Bắc Kinh tăng cường biện pháp chống quan chức tẩu tán tài sản

Tú Anh

clip_image001  

Theo thống kê chính thức, trong hai thập niên qua, hơn 120 tỷ đô la đã ra khỏi Trung Quốc một cách an toàn. DR

 

Tại Trung Quốc, các biện pháp theo dõi giới cán bộ bị nghi ngờ tham ô sẽ được tăng cường. Kế hoạch này bắt đầu được áp dụng tại 10 tỉnh thí điểm nhằm kiểm soát các vụ chuyển ngân và việc đi lại của những viên chức lãnh đạo cấp tỉnh. Mục tiêu không phải là để bài trừ nạn trốn thuế mà thực ra là để ngăn chận nạn biển thủ công quỹ, tẩu tán tài sản thu thập một cách bất chính ra nước ngoài.

Chưa biết các biện pháp chống quan lại tham ô tẩu tán tài sản sẽ được tiến hành đến đâu và sẽ đạt đến kết quả như thế nào nhưng bài bình luận của Nhân dân Nhật báo, cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiết lộ một vài sự kiện đáng chú ý như trốn sang khu vực nào và sinh hoạt ra sao với đồng tiền bất chính.

Thông tín viên Stéphane Lagarde tường thuật từ Bắc Kinh:

“Theo một nhân vật trách nhiệm trong Cơ quan bài trừ tham nhũng thì các viên chức tham ô Trung Quốc tránh né châu Âu. Phần lớn họ trốn sang Hoa Kỳ, Úc và Canada là «Những nơi xin nhập quốc tịch tương đối dễ». Tại một số nước, người ta có thể thấy «cả một con đường đầy những tên tham nhũng và có cả những ngôi làng dành riêng cho con cháu các quan chức đã biển thủ tiền từ công quỹ».

Ngoài Úc và Bắc Mỹ thì vùng Châu Mỹ La Tinh cũng là nơi được xem là đất lành của cán bộ lớn lạm dụng chức quyền. Còn thành phần quan chức cấp thấp hơn thì chọn «bãi đáp» gần hơn như Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Miến Điện, Nga và Mông Cổ.

Những cán bộ tham ô này phục vụ trong các ngành béo bở nào và cách biển thủ của họ ra sao?

Tờ báo đảng cho biết là khoảng 70% cán bộ tham ô làm việc trong lãnh vực tài chính hoặc trong các đại công ty quốc doanh.

Bản tin của báo Tin Tức Bắc Kinh khẳng định: «Trước đây họ đào tẩu khi chuyện bê bối bị đổ bể, vấn đề là ngày nay họ chuẩn bị trước cái ngày sẽ ra đi không trở lại».

Một trong những cách chuyển tiền ra nước ngoài thường được sử dụng là «dấu giấy bạc trong va-li có hai đáy rồi đưa cho các công ty dịch vụ chuyên nghiệp chuyển đi, hoặc bằng cách chuyển ngân, thanh toán các hợp đồng nhập khẩu giả hoặc mượn danh nghĩa đầu tư vào các đề án ở nước ngoài.

Tổng cộng, theo báo cáo của Ngân hàng trung ương công bố hồi tháng 6/2011, thì đã có 120 tỷ đô la không cánh mà bay ra khỏi Trung Quốc từ giữa thập niên 1990 đến nay.

Lo ngại sự phẫn nộ của dân chúng, chính quyền tìm cách điều chỉnh giảm thiểu con số này.

Đến tháng 8 vừa qua, Viện hàn lâm khoa học xã hội báo cáo khoảng 4000 quan chức đã biển thủ gần 50 tỷ đô la trong ba thập niên.

Bắc Kinh cũng nhấn mạnh đến vai trò hợp tác với quốc tế để dẫn độ các quan chức tham ô. Sự kiện ông Lại Xương Tinh bị Canada trục xuất về Trung Quốc hồi mùa hè năm nay đã được chính quyền Trung Quốc xem là một chiến thắng trong việc bài trừ tham nhũng. Bị quy tội tẩu tán nhiều tỷ đô la, Lại Xương Tinh trở thành một «khắc tinh» của chế độ Bắc Kinh trong suốt 12 năm cao bay xa chạy.

Biện pháp mới tăng cường kiểm soát chuyển ngân cũng đã đưa đến việc bắt giam một cựu chủ tịch tỉnh Vân Nam. Ông này bị nghi ngờ đã nhận tiền hối lộ gần 1,5 triệu đô la. Không biết tài sản của viên chức này lên đến bao nhiêu, chỉ biết ông ta làm chủ khoảng 20 cơ sở bất động sản mà 1 phần 3 trong số này là tại Úc”.

T.A.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn