Những hiểm nguy của một sự suy sụp

Lanxin Xiang

(Dangers of a fall, South China Morning Post, August 23, 2011)

Dù có thể sẽ không thích (tôi cũng không thích!) nhưng các bạn nên đọc bài này của một học giả gốc Hoa, được đào tạo ở Mỹ, hiện giảng dạy ở Thụy Sĩ. Chúng ta cần có những bài tương tự để bàn về tương lai nước mình.  Tiếc thay, trong tình thế hiện nay thì mồm chúng ta bị bịt chặt bởi chính những "lãnh đạo" của chúng ta.

GS Trần Hữu Dũng

Giáo sư Lanxin Xiang cảnh báo tiềm ẩn khả năng xung đột trong thời kỳ mà Mỹ học cách chấp nhận thực tế về sự đi xuống tất yếu của mình – một quá trình đang diễn ra mà Trung Quốc, như là một quốc gia đuợc cho là sẽ kế vị Mỹ, có mọi lý do để đảm bảo sao cho từ từ.

Điều mỉa mai nhất là Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Bắc Kinh vào đúng thời điểm giới truyền thông Trung Quốc đang bàn luận sôi nổi về sự suy vong của Mỹ.  Không lâu về trước, các quan chức ngoại giao và giới trí thức hàng đầu – không kể giới quan chức ngân hàng trung ương – vẫn còn rất thận trọng về chủ đề này; nay thì bầu không khí đã thay đổi. Cuộc tranh luận trước đây về việc liệu Mỹ có đang suy tàn hay không đã trở nên không còn thích hợp khi những người theo “chủ nghĩa suy tàn” trở thành những người nắm bắt dư luận. Thậm chí, một số nhà bình luận quan trọng còn bàn thảo công khai về vấn đề “thừa kế”. Một luận cứ then chốt là sự tất yếu của lịch sử. Như lời một danh ngôn Trung Quốc: “Ba mươi năm trên bờ đông của dòng sông, ba mươi năm nữa trên bờ tây của dòng sông”.

Người Mỹ đang bị lo âu đáng kể về thái độ hả hê này của Trung Quốc. Thế nhưng, việc một cường quốc được giả định là đang nổi lên nói về sự suy tàn của một cường quốc trước đó thì không phải là mới trong lịch sử. Giới tinh hoa hoạch định chính sách của Mỹ từng làm điều này khi tung ra tiến trình có hệ thống nhằm “thay thế vị thế của người Anh” trong suốt Thế Chiến II khi Anh Quốc đang ở bờ vực phá sản. Và tương tự, giới tinh hoa Trung Quốc cũng được cổ vũ bởi tác động của cuộc khủng khoảng nợ công của Mỹ được châm ngòi từ việc Standard & Poor’s hạ bậc tín dụng đối với trái phiếu của chính phủ Mỹ. Do đó, cuộc viếng thăm của Biden không thể diễn ra vào thời điểm tồi tệ hơn.

Quan trọng hơn, hiện có sự thôi thúc mạnh mẽ để công khai hoá sự gắn kết giữa việc Trung Quốc nắm giữ nợ của Mỹ và việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Nhiều tầng lớp ở Bắc Kinh cho rằng Biden sẽ dùng việc bán vũ khí cho Đài Loan làm con bài mặc cả chủ yếu nhằm đổi lấy sự nhượng bộ kinh tế có lợi hơn từ phía Trung Quốc, do đó điều này đang mang lại cơ hội bằng vàng cho Bắc Kinh sử dụng vũ khí tiền tệ cho các mục đích chính trị. Chính phủ Obama đã khẳng định sự cứng rắn không ngờ của Bắc Kinh về vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan vào đầu năm ngoái là dựa trên “sự tính toán sai lầm”. Điều này không còn đúng nữa.

Không thể nghi ngờ, vũ khí tiền tệ là một công cụ chính sách đối ngoại quan trọng. Mỹ đã sử dụng công cụ này nhiều lần, đáng chú ý nhất khi Mỹ từng đe dọa chấm dứt sự hỗ trợ trên thị trường tài chính đối với đồng bảng Anh vốn bị chao đảo vào năm 1956 để buộc Luân Đôn phải chấm dứt cuộc phiêu lưu quân sự ở kênh Suez.

Tuy nhiên, giới tinh hoa Trung Quốc đã ước đoán quá nhẹ mức độ suy sụp của Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cũng như những hậu quả của sự suy sụp này. Trên thực tế, người Trung Quốc còn mơ hồ về sự suy tàn của Mỹ, bởi họ chưa sẳn sàng tiếp nhận những trách nhiệm mà một nước Mỹ ngập trong nợ nần đang phải gánh vác. Một sự suy sụp nhanh chóng của Mỹ không phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc hy vọng về một quá trình suy vong của Mỹ diễn ra chậm rãi và “tương đối”.

Giới ngân hàng trung ương Trung Quốc vô cùng lo ngại sự vỡ nợ của Mỹ sẽ làm tan biến khối lượng tiền tích lũy từ “mồ hôi và máu” của Trung Quốc. Nhiều người trong số họ lập luận rằng hệ thống chính trị Mỹ có tính mau phục hồi nhất trên thế giới, và sáng kiến cá nhân vẫn là nền tảng của xã hội Mỹ. Theo logic này, so với các nước khác, Mỹ đáng lẽ ra là nước ít cứng nhắc nhất trong việc cải cách hệ thống của mình. Vấn đề là, nước Mỹ đã tạo nên lối sống chi tiêu vượt quá khả năng, và những nhóm lợi ích cố thủ sâu trong hệ thống đã chứng tỏ đây là vấn đề rất khó giải quyết.

Trên thực tế, gần như không thể nghi ngờ rằng năng lực tổng thể của Mỹ đang trong tình trạng suy vi, không chỉ “tương đối” đối với các cường quốc chủ chốt khác, mà còn là “tuyệt đối” trên quan điểm của quá trình lịch sử lâu dài. Khi giáo sư Đại học Yale Paul Kennedy đưa ra dự đoán này cách đây hơn phần tư thế kỷ, lý lẽ quan trọng nhất của ông ta là sự suy tàn của mỗi siêu cường trong lịch sử có cùng nguyên nhân – “đế quốc trong tình trạng bị kéo quá căng sức”, có nghĩa là, nó có quá nhiều cam kết trong các vấn đề quốc tế.

Một nhân vật hàng đầu khác của “trường phái bi quan”, giáo sư Đại học Johns Hopkins David Calleo, đã đưa ra luận điểm thậm chí còn sắc sảo hơn. Trong cuốn sách của ông ta phát hành năm 1992 mang tựa “Sự phá sản của nước Mỹ”, Calleo đã chỉ ra rằng lối sống vượt quá khả năng thu nhập của Mỹ cuối cùng sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng hiến pháp, một hình thức bế tắc chính trị mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay. Câu hỏi thực sự không liên quan đến kinh tế, nhưng là liệu Mỹ có thể vượt lên trên sự chia rẽ chính trị sâu đậm nhất kể từ cuộc chiến Việt Nam.

Thực sự, Mỹ đang ở trong giai đoạn “suy tàn có tính bệnh hoạn”, một quá trình ở giữa suy tàn tương đối và suy tàn tuyệt đối. Giai đoạn như vậy mang tính chất dễ biến đổi và bất ổn nhất, thường có tên “hội chứng trì trệ hậu đế quốc”. Thường phải mất từ ba thập niên trở lên để một siêu cường đang xuống dốc chấp nhận thực tế là họ đang mất đi vị trí thượng phong trong các vấn đề của thế giới. Nhưng trong giai đoạn này, siêu cường ấy sẽ vẫn nói năng và hành xử như thể nó “chẳng thua ai”, như tuyên bố gần đây của Tổng thống Barack Obama, và vẫn là kẻ thống trị thế giới. Như cựu Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson bình luận về Anh Quốc sau Thế Chiến II, rằng nước ấy đã “mất một đế chế và chưa tìm được một vai trò”.

Giai đoạn này cũng có thể là giai đoạn nguy hiểm nhất cho mối quan hệ Mỹ-Trung, vì Mỹ sẽ bảo vệ vị thế của mình với sự năng nổ và nhạy cảm khác thường, nếu không là phi lý, thường dựa vào ý tưởng duy trì ưu thế vượt trội về quân sự và tạo ra những hệ thống liên minh mới. Lần này, không giống sự thay đổi cơ cấu các cường quốc thế giới trong quá khứ, nguy cơ đối đầu quân sự giữa cường quốc được cho là đang nổi lên và siêu cường đang đi xuống sẽ cao hơn. Quá trình Mỹ tiếp quản vị trí của người Anh, xét cho cùng, là một quá trình hòa bình, vì quá trình chuyển tiếp quyền lực này diễn ra giữa hai nền văn hóa và hai hệ thống chính trị khá giống nhau.

Trung Quốc không đủ sức để kế thừa Mỹ, do đó giúp Mỹ theo hướng hạ cánh mềm vẫn là sự lựa chọn duy nhất cho những năm sắp tới. Điều đó không có nghĩa Trung Quốc không thể sử dụng sức mạnh kinh tế, đặc biệt là công cụ tiền tệ, để thúc Mỹ đi đúng hướng.

Đài Loan vẫn còn là vấn đề duy nhất có thể lôi kéo hai cường quốc vào cuộc đối đầu quân sự. Để xóa bỏ nguy cơ tiềm ẩn này, Mỹ và Trung Quốc có nhu cầu cấp bách tạo ra khuôn khổ mới để giải quyết vấn đề bán vũ khí. Điều trùng hợp ngẫu nhiên là, chuyến viếng thăm của Biden bắt đầu vào ngày 17 tháng Tám, chính là ngày mà một trong những thông cáo chung quan trọng nhất giữa Washington và Bắc Kinh về vấn đề bán vũ khí đã được ký cách đây 29 năm. Có thể đã đến thời điểm cho một thông cáo chung khác mang tính đổi mới nhằm phản ánh thực tế hiện tại.

L.X.

Lanxin Xiang là Giáo sư chuyên ngành Chính trị và Lịch sử Quốc tế tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Phát triển tại Geneva (Thuỵ Sĩ)

Bản dịch của Viet-studies

Nguồn: viet-studies.info

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn