Bức xúc với cách trả lời của Đài PT - TH Hà Nội

Khánh An, Phóng viên RFA

clip_image001  

Các ông Nguyễn Đăng Quang, TS Nguyễn Văn Khải “Ô-zôn”, TS Nguyễn Quang A, TS Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Tiến Nam đến gặp TGĐ Đài PTTH Hà Nội, vào 15h30′ ngày 30 tháng 8 năm 2011, tại trụ sở Đài. Photo courtesy of Blog Nguyễn Xuân Diện

 

Sau khi Tổng giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội có công văn trả lời về đơn thư khiếu nại của các nhân sĩ trí thức yêu cầu phải xin lỗi và cải chính dư luận đã tỏ ra rất bức xúc với cách trả lời của Đài.

Sau khi Tổng giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội có công văn trả lời về đơn thư khiếu nại của các nhân sĩ trí thức yêu cầu đài này phải xin lỗi và cải chính vì đã vu khống, xuyên tạc, xúc phạm công dân, nhà văn Nguyên Ngọc, một trong những người bị đưa hình ảnh lên minh họa cho phóng sự trên, và nhiều ý kiến trong dư luận đã tỏ ra rất bức xúc với cách trả lời của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.

Khánh An tìm hiểu và tường trình.

Nói lấy được

Trong văn bản “Trả lời bạn xem truyền hình” mà Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội gửi đến GS Nguyễn Huệ Chi, TS Nguyễn Xuân Diện, TS Nguyễn Quang A và những người ký tên trong đơn thư khiếu nại, đài này giải thích rằng việc đưa bức ảnh có hình của các ông Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Văn Khải cùng với những người tham gia biểu tình khác là chỉ nhằm mục đích “minh họa cho nội dung bản tin chứ không có lời bình nêu đích danh cá nhân những người này là phản động, chống đối”.

Lý luận kiểu nói lấy được, thể hiện sự cẩu thả, ngu xuẩn và thiếu trách nhiệm.

Người Hà Nội

Rất nhiều ý kiến trên mạng cho rằng cách giải thích của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội hoàn toàn không thuyết phục, thậm chí có bạn đọc lấy tên là “Người Hà Nội” trên Blog của Ba Sàm còn cho rằng đây là “Lý luận kiểu nói lấy được, thể hiện sự cẩu thả, ngu xuẩn và thiếu trách nhiệm”.

Ngoài ra, một số cư dân mạng còn lên tiếng phản đối việc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội mượn danh nghĩa của nhân dân để biện hộ cho việc làm thiếu trung thực của mình. Một số ý kiến yêu cầu Đài phải trưng ra chứng cứ khi nói rằng “đã nhận được rất nhiều điện thoại, đơn thư cá nhân, tập thể của các tầng lớp nhân dân thủ đô” đều phản đối hành động biểu tình tự phát trong hơn hai tháng qua.

VIETNAM-CHINA-MARITIME-PROTEST

Từ trái sang: Các ông Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Văn Khải, Nguyên Ngọc cùng xuống đường biểu tình chống TQ hôm 14/8/2011. AFP

Trong khi đó, một trong những người tham gia biểu tình và ký tên trong đơn thư khiếu nại Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, anh Nguyễn Tiến Nam, thì cho rằng:

“Mình nghĩ đó là một sự ngụy biện khi họ làm sai và họ không muốn nhận. Việc họ đưa cái video đó lên không phải là tự động đưa ra, mà là bị áp lực từ phía thành phố Hà Nội, trên Bộ Thông tin đưa xuống và phía bên công an nữa. Họ muốn biến cuộc biểu tình của người yêu nước sang một mục đích khác. Họ bị áp lực của phía bên trên cao hơn”.

Thủ đoạn ti tiện

Nhà văn Nguyên Ngọc, người được xem là một trong những cây cổ thụ của văn chương cách mạng Việt Nam, sau khi bị đưa hình ảnh lên để “minh họa” cho phóng sự kết án những người biểu tình chống Trung Quốc là “gây rối an ninh trật tự”, là “phản động”, đã bức xúc đến nỗi quyết định công khai bức thư gửi cho Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.

Nói với Đài Á Châu Tự Do, ông cho biết:

“Ngày 25/8, tôi có viết một lá thư gửi cho ông Phạm Quang Nghị, tức là Bí thư thành phố Hà Nội, đứng đầu đảng bộ của thành phố Hà Nội đấy mà, thì tôi có nói rằng tôi năm nay 80 tuổi rồi, trong cả cuộc đời tôi chưa bao giờ có ai dám vu khống và xúc phạm tôi đến như thế đâu. Tôi yêu cầu có một sự xin lỗi rõ ràng.

Cho đến hôm qua, đài truyền hình, ông Thái trả lời đấy mà, hết sức phủi tay một cách vô liêm sỉ.

Nhà văn Nguyên Ngọc

Nhưng tôi cũng kiềm chế, tức là tôi chưa đưa cái thư đó ngỏ lên, tôi để đấy cái đã, tôi chờ xem thử thành phố Hà Nội, đài truyền hình họ trả lời như thế nào. Cho đến hôm qua, đài truyền hình, ông Thái trả lời đấy mà, hết sức phủi tay một cách vô liêm sỉ. Tôi dùng cái chữ như thế. Cho nên hôm nay tôi quyết định công bố lá thư mà tôi gửi cho ông Nghị lên trên mạng. Thái độ của tôi rất rõ ràng trong thư đó. Tôi nói rằng tôi đòi hỏi một lời xin lỗi đàng hoàng, công khai của đài Hà Nội”.

Trong thư gửi cho ông Phạm Quang Nghị, ngoài việc cho rằng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã lăng nhục mình, nhà văn Nguyên Ngọc còn nói phóng sự của đài này đã sử dụng một thủ đoạn mà ông cho là “ti tiện” khi “dùng những người không được bất cứ ai cử ra nhưng lại được coi là đại biểu của “quần chúng nhân dân” để vu khống và chửi bới người khác giống như trong thời cải cách ruộng đất và Nhân văn Giai phẩm.

Bịa đặt

clip_image003

Một công an đứng trên xe buýt đạp liên tục vào mặt Anh Nguyễn Chí Đức trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc hôm 17-7-2011 tại Hà Nội. Screen capture

Không chỉ có nhà văn Nguyên Ngọc, nhiều nhân sĩ trí thức khác cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về cách làm việc thiếu trung thực, tạo ra sự ngộ nhận, thậm chí vu khống cho một số cá nhân nào đó trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay.

Chỉ tính trong hơn hai tháng xảy ra biểu tình chống Trung Quốc gần đây, đã xảy ra khá nhiều vụ việc mà chính những nhân vật trong bài báo hay phóng sự phải lên tiếng phản đối gay gắt vì những bịa đặt, cắt ghép có chủ ý trong câu chuyện được phổ biến trước công chúng, chẳng hạn bài báo trả lời về vụ đạp mặt người biểu tình trên báo Hà Nội Mới, phóng sự về TS Luật Cù Huy Hà Vũ trên Đài Truyền hình Việt Nam VTV1, và bây giờ là phóng sự về những người biểu tình trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.

Trái ý chính quyền là phản động

Những từ “gây rối”, “phản động” khi được các phương tiện truyền thông trong nước sử dụng rất nhiều lần đối với những người mà công chúng biết rõ họ là những người vì yêu nước nên biểu tình chống Trung Quốc thì một mặt nào đó, vô tình làm cho các từ trên mất đi ngữ nghĩa đúng của nó.

Còn đối với người bị gán ghép như Nguyễn Tiến Nam thì “phản động” chỉ đơn giản là không làm theo định hướng của chính quyền:

Tất cả những ai có ý tưởng, ý nghĩ trái với định hướng của nhà nước Việt Nam, trái với những người lãnh đạo đứng đầu muốn định hướng người dân theo kiểu của họ, thì họ đều coi những người đó là những người phản động.

Anh Nguyễn Tiến Nam

“Nam nghĩ hai từ “phản động” họ gán ghép cho những người yêu nước đi biểu tình chống Trung Quốc thì thực sự trong tất cả những vấn đề khác trong nước cũng thế thôi, tất cả những ai có ý tưởng, ý nghĩ trái với định hướng của nhà nước Việt Nam, trái với những người lãnh đạo đứng đầu muốn định hướng người dân theo kiểu của họ, thì họ đều coi những người đó là những người phản động, phản lại tư tưởng của họ.

Họ muốn ai cũng phải nín nhịn, ai cũng phải theo ý định của họ và tư tưởng của họ. Nhưng chúng tôi là những người đa nguyên tư tưởng, chúng tôi mỗi người có một tư tưởng khác nhau. Chúng tôi không thể giống họ được thì họ coi chúng tôi là những người phản động”.

Xúc phạm lòng yêu nước

VIETNAM-CHINA-MARITIME

Công an tiến đến sát một người biểu tình khi họ hô vang khẩu hiệu chống TQ. AFP

Nhà văn Nguyên Ngọc cho biết ông đòi hỏi một lời xin lỗi và cải chính công khai từ Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Ngoài ra, trong thư gửi ông Phạm Quang Nghị, ông còn yêu cầu thành phố Hà Nội cần phải xử lý những người có liên quan đến sai trái nghiêm trọng trên:

“Điều đó một là xúc phạm đến cá nhân tôi và không những với cá nhân tôi, mà còn đến những người đã tham gia biểu tình mà chính ông Nguyễn Đức Nhanh đã công nhận đấy là những cuộc biểu tình yêu nước, chống sự gây hấn của Trung Quốc, thì đài Hà Nội nhất thiết phải có lời xin lỗi với anh em chúng tôi, những người bị xúc phạm. Nếu đài Hà Nội không thực hiện điều đó thì chúng tôi phải làm bước khác, tại vì như vậy tức là sai luật, phạm luật, xâm phạm đến danh dự cá nhân. Chúng tôi sẽ làm bước khác”.

... mà còn đến những người đã tham gia biểu tình mà chính ông Nguyễn Đức Nhanh đã công nhận đấy là những cuộc biểu tình yêu nước.

Cho đến nay, vẫn chưa có một động thái nào từ phía Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội sau khi nhà văn Nguyên Ngọc công khai bức thư gửi cho Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị. Tuy nhiên, nhiều người đoán rằng một lời xin lỗi trong trường hợp này còn khó hơn “hái sao trên trời” bởi theo tình hình hiện nay, nói theo GS Chu Hảo, thì “nếu đây cũng là quan điểm chính thức của Đảng và Nhà nước thì chế độ này không phải là của nhân dân ta nữa rồi!”.

K.A.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn