Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa: Quốc hội nên ra nghị quyết về Biển Đông

clip_image002

Ảnh: V.DŨNG

Đ. Trang - V.V. Thành thực hiện

TT - “Tại kỳ họp đầu tiên, Quốc hội (QH) khóa XIII nên ra nghị quyết liên quan đến tình hình Biển Đông”- ông Nguyễn Tấn Tuân (Phó bí thư thường trực, Trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh Khánh Hòa) nói trong cuộc trao đổi với Tuổi trẻ bên lề kỳ họp QH.

* Chính phủ đã giao các bộ ngành có liên quan chuẩn bị, trình báo cáo về tình hình Biển Đông thời gian gần đây và chủ trương xử lý của ta, đồng thời chuẩn bị trình bày trực tiếp tại một phiên họp trong kỳ họp QH. Như vậy sau khi nghiên cứu báo cáo này, việc QH có ra nghị quyết về vấn đề này hay không còn phụ thuộc vào các đại biểu?

- Tôi cho rằng nếu QH ra nghị quyết về vấn đề Biển Đông để khẳng định chủ quyền của Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc và chế độ pháp lý đã được luật pháp quốc tế xác định, trong đó có Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982, đồng thời thể hiện được tâm tư, tình cảm của người dân nước ta đối với vấn đề chủ quyền biển đảo.

* Cử tri đã gửi gắm đến đoàn đại biểu QH tỉnh Khánh Hòa và cá nhân ông điều gì về chủ đề này?

"Người dân rất quan tâm đến việc bảo vệ chủ quyền trên biển Đông, xem đây là chiến lược quan trọng để phát triển đất nước"

Ông Nguyễn Tấn Tuân

- Qua các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp cho thấy người dân rất quan tâm đến việc bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông, xem đây là chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, đồng thời kỳ vọng chúng ta sẽ làm giàu từ biển và mạnh lên từ biển. Nhiều bậc lão thành cách mạng và người dân đã bày tỏ lo lắng, nói tại sao biển của mình, trời của mình mà ra đánh cá lại gặp tàu nước khác ngăn cản?

* Nếu QH ra nghị quyết về Biển Đông thì nên có những nội dung nào, theo ông?

- Việc đầu tiên là cần khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Tiếp đó cần đưa ra định hướng về các chương trình phát triển kinh tế biển đảo, xem quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những đơn vị hành chính để phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế và xã hội. Việc phát triển kinh tế biển hiện nay có nhiều vấn đề cần tính toán, ví dụ như đánh bắt, khai thác, nuôi trồng, chế biến như thế nào đều phải hết sức cụ thể.

* Cá nhân ông có dự định phát biểu ý kiến nêu trên của mình trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội?

- Ngay từ QH khóa XII đã có đại biểu đề nghị QH nên có phiên thảo luận chuyên đề về Biển Đông. Tôi nghĩ rằng QH nên có chương trình hành động để phát triển kinh tế biển đảo nói chung.

* Về phía tỉnh Khánh Hòa đã triển khai những công việc nào liên quan đến Biển Đông nói chung và huyện đảo Trường Sa nói riêng?

- Chúng tôi đang tập trung tuyên truyền những vấn đề liên quan đến Biển Đông cho người dân, nhất là ngư dân, cùng với đó hình thành các đội tàu đánh bắt xa bờ. Chúng tôi cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, chúng ta phải làm đồng bộ cả khai thác, bảo quản, chế biến và nuôi trồng. Đối với các lĩnh vực như giáo dục và y tế thì Khánh Hòa đã đầu tư xây dựng trường học, cử y bác sĩ trong đất liền ra làm việc tại các trạm xá ngoài đảo. Vừa rồi đã có nhiều bác sĩ ra công tác để trực tiếp giúp đỡ ngư dân trong chữa bệnh, sinh nở... Riêng về giáo dục thì chúng ta đang phấn đấu để các cháu có điều kiện học hết trung học (hiện nay là tiểu học - PV) và sau đó sẽ tính tiếp.

Mới đây Tỉnh ủy đã sơ kết việc thực hiện nghị quyết về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội khu vực vịnh Cam Ranh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, trong đó có nội dung về sự liên kết giữa Cam Ranh với Trường Sa.

Nhân đây tôi cũng xin được hoan nghênh sáng kiến “Góp đá xây Trường Sa” của Tuổi trẻ. Đây là một chương trình giàu ý nghĩa. Có thể nói báo Tuổi trẻ là một trong những cơ quan truyền thông đi đầu trong việc phát động các chương trình có liên quan nhằm cổ vũ người dân, nhất là các bạn trẻ, hướng về biển đảo quê hương. Thông qua chương trình của báo Tuổi trẻ, chúng ta có thể thấy rằng các bạn trẻ hôm nay luôn trân trọng những giá trị truyền thống cha ông để lại. Tôi được biết Tỉnh đoàn sẽ có chương trình để tham gia “Góp đá xây Trường Sa”.

* Ông có gợi ý nào cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa” và theo ông, hiện nay Trường Sa đang chờ đợi những gì từ đất liền?

- Tôi mới đi Trường Sa cách đây hai tháng, hầu hết các đơn vị hành chính ở đây đều cơ bản đã đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, điện, đường, trường, trạm rất tốt. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế của huyện đảo Trường Sa đang đặt ra nhiều vấn đề cần có sự quan tâm, góp sức của cả nước. Chúng ta có ngư trường rộng nhưng tổ chức đánh bắt thế nào, rồi bảo quản, chế biến ra sao để có thể xuất khẩu tại chỗ hoặc đưa về đất liền tiêu thụ... tất cả đều cần được làm tốt hơn. Rồi cũng cần quan tâm đến các chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển và giữ biển. Hay là việc tổ chức sản xuất trên đảo, các chương trình nuôi bò, nuôi dê, nuôi heo... đang đòi hỏi đầu tư rất lớn. Ở đây cần có một quy hoạch tổng thể để tránh đầu tư dàn trải. Du lịch ra Trường Sa rất thuận lợi, hiện nay có thể đi trực thăng hoặc nếu đi tàu chỉ mất 2-3 ngày.

Ra Trường Sa mới thấy người dân mình rất yêu nước. Chúng tôi tiếp xúc với 21 hộ dân gồm 80 khẩu, hầu như ai cũng một lòng sẵn sàng hy sinh để bám trụ, tất cả vừa là ngư dân vừa là chiến sĩ. Nhiều cháu được sinh ra và lớn lên tại huyện đảo này đã được bố mẹ đặt tên là Tiên Nữ, là Trường Sa... Nhiều gia đình đề nghị tiếp tục đưa dân và trí thức trẻ ra Trường Sa. Vừa qua chúng tôi đã bố trí ba cán bộ khung là trí thức trẻ gồm có Phó bí thư Đảng ủy xã, Phó chủ tịch UBND xã và Phó chủ tịch MTTQ.

Đ.T. - V.V.T.

Nguồn: tuoitre.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn