính thống tại Việt Nam nhắc đến trận hải chiến Hoàng Sa 1974 như là một cách vinh danh những người lính VNCH, Phó Đề đốc là người trực tiếp tham gia chỉ huy trong trận Hoàng Sa 1974 thì ông có cảm nghĩ thế nào khi nghe một tờ báo trong nước đề cập đến trận chiến này?

Ông Hồ Văn Kỳ Thoại: Sự kiện này đến, tôi thấy là quá chậm bởi vì chuyện vinh danh đó phải được làm liên tục từ lâu rồi, nhưng có một đoạn không ai nhắc nhở tới. Đó là cái làm cho anh em chúng tôi rất buồn lòng. Nhưng bây giờ thì rất vui mừng được biết, đó là một an ủi phần nào cho gia đình tử sĩ.

Chuyện vinh danh này, vào cuối năm 2007, Đài Á Châu Tự do cũng có đề cập, tôi cũng tán đồng, ví dụ như làm tượng bia hoặc tới ngày giỗ của các chiến sĩ đã bỏ mình ở trận Hoàng Sa thì người Việt Nam phải làm cái gì dù là sống dưới chế độ nào, chính phủ nào, đó là một gương can trường, một hành động chống xâm lăng mà người dân Việt Nam các thế hệ mai sau đều phải nhớ đó là một sự kiện lịch sử, không có vấn đề chính trị gì trong đó hết. Nhưng dù sao đi nữa, nhắc bây giờ dù chậm nhưng có còn hơn không.

Khánh An: Nhân ông nhắc đến đây là một sự kiện lịch sử, trong thời gian vừa qua, vì có những sự kiện mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc, công luận có một số ý kiến cho rằng nên đưa sự kiện Hoàng Sa 1974 vào trong sách giáo khoa để trẻ em học và biết về lịch sử vì đây là một sự kiện lịch sử đã không được đề cập đến trong suốt một thời gian khá dài. Theo ông, việc một tờ báo chính thống Việt Nam nhắc đến sự kiện này thì ông có cho đây là một cột mốc trong việc hòa giải dân tộc hay không?

Mình không thể bưng bít những sự kiện lịch sử được vì có rất nhiều nhân chứng. Đó là một hành động lịch sử mà ai cũng phải ghi nhận. Các thế hệ sau này dù sống ở chế độ nào cũng phải ghi nhận.

Cựu PĐĐ Hồ Văn Kỳ Thoại

Ông Hồ Văn Kỳ Thoại: Tôi không bàn về vấn đề chính trị. Tuy nhiên, chuyện đem sự kiện lịch sử này ra là chuyện phải làm. Vấn đề dạy trong trường học hay nhắc tới nó thì là chuyện một nước văn minh phải làm, chứ không có vấn đề người thắng hay bại đó là bên phe phái nào. Đó là một sai lầm rất lớn.

Mình không thể bưng bít những sự kiện lịch sử được vì có rất nhiều nhân chứng. Tôi thấy đó là việc phải làm và đó không phải là một hành động đối xử tốt với Việt Nam Cộng hòa, mà là chuyện phải làm đối với những người con của tổ quốc Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ đất nước của ông cha. Đó là một hành động lịch sử mà ai cũng phải ghi nhận. Các thế hệ sau này dù sống ở chế độ nào cũng phải ghi nhận.

Ý đồ xâm lăng của Trung Quốc

Khánh An: Vâng, thưa Phó Đề đốc, ông là người đã trực tiếp tham gia chỉ huy trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974, ông cho biết là nguyên nhân từ đâu dẫn đến trận hải chiến này? Bắt đầu từ những biểu hiện nào? Ông đánh giá tình hình hiện nay với những biểu hiện từ phía Trung Quốc đối với Việt Nam ngoài Biển Đông, ông có so sánh gì giữa tình trạng hiện nay với những biểu hiện trước khi xảy ra trận hải chiến 1974?

clip_image002

Cựu Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại. Photo courtesy of hovanky.com

Ông Hồ Văn Kỳ Thoại: Trước nhất, hai sự kiện xảy ra hoàn toàn khác biệt vì năm 1974 là năm mà phía Việt Nam Cộng Hòa phải chống đỡ cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm, Hoa Kỳ vào cuối năm 1972, đầu năm 1973 thì đã bắt đầu rút, chỉ còn có VNCH nên phải đương đầu vừa đối với miền Bắc, vừa đương đầu với ngoại xâm Trung Quốc.

Trung Quốc thì ý đồ xâm lăng lúc nào cũng có nên chỉ chờ lúc thuận tiện nhất là lúc Mỹ rút, với lực lượng của miền Nam phải bảo vệ quá nhiều đất đai nên sẽ yếu về phương diện bảo vệ hải đảo. Thành ra họ thừa cơ, họ biết rằng Hoa Kỳ sẽ không nhúng tay vô nữa thì họ mới dám làm như vậy. Còn bây giờ thì khác, khác ở chỗ họ coi Việt Nam như một chư hầu, thành thử họ nghĩ họ muốn làm gì thì làm, mà sự chống đỡ của chính quyền Hà Nội bây giờ quá yếu ớt. Thành thử tôi không nghĩ sẽ có những phản ứng bằng võ lực mạnh như thời Việt Nam Cộng Hòa.

Khánh An: Nhưng tình hình trước khi xảy ra phản ứng mạnh như năm 1974, trước đó Trung Quốc đã làm gì Việt Nam, ông có thể cho biết không?

Ông Hồ Văn Kỳ Thoại: Hoàn toàn không đụng gì tới Việt Nam cũng như mấy đảo đó, tại vì phía Bắc có một nhóm đảo của Trung Quốc từ lâu rồi. Thành ra Việt Nam không bao giờ lai vãng trên những đảo đó. Tuy nhiên, có 5 đảo, đúng ra là 1 đảo lớn và 4 đảo nhỏ gọi chung là Hoàng Sa, thì quân lực Việt Nam Cộng Hòa không đủ quân để giữ được hết các đảo nên chỉ đi tuần tiễu bằng hải quân, ghe đánh cá của Trung Cộng cũng thỉnh thoảng lai vãng xuống miền Nam để kiếm cá thì bị hải quân Việt Nam bắt rất nhiều lần và chỉ điều tra, xét ghe, xét tàu rồi thả hết vì không có vũ khí.

Trung Quốc thì ý đồ xâm lăng lúc nào cũng có nên chỉ chờ lúc thuận tiện nhất là lúc Mỹ rút, với lực lượng của miền Nam phải bảo vệ quá nhiều đất đai nên sẽ yếu về phương diện bảo vệ hải đảo.

Cựu PĐĐ Hồ Văn Kỳ Thoại

Đôi khi họ đóng nhà lán, nhà tranh ở trên các đảo để nghỉ đêm vì họ thấy các đảo này không ai khai thác cá, thành thử họ đến đó, nhưng khi hải quân Việt Nam đuổi thì họ đi, không có lần nào có vụ nổ súng hết. Nhưng lần này, năm 1974 đó, khi họ đã quyết định xâm chiếm rồi, họ đem một đội quân rất hùng hậu, họ nhất định họ chiếm. Cho nên khi hải quân Việt Nam đưa biệt hải cũng như người nhái lên để đuổi họ đi thì có một vụ nổ súng dữ dội.

Đó là chuyện họ cố tình rồi chứ hồi trước không bao giờ xảy ra vụ đó. Cho nên khi chúng tôi biết rằng chuyện nổ súng trước sau cũng phải có và chúng tôi phải chứng minh chủ quyền thì mới có trận hải chiến ác liệt vào ngày 19/1/1974.

Thử phản ứng của Việt Nam

clip_image003

Hải quân VN trên vùng quần đảo Trường Sa hôm 8/6/2011. AFP photo

Khánh An: Như ông vừa nói thì Khánh An thấy có một số điểm khá trùng lặp với những chuyện đang xảy ra hiện nay, đó là ngư dân Trung Quốc cũng đi vào vùng biển của mình để đánh cá, nhưng bây giờ tình trạng mạnh tay hơn là họ cắt cả cáp của tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam và chuyện này xảy ra rất nhiều lần. Ông có cho rằng đó là những hành động mạnh tay giống như năm 1974 họ nổ súng với những người nhái của Việt Nam Cộng Hòa không?

Ông Hồ Văn Kỳ Thoại: Thật sự tôi không biết, họ có một ý đồ chiến lược nào to lớn nhưng đó là những hành động giống như tằm ăn dâu vậy. Họ cứ thử thách rồi xem phản ứng của những nước lân bang cũng như những phản ứng của các cường quốc khác như Hoa Kỳ chẳng hạn xem như thế nào. Nhưng họ làm cái đó với Việt Nam mạnh tay hơn là vì họ nghĩ Việt Nam không dám chống cự, không dám mạnh tay trở lại với họ. Tôi nghĩ đó là một cách họ thử thách xem Việt Nam có dám làm gì không rồi họ sẽ tiếp tục bước tới những bước mạnh hơn.

Khánh An: Vâng, Khánh An cám ơn Cựu Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại đã dành thời gian cho Đài Á Châu Tự do.

K.A. & H.V.K.T.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn