Nông dân và “bi kịch” phía sau dự án sân golf

Thái Thiện

Xin trân trọng giới thiệu bài phóng sự điều tra hai phần của nhà báo Thái Thiện – một bài báo bắt buộc phải làm tan nát cõi lòng những người chịu trách nhiêm chiến lược phát triển đất nước – trong đó có vô số người từng hát “…chúng ta từ nhân dân mà ra…” – và vô thiên lủng những anh chị từng nhảy tưng tưng hồi Cải cách ruộng đất và hò hát “nông dân là quân chủ lực của cách mạng…”.

Hay là… đợi một buổi trời đẹp nào đó, “Chúng Ta” lại ra thông báo không số, thay cho việc quy tội “tại cậu đánh máy” sẽ tuyên bố thẳng thừng là “tại các cậu nhạc sĩ”, chứ Cách Mạng có định bụng tôn sùng Nhân Dân và Nông Dân đến thế đâu?

Phạm Toàn

 

clip_image004

Toàn cảnh cánh đồng K’Rèn hai vụ lúa của người dân nằm trong diện thu hồi thuộc dự án sân golf khu du lịch K’Rèn. Ảnh: Thái Thiện

 
Nhiều con trâu quen đường đi lạc vào sân golf bị chủ đầu tư “giam” lỏng, rồi mang “tráp” phạt người chủ, làm hỏng 1m2 đất trồng cỏ, phải bồi thường 10 triệu đồng. Bị phạt riết, cuối cùng thì đàn trâu tiêu tán, chẳng còn để mà phạt nữa… Khi trâu mất, nghề trồng lúa nước của người K’ho làng Ròn cũng mai một dần.

Đầu tiên phải kể đến sân golf khu du lịch K’Rèn, rộng 440 ha thuộc công ty TNHH Hàn Việt sau nhiều năm triển khai vẫn ì ạch, vì vướng thu hồi đất và… “không hợp lòng dân” (!).

Một xã… 3 sân golf 

Xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) có vị trí thuận lợi, nằm trên quốc lộ 51, giáp ranh TP Đà Lạt, nên phải “gánh” tới 3 sân golf, chiếm một nửa số sân golf trong quy hoạch của tỉnh Lâm Đồng.

Trong đó, sân golf khu du lịch K’Rèn, diện tích 440 ha nằm lọt thỏm giữa xã. Sân golf khu du lịch Đạ Ròn cũng chiếm một phần đất của xã (chủ yếu là con đường kết nối vào sân golf). Ngoài ra sân golf thuộc dự án nghỉ dưỡng cao cấp Sacom cũng “ăn” vào đất của xã, khoảng 40 ha.

Sân golf khu du lịch K’Rèn thuộc dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng Đà Lạt của Công ty TNHH Hàn Việt nằm trên diện tích 440 ha tại thôn K’Rèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng – cách Đà Lạt khoảng 15 km.

Theo thiết kế, đây là sân golf 36 lỗ, được xây dựng cùng hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi và khoảng 500 căn biệt thự. Sân golf K’Rèn là 1 trong 6 sân golf của tỉnh Lâm Đồng có tên trong quyết định phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành vào tháng 11/2009.

Ngày 9/8, có mặt tại khu vực sân golf K’Rèn, chúng tôi chứng kiến cảnh hoang vắng của dự án này. Dấu vết để nhận biết dự án sân golf… còn tồn tại là con đường đất đỏ xẻ lên ngọn đồi, phía trên là một khoảng đất bằng phẳng, có dãy nhà tạm làm nơi lưu trú cho công nhân; xung quanh bốn bề là rừng thông, bên dưới là thung lũng với những cánh đồng lúa xanh ngắt…

Câu hỏi đặt ra, vì sao một dự án “điểm” có vốn đầu tư nước ngoài, được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép từ năm 2007, sau 4 năm qua vẫn triển khai “ì ạch” như vậy ?

Ông Hoàng Hồng Quang - Chủ tịch UBND xã Hiệp An xác nhận với PV VietNamNet: cả xã có 3 dự án sân golf, trong đó 2 dự án đã được bàn giao đất, riêng dự án sân golf khu du lịch K’Rèn, hiện vẫn “treo” khoảng 122 ha.

Theo ông Quang, chủ đầu tư dự án sân golf khu du lịch K’Rèn là công ty TNHH Hàn Việt đã nhận bàn giao phần đất lâm nghiệp. Riêng đất nông nghiệp, đất ven rừng (khoảng 122 ha, trong đó có 97 ha đất lúa), gặp vướng mắc là người dân chưa chịu giao đất.

“Chúng tôi vận động bà con bàn giao mặt bằng, nhưng họ phản ứng rất dữ. Họ nói, nếu cứ tiếp tục lấy đất thì họ sống bằng gì?" – ông Quang cho biết.

Mất đất, nông dân sẽ làm gì?

Dẫn chúng tôi đi thăm đồng, ông K’Sáu – phụ trách nông nghiệp của thôn K’Rèn, xã Hiệp An cho biết: sân golf K’Rèn được “quy hoạch” giữa thung lũng, bao bọc là cánh rừng thông nguyên sinh.

Ngoài ra còn ruộng lúa 2 vụ, với nguồn nước tưới dồi dào quanh năm. Đây từng là “điểm sáng” của huyện Đức Trọng về nông nghiệp và là mô hình mẫu về canh tác lúa chất lượng cao, được nhiều địa phương khác tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm…

clip_image005

clip_image006

Người dân thôn K’ Rèn mong muốn một cuộc sống ổn định, dự án sân golf “treo” đã khiến họ mất ăn mất ngủ nhiều năm liền. Ảnh: Thái Thiện

Thôn K’ rèn có 220 hộ với gần 1.000 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc K’ho bị ảnh hưởng nặng nề từ sân golf. Dự án này “ôm” toàn bộ đất nông nghiệp của thôn với khoảng 122 ha, trong đó có 97 ha đất lúa hai vụ.        

Theo ông K’Sáu, khi Ban đền bù của huyện mời bà con lên thông báo sẽ đền bù mỗi sào lúa từ 18-24 triệu đồng, người dân đã bỏ về để phản đối. Họ đặt câu hỏi với cán bộ: đời sống bà con đã thấp, nay còn bị thu hồi đất, họ sẽ sống bằng gì?

“Mà có tiền đền bù đi nữa, người K’ho chúng tôi cũng dễ sa đà vào xây nhà cửa, mua xe cộ, hai ba năm sau hết tiền rồi tính sao đây?” – ông K’ Sáu phân tích.    

“Bài học thu hồi đất làm sân golf Đạ Ròn bên cạnh, dân “treo niêu” còn sờ sờ ra đấy, chúng tôi không muốn tiếp bước sai lầm của họ. Thử hỏi mức sống của người dân làng Ròn hiện nay ra sao, họ đang chịu cực khổ hay vươn lên rồi, họ có đất sản xuất hay mất đất sản xuất?”. 

Theo lời ông K’Sáu, không ít người K’ho ở làng Ròn, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương sau khi thu hồi đất để làm sân golf đã phải bán đàn trâu… vào lò mổ, vì không có đất, đồng cỏ để chăn thả.

Nhiều con trâu quen đường đi lạc vào sân golf bị chủ đầu tư “giam” lỏng, rồi mang “tráp” phạt người chủ, làm hỏng 1 m2 đất trồng cỏ, phải bồi thường 10 triệu đồng. Bị phạt riết, cuối cùng thì đàn trâu tiêu tán, chẳng còn để mà phạt nữa… Khi trâu mất, nghề trồng lúa nước của người K’ho làng Ròn cũng mai một dần.  

Việc người K’ho, sau mấy năm mất đất cho sân golf, đời sống khó khăn: người già, sức yếu không đi làm thuê được; người trẻ không có việc làm sinh tật trộm cắp, thậm chí quay lại phá rừng… không còn là chuyện hiếm. 

Dự án “treo”, quyết định thu hồi cũng… “treo”

“Chúng tôi đã ký đơn, khiếu nại vụ thu hồi đất làm sân golf ở thôn K’Rèn lên Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban dân tộc miền núi và Sứ quán Hàn Quốc. Nguyện vọng duy nhất là giữ phần đất cha ông, bởi việc lấy đất trồng lúa làm sân golf vốn đã sai chính sách, lại còn ngược với chủ trương của Đảng, Nhà nước về ổn định đời sống kinh tế của đồng bào thiểu số gốc Tây Nguyên” – ông Dagout Jú một trong số 94 người dân ký đơn bày tỏ. 

Trao đổi với PV VietNamNet, Chủ tịch UBND xã Hiệp An thừa nhận: Nếu triển khai dự án sân golf K’Rèn, cấp xã chịu áp lực nặng nề nhất. Ngoài việc khó khăn trong tìm đất tái bố trí cho người dân, vì quỹ đất của xã đã hết… thì việc giải quyết công ăn việc làm, trật tự xã hội, đời sống tâm tư của 1.000 nhân khẩu cũng hết sức phức tạp.    

Còn nhớ, cách đây gần 1 năm (tháng 10/2010), Tỉnh ủy Lâm Đồng có chỉ đạo giao UBND tỉnh xem xét thu hồi dự án sân golf này vì dự án nằm trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Lý do thu hồi là nếu dự án triển khai sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an sinh xã hội, không có lợi cho kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ đạo trên đã không được thực hiện, dự án sân golf khu du lịch K’Rèn vẫn được triển khai.

Chủ tịch UBND xã Hiệp An xác nhận: “Mới đây chủ đầu tư có văn bản đề nghị UBND xã giao 122 ha đất nông nghiệp cho họ làm dự án, nhưng cấp xã đâu có thẩm quyền này (?). Chúng tôi đã kiến nghị lên huyện, tỉnh trả lời nhà đầu tư...”.

T.T.

Vietnamnet - 24/08/2011

––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

'Vướng' sân golf, dân bỏ hoang ruộng vườn

Thái Thiện

Các dự án sân golf, biệt thự có vốn hàng chục triệu USD “treo” suốt nhiều năm… đang đẩy người nông dân vào cảnh “đi không nỡ, ở không xong” ruộng, vườn bỏ hoang, sống cơ cực trên chính mảnh đất của mình.   

Tan nát một vùng chè cao sản  

Dự án khu nghỉ dưỡng - sân golf Bảo Lộc, diện tích 250 ha, nằm gọn trên các đồi chè thuộc phường Lộc Phát, thị xã Bảo Lộc và thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm là dự án “chiếm đất” số một tại Lâm Đồng.

Dự án sân golf đã lấy đi 180 ha, ảnh hưởng đến 450 hộ dân, trong đó có 2/3 hộ bị mất trắng. Trong diện tích đất này, hai hợp tác xã Hiệp Phát và Đồng Phát bị mất khoảng 70 ha đất trồng chè của 41 hộ dân.

clip_image007

Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm HTX Hiệp Phát trước tấm bàn đồ thu hồi đất làm dự án sân golf. Nỗi lo xã viên mất đất vẫn còn lơ lửng, dù dự án sân golf “treo” đã nhiều năm - Ảnh: Thái Thiện

Vùng chè Bảo Lộc từ lâu đã nổi tiếng với những danh trà như Tâm Châu, Quốc Thái, Thiên Hương… Cây chè cũng đã giúp người dân thoát nghèo, khấm khá lên, nhưng dự án sân golf có quy mô 54 lỗ (dự kiến mở rộng diện tích lên đến 500 ha) lớn nhất Tây Nguyên, đang khiến người dân hoang mang, vì mất đi nguồn lợi sống.

“Trồng chè giống mới, mỗi năm xã viên thu lợi 120 triệu đồng/ha. Còn nếu bán đất vườn cũng thu được khoảng được 800 triệu đồng/ha. Nếu đem hết tài sản đó làm sân golf thì thiệt hại rất lớn” - ông Nguyễn Văn Trung – Chủ nhiệm HTX Hiệp Phát bức xúc nói.   

Theo ông Trung, do dự án “treo” quá lâu, mới đây xã viên đồng loạt gửi đơn khiếu nại, yêu cầu cấp “sổ đỏ” cho dân theo Nghị quyết 36 của Tỉnh ủy để ổn định sản xuất. Tuy nhiên, trong sổ đỏ cấp cho dân, chính quyền vẫn “gài” một câu: “đất nằm trong dự án sân golf”.

Ông Trung than: “Dự án sân golf treo mấy năm rồi, chưa đền bù xu nào cho nông dân, nay cấp sổ, ghi như vậy coi như “treo” thêm lần thứ 2. Thử hỏi với nội dung đất nằm trong quy hoạch sân golf thì ngân hàng nào dám cho chúng tôi vay tiền để sản xuất, cầm cố nơi khác cũng không được” (?).               

clip_image008

“Sổ đỏ” cấp cho dân, vẫn “gài” câu đất nằm trong dự án, gây khó khăn cho đời sống người dân - Ảnh: Thái Thiện

Theo vị Chủ nhiệm HTX, tình trạng bỏ hoang vườn chè đã mấy năm nay, bởi có đầu tư chăm bón, bị thu hồi thì công sức cũng như “bỏ sông, bỏ biển”.

HTX phải vận động liên tục, thêm vào đó là chủ trương cấp sổ cho dân, lúc này người dân mới quay lại chăm bón cây chè. Nhưng thú thật tâm lý họ vẫn bất an, không biết bao giờ dự án sân golf mới hết “treo”?             

Còn với chủ đầu tư, mặc dù “khởi động” từ năm 2008, nhưng tới nay dự án vẫn không có dấu hiệu gì là “đang triển khai”, nhưng chủ đầu tư vẫn “quảng cáo” là bên cạnh sân golf sẽ có 200 căn biệt thự, khách sạn 300 phòng cùng nhà hàng, khu du lịch…; sau 13 năm dự án sẽ hoàn vốn, từ đó lợi nhuận hằng năm là 4,5 triệu USD (?).

Ruộng vườn bỏ hoang...

Xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang được biết đến là nơi có giống khóm (dứa) nổi tiếng được coi là đặc sản của vùng đất Tây Nam Bộ. Nhưng nay vùng khóm cao sản năm nào chỉ còn thưa thớt, hàng trăm ha đất bỏ hoang, nông dân “treo” cuốc, bỏ nghề nông.

clip_image009

Nông dân Trần Văn Thanh chỉ tay về phía ngôi nhà bỏ hoang, phía sau là diện tích đất của gia đình ông bị thu hồi làm sân golf - Ảnh: Thái Thiện

Tháng 7/2009, tỉnh Tiền Giang họp dân công bố thu hồi đất tại ấp 5, xã Tân Lập 1, cấp cho Công ty TNHH một thành viên Genuwin D&C Tiền Giang xây dựng sân golf 36 lỗ và khu du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ cao cấp rộng 270 ha, vốn đầu tư khoảng 1.280 tỉ đồng.

Tuy nhiên, kể từ thời điểm triển khai, đến nay dự án chỉ nằm… trên giấy (?). Hình ảnh nhận biết duy nhất của dự án là tấm bảng công bố quy hoạch đã bạc màu thời gian. 

Gia đình ông Trần Văn Thanh, nhà ở ấp 5 có 1,5 ha đất trồng khóm, nhưng 2 năm qua bỏ hoang vì “dính” quy hoạch sân golf. Đó cũng là tình cảnh chung của hàng trăm hộ dân tại ấp 5, họ đồng loạt bỏ hoang đất canh tác để chờ… đền bù.

clip_image010

Bản công bố quy hoạch sân golf Tiền Giang đã bạc màu, dự án treo nhiều năm, “treo” luôn nồi cơm của nông dân - Ảnh: Thái Thiện

Tuy nhiên, có hộ thấy xót xa, muốn canh tác trở lại, nhưng ngặt nỗi, khả năng bị thu hồi bất thình lình, mất tiền đầu tư, công chăm bón… là rất cao (đầu tư 1 ha khóm mất khoảng 30 triệu đồng – PV). Có người “liều”, tiếp tục trồng khóm thì bị cắt nguồn nước tưới với lý do: “đất trong quy hoạch”.

Thiếu nước, cây khóm chết khô, nông dân một lần nữa bỏ nghề trong cay đắng.   

“Trước đây, gia đình tôi thu hoạch khoảng 55 tấn khóm/năm, lợi tức trên 160 triệu đồng, nhưng nay thì không có đồng nào để sống” – nông dân Trần Văn Thanh buồn bã nói.   

“Vướng” vào cảnh khó, ruộng đất bỏ hoang, nhiều nông dân thất nghiệp, phải bỏ quê đi làm ăn xa hoặc vào làm thuê trong khu công nghiệp Long Giang gần đó.

Ông Sáu, một nông dân ấp 5 nói như khóc: “Từ nông dân tôi chuyển sang làm phụ hồ, nhưng không phải lúc nào cũng có việc làm, đôi khi “ngồi chơi, xơi nước” cả tháng”.

Còn vợ ông Sáu cũng không hơn gì, “ngồi không” cả năm nay, lâu mới có người thuê lột vỏ hột điều nhưng thu nhập không đủ tiền cơm, cháo… Đời sống gia đình vốn khó khăn, nay lại càng thêm điêu đứng.    

clip_image011

Nghề trồng khóm nổi tiếng của người dân xã Tân Lập 1 đang có nguy cơ mai một vì diện tích ngày càng thu hẹp, nhường đất cho dự án sân golf, khu công nghiệp - Ảnh: Thái Thiện

Theo lý giải của ông Cao Minh Tâm – Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang, dự án khu khu phức hợp (bao gồm cả sân golf) mới được chủ đầu tư hoàn tất khâu quy hoạch chi tiết, đang chờ UBND tỉnh phê duyệt phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư. 

Ông Tâm cũng tỏ ra ngạc nhiên về việc nông dân bỏ ruộng đất: “Khi thông báo quy hoạch, tỉnh cũng nói rất rõ: khi nào chưa có quyết định thu hồi đất thì dân cứ tiếp tục sản xuất, nhưng không hiểu vì sao người dân bỏ hoang, không chịu sản xuất?”.

Trên thực tế, không dừng lại ở con số 270 ha đất làm sân golf, khu phức hợp mà phần diện tích rộng 540 ha tại xã Tân Lập 1 cũng đang trong tình cảnh… bỏ hoang sau quyết định của tỉnh Tiền Giang giao đất cho chủ đầu tư là Công ty TNHH Phát triển KCN Long Giang làm khu công nghiệp.

Tuy nhiên, từ 5/2008 đến nay khu công nghiệp vẫn chưa triển khai được gì (?).

Có thể xem đây là nghịch lý, là lãng phí tài nguyên… trong khi người nông dân thì thiếu đất sản xuất, sống cơ cực trên chính mảnh đất của mình?         

Thái Thiện

Vietnamnet - 25/08/2011

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn