Từ Xayabury nhìn về thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Duyên Anh (thực hiện)

"Đối với dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A , theo tôi, cần phải có hội đồng khoa học cấp nhà nước gồm các chuyên gia đầu ngành, có uy tín, kinh nghiệm để thẩm định đánh giá nghiêm túc báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ đầu tư để xem xét những mặt được và chưa được một cách định lượng, khoa học, tránh phản biện theo kiểu phong trào"- TS Tô Văn Trường.

LTS: Trên công luận, trong thời gian vừa qua, có nhiều ý kiến của chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, người dân lo ngại về việc Lào có kế hoạch xây dựng đập thủy điện Xayabury trên dòng chính sông Mekong tác động lớn đến đồng bằng sông Cửu Long. Ở Việt Nam, ngày 7/8/2011 Hội thảo tổng hợp Rừng đầu nguồn và Lưu vực sông Đồng Nai được tổ chức tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, vấn đề thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được nhiều đại biểu quan tâm “mổ xẻ”.

Phóng viên Bee.net.vn phỏng vấn Tiến sĩ Tô Văn Trường (chuyên gia tài nguyên nước và môi trường), thành viên Ban chủ nhiệm Chương trình KC08/06-10 liên quan đến khai thác tài nguyên, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường của Bộ Khoa học Công nghệ xung quanh vấn đề nói trên.

Thưa ông, là chuyên gia đã có nhiều năm làm việc ở Ban thư ký Mekong (Bangkok), ông có thể cho biết vì sao công luận kể cả ở nước ngoài đều rất quan tâm đến việc xây dựng thủy điện Xayabury ở Lào và thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ở Việt Nam?

Khi xây dựng đập thủy điện có nghĩa là tác động vào thiên nhiên là bài toán đánh đổi “được và mất” cả về kinh tế xã hội và môi trường. Theo tôi biết ở Thái Lan, nhiều người dân cũng kịch liệt phản đối việc con người tác động bằng biện pháp công trình lên sông Mekong kể cả dòng chính và sông nhánh. Họ lý luận rất đơn giản, theo tiếng Thái và tiếng Lào, Mê Nám có nghĩa là sông Mẹ, con sông Mekong nuôi sống hàng chục triệu người dân, nếu con người tác động vào nó giống như đứa con làm tổn thương đến mẹ, và triệt đường sống của dân. Họ còn thu thập chữ ký gửi phản đối lên Thủ tướng Thái Lan và phê phán cả việc Trung Quốc xây các đập lớn ở thượng nguồn sông Mekong.

clip_image003

Khu vực xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Ảnh: Tuổi trẻ TP.HCM

Những người ủng hộ xây dựng đập thủy điện cho rằng dân số ngày càng tăng, nhu cầu năng lượng ngày càng lớn, phải khai thác tiềm năng thủy điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội sao cho cái lợi lớn nhất và thiệt hại ít nhất. Việc dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cũng nhằm mục tiêu chủ yếu là góp phần vào việc giải quyết bài toán an ninh năng lượng của đất nước nên được nhiều người quan tâm là điều dễ hiểu.

Theo ông, thủy điện Xayabury ở Lào và thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ở Việt Nam có những điểm gì giống và khác nhau?

Giống nhau cả 2 nước có tiềm năng về thủy điện cùng mục đích là khai thác để phục vụ cho bài toán phát triển kinh tế. Nước Lào còn nghèo, trong khi tiềm năng thủy điện to lớn, các nước khác lại “ve vãn” tìm cách giúp đỡ về nguồn vốn và kỹ thuật. Quy mô công trình và tác động của Xayabury lớn hơn Đồng Nai 6 và 6A, ảnh hưởng đến các nước trong lưu vực đặc biệt là Campuchia và Việt Nam. Có ba vấn đề kỹ thuật quan trọng nhất cho đập Xayaburi, đó là vấn đề dòng chảy về hạ du, phù sa và đường di chuyển của thủy sản (fish ladder).

Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A chủ yếu tranh luận về tác động đến Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Từ Xayabury nhìn về thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, ông có thể kết luận gì?

Tôi chia sẻ và tán thành quan điểm đề nghị trì hoãn xây dựng đập Xayaburi để có thể tiến hành các nghiên cứu bổ sung theo khuyến nghị của báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược (SEA) của Ủy hội sông Mekong. Tương kính, lắng nghe ý kiến của nhau để tìm ra giải pháp hợp lý, công bằng sử dụng nguồn nước sông Mekong một cách bền vững vì quyền lợi chung của cả lưu vực là đòi hỏi tất yếu.

Đối với dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A , theo tôi, cần phải có hội đồng khoa học cấp nhà nước gồm các chuyên gia đầu ngành, có uy tín, kinh nghiệm để thẩm định đánh giá nghiêm túc báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ đầu tư để xem xét những mặt được và chưa được một cách định lượng, khoa học, tránh phản biện theo kiểu phong trào.

Thưa ông, liệu có “đầu ra” cho thủy điện 6 và 6A hay không?

Có thông tin, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vừa duyệt lại quy hoạch của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Nếu đúng như vậy thì phải công khai, minh bạch bản đồ chi tiết của Vườn Quốc gia Cát Tiên vì liên quan đến Nghị quyết số 49/2010/QH12, nếu các dự án, công trình đầu tư tại Việt Nam sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 ha trở lên thì phải xin ý kiến Quốc hội.

Cơ chế chính sách về quản lý tài nguyên nước lưu vực sông hiện nay đang có sự chồng chéo nên nhiệm vụ của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 cần rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung chức năng nhiệm vụ của các ngành sao cho có sự phối hợp đồng bộ chặt chẽ, hợp lý và hiệu quả nhất vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Ông có thông tin và nhận xét về kết quả của Hội thảo ngày 7/8 tại Vườn Quốc gia Cát Tiên?

Thông điệp chính xuyên suốt trong phần lớn các bài trình bày và thảo luận của hội thảo là tài nguyên nước và rừng đầu nguồn được nhìn nhận là tài sản chung của quốc gia và cần được quy hoạch, quản lý có hiệu quả vì sự phát triển bền vững. Sự phát triển ồ ạt các công trình thủy điện ở Việt Nam nói chung và lưu vực sông Đồng Nai nói riêng trong những năm qua đã và đang đặt tài nguyên nước nói riêng và đa dạng sinh học của các vùng đầu nguồn sông Đồng Nai trong tình trạng báo động về cạn kiệt và suy thoái khó hồi phục. Đặc biệt, tác động cộng hưởng (tích lũy) của các bậc thang thủy điện trên sông Đồng Nai là vô cùng nghiêm trọng, nhưng hiện chưa có nghiên cứu tổng hợp, đánh giá về những tác động này.

Các bài trình bày thể hiện sự quan ngại về các hậu quả do thủy điện gây ra, nhất là việc mất rừng và đa dạng sinh học, đặc biệt là các khu rừng đặc dụng có giá trị đa dạng sinh học cao như Cát Tiên. Tình trạng thiếu nước trên lưu vực sông Đồng Nai đã trở nên nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu và quản lý lưu vực chưa bền vững.

Cần có sự đánh giá đầy đủ tác động đến đa dạng sinh học trên quan điểm sinh thái. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của 2 công trình thủy điện 6 và 6A cần đánh giá bổ sung thêm các phần: Ảnh hưởng ở mức độ lưu vực sông, tác động tổng hợp của các thủy điện cả vùng đầu nguồn và hạ nguồn.

Tính pháp lý của dự án, ảnh hưởng đối với đa dạng sinh học của vườn quốc gia Cát Tiên, tác động đến nông nghiệp vùng hạ lưu đập, ảnh hưởng về môi trường xã hội với cộng đồng dân cư nhất là người bản địa (Châu Mạ), về kinh tế, văn hóa và sức khỏe.

Kết luận của hội thảo là kiến nghị: Cần tiến hành đánh giá lại toàn diện những tác động môi trường, xã hội của 2 dự án và xây dựng các giải pháp giảm thiểu hợp lý và cụ thể trước khi thực hiện 2 thủy điện Đồng Nai 6 và 6A .

Là nhà khoa học, ông còn thường xuyên viết báo về nhiều chủ đề khác nhau được công luận quan tâm, đón đọc. Xin được hỏi thẳng thắn là ông có nhận xét gì về các thông tin đánh giá của các nhà báo, đặc biệt liên quan đến các nhà máy thủy điện vừa qua?

Nghề báo hay nghề nào cũng vậy, có từng mức độ tay nghề khác nhau, bản lĩnh khác nhau. Nhà báo trước nhất là, và phải là, người yêu nước mình, yêu dân tộc mình, từ đó mà yêu các dân tộc khác, yêu con người, yêu sự sống. Phẩm chất hàng đầu mà người đọc đòi hỏi và trông chờ ở nhà báo chính là viết đúng và viết có định hướng-giải pháp và sử dụng ngôn từ đạt chuẩn mực nhất định.

Tôi nhớ đến một câu của người Đức: “Sự khác nhau giữa người thông minh và người không thông minh là: Người không thông minh nói điều mình biết, còn người thông minh biết điều mình nói”. Biết 10 thì nói 7, còn để 3 làm chỗ dựa cho phần đã nói ra. Biết 10 nói 10 thì điều nói ra chông chênh, dễ bị xô đổ. Biết 10 nói như biết 12 hoặc 14 là lừa bịp, dối trá, không thể chấp nhận.

Đặc trưng của bệnh cơ hội là nói điều mình không nghĩ. Còn điều mình nghĩ, mình cho là sự thật, là chân lý, thì nói đến đâu, để làm gì, bằng cách nào, vào lúc nào, nói với ai là một vấn đề đạo đức và một vấn đề nghệ thuật. Có đạo đức khi nói vì dân, vì nước, vì sự tử tế, lương thiện, không vì điều gì khác. Có nghệ thuật khi nói có hiệu quả, hiệu quả thấp là được người mà không mất mình, hiệu quả cao là phát huy người mà tung hoành mình.

Tôi đánh giá cao các nhà báo đã phát hiện và thông tin phân tích những vấn đề có tính chất thời sự và suy nghĩ của đất nước, trong có chủ đề về loạn thủy điện, đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Tuy nhiên, có bài báo đưa tít giật gân, phản ánh không đúng sự thật so sánh với trong hồ sơ báo cáo làm công luận bức xúc lại là vấn đề khác.

D.A. – T.V.T.

Nguồn: bee.net.vn

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Sẽ báo cáo Quốc hội về thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Hoàng Hạnh

"Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A hiện đang trong giai đoạn xem xét dự án. Hai công trình này theo Nghị quyết 49 của Quốc hội thuộc diện công trình quan trọng quốc gia. Chúng tôi sẽ báo cáo với Quốc hội để xin chủ trương".

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trong phiên họp Quốc hội tại Hội trường sáng 6/8 đã trả lời băn khoăn của một số ĐBQH như trên. Ông Vũ Huy Hoàng thừa nhận, thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A có sử dụng khoảng 137,5 ha diện tích đất của Vườn Quốc gia Cát Tiên.

clip_image004

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. Ảnh: VNE

"Hiện nay chưa phê duyệt dự án, chúng tôi xin báo cáo rõ với Quốc hội như vậy" - Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.

Cũng trong sáng 6/8, Chủ tịch Tập đoàn than và Khoáng sản, ông Trần Xuân Hòa đã lên tiếng giải đáp những thắc mắc của ĐBQH về tuyến đường vận chuyển bauxite.

Căn cứ vào lượng xe lưu thông trên Quốc lộ 20 đoạn qua Đồng Nai hiện là 15 ngàn lượt xe một ngày đêm, trên Quốc lộ 51 là hơn 25 ngàn lượt xe một ngày đêm, Chủ tịch TKV cho rằng: "Lượng xe của Dự án alumin Tân Rai lưu thông trên Quốc lộ 20 và Quốc lộ 51 chiếm tương ứng là khoảng 1,2% và 0,7% toàn bộ lượng xe lưu thông trên đường khi nhà máy chạy đủ công suất vào năm 2013".

Ông khoe, TKV đã thuê nước ngoài khảo sát lựa chọn tuyến đường vận chuyển, sẽ xã hội hóa việc xây dựng. Hiện TKV cùng Tổng cục đường bộ và các đơn vị có liên quan tiến hành khảo sát lập phương án dự kiến 12 tháng 8 sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và báo cáo Phó Thủ tướng trước ngày 15 tháng 8.

clip_image006

ĐBQH Dương Trung Quốc đặt câu hỏi sau giải thích của Chủ tịch TKV. Ảnh: VNN

Phần trả lời của Chủ tịch TKV chưa đáp ứng được tâm nguyện của cử tri Đồng Nai (được ĐBQH Trương Văn Vở đề cập chiều 5/8), "chưa nâng cấp chưa vận chuyển".

Cũng là người đại diện cho cử tri Đồng Nai, ông Dương Trung Quốc "đã lắng nghe ý kiến của TKV" nhưng vẫn tự hỏi "đến giữa tháng 8 này chúng ta mới bắt đầu trình văn bản mà chúng ta làm sao cuối năm nay có thể lưu thông cho con đường đi được? Nếu một chiếc xe 40 tấn đi ngang qua một cây cầu 25 tấn, liệu các chiến sĩ cảnh sát giao thông của tỉnh Đồng Nai có được cho đi qua không?".

"Quốc hội đã thông qua nghị quyết ủng hộ cho việc xây dựng công trình bauxite mà không quan tâm đến khả năng bauxite được di chuyển như thế nào, tạo ra những tình huống khó xử như thế này" - ông Dương Trung Quốc kết thúc phần phát biểu bằng một câu hỏi.

H.H.

Nguồn: bee.net.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn