Trung Quốc sẽ làm gì ở Biển Đông?

Nguyễn Tiến Dũng

Dưới đây là một số phỏng đoán về “âm mưu” hay “chiến lược” của Trung Quốc tại Biển Đông. Đã là “âm mưu” thì chỉ có Trung Quốc biết chính xác họ muốn và sẽ làm gì, tôi chỉ “đoán mò” thôi.

Tôi dựa trên giả thuyết là Trung Quốc muốn “biến đường lưỡi bò thành hiện thực”, tức là chiếm gần hết Biển Đông cùng với nguồn tài nguyên kinh tế của nó. Theo một con số ước lượng, dự trữ dầu hỏa ở Biển Đông lên tới 100 tỷ thùng (tính theo giá $100/thùng, thì thành con số khổng lồ là 10 nghìn tỷ USD), đối với Trung Quốc thì đây là một nguồn dự trữ năng lượng có tính chiến lược, đặc biệt khi Trung Quốc đang là con rồng khát năng lượng, và lượng dầu hỏa dự trữ trên thế giới bắt đầu cạn kiệt. Ngoài ra, Biển Đông còn là một trong các tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới, và là một nguồn hải sản lớn.

1/ “Thành phố” Hoàng Sa

Trung Quốc sẽ xây Hoàng Sa thành một thành phố nhân tạo, có dân thường sống thường xuyên ở đó, phát triển kinh tế biển và kinh tế du lịch.

Làm như vậy là một khoản “đầu tư tốn kém” nhưng nhằm đạt một lúc nhiều mục đích:

* Nhằm khẳng định chủ quyền (Trung Quốc càng phát triển ở Hoàng Sa, Việt Nam càng khó đòi lại)

* Làm căn cứ quân sự, đẩy mạnh vị thế quân sự Trung Quốc tại Biển Đông, củng cố thế lực.

* Khai thác kinh tế khu vực Hoàng Sa và xung quanh.

* Làm cái cớ để đòi vùng 200 hải lý quanh Hoàng Sa thành là khu kinh tế độc quyền của Trung Quốc (nếu chỉ có mấy cái đảo nhỏ không có nền kinh tế ở đó, thì theo công ước quốc tế không được tính khu vực độc quyền 200 hải lý).

Trên thực tế, Trung Quốc đã triển khai xây dựng nhiều thứ ở Hoàng Sa, trong đó có đường băng dài mấy km. Và Trung Quốc đang có chương trình “phát triển du lịch” Hoàng Sa. Trung Quốc có thừa khả năng đem gạch đá sắt thép đến Hoàng Sa xây một thành phố nhân tạo (trên hai nhóm đảo chính ở Hoàng Sa nằm gần nhau)

Tương tự như vậy, Trung Quốc có thể sẽ xây dựng trên một số đảo mà họ đã chiếm ở Trường Sa. Kể cả bãi đá ngầm, có thể đổ đá lên cho nó nổi.

2/ Khai thác dầu hỏa

Trung Quốc đã có chương trình khai thác dầu hỏa ở Trường Sa, với dự án đến hàng chục tỷ USD. Ho sẽ dựng dàn khoan ở gần những chỗ họ đang chiếm đóng. Những vùng mà đã có tàu chiến của Trung Quốc bảo vệ, thì các nước khác trong khu vực khó ngăn cản Trung Quốc đem dàn khoan tới khai thác nếu không muốn gây chiến tranh lớn. Trung Quốc biết là không nước nào muốn gây chiến tranh, bởi vậy họ sẽ khoan dầu còn các nước kia không làm gì được, ngoài việc cũngkhoan dầu ở các chỗ đang giữ được.

Những vùng mà Trung Quốc chưa chiếm được thì họ sẽ làm chiêu bài “gác tranh chấp sang một bên để cùng khai thác”, chứ Trung Quốc không muốn để yên cho bên nào khai thác một mình. Tuy nhiên, ít có khả năng có nước nào “mắc câu” chiêu bài này của Trung Quốc, bởi vì nó hơi thô thiển: chỗ nào tôi chiếm rồi thì là của tôi anh đừng có hòng động tới, chỗ nào anh đang giữ mà tôi cứ đòi thì là của chung, nào chúng ta cùng khai thác.

3/ Hù dọa quấy nhiễu không để yên cho các nước khác khai thác kinh tế ở Biển Đông.

Vì nếu để yên thì Trung Quốc sẽ bị “mất phần”. Các hành động của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam là một ví dụ. Các thuyền của Việt Nam đặc biệt dễ bị bắt nạt hơn là các thuyền của Philippines, vì Philippines có Mỹ làm đồng minh. Bởi vậy, họ sẽ liên tục tìm cách hù dọa, quấy nhiễu các công ty muốn thăm dò hai khai thác dầu hỏa ở vùng Hoàng Sa và Trường Sa. Sự hiện diện của quân đội Mỹ khiến cho sự hù dọa quấy nhiễu của Trung Quốc bớt tác dụng, đặc biệt là với các đồng minh của Mỹ như là Philippines. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, thì sự hù dọa của Trung Quốc tương đối có hiệu quả. Một số công ty nước ngoài đã phải bỏ hợp đồng khai thác dầu hỏa với Việt Nam ở Biển Đông.

4/ Chiếm thêm đảo mỗi khi có cơ hội

Mỗi khi có cơ hội để chiếm đảo nào đó (mà không tạo ra phản ứng quốc tế quá gay gắt) thì Trung Quốc đã không bỏ qua. Trung Quốc đã thực hiện thủ thuật này với Việt Nam nhiều lần. Nếu để sơ hở, thì Trung Quốc sẽ chiếm thêm đảo của Việt Nam. Những đảo chìm (không nhìn thấy khi thủy triều dâng cao), không có nước nào để quân canh giữ, thì Trung Quốc cũng sẽ chiếm và biến thành đảo của mình.

5/ Chia để trị

Trung Quốc luôn muốn “đàm phán đôi bên” và phản đối “đàm phán đa phương”, vì từng bên riêng lẻ thì yếu thế hơn, dễ “bắt nạt” hơn. Nếu các bên kia đoàn kết được với nhau thì có sức mạnh lớn hơn, và như vậy thì “bất lợi” cho Trung Quốc. Trung Quốc sẽ luôn tìm cách ép các bên đi đến những thỏa hiệp nhượng bộ có lợi cho Trung Quốc. Các nước ASEAN phải thật đoàn kết với nhau thì mới hy vọng đọ lại được với Trung Quốc. Nhưng hiện tại chưa có sự đoàn kết chặt chẽ đó, vì Trung Quốc luôn tìm cách lợi dụng các điểm yếu của các nước để mua chuộc. Ví dụ như Miến Điện và Campuchia ngả về Trung Quốc. Ngay Việt Nam cũng đi theo “hệ tư tưởng cộng sản” của Trung Quốc khiến cho sự đoàn kết chặt chẽ với ASEAN hay liên minh với Âu Mỹ trở nên khó khăn.

6/ Uy hiếp quân sự

Chi phí quân sự hàng năm của Trung Quốc hiện nay đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Tất nhiên lực lượng quân sự của Trung Quốc chưa thể đọ với NATO, nhưng Trung Quốc đã trở thành mạnh nhất trong vùng, vượt lên trên Nhật Bản, và mạnh hơn hẳn ASEAN. Trung Quốc chủ yếu dùng sức mạnh này để “răn đe” các nước khác, chứ không thực sự muốn chiến tranh, mà muốn đạt được các tham vọng bằng các “sức mạnh mềm” hơn, thông qua kinh tế, ngoại giao, tuyên truyền, mua chuộc, v.v.

Rất ít khả năng Trung Quốc gây chiến đường bộ với Việt Nam, vì làm như vậy sẽ mang tiếng trên trường quốc tế, và có thể bị sa lầy nếu chiếm Việt Nam bằng quân sự. Thay vì đó, Trung Quốc sẽ chủ yếu “điều khiển” Việt Nam bằng kinh tế. Nếu có chiến tranh, thì chỉ là chớp nhoáng cục bộ để chiếm mấy vùng biển có thể khai thác được.

7/ Các đòn về kinh tế, ngoại giao, tuyên truyền, v.v.

Vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế tăng lên, với tư cách chủ nợ của toàn thế giới, xưởng sản xuất của toàn thế giới, và thị trường lớn nhất thế giới, khiến cho các nước khác không muốn làm mếch lòng Trung Quốc, và điều này tạo thuận lợi cho việc chiếm Biển Đông. Trung Quốc trở thành một đối tác rất quan trọng đối với phần lớn các nước, và có nhiều “bạn thân” trong các chính phủ ở khắp mọi nơi. Có thể hình dung là nhiều nước (đặc biệt các nước được nhận “viện trợ” của Trung Quốc, ví dụ như các nước châu Phi) thậm chí ngã hẳn về Trung Quốc, sẵn sàng ủng hộ Trung Quốc trên trường quốc tế trong tranh chấp Biển Đông.

Về mặt tuyên truyền, Trung Quốc sẽ không bỏ lỡ các cơ hội đưa hình “bản đồ lưỡi bò” lên các tạp chí và phương tiện thông tin khác trên thế giới, để nhằm làm cho mọi người coi rằng Biển Đông là của Trung Quốc thật. Một ví dụ nhỏ gần đây, là một bài báo khoa học năm 2011 của các tác giả Trung Quốc trên một tạp chí quốc tế về vấn đề xử lý nước thải ở 8 thành phố lớn của Trung Quốc, không có liên quan gì đến Biển Đông, nhưng cũng cho cái bản đồ Trung Quốc có hình lưỡi bò vào trong bài báo. Có thể hình dung là, Trung Quốc chi rất nhiều tiền cho các nhà khoa học với mục đích “chứng minh” Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc.

8/ Quĩ đạo Trung Quốc

Trung Quốc thậm chí có thể ví như là “lỗ đen” theo nghĩa thiên văn học: nó có sức hút quá lớn, ai bị hút vào đó thì rất khó bật ra.

Việt Nam càng nằm sâu trong “quĩ đạo Trung Quốc” thì việc chiếm Biển Đông của Trung Quốc càng thuận lợi. Trung Quốc sẽ tiếp tục “tăng cường sự hợp tác giữa hai đảng” đối với Việt Nam, tiếp tục “viện trợ” cho Việt Nam, tiếp tục tìm cách chiếm các dự án lớn nhất của Việt Nam, v.v.

N. T. D.

Nguồn: zung.zetamu.net

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn