Chính phủ VN sẽ hợp tác điều tra vụ Securency?

Việt Hà, Phóng viên RFA

Liên quan đến vụ đút lót quan chức Việt Nam của công ty in tiền Securency tại Úc, Phó tổng thanh tra chính phủ Trần Đức Lượng mới đây nói với báo chí trong nước rằng thanh tra đã phát hiện có những dấu hiệu chưa thực sự minh bạch trong việc này.

AUSTRALIA-BANK-CRIME-SECURENCY-INDONESIA-VIETNAM-MALAYSIA

Một cựu nhân viên từ một trong hai công ty in tiền liên quan đến Ngân hàng Trung ương Úc rời tòa án, sau khi bị buộc tội hối lộ các quan chức châu Á để bảo đảm các hợp đồng in tiền của họ, tại Melbourne vào ngày 1 tháng 7 năm 2011. AFP photo

Liệu lời tuyên bố này có phải là một dấu hiệu cho thấy chính phủ Việt Nam sẽ tích cực hơn trong việc điều tra các quan chức tham nhũng liên quan đến vụ Securency?

Nhận hối lộ

Trong khi cuộc điều tra của cảnh sát Liên bang Úc đối với vụ đưa hối lộ các quan chức nước ngoài của hai công ty Securency và NPA những tháng qua có nhiều tiến triển mới, thì tuyên bố muộn màng mới đây của ông Phó tổng thanh tra chính phủ Trần Đức Lượng về những dấu hiệu chưa thực sự minh bạch được phía Việt Nam phát hiện dường như lại đang cho thấy một cái nhìn khác về cuộc điều tra liên quan ở Việt Nam. 

Lời tuyên bố này của ông Phó tổng thanh tra được đưa ra chỉ vài ngày sau khi cảnh sát Liên bang Úc có cáo buộc tội đút lót quan chức nước ngoài đối với một vị cựu Tổng quản thương mại của công ty Securency. Ông này bị cáo buộc là đã tham gia giúp đỡ để thực hiện thanh toán khoảng 17 triệu đô la cho một trung gian Việt Nam, và giả mạo tài khoản thanh toán cho một hợp đồng khác ở Malaysia. Đây là người thứ 8 bị cảnh sát Úc cáo buộc tội đút lót cho các quan chức các nước châu Á trong vòng 2 tháng qua.

Vụ các quan chức của hai công ty Securency và NPA đút lót các quan chức nước ngoài để lấy được các hợp đồng in tiền polymer đã được báo chí Úc phanh phui từ năm 2009 với những bài báo điều tra của hai ký giả Nick McKenzie và Richard Baker của báo The Age. Ngay từ những bài báo đầu tiên, tên của ông cựu Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Lê Đức Thúy đã nổi lên khi công ty Banktek do con trai ông là Lê Đức Minh điều hành bị cáo buộc là đã nhận 10 triệu đô la tiền phí phiên dịch từ Securency. Báo chí Úc cũng chỉ đích danh ông Lê Đức Thúy nhận hối lộ từ Securency để cho con trai mình sang Anh học. Nhà báo Nick McKenzie cho biết vào hồi đầu năm nay như sau:

"Vừa rồi chúng tôi có viết một bài báo điều tra về ngân hàng Úc có tên là Securency thuộc Ngân hàng dự trữ trung ương Úc cung cấp tiền polymer cho Việt Nam. Để thắng được hợp đồng này, ngân hàng Securency đã hối lộ cựu Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Lê Đức Thúy, trả tiền cho con trai của ông ta được học ở một trường đại học có tên là Durham ở Anh".

Hồi đầu năm nay báo chí Úc cũng ước tính đã có khoảng 20 triệu đô la được đưa cho phía Việt Nam nhằm giúp Securency có được hợp đồng in tiền cho Việt Nam. Cũng theo các nhà báo Úc thì Đại tá An ninh Lương Ngọc Anh, Giám đốc công ty CFTD, công ty môi giới cho Securency ở Việt nam, đã nhận khoảng 15 triệu đô la. Lương Ngọc Anh được cho là có mối [quan hệ] khăng khít với nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ, đặc biệt là Bộ Nội vụ lúc đó.

Thậm chí báo chí Úc cũng cáo buộc công ty Securency đã dùng tiền để chi trả cho đoàn quan chức chính phủ Việt Nam sang các nước Nam Mỹ vào năm 2008 để thuyết phục các nước này in tiền polymer.

Vài tháng sau khi vụ Securency bị phanh phui và cảnh sát Liên bang Úc tuyên bố mở rộng điều tra, các nhà chức trách Việt Nam cũng mới chỉ đưa ra những lời phát biểu hết sức chung chung về khả năng một cuộc điều tra ở Việt Nam.

Trả lời báo VietnamNet vào tháng 11 năm 2009, ông Tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền nói ‘sự việc này đã được Thủ tướng giao cho cơ quan công an điều tra. Hiện tại, Thanh tra chính phủ chưa nhận được thông báo từ cơ quan điều tra nên tôi không bình luận’. Thậm chí ông còn nói ‘tất cả những thông tin phía Úc đưa ra mang tính chất tham khảo, khi tiếp nhận thì chúng ta phải xem xét đúng nguyên tắc. Thậm chí, có thể theo nước ngoài, người ta nói căn cứ đó là đủ, đó là phạm tội nhưng theo quy định pháp luật của Việt Nam như vậy chưa chắc đã phạm tội vì chưa đủ chứng cứ’.

Vẫn im hơi lặng tiếng

Cũng trong tháng 11 năm 2009, tại một phiên họp Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói ông đã giao vụ việc cho cơ quan chức năng tiến hành điều tra, một mặt yêu cầu Bộ Ngoại giao làm việc với bạn để được cung cấp thông tin. Phía Úc cũng trả lời điều tra. Khi nào có kết luận chính thức thì sẽ chuyển cho Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam cho đến lúc này theo tôi vẫn chưa hợp tác với phía Úc và họ chắc biết rõ là chính phủ Úc cũng như cảnh sát Úc đang mong chờ sự giúp đỡ từ phía họ mà họ vẫn không làm.

Nhà báo Nick McKenzie

Cho đến tháng 1 năm nay, tức là khoảng 2 năm sau khi cảnh sát Liên bang Úc tiến hành điều tra vụ Securency, người ta vẫn không nghe thấy một cuộc điều tra nào thực sự đang được tiến hành ở Việt Nam ngoài những lời phát biểu trước đó của ông Tổng thanh tra và Thủ tướng chính phủ.

Nhà báo Nick McKenzie nhận xét:

"Cho đến giờ tôi vẫn không thấy phía Việt Nam điều tra vụ này một cách nghiêm túc, không thấy bất cứ một báo cáo nào cho thấy những quan chức có dính líu đến vụ này bị thẩm vấn điều tra".

Đến tháng 7 năm nay, sau khi đã có 9 người bị bắt ở Úc và các nước khác do liên quan đến vụ đút lót của Securency, phía Việt Nam cũng không có hợp tác gì với Úc trong điều tra. Nhà báo Nick McKenzie nói tiếp:

"Chính phủ Việt Nam cho đến lúc này theo tôi vẫn chưa hợp tác với phía Úc và họ chắc biết rõ là chính phủ Úc cũng như cảnh sát Úc đang mong chờ sự giúp đỡ từ phía họ mà họ vẫn không làm".

Sau tất cả những cáo buộc mà báo chí Úc đặt ra đối với các quan chức Việt Nam và nhất là sau khi Úc bắt thêm một cựu quan chức cấp cao nữa của công ty Securency vì tội tham gia đút lót quan chức Việt Nam vào đầu tháng này, thì ông Phó tổng thanh tra chính phủ Việt Nam Trần Đức Lượng mới cho biết kết quả điều tra gần đây ở Việt Nam là phát hiện có những dấu hiệu chưa thực sự minh bạch và đã báo cáo Thủ tướng. Ông nói với báo Vnexpress là ‘thông tin trên báo chí nước ngoài chỉ là một kênh để các cơ quan chức năng của Việt Nam tham khảo... Australia truy tố theo pháp luật của nước họ. Việt Nam sẽ xem xét có vi phạm pháp luật Việt Nam hay không’.

Liệu có đủ "cơ sở pháp lý"

clip_image003

Ông Lê Đức Thúy, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN. AFP photo

Những gì đang diễn ra đối với vụ Securency ở Việt Nam làm người ta không thể không nhớ tới vụ PCI, trong đó 4 nhân vật chủ chốt của tập đoàn PCI của Nhật Bản đã thú nhận hối lộ 820.000 đô la cho các quan chức Việt Nam để được chọn làm nhà thầu, thực hiện một số dự án tư vấn phát triển hạ tầng ở Sài Gòn. Vụ án bị phanh phui từ khoảng giữa năm 2007 nhưng đến cuối năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời Quốc hội là vẫn chưa đủ cơ sở pháp lý để xử lý nghi án này.

Thậm chí sau khi 4 quan chức PCI bị Nhật Bản bắt và được báo chí Nhật loan tin rộng rãi, thì Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã yêu cầu phía Nhật ngừng đăng tin về vụ PCI trong lúc việc điều tra diễn ra. Ông còn cảnh cáo báo chí Nhật viết không khách quan, không đúng sự thật và cách viết như vậy không có lợi cho hai nước Việt Nam, Nhật Bản.

Cả hai vụ PCI và Securency đều giống nhau ở một điểm là trong khi việc điều tra ở nước ngoài đã có nhiều tiến triển, có nhiều căn cứ chắc chắn để đưa ra các cáo buộc và thực hiện các vụ bắt giữ thì tại Việt Nam, cuộc điều tra vẫn rất ‘từ từ’ để xem xét có vi phạm pháp luật Việt Nam hay không.

Để thắng được hợp đồng này, ngân hàng Securency đã hối lộ cựu Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Lê Đức Thúy, trả tiền cho con trai của ông ta được học ở một trường đại học có tên là Durham ở Anh.

Nhà báo Nick McKenzie

Với vụ PCI thì cuối cùng vào cuối năm 2008, Việt Nam đã có quyết định khởi tố vụ án nhận hối lộ đối với ông Huỳnh Ngọc Sỹ, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải và Giám đốc Ban quản lý Dự án đại lộ Đông Tây, Sài Gòn, người trực tiếp dính líu đến vụ nhận hối lộ. Ông này sau đó bị tuyên phạt chung thân với tội danh nhận hối lộ vào năm 2010. Tuy nhiên điểm quan trọng trong vụ án này là việc khởi tố ông Sỹ chỉ được đưa ra sau khi Nhật Bản gây sức ép lên chính phủ Việt Nam trong việc chống tham nhũng. Tại Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam diễn ra ở Hà Nội vào cuối năm 2008, Nhật loan báo tạm ngưng viện trợ ODA cho Việt Nam cho đến khi Việt Nam có những hành động ‘nhiều ý nghĩa’ để bài trừ tham nhũng trong các dự án đầu tư phát triển hạ tầng sử dụng vốn ODA.

Cho đến lúc này vẫn chưa thấy có những sức ép tương tự nào từ phía chính phủ Úc đối với Việt Nam liên quan đến vấn đề này. Thậm chí vào tháng 5 năm nay, phía Úc còn tuyên bố sẽ tăng hơn 8% ngân sách viện trợ phát triển cho Việt Nam trong tài khóa 2010 đến 2011.

Với những gì đang diễn ra và lời tuyên bố mới đây của ông Phó tổng thanh tra chính phủ, thật khó có thể biết được đến bao giờ thì cuộc điều tra những quan chức Việt Nam liên quan đến vụ Securency đến bao giờ mới thực sự có được những tiến triển mới.

V.H.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn