Loạt bài về công nhân Trung Quốc ở Quảng Nam, Cà Mau, Hải Phòng trên báo Tiền Phong

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Công nhân Trung Quốc, những hệ lụy buồn

Nam Cường – Nguyễn Thành

clip_image001

 

Nhóm công nhân Trung Quốc ngồi tán chuyện trên công trường xây dựng Thủy điện sông Bung. Ảnh: Nam Cường

 
TP - Hàng trăm công nhân Trung Quốc đã và đang làm việc trên các công trình thủy điện ở Quảng Nam gây ra không ít hệ lụy buồn cho người lao động và đời sống của bà con địa phương.

Bị ép trên sân nhà

Hàng trăm lao động Việt Nam đang làm thuê cho nhà thầu Trung Quốc xây dựng công trình thủy điện sông Bung 4 (thôn Pà Lừa xã Tà Bhing, Nam Giang) đang bị đối xử rất bất công về giờ làm và lương thưởng. Người Việt đang bị giới chủ Trung Quốc o ép ngay trên sân nhà…

Qua 3 vòng kiểm soát, chúng tôi mới vào được khu lán trại của công nhân Trung Quốc ở giữa rừng, bên cạnh nhà máy thủy điện Sông Bung 4 đang được thi công ngày đêm. Tất cả biển báo vào công trình đều bằng chữ Trung Quốc. Lao động Trung Quốc hiện chiếm đa số ở đây, với 296 người, phần lớn là lao động phổ thông.

Tại khu nhà ở của đội vàng (đội lái xe màu vàng), 2 dãy nhà 2 tầng, trong đó công nhân Việt Nam ở tầng trên của một dãy, số còn lại là lao động Trung Quốc. Nguyễn Xuân Hùng (Yên Thành – Nghệ An) chuẩn bị vào làm ca chiều lúc 13h30, nói: Không có thời gian mà chợp mắt giấc trưa tí anh ạ. Làm quần quật cả ngày, toàn việc nặng.

Theo Hùng, khoảng 10 tài xế người Nghệ An làm cho đội vàng, cứ một xe 2 tài thay đổi nhau lái 3 ca, cả ngày lẫn đêm. Thời gian làm bắt đầu từ 6h30 sáng đến 11h30 trưa, buổi chiều đổi ca, làm từ 13h30 tới 18h30 tối, ca đêm lại đổi sang tài xế ban sáng, chạy từ 19h đến tận 22h30 đêm.

Ngày hôm sau đổi ngược lại. Đa phần anh em ở đây mỗi ngày làm trên 9 tiếng, quần quật liên tiếp như thế, không có bất kỳ ngày nghỉ nào trong tháng, nói gì đến thứ Bảy hay Chủ nhật.

Mỗi tháng, các tài xế được nhận 6 – 7 triệu đồng. Tuy nhiên, đối với anh Trần Thanh Hiếu (Nghệ An) thì đó là số tiền quá bèo so với công sức nặng nhọc bỏ ra, đặc biệt so với mức lương mà công nhân Trung Quốc được hưởng với công việc tương đương hoặc nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

“Công nhân Trung Quốc làm những việc đơn giản hơn bọn tôi nhiều, họ chỉ đảm đương phần uốn sắt, làm kè, xây tường hay sửa xe… mà lương của họ phải 10 - 15 triệu đồng/tháng. Cá biệt, có những tháng, nhận 21 triệu đồng/người. Chúng tôi nhìn mà thèm” - anh Hiếu nói.

Tôi hỏi, sao không phản ánh, đấu tranh gì, cả nhóm trố mắt: Phận làm thuê, chủ trả sao nhận vậy. Lộn xộn họ đuổi liền. Làm việc ở đây không có chuyện thắc mắc hay kiến nghị gì cả. Chỉ cần một sai sót là lập tức bị đuổi.

Theo anh Hiếu, đã có 3 – 4 trường hợp bị nhà thầu Trung Quốc đuổi việc vì lỡ xảy ra sai sót nhỏ. “Làm nhiều thế, nhưng chỉ cần chúng tôi về sớm một chút hoặc dậy muộn là ngay lập tức bị chửi. Còn phía công nhân Trung Quốc, anh sang mà nhìn”.

14h30, khi nhóm lao động Việt Nam đã làm được 1 giờ đồng hồ thì nhóm công nhân Trung Quốc mới lục tục dậy, mặc quần áo, chỉnh trang ra công trường. Thay vì làm ngay, nhóm này đủng đỉnh ngồi lại hút thuốc, tán chuyện râm ran. Chúng tôi kiên nhẫn chờ. Mất đúng 30 phút nữa, họ mới bắt đầu làm việc thực sự.

clip_image002

 

Tình cảnh trái ngược

Lán trại lao động Việt Nam xây dựng kè đá tại công trường thủy điện sông Bung 4, khi bước vào, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự tiều tụy, thiếu thốn nơi đây. Trái hẳn với những dãy nhà của công nhân Trung Quốc, khu lán trại của công nhân ở đây được tận dụng từ kho chứa vật liệu nhà máy.

Một dãy lán được lợp bằng tôn, nóng hừng hực. Nhóm công nhân gồm 6 người đang nghỉ trưa tại lán. Để có giấc ngủ trưa, tất thảy phải cởi áo, nằm la liệt trên những tấm ván gỗ nối dài. Không điện, không nước sinh hoạt, thiếu thốn đủ bề. Tất thảy ở đây đều không có hợp đồng lao động, bảo hiểm, bảo hộ.

Chị Mai Thị Bảy quê ở huyện Quế Sơn (Quảng Nam) làm công việc nấu ăn cho công nhân, nói: “Nấu nướng người Việt mỗi tháng được trả 1,5 triệu đồng, còn nấu cho người Trung Quốc cao hơn nhiều, nhưng chỉ có người Trung Quốc nấu thôi. Anh em ở đây ăn uống kham khổ lắm.

Gạo đắt, tính ra mỗi bữa khẩu phần thức ăn của công nhân chỉ có 6 ngàn đồng. Nhiều hôm đi chợ chia không ra. Quy định là thế mà, thấy anh em khổ mà thương”. Khẩu phần ăn của công nhân chỉ bao gồm cơm, canh rau và ít cá thịt, tất cả được nấu bằng nước suối, nước mưa do chị Bảy hứng.

Nhiều anh em công nhân làm được vài ba hôm, cực khổ, thu nhập thấp nên bỏ về. Ốm đau như cơm bữa nhưng không hề có thuốc men. Chị Bảy bất đắc dĩ trở thành thầy thuốc. “Thấy anh em đau ốm là cho uống kháng sinh, đau bụng thì cho uống Becberin. Nặng quá thì xin nghỉ đưa xuống trạm xá xã”.

Anh Lê Đình Đoàn (32 tuổi) quê ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa) nhờ người quen xin vào làm công nhân xây dựng kè đá. Khi vào làm, anh mới té ngửa: làm thủy điện khổ hơn làm thợ hồ ở ngoài. Nhưng vì lỡ lặn lội đường xa vào đây, nên anh và nhiều anh em khác gắng làm.

“Giờ không làm lấy chi nuôi vợ con. Làm ngày 9-10 tiếng giữa nắng mưa, mỗi tháng cũng chỉ được hơn 3 triệu đồng. Công nhân Trung Quốc làm việc giống bọn em nhưng lương lại gấp 2 – 3 lần. Nhiều lần kiến nghị nhưng đâu có được”.

Anh Đoàn và ba anh em khác ở cùng quê vào đây được hơn 3 tháng. Ban đầu nhóm thợ xây kè đá tại lán có 17 người nhưng rồi ốm đau, thuốc men không có nên đã bỏ về, rơi rớt lại còn 6 người cầm cự, ai cũng ốm yếu và xanh xao.

“Cũng một công việc, bọn em là lao động phổ thông nhưng thấy bất công quá. Nhà thầu Trung Quốc cứ lấy lý do bất đồng ngôn ngữ, trái ý là đuổi bọn em. Công nhân Trung Quốc qua, tay nghề cũng có hơn gì bọn em đâu, vậy mà chỗ ở và chế độ ăn khác hoàn toàn” - Hùng (Bắc Trà My) nói.

Anh em công nhân ở đây cho biết thêm: làm việc trong môi trường cực khổ nhưng không hề được thưởng mà chỉ có bị phạt, vào các ngày lễ đều không được nghỉ, ốm đau tự lo thuốc men. Trong khi đó, lao động phổ thông người Trung Quốc thì hoàn toàn khác.

clip_image003

Em bé 2 tuổi có bố là công nhân Trung Quốc. Ảnh: Nam Cường

Luật chơi, phải chấp nhận (?)

Đó là khẳng định của ông Trương Thiết Hùng – Trưởng BQL dự án thủy điện Sông Bung 4. Theo ông Hùng, dự án thủy điện sông Bung 4 có tổng vốn đầu tư gần 5 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn vay của Ngân hàng Châu Á (ADB) đã gần 4 ngàn tỷ đồng (160 triệu USD).

“Vì là vốn vay của ADB nên họ giám sát kỹ, khi mời thầu công khai cũng theo luật quốc tế. Nhà thầu Sinohydro Corporation Limited (Trung Quốc) bỏ thầu rẻ nhất nên trúng. Họ đưa người của họ sang làm việc. Ngay lúc ký hợp đồng nhận thầu, cũng có điều khoản là khuyến khích sử dụng lao động địa phương nhưng không bắt buộc, bản thân chúng tôi cũng nhắc vấn đề này thường xuyên. Đây là luật quốc tế, đã là cuộc chơi thì phải chấp nhận thôi” – ông Hùng nói.

Khi được hỏi liệu BQL có biết là hàng trăm lao động ở sông Bung 4 là lao động “chui”, không có phép, ông Hùng cho rằng, đó là chuyện của nhà đầu tư với Sở LĐTB-XH tỉnh Quảng Nam.

Còn ông Võ Duy Thông – Phó GĐ Sở LĐTB-XH Quảng Nam cho biết: “Sở đã nghe thông tin phản ánh tình trạng lao động Trung Quốc tại nhà máy Thủy điện sông Bung 4 nhưng chưa kiểm tra thực tế nên chưa thể thông tin cụ thể. Chúng tôi sẽ thành lập đoàn để thanh kiểm tra tình hình lao động Trung Quốc tại nhà máy này và sẽ mạnh tay nếu có phát hiện sai phạm trong việc sử dụng lao động!”.

Lời ru buồn bên dòng A Vương

Gần 200 công nhân người Quảng Tây (Trung Quốc) của hai nhà thầu Quế Năng và Quế Võng thi công phần đập Dự án Nhà máy thủy điện Za Hưng tại huyện Đông Giang - Quảng Nam đã rút về nước từ tháng 8-2009. Trong 2 năm ở chung với dân địa phương, họ để lại không ít phiền toái, mà giờ đây, điệu ru buồn của thiếu phụ Kà Dâu vẫn ầu ơ bên dòng A Vương khi họ chạy tình, quất ngựa truy phong.

Nhà vợ chồng B. và A. nằm ngay ven đường Hồ Chí Minh, bên cạnh thủy điện Za Hưng, nhưng gặp được thật khó. Chờ cả buổi sáng, mới thấy A. gùi chuối ở rẫy về, phán câu xanh rờn: “Không chụp ảnh, không báo chí gì hết, con tui tui nuôi. Con Trung Quốc đấy!”.

Cả thôn Kà Dâu đều biết con gái thứ 2 của A. mang dòng máu của một công nhân người Quảng Tây hồi còn làm thủy điện Za Hưng. Anh A lăng Khía tỏ vẻ thông cảm: Nó xấu hổ lắm đó, giờ nó bất chấp, chẳng ai dám khơi lại chuyện buồn đâu. Chuyện rằng, không phải đợi đến lúc A. sinh đứa con gái thứ 2, dân làng mới biết quan hệ của cô với công nhân Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi đứa bé của một thiếu phụ Cơtu được sinh ra trắng trẻo, mắt một mí, giống người Quảng Tây như đúc thì cả làng Kà Dâu ngã ngửa. A. sống trong cô đơn bởi bà con hàng xóm xa lánh. Trưởng thôn B. Nướch A Gung là cháu gọi anh B. (chồng của A.) là chú ruột nhưng cũng đành theo lệ làng, không thể giúp gì hơn.

Chuyện mới 2 năm nên A Gung vẫn còn nhớ như in: Hồi đó công nhân Trung Quốc ở với dân bản đông lắm, họ vào thuê nhà, trả tiền hằng tháng nên hầu như gia đình nào cũng dọn phòng cho họ ở, chỉ riêng nhà B. không cho ở thì xảy ra chuyện. Mình nhớ tên nó là A Xuân, người Quảng Tây, tài xế xe chở đất hay chạy qua lại Kà Dâu, tối về thì ở nhà anh A lăng Khía.

A Xuân già lắm, đến hơn 50 tuổi chứ chẳng trai tráng gì, ai ngờ nó cả gan tán tỉnh vợ chú mình rồi làm điều xằng bậy. Từ ngày vợ sinh đứa con thứ hai, dù vẫn cho nó mang họ mình nhưng B. buồn lắm, bỏ nhà ra nhà gươl ngủ, uống rượu cả ngày. “Giờ về sống lại với nhau rồi, nhưng mình biết, chú B. chỉ vì đứa con gái lớn thôi, chẳng tha thiết gì nữa”.

Công nhân Trung Quốc rút đi, giờ đây dân làng Kà Dâu vẫn phàn nàn cách sinh hoạt của họ. Trưởng thôn A Gung tâm sự: May mà họ rút về sớm, không thì chả ai dám chắc một mình A. có con với họ.

N.C. – N.T.

Nguồn: tienphong.vn

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Góc tối Cái Tàu

Nguyễn Tiến Hưng

TP - Mỗi chiều chạng vạng, chợ Cái Tàu ở ấp 4, xã Khánh An (U Minh, Cà Mau) lại bắt đầu nhộn nhịp bóng công nhân Trung Quốc từ công trường xây dựng Cụm khí - điện - đạm Cà Mau bên kia sông đi đò sang. Đằng sau sự nhộn nhịp đến khuya của khu chợ sông nước ấy là góc tối xót xa...

clip_image004

Đò máy sang chợ Cái Tàu. Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng

Nhộn nhịp

Anh lái đò vừa chở công nhân Trung Quốc từ bến cảng Cụm khí - điện - đạm Cà Mau cập bờ chợ Cái Tàu, rỉ tai tôi: “Đây là công nhân lao động phổ thông, tiền lương ít nên qua chợ Cái Tàu nhậu nhẹt, tìm gái quê rẻ tiền”.

Một lúc, khi công nhân Trung Quốc đã lên hết trên bờ, vui chuyện anh kể tiếp: “Những người có lương cao, họ đi ra TP Cà Mau, xa thêm khoảng 14 km. Đêm qua, thằng em tôi làm công nhân trong đó, quen với công nhân Trung Quốc, được họ thuê chở xe máy đưa họ ra TP Cà Mau nhậu nhẹt, đưa gái vô khách sạn chơi cho tới 4 giờ sáng. Nó được trả công 500.000 đồng”.

Chợ Cái Tàu nằm ở ngã ba sông, từ xưa là nơi giao thương của người dân vùng U Minh và Thới Bình, nhộn nhịp, đậm nét thơ mộng văn hóa sông nước. Khi mở ra các công trình xây dựng Cụm khí - điện - đạm Cà Mau, chợ Cái Tàu thay đổi nhiều để phục vụ lượng công nhân đổ về đông đúc.

Có lẽ phải kể từ tháng 7-2008, Cty Cổ phần Khoa học kỹ thuật Ngũ Hoàn - Trung Quốc (WEC) trúng thầu xây dựng Nhà máy đạm Cà Mau. Ban quản lý Cụm dự án khí - điện - đạm Cà Mau cho biết, hiện tại Nhà máy đạm Cà Mau đang có 3.780 người làm việc, trong đó, lao động người Trung Quốc 1.733 người nhưng hơn 1.000 người không phép.

Công nhân Trung Quốc ăn nghỉ tại lán trại trên công trường. Thiếu tá Hứa Thanh Lạc, Đồn phó Đồn Công an Cụm khí - điện - đạm Cà Mau cho biết: “Công nhân Trung Quốc phần đông là lao động phổ thông. Khi ra vào cổng, họ xuất trình thẻ và ít đi xa, chủ yếu qua đò sang chợ Cái Tàu để mua sắm, nhậu nhẹt, chơi bời”.

Chợ Cái Tàu từ đó, thêm nhiều nhà trọ, quán nhậu có nhiều nữ tiếp viên và thức khuya hơn trước. Ông Quách Trường Giang, Công an viên ấp 4, xã Khánh An tâm sự: “Bà con ở chợ làm ăn có khá hơn chút nhưng tệ nạn mại dâm lại phức tạp, nhất là nữ tiếp viên khắp nơi về đây, son phấn nhộn nhịp từ chiều tối đến đêm khuya”.

Chỉ đoạn đường ngắn khoảng 1 km từ chợ Cái Tàu về hướng Biện Nhị, trung tâm huyện U Minh, đã thấy nhiều quán nhậu có bảng hiệu hoặc không, lấp ló sau vạt rừng tràm ven sông. Thấp thoáng bóng công nhân Trung Quốc và những cô gái son phấn, ngồi ăn nhậu nhiệt tình, xóa khoảng cách bất đồng ngôn ngữ.

clip_image005

Công trường xây dựng Nhà máy đạm Cà Mau

Ông Nguyễn Văn Út, Bí thư chi bộ ấp 4, xã Khánh An cho biết: “Những quán này dù không treo bảng hiệu, nằm xa chợ nhưng vẫn đông khách Trung Quốc tìm đến. Chủ quán vừa bán rượu bia, vừa có phòng kín đáo để khách tâm sự, vui chơi. Mới hôm rồi, quán nhậu của ông L.T bị Công an Cà Mau phát hiện chứa gái mại dâm, xử phạt gần 40 triệu đồng. Nổi tiếng chốn ăn chơi còn có quán ông T.X”.

Nỗi buồn

Anh chạy đò dọc dẫn tôi đến căn phòng trọ cho thuê tháng, đứng ngoài thì thầm kể: “Căn phòng này của cô K.D thuê ở để bán nước đóng chai cho công nhân trên công trường. Ban đêm, cô ấy thường rủ công nhân Trung Quốc về. Cô có chồng rồi nhưng mới bỏ, để lại ba con nhỏ cho mẹ chồng nuôi”.

clip_image006

Bến sông chợ Cái Tàu

Tôi tìm đến căn nhà của ba cháu nhỏ bị mẹ bỏ rơi ở khu tái định cư Khánh An, ấp An Phú, xã Khánh An. Ba cháu nhỏ đang sống với bà nội là bà Th., đứa lên bảy, đứa chưa dứt sữa. Bà Th. buồn bã kể, góa bụa hồi còn trẻ, nuôi hai con trai khôn lớn; một có vợ ra riêng ở xa, một là T. vừa bị vợ (cô K.D) bỏ. Bà Th. vừa với tay đưa võng ru đứa cháu nội vừa ngậm ngùi: “Mẹ nó bỏ đi khi thằng này vừa hơn thôi nôi”.

Anh T., 29 tuổi, làm công nhân trên công trường Nhà máy đạm Cà Mau, lương tháng khoảng 3 triệu đồng, vừa nuôi mẹ nuôi con vừa phải dành trả nợ bể hụi do vợ để lại.

Anh T. cho biết, khi mở ra công trình xây dựng Nhà máy đạm Cà Mau, cô K.D - vợ anh xin vào nấu ăn cho công nhân Trung Quốc; được hơn một tháng thì về nhà “xin” bỏ chồng, rồi dọn đồ ra thuê nhà trọ ở chợ Cái Tàu, ngày bán nước lọc, đêm “hoạt động bí mật”.

Anh T. buồn rầu, lấy nhau gần chục năm trước, bây giờ có gặp nhau ngoài công trường thì K.D cũng ngoảnh mặt ngó lơ không một lời hỏi han chồng con.

clip_image007

Bà Th. lại buồn bã tâm sự: “Bên gia đình sui gia tôi cũng buồn. Nghe người quen nói con dâu tôi bỏ chồng con vì quen biết với công nhân Trung Quốc mà thấy nhục nhã, xấu hổ lắm, không còn dám nhìn mặt ai”.

Chợ Cái Tàu từ đó, thêm nhiều nhà trọ, quán nhậu có nhiều nữ tiếp viên và thức khuya hơn trước. Ông Quách Trường Giang, công an viên ấp 4, xã Khánh An tâm sự: “Bà con ở chợ làm ăn có khá hơn chút nhưng tệ nạn mại dâm lại phức tạp, nhất là nữ tiếp viên khắp nơi về đây, son phấn nhộn nhịp từ chiều tối đến đêm khuya”.

N.T.H.

Nguồn: tienphong.vn

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Phố Trung Quốc ở Hải Phòng

Lam Khê

TP - Cùng huyện Yên Khánh – Ninh Bình và huyện Đông Triều – Quảng Ninh, ở huyện Thủy Nguyên – Hải Phòng cũng có Chinatown.

clip_image008

Biển hiệu tiệm tạp hóa ghi tiếng Trung Quốc Ảnh: Phạm Duẩn

Bỗng dưng thành phố Trung Quốc

Năm 2006, nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Hải Phòng 1 (ở xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên) được khởi công và bên trúng thầu toàn bộ là các doanh nghiệp của Trung Quốc. Hai xã thuần nông Tam Hưng và Ngũ Lão của huyện Thủy Nguyên bao đời yên ả trong lũy tre làng giờ ồn ào, xáo trộn hẳn khi hàng nghìn công nhân Trung Quốc ùn ùn kéo đến sinh sống... để làm lao động chân tay thi công nhà máy nhiệt điện.

Con đường chạy qua xã Ngũ Lão, Tam Hưng có lúc cả trăm hàng quán mọc lên, nào bia, tạp hóa, quán ăn nhậu, karaoke, mát-xa, cà phê, nhà nghỉ... Những người đi xa về làng giật mình tưởng lạc vào phố Trung Quốc vì các biển hiệu dù quán cóc rìa làng, quán bia hơi đến khách sạn, nhà nghỉ, tường rào, nhà máy... đều ghi chữ Trung Quốc. Nhà nào, quán hàng nào cũng treo đèn lồng đỏ Trung Quốc.

Tối tối, một vài quán cà phê đèn mờ được mở ra, vài em gái ăn mặc hở hang mời gọi công nhân Trung Quốc vào đấm lưng thư giãn. “Không ít lộn xộn, cãi cọ nhau về giá tiền “bo” mà cười ra nước mắt”, anh Hai (người dân địa phương) nói.

Vợ chồng anh Hòa chị Diễm thấy đông công nhân Trung Quốc liền mở tiệm bán tạp hóa và nhập toàn bộ hàng từ Trung Quốc về bán. Chị Hạnh bán hàng giúp vợ chồng anh Hòa kể: “Công nhân Trung Quốc làm ở đây hầu hết đều nghèo vì họ chỉ là lao động phổ thông. Mặc cả chặt chẽ lắm. Nói mỏi cả mồm có khi chẳng bán được thứ gì. Có nhóm mua chịu, sau, có tiền trả sòng phẳng. Cũng có người sắp hết đợt lao động phải về nước mua hàng chịu xong chuồn luôn...”.

Chiều chiều, cả nghìn công nhân Trung Quốc từ công trường túa ra đường cởi trần trùng trục, áo vắt vai. Hầu hết, họ ở trong khu nhà tập thể do nhà thầu Trung Quốc xây dựng cạnh công trường. Tuy nhiên, cả trăm công nhân là các toán thợ nhỏ lẻ vào Việt Nam bằng hộ chiếu du lịch thì thuê các nhà dân xung quanh công trường để ở. Gia đình ông Lại Văn Đấu (xóm 6, xã Tam Hưng) cho thuê hẳn dãy nhà hai tầng. Khoảng chục công nhân Trung Quốc chiều chiều về lại nổi lửa nấu ăn, cởi trần lang thang khắp làng, bắc ghế ngồi ngay đường làng ngắm chị em qua lại chờ đến giờ ăn.

Nhà anh Nguyễn Văn Cường (ở xóm 6, xã Tam Hưng) cũng vậy. Anh Cường nói: “Nhà em có căn nhà nhỏ cho 2 công nhân Trung Quốc thuê một tháng cũng được 500 nghìn đồng. Họ cũng hiền lành, nghèo. Ở xã Tam Hưng này có đến cả chục gia đình có nhà cho công nhân Trung Quốc thuê”. Vợ chồng anh Chính chị Mì (ở xã Tam Hưng) cũng có ngôi nhà hai tầng nhỏ cho công nhân Trung Quốc thuê. Chị Mì còn bán thêm hàng phục vụ bà con trong làng và các công nhân Trung Quốc này...

Số lượng công nhân Trung Quốc lao động tại NMNĐ Hải Phòng cụ thể là bao nhiêu người, theo giấy phép nào và có đúng quy định không thì không cơ quan chức năng nào ở Hải Phòng trả lời được cụ thể, chính xác. Lãnh đạo huyện Thủy Nguyên nói là thẩm quyền, chức năng do sở LĐTB và XH quản lý theo dõi. Còn bà Lê Ngọc Lan (trưởng phòng Lao động Tiền lương, sở LĐ-TB&XH Hải Phòng) lại nói, không có báo cáo cụ thể, chỉ có số liệu của bên BQL dự án nói là hiện có khoảng 700 công nhân gì đó.

Thực ra, BQL dự án NMNĐ lại không thể biết là có bao nhiêu công nhân Trung Quốc đang làm việc tại công trường vì không có quyền yêu cầu nhà thầu Trung Quốc báo cáo. Vì vậy, con số công nhân Trung Quốc ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng vẫn chưa được tính đến chính xác mà chỉ ước lượng qua nhiều nguồn thông tin. Được biết, số lượng công nhân Trung Quốc tập trung lao động tại NMNĐ Hải Phòng lúc đông nhất là khoảng 2.500 người vào năm 2008.

Kiếm tiền, kiếm vợ

Được người dân chỉ lối, rẽ vào nhà ông Đoàn Văn Ngọc (52 tuổi, ở thôn 6, xã Ngũ Lão), tôi gặp được con gái ông Ngọc lấy chồng là công nhân Trung Quốc lao động ở NMNĐ Hải Phòng. Đó là chị Đoàn Thị Bích (22 tuổi).

clip_image009

Chị Bích và cậu con trai với công nhân Trung Quốc

Chị Bích vừa bế con từ nhà chồng ở thành phố Liễu Châu (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) về nhà bố mẹ đẻ. Bé trai mới 2 tuổi tên là Chấn Hàn. Chồng của Bích tên là A Han, hơn vợ 10 tuổi. Vừa xúc cháo cho con, chị Bích vừa kể: “Học xong lớp 12, hay đi chơi với chúng bạn cùng làng rồi qua người này người kia giới thiệu, bắt mối, em quen anh A Han. Anh A Han sang lao động ở NMNĐ từ năm 2007 làm thợ hàn...”. Mới lấy nhau, ngôn ngữ bất đồng, vợ chồng Bích chỉ nói chuyện với nhau bằng tay là chính. Từ lúc lấy được cô vợ Việt, A Hàn liền bỏ luôn khu nhà ở tập thể của công nhân Trung Quốc mà về ở rể luôn nhà ông Ngọc.

Sau khi sinh con, chị Bích bế con về nhà chồng còn A Han vẫn ở nhà ông Ngọc và hằng ngày vào công trường lao động. Tò mò hỏi ông Ngọc, không biết tiếng Việt thì A Han hòa nhập gia đình kiểu gì, ông Ngọc nói: “Nó là con rể mình. Thôi thì chúng nó lấy nhau là do duyên số. Cứ đến bữa ra hiệu gọi nó ra ăn cơm. Được cái nó hiền lành, có gì ăn nấy. Nó cũng chẳng đóng góp gì cả. Mà không quan trọng, nó là con rể mình mà...”.

A Han được gia đình bố mẹ vợ dành cho cái gian ngang hơn chục mét vuông để ở. “Gia đình nhà chồng ở bên Trung Quốc cũng bình thường, nghèo cả. Em vẫn sống bình thường với mọi người tuy phải ra hiệu là chính vì vốn tiếng Trung còn ít. Ngày 22-8 này, vợ chồng em về Trung Quốc”, chị Bích nói.

Cùng thôn 6, xã Ngũ Lão, chị Đỗ Thị Thêm (25 tuổi) lấy một anh công nhân Trung Quốc lao động ở NMNĐ Hải Phòng tên là Lí Phửng (34 tuổi, ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Lấy nhau xong, chị Thêm về nhà bố mẹ chồng sinh sống dù vốn tiếng Trung chỉ biết vài câu giao tiếp thông thường. Mới cưới được 5 năm, chị Thêm đã kịp sinh hai cậu con trai 4 tuổi và 1 tuổi. Ngay sau khi cưới, anh Lí Phửng bỏ nhà tập thể công nhân Trung Quốc về ở hẳn luôn nhà chị Thêm. Hằng ngày, Lí Phửng vào công trường lao động, tối về nhà bố mẹ vợ ăn cơm, ngủ còn chị Thêm thì biền biệt với đám con ở nhà chồng tận Trung Quốc. Thỉnh thoảng, Lí Phửng về Trung Quốc thăm vợ con, bố mẹ.

“Thêm lấy Lí Phửng nhờ người quen mai mối. Lí Phửng làm thợ hàn trong NMNĐ rất muốn lấy vợ Việt Nam nên khi Thêm đồng ý là Phửng cưới luôn. Gọi là cưới nhưng toàn họ nhà gái thôi. Bố mẹ Lí Phửng già, đường sá xa xôi không đi được”, anh Đỗ Xuân Quảng (anh rể chị Thêm) nói. Theo anh Quảng ước lượng, số công nhân Trung Quốc làm ở NMNĐ Hải Phòng lấy vợ là người hai xã Ngũ Lão và Tam Hưng phải lên đến hàng chục. Lương của mỗi lao động này khoảng 14 triệu đồng/ tháng, được trả trực tiếp vào tài khoản ở Trung Quốc. Hàng tháng, họ chỉ nhận chút tiền tiêu vặt.

clip_image010

Hàng rào nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1

Ngoài ra, một vài bác công nhân già Trung Quốc cũng tranh thủ “cặp” với một số chị em làm dịch vụ, thậm chí còn thuê nhà ở với nhau. Đám công nhân Trung Quốc trẻ nhà nghèo, trình độ học vấn thấp, người dân tộc thiểu số lại ở tận vùng sâu vùng xa rất khó lấy vợ nên đây là cơ hội cho họ “tuyển” vợ Việt thông qua một vài người mai mối ở địa phương. Vừa lao động kiếm tiền với thu nhập cao hơn hẳn ở Trung Quốc lại vừa “tậu” được vợ khi công việc hết, những công nhân Trung Quốc này rỉ tai nhau về kế hoạch gia đình tương lai cho chúng bạn chưa vợ ở Trung Quốc sang Việt Nam lao động.

BQL dự án NMNĐ lại không thể biết là có bao nhiêu công nhân Trung Quốc đang làm việc tại công trường vì không có quyền yêu cầu nhà thầu Trung Quốc báo cáo. Vì vậy, con số công nhân Trung Quốc ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng vẫn chưa được tính đến chính xác mà chỉ ước lượng qua nhiều nguồn thông tin.

L.K.

Nguồn: tienphong.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn