Thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo Việt Nam về hiểm họa ngoại bang và sức mạnh dân tộc

Bản tiếng Anh

Bản Tiếng Pháp

Kính gửi: Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Chủ tịch và Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Thủ tướng và Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Tổng Bí thư và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam

Thưa quý vị,

Chúng tôi, một số trí thức sinh sống tại nước ngoài, gửi đến quý vị lá thư ngỏ này để phát biểu những suy nghĩ thẳng thắn và xây dựng trước tình hình nghiêm trọng của Việt Nam hiện nay.

Trước hết, chúng tôi muốn bày tỏ sự ủng hộ bản “Tuyên cáo” ngày 25 tháng 6/2011 của 95 nhân sĩ, trí thức, tố cáo và lên án nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục gây hấn, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Chúng tôi đồng thời hưởng ứng bản “Kiến nghị” ngày 10 tháng 7/2011 của 20 nhân sĩ, trí thức, kêu gọi Quốc hội và Bộ Chính trị công khai hoá thực trạng quan hệ Việt-Trung, nhấn mạnh vào nhu cầu đổi mới hệ thống chính trị, tôn trọng các quyền tự do, dân chủ của nhân dân để có thể thực hiện thành công nhiệm vụ bảo vệ và phát triển đất nước.

Cả hai bản Tuyên cáo và Kiến nghị đại diện những tiếng nói can đảm, trung thực của giới trí thức yêu nước mà chúng tôi có cơ hội tiếp xúc, trực tiếp hay gián tiếp, trong nhiều năm qua. Dù xa quê hương đã lâu, dù còn mang quốc tịch Việt Nam hay đã trở thành công dân nước ngoài, chúng tôi vẫn luôn quan tâm đến các khó khăn và thuận lợi của đất nước. Do đó chúng tôi ủng hộ những ý kiến chính đáng của nhân sĩ, trí thức trong nước và chỉ trình bày ngắn gọn một số nhận định bổ túc sau đây.

Hiểm họa ngoại bang

Sau chiến tranh biên giới cực Bắc năm 1979, nguồn tư liệu do Nhà nước bạch hoá về quan hệ Việt-Trung cho thấy mối quan hệ giữa hai nước không tốt đẹp như nhiều người lầm tưởng. Do hơn 30% dân số Việt Nam hiện sử dụng internet, thông tin ngày nay không còn là độc quyền của riêng ai. Kết hợp các nguồn tư liệu khác nhau cũng cho thấy rằng đối với Trung Quốc, “Việt Nam là một đối tượng quan trọng cần khuất phục và thôn tính” (“Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua”, NXB Sự thật, 1979, trang 8).

Quan điểm trên được thể hiện rõ nét qua một chiến lược nhất quán của Trung Quốc trong gần 60 năm nay tuy chiến thuật tùy lúc, tùy thời có khác nhau: phản bội Việt Nam ở Hội nghị Geneva năm 1954, ngăn cản Việt Nam thương lượng với Mỹ năm 1968, dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ Hoàng Sa năm 1974, phát động chiến tranh biên giới năm 1979, dùng vũ lực đánh chiếm một phần Trường Sa năm 1988; và sau khi quan hệ giữa hai nước đã bình thường hoá năm 1991, từng bước lũng đoạn kinh tế, thu vét tài nguyên, thực hiện mưu đồ đồng hoá, xâm phạm chủ quyền và đối xử tàn bạo đối với ngư dân Việt Nam trên Biển Đông.

Sức mạnh dân tộc

Việt Nam có lịch sử chống ngoại xâm, phần lớn là từ phương Bắc, trong nhiều thế kỷ. Việt Nam cũng có nhiều tài nguyên thiên nhiên, với non 20 triệu héc-ta rừng, và hơn 3.200 km đường biển. Trong dân số gần 90 triệu, hơn 3 triệu người có trình độ đại học trở lên. Do biến chuyển thời cuộc, hiện có hơn 3 triệu người gốc Việt sinh sống tại nước ngoài, trong đó có hơn 300.000 người có trình độ đại học trở lên và nhiều người là chuyên gia, giáo sư ở những công ty, trường đại học hàng đầu của thế giới.

Vị thế chính quyền

Sau hơn 35 năm lãnh đạo một đất nước thống nhất, các nhà cầm quyền chắc biết rõ hơn ai hết toan tính thâm độc của Trung Quốc và tình thế nguy nan của Việt Nam. Nhưng trong thời gian qua những chính sách và biện pháp đối nội và đối ngoại được thực thi đã tỏ ra lúng túng và mâu thuẫn, trái với sự mong đợi của toàn dân. Tình trạng này hiển nhiên làm suy yếu sức mạnh dân tộc, đòi hỏi chính quyền cần phải có những thay đổi toàn diện về cơ chế và chính sách mới có thể bảo vệ được chủ quyền và phát triển đất nước.

Những việc cần làm

Khác với các cuộc xâm lăng trong quá khứ, Trung Quốc trong thế kỷ XXI có nhiều lý do cần thiết hơn và nhiều điều kiện thuận lợi hơn để “khuất phục và thôn tính” Việt Nam mà không cần sử dụng vũ khí hay tổn thất nhân mạng. Mặc dù yếu kém hơn Trung Quốc về kinh tế và quân sự, Việt Nam có một lợi thế lớn chưa từng có trong lịch sử: không một nước tự do, dân chủ nào muốn thấy một nước độc tài chuyên chế như Trung Quốc xâm phạm quyền lợi hay quyền tự quyết của một nước khác, đe dọa tình trạng ổn định trong khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, cũng sẽ không có quốc gia hay liên minh nào có thể hỗ trợ Việt Nam nếu, trước hết, chính phủ Việt Nam không chứng tỏ là có ý chí và khả năng bảo vệ dân tộc và đất nước của mình.

Một lần nữa, chúng tôi khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ các ý kiến chính đáng vừa qua của nhân sĩ, trí thức trong nước. Chúng tôi hi vọng quý vị lãnh đạo tiếp thu đóng góp quan trọng ấy và sớm thiết lập một lộ trình cải cách cụ thể để được nhân dân tin tưởng và ủng hộ. Chúng tôi đề nghị những điểm chính dưới đây cần được chú trọng khi quyết định lộ trình:

  1. Đối với Trung Quốc: Cần xác định công khai và rõ ràng lập trường của Việt Nam đối với chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa - Biển Đông: mọi tranh chấp phải được giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế và chứng cứ lịch sử. Cần xét lại toàn bộ quan hệ Việt-Trung và chỉnh sửa những quyết định sai lầm trước đây khiến Việt Nam mất cân bằng, lệ thuộc vào mối quan hệ này trên các lãnh vực khác nhau. Cần nhấn mạnh truyền thống hiếu hòa của Việt Nam với nhân dân Trung Quốc, đặc biệt là trí thức tiến bộ, để tranh thủ sự ủng hộ của họ trong việc cùng tranh đấu cho công bằng và quan hệ bình đẳng giữa hai nước.

  2. Đối với ASEAN và các nước khác: Cần tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ hợp tác với thành viên ASEAN cũng như những nước then chốt khác. Cần đồng thuận trong việc bác bỏ đòi hỏi trên 80% chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc và trong lập trường đàm phán đa phương với Trung Quốc về Trường Sa. Cần tranh thủ sự ủng hộ của ASEAN và quốc tế cho một giải pháp về Hoàng Sa trên cơ sở luật pháp quốc tế và chứng cứ lịch sử. Cần thúc đẩy sự đồng thuận của ASEAN trong việc đổi tên Biển Đông thành Biển Đông Nam Á để góp phần vô hiệu hóa đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc, và để tránh ngộ nhận về các tên gọi khác nhau cho một vùng biển chung.

  3. Đối với nhân dân trong nước: Cần sửa đổi Hiến pháp để đẩy mạnh quá trình dân chủ hoá với ba cơ chế hoàn toàn độc lập: Quốc hội và cơ chế đại diện ở cấp thấp hơn, cơ chế Tòa án và cơ chế chính quyền. Cần thực hiện tự do bầu cử và ứng cử. Cần tôn trọng các quyền tự do công dân quy định bởi Hiến pháp Việt Nam và những công ước quốc tế mà Việt Nam cam kết tôn trọng, cụ thể như quyền tự do biểu tình và tự do phát biểu nhằm phản đối hành động hung hãn của Trung Quốc trên Biển Đông. Cần trả lại tự do cho những công dân bị giam giữ vì tranh đấu ôn hòa cho tự do, dân chủ, cho chủ quyền quốc gia, để đoàn kết toàn dân. Cần cải tổ hệ thống luật pháp, kinh tế, tài chính, giáo dục, y tế, v.v. để đẩy lùi tham nhũng, giảm thiểu bất công, gia tăng năng lực, bảo vệ tài nguyên. Cần tham khảo với những nhóm nghiên cứu độc lập (như Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã phải tự giải thể năm 2009) trong quá trình hình thành các chính sách có tầm vóc quốc gia và quốc tế.

  4. Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài: Cần tạo bước đột phá để cải thiện sự hợp tác của cộng đồng vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Cần cho tái thiết Nghĩa trang Biên Hòa vô điều kiện, giúp đỡ chương trình tìm kiếm hài cốt những người đã bỏ mình trong trại tù cải tạo, không can thiệp vào việc xây dựng bia tưởng niệm thuyền nhân ở các nước Đông Nam Á. Đây là bước cần thiết bắt đầu một quá trình nghiêm túc thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Mặc dù chính quyền kêu gọi trong nhiều năm, sự đóng góp về trí tuệ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn quá nhỏ bé: số chuyên gia, trí thức hàng năm về nước “chuyển giao công nghệ” chỉ trong vòng 500 lượt người trên con số hơn 300.000 trí thức. 

Có hai nguyên nhân chính: (1) cơ chế chính quyền hiện hữu không những đánh mất niềm tin của người dân trong nước mà còn là cản trở lớn cho trí thức ở nước ngoài muốn đóng góp vào mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” do chính Nhà nước đề ra; (2) sự nghi ngờ, thiếu tin tưởng vào thiện chí của trí thức còn phổ biến trong một bộ phận không nhỏ của lãnh đạo. 

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn có điều kiện nghiên cứu và vận động tìm kiếm những giải pháp thuận lợi cho Việt Nam, như tranh thủ sự ủng hộ của các chính phủ và dư luận quốc tế cho quan điểm của Việt Nam. Thực tế là một số chuyên gia trong và ngoài nước từng hợp tác với nhau trong các hoạt động theo chiều hướng này và công cuộc vận động đã đạt được một số kết quả tích cực về vấn đề Biển Đông và sông Mekong.

Trước chiến lược trước sau như một của Trung Quốc đối với Việt Nam và trước tham vọng bành trướng, bá quyền ngày càng lộ rõ của Trung Quốc, đất nước và nhân dân đòi hỏi quý vị phát huy sức mạnh dân tộc, đoàn kết toàn dân trong và ngoài nước trong giai đoạn cực kỳ hiểm nguy cho Việt Nam. Chúng tôi mong quý vị dũng cảm nắm lấy thời cơ duy nhất để thực hiện một cuộc cách mạng dân chủ toàn diện, xây dựng một chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân, nhằm đưa Việt Nam lên vị thế xứng đáng với các nước trong khu vực và cộng đồng thế giới.

Trân trọng kính chào,

Ngày 21 tháng 8 năm 2011

Đồng ký tên:

01

Doãn Quốc Sỹ

· Giáo sư

· Nhà văn

Mỹ

02

Đinh Xuân Quân

· Tiến sĩ Kinh tế

· Chuyên gia Quốc tế về Phát triển

Mỹ

03

Đoàn Thanh Liêm

· Luật sư

Mỹ

04

Hồ Bạch Thảo

· Nhà giáo

· Nhà Nghiên cứu Lịch sử

Mỹ

05

Lê Thanh Minh Châu

· Phụ tá Phó Viện trưởng, Phụ trách Chương trình Cao học Đại học Notre Dame, Indiana

Mỹ

06

Lê Xuân Khoa

· nguyên Phó Viện trưởng Đại học Sài Gòn

· nguyên Chủ tịch Trung tâm Tác vụ Đông Nam Á (SEARAC)

Mỹ

07

Lê Trọng Quát

· Luật sư

Pháp

08

Nghiêm Phương Mai

· Chuyên gia Sinh học Phân tử và Giáo dục

Canada

09

Ngô Đình Long

· nguyên Quản đốc Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt

· nguyên Phó Khoa trưởng Chính trị Kinh doanh Đại học Đà Lạt

· Kỹ sư Nhóm Điều hành Lò Phản ứng Hạch tâm, Công ty Bechtel

Mỹ

10

Nguyễn Thế Anh

· nguyên Giáo sư Đại học Văn khoa Sài Gòn

· Giáo sư Ưu tú Ecole Pratique des Hautes Etudes, Paris-Sorbonne

Pháp

11

Nguyễn Quốc Dũng

· Luật sư

· Hội viên Luật sư Đoàn New York và Luật sư Đoàn Hoa Kỳ

Mỹ

12

Nguyễn Phạm Điền

· Nhà Nghiên cứu Lịch sử

Úc

13

Nguyễn Thị Ngọc Giao (Genie Nguyễn)

· Chủ tịch Hội Tiếng Nói Người Mỹ gốc Việt

Mỹ

14

Nguyễn Đức Hiệp

· Tiến sĩ Khoa học Môi trường

· Nhà Khoa học Khí quyển, Bộ Môi trường và Thay đổi Khí hậu, New South Wales

Úc

15

Nguyễn Ngọc Linh

· nguyên Giáo sư Đại học Đà Lạt và Đại học Cửu Long

Mỹ

16

Nguyễn Phúc Quế

· Bác sĩ

Pháp

17

Nguyễn Thái Sơn

· Cố vấn Khoa học và Ngoại giao Viện Hàn lâm Địa Chính trị, Paris

Pháp

18

Nguyễn Hữu Xương

· Giáo sư Hồi hưu Vật lý, Sinh vật, Hoá học và Sinh hoá, Đại học California, San Diego

Mỹ

19

Phạm Hồng Công

· Dược sĩ

Canada

20

Phạm Phan Long

· Kỹ sư Tư vấn

Mỹ

21

Phạm Xuân Yêm

· Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học (CNRS) và Đại học Paris-VI

Pháp

22

Phan Tấn Hải

· Nhà Nghiên cứu Phật học

· Nhà văn

Mỹ

23

Phùng Liên Đoàn

· Tiến sĩ Vật lý Nguyên tử

· Chủ tịch Trung tâm Khuyến khích Tự lập

Mỹ

24

Tạ Văn Tài

· Luật sư Massachussets

· nguyên Giáo sư các trường Luật Việt Nam

· nguyên Giảng sư Luật, Đại học Harvard

Mỹ

25

Tăng Thị Thành Trai

· Giáo sư Thực thụ Đại học Luật khoa, Đại học Notre Dame, Indiana

Mỹ

26

Thái Văn Cầu

· Chuyên gia Khoa học Không gian

Mỹ

27

Thái Công Tụng

· nguyên Giáo sư Đại học Nông Lâm Súc Sài Gòn

· Chuyên gia Tư vấn Nông nghiệp của Canada tại Haiti, Nepal, và Phi châu

Canada

28

Trần Đình Dũng

· Kỹ sư Hoá học và Môi trường

· Giám đốc Hội Sinh thái Việt

Mỹ

29

Triều Giang

· Ký giả

Mỹ

30

Trịnh Hội

· Luật sư

Mỹ

31

Trương Hữu Lương

· Luật gia

Pháp

32

Trương Hồng Sơn (Trương Vũ)

· Tiến sĩ Khoa học

· nguyên Chuyên gia Hàng không Vũ trụ Quốc gia (NASA)

Mỹ

33

Trương Bổn Tài

· Nhà văn, họa sĩ

· Tiến sĩ Quản trị học

· Giáo sư Đại học Phoenix, California

Mỹ

34

Vũ Giản

· Chuyên gia Tài chính và Ngân hang

· nguyên Tư vấn Trợ giúp Việt Nam của Bộ Kinh tế Thụy Sĩ

Thụy Sĩ

35 Vũ Khánh Thành MBE

· Giám đốc Hội An Viet tại Vương Quốc Anh

· nguyên Nghị viên Thành phô Hackney London

Anh

36

Vũ Quốc Thúc

· nguyên Nghị viên Thành phố Hackney London

· nguyên Giám đốc trường Luật, Đại học Hà Nội

· nguyên Khoa trưởng Luật khoa, Đại học Sài Gòn

· nguyên Giáo sư Luật khoa, Đại học Paris-XII

Pháp

Liên lạc điện thư: ThuNgo2108@gmail.com

Chứng nhận gửi lãnh ñạo Nhà Nước Việt Nam ngày 23 tháng 8 năm 2011:

- Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

- Chủ tịch và Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

- Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa

Việt Nam

- Thủ tướng và Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

- Tổng Bí thư và Bộ Chính trị ðảng Cộng sản Việt Nam

image

image

image

image

image

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn