Văn học nghệ thuật của lòng yêu nước

Phạm Xuân Nguyên

(Bài phát biểu tại Đại hội lần thứ XI Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, ngày 6-7/7/2011)

clip_image001

Nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đọc những bài thơ ái quốc trong cuộc biểu tình phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc, trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội sáng 12.6.2011

Lời dẫn của Trần Nhương.com: Bài tham luận này Phạm Xuân Nguyên đọc sáng nay tại diễn đàn đại hội Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, trước các vị lãnh đạo thành phố và các đại biểu tham dự. Nghe nói khi phát biểu, ông Phạm Quang Nghị, Bí thư thành ủy có ý kiến trao đổi cùng Phạm Xuân Nguyên. Tiếc rằng lúc đó Trần Nhương không có mặt để thông tin những gì ông Nghị nói.

Những ngày này Biển Đông đang làm nổi sóng yêu nước của những người dân Việt Nam. Yêu sách phi lý về đường lưỡi bò chín đoạn trên biển và những hành động trắng trợn, ngang ngược của phía Trung Quốc đối với các tàu bè và ngư dân Việt Nam đang hoạt động, làm ăn trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình đã khiến toàn thể dân ta bất bình, phẫn nộ và kiên quyết đấu tranh, phản đối. Những cuộc biểu tình của nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ, đã diễn ra ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, biểu lộ tinh thần dân tộc, lòng yêu nước mạnh mẽ, đòi Trung Quốc phải tôn trọng chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, phải trả lại Hoàng Sa và những đảo bị chiếm đóng bất hợp pháp ở Trường Sa. Điều này càng khẳng định lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhận chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.

Chúng ta đang đấu tranh bằng con đường hòa bình, bằng ngoại giao nhân dân và nhà nước. Trong cuộc đấu tranh này, cần đến sức mạnh của văn học nghệ thuật và quả thực vũ khí văn nghệ đã và đang tác dụng mạnh mẽ. Có đi tuần hành, biểu tình cùng nhân dân, mới thấy lời thơ tiếng hát có tác dụng đến thế nào trong sự biểu lộ tình cảm yêu nước và ý chí tập thể của cả khối người đông đảo sát cánh bên nhau đoàn kết quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của non sông tổ quốc. Những bài hát Quốc ca, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Thanh niên làm theo lời Bác, Dậy mà đi, Nối vòng tay lớn, Lên đàng, Hát mãi khúc quân hành... đã được hát vang trên các ngả đường ở hai đầu đất nước. Một hoàn cảnh lịch sử mới đòi hỏi các văn nghệ sĩ có những tác phẩm mới đi vào lòng công chúng và giúp cho công chúng bày tỏ được những khát khao, nguyện vọng của mình đối với quê hương, đất nước. Cho nên gần đây không có gì ngạc nhiên là những bài hát về biển đảo lại được tìm nghe nhiều đến vậy, nhất là bằng vào con đường lan truyền và chuyển tải trên mạng internet.

Cùng với nhạc, thơ cũng lên đường với nhân dân, như truyền thống bao đời của văn chương nước Việt. Bài thơ “thần” tương truyền của Lý Thường Kiệt đã được khắc ghi trên đảo Đá Tây giữa mênh mông sóng nước của vùng biển Trường Sa thiêng liêng. Ai đã một lần được đi ra quần đảo này, được tận mắt đọc lại bài thơ Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam trên đảo, đều thấy máu mình chảy mạnh hơn, lòng mình thương nước thương dân hơn. “Nam quốc sơn hà Nam đế cư / Tiệt nhiên định phận tại thiên thư / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” – đó là lời thề bảo vệ giang sơn và chủ quyền đất nước của muôn đời muôn triệu người dân Việt. Lời thề ấy đã lại vang lên dõng dạc, hùng hồn tại vườn hoa Chi Lăng (Hà Nội) sáng 12/6/2011 trong tiếng đồng thanh đọc to của đoàn người biểu tình.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Hà Nội, trong những ngày này đã có bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” đầy lo lắng, thương cảm nước non, khơi gợi tình cảm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam yêu nước, từ người lãnh đạo đến người dân thường. “Nếu tổ quốc hôm nay nhìn từ biển / Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng / Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa / Trong hồn người có ngọn sóng nào không?”. Bài thơ đã nhanh chóng được lan truyền, tiếp nhận, được phổ nhạc thành mấy bản, được đọc lên, hát lên khắp nơi, truyền thêm tinh thần, ý chí yêu nước, giữ nước cho bao người, nhất là những người trẻ. Nhanh nhạy, kịp thời và sâu sắc – ý thức công dân và cảm xúc thi sĩ đã cho nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trong một lần đi trại sáng tác ở Hải Phòng, chỉ nghe Bộ tư lệnh Hải quân nói chuyện về biển đảo, đã bật lên ngay những tiếng thơ xa xót, mạnh mẽ này. Không thể nào khác được, trái tim nhà thơ luôn đập cùng nhịp trái tim nhân dân. Các văn nghệ sĩ luôn ở trong đồng bào mình và luôn thường trực nói lên những nỗi niềm âu lo của đồng bào trước vận mệnh nước nhà, đặc biệt là những khi sơn hà nguy biến. “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi” – câu thơ Xuân Diệu là tuyên ngôn sống và sáng tác của văn nghệ sĩ Việt Nam, của văn nghệ sĩ Hà Nội.

Những ngày này Biển Đông đang nổi sóng, biên giới trên biển đang nóng lên do những hành động gây hấn của Trung Quốc. Thực sự, Biển Đông chưa bao giờ lặng sóng trong âm mưu độc chiếm của kẻ láng giềng to lớn phía Bắc. Đầu năm 1974, Trung Quốc đã cho quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Những người lính Sài Gòn khi đó đã ngã xuống, lấy máu mình khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Gần đây nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã có bài thơ  “Người anh hùng họ Ngụy” viết về một người lính hy sinh ở Hoàng Sa năm ấy: “Người yêu nước không thể nào là ngụy / Người chết vì nước như anh không thể nào là ngụy / Nhưng anh: là Ngụy Văn Thà / Anh - Hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo / Lao thẳng vào tàu giặc cướp / Tên anh còn mãi với Hoàng Sa / Biển vật mình thét đại bác / Giặc bủa vây chiến dịch biển người / Lửa dựng trời dìm tàu giặc / Máu anh cùng đồng đội ngời ngời / Ôm chặt tàu / Ôm chặt đảo / Anh hóa thành Tổ Quốc giữa trùng khơi.” Hai tháng sau sự kiện Hoàng Sa, từ Sài Gòn nhà thơ Tô Thùy Yên đã viết bài thơ “Trường Sa hành” khẳng định sự có mặt của Việt Nam ở đảo này: “Trường Sa! Trường Sa! Đảo chếnh choáng! / Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề / Lính thú mươi người lạ sóng nước / Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi”.

Hơn ba mươi năm trước, Trung Quốc đã gây chiến tranh với Việt Nam ở biên giới trên bộ. Nhà thơ Chế Lan Viên với cảm xúc “Những bài thơ đánh giặc” của mình đã có ngay những vần thơ trầm mặc bi hùng:

Ôi ta yêu đến đau thương Tổ Quốc của mình

Biên giới đã đứng lên diệt thù thay Tổ Quốc

Nơi cao điểm nhất, ngày cao điểm nhất, giờ cao điểm nhất

Ôi, những rừng không tuổi, suối không tên

Thơ chửa từng ghi, sử có khi quên

Nay một phút máu anh hùng đỏ rực

Trên nghìn non cao ấy có xương thịt con em ta trên mỗi chốt.

Mỗi ngọn cỏ, nhành cây, muôn thuở hóa thiêng liêng

Họ dâng tất cả cho Tổ Quốc mà, đâu có để gì riêng?

Nghìn năm sau nhìn về đây xin hãy rất trang nghiêm

Giữ sông núi là giữ bằng máu xương ta từng tấc đất

 

Bây giờ, giữa trùng khơi, trên những hòn đảo nhỏ - những giọt máu của non sông ngoài biển cả, những thanh niên trai tráng của nước Việt đang đem thân mình chắn sóng dữ ngoại bang, bảo vệ toàn vẹn vùng biển, vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của đất nước. Máu họ đã đổ trước sự bạo tàn, dã man của kẻ thù, như sự kiện ngày 14/3/1988 tại Cô Lin – Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, 64 sĩ quan và chiến sĩ hải quân Việt Nam đã bị tàu chiến Trung Quốc tàn sát. “Máu các anh không thể nào tan được / Giữa lớp lớp trùng khơi sóng vỗ bời bời”, tôi đã viết như vậy khi đứng trên tàu HQ 936 tưởng niệm họ trong vùng biển Trường Sa. Mỗi chúng ta, là công dân, là người cầm bút, cầm cọ, cầm đàn, đừng để cuộc sống thanh bình đầy đủ tiện nghi vật chất trên đất liền, ở các thành phố, ở giữa thủ đô, che khuất tầm nhìn về hướng biển, về những người lính, người dân đang ngày đêm vật lộn với sóng nước, chống đỡ với những mưu toan thâm độc của kẻ láng giềng nước lớn hung hãn, đang lấy thân mình che cho tổ quốc khỏi cơn cuồng phong xâm lược có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Chúng ta, các văn nghệ sĩ thủ đô, hãy có thêm những sáng tác mới cho/vì người dân người lính nơi hải đảo, giữa trùng khơi. Đó là cách chúng ta biểu lộ lòng yêu nước của mình. Đó là cách chúng ta thể hiện sự phản đối âm mưu của kẻ xấu. Đó là cách chúng ta xứng đáng với danh hiệu “Hà Nội – thành phố vì hòa bình”.

Tôi đề nghị đại hội chúng ta ngay bây giờ hãy có một hình thức cụ thể bày tỏ tấm lòng của các văn nghệ sĩ thủ đô Hà Nội đối với đồng bào và chiến sĩ ở Hoàng Sa - Trường Sa, hai quần đảo thiêng liêng thuộc chủ quyền Việt Nam.

Hà Nội 4.7.2011

P.X.N.

Nguồn: xuandienhannom.blogspot.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn