Nhìn lại phong trào biểu tình Hè 2011

Quốc Phương – BBC Việt ngữ

Theo dõi 11 cuộc biểu tình diễn ra ở Hà Nội, trung tâm của cả nước trong vòng gần ba tháng Hè liền, từ Chủ nhật 5/6 tới Chủ nhật 21/8/2011, có thể đánh giá đây là một trong những phong trào chính trị - xã hội nổi bật ở Việt Nam trong thời gian gần đây.

clip_image001

Phong trào biểu tình mùa Hè 2011 thu hút sự tham gia của nhiều giới và tầng lớp nhân dân, trong đó có thanh niên

Phong trào biểu tình mùa Hè 2011 có những sắc thái mới, mà việc nhìn nhận có lẽ không nên chỉ giới hạn ở gọi đó là chuỗi các cuộc biểu tình, dù như thế không hẳn là sai, hay đó là sự tụ tập đông người, như cách gọi có phần làm giảm giá trị và có thể có dụng ý của Chính quyền.

Phong trào chính trị - xã hội mùa Hè năm 2011 được châm ngòi bởi cuộc biểu tình, phản đối Trung Quốc có hành vi xâm phạm toàn vẹn lãnh lãnh thổ của Việt Nam, trên biển Đông, sau các sự kiện tàu Trung Quốc cắt cáp, tấn công và đe dọa tàu dân sự Việt Nam hôm 26/5/2011 tại vùng biển mà Việt Nam tuyên bố thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền lâu nay của mình.

Cuộc biểu tình kép vốn nổ ra ngày Chủ nhật, 5/6/2011 ở hai trung tâm chính trị và kinh tế hàng đầu của cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đã trở thành điểm khởi phát mà lúc đầu khó ai có thể hình dung về quy mô cuối cùng của nó.

Từ sau Chủ nhật của tuần lễ xuống đường đầu tiên, phong trào biểu tình đã chủ yếu diễn ra với các cuộc tuần hành có số đông tham gia tại các khu phố trung tâm Thủ đô Hà Nội, nơi tọa lạc của nhiều cơ quan bộ máy đầu não trung ương của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Qua hơn 11 tuần biểu tình của phong trào, có thể tạm rút ra một số nhận xét về tính chất, đặc điểm của các cuộc biểu tình và cách thức, thái độ, ứng xử của các bên trong cuộc liên quan là người biểu tình và chính quyền như sau.

Kỷ lục hy hữu

clip_image002

Người biểu tình có nhiều cách thức sáng tạo để diễn đạt các thông điệp của mình

Trước hết, các cuộc biểu tình có vẻ đã lập một kỷ lục đặc biệt hy hữu khi diễn ra liên tục trong suốt hơn 11 tuần lễ (nếu tính cả một lần tập hợp giao lưu tại một địa điểm được hẹn trước mà có thể coi là “biểu tình ngồi”) mà hầu như không hề gián đoạn, dù gặp can thiệp của Chính quyền.

Địa điểm xuống đường của đa số các cuộc biểu tình, tuần hành là hết sức đắc địa hay nhạy cảm, khi công khai diễn ra ở ngay trái tim của cả nước, Thủ đô Hà Nội, nơi tọa lạc của các cơ quan đầu não của Chính quyền, do đó dễ dàng thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế.

Thời điểm Phong trào biểu tình diễn ra trùng với lúc một số cơ quan quyền lực của Chính quyền đang trên đường hình thành hoặc chuẩn bị vận hành như ngay trước khi Chính phủ trình Quốc hội thông qua danh sách đề cử nội các và Quốc hội khóa 13 bước vào kỳ họp đầu tiên.

"Dạng thức không tổ chức như vậy có thể chính lại là một hình thức cao cấp của tổ chức, tổ chức mà không tổ chức, không có cơ cấu mà thành cơ cấu"

Đây là thời điểm, nhiều vị trí quyền lực của các nhóm trong Chính quyền, đảng, và Quốc hội, được cho là có thể phải chờ tới phút cuối mới chính thức ổn định, định vị, và nhiều quyết định chính sách, chiến lược đối nội, đối ngoại có thể phải chờ thống nhất thêm, kể cả trong quan hệ với Trung Quốc hoặc theo dõi tình hình phong trào Mùa Xuân Ả-rập...

Phong trào biểu tình diễn ra có tính tổ chức khá cao, mặc dù luôn được một số người trong cuộc tự nhận là các sự kiện riêng lẻ, tự phát, tự động tập hợp, không có sự dẫn dắt, lãnh đạo, định hướng, không có sự tổ chức, kết nối của bất cứ ai.

Dạng thức không tổ chức như vậy có thể chính lại là một hình thức cao cấp của tổ chức (tổ chức mà không tổ chức, không có cơ cấu mà thành cơ cấu).

Nhưng nhìn sâu hơn, có thể thấy các thành viên tham gia được tập hợp từ dạng các cá nhân đơn lẻ, cho tới các nhóm nhỏ, và vừa trở lên, với những thông điệp khá thống nhất trong sự đa dạng của các thông điệp dùng để thể hiện ý chí, nguyện vọng của người biểu tình.

Vai trò dẫn dắt

clip_image003

Các thông điệp của nhiều cuộc biểu tình phản ánh khá rõ ràng những gì mà những người tham gia muốn thể hiện

Dù được thừa nhận hay không, có thể dễ dàng thấy, phong trào có sự ‘dẫn dắt’ ít nhiều về mặt tinh thần của giới trí thức, nhân sỹ và đặc biệt là sự tham gia tích cực của các công dân thuộc thế hệ cộng đồng mạng Internet, mạng điện thoại di động, nhắn tin, bên cạnh các hình thức truyền thống khác như truyền miệng, giao tiếp nhóm nhỏ, giao tiếp cộng đồng, gia đình, liên thế hệ, đồng đẳng, v.v.

Sự tham gia của các trí thức, nhân sỹ ở Hà Nội, lúc đầu cũng có ở TP Hồ Chí Minh, càng về sau càng ghi nhiều dấu ấn, với sự xuất hiện cả ở trên đường phố, hay các trang mạng, trang blog cá nhân, phi chính thức, hoặc qua các thông điệp dưới dạng các thư kiến nghị, phản đối, khiếu nại, v.v. mà họ thường đứng tên.

Diện tham gia của các trí thức, nhân sỹ cũng rất đa dạng và đáng chú ý. Đa số họ là các nhân sỹ, trí thức có tên tuổi.

"Chính thông tin được giao lưu trên mạng có thể đã đóng vai trò nhà tổ chức của các cuộc biểu tình tuần hành"

Một số là những nhà cách mạng lão thành, các tướng lĩnh, sỹ quan trung, cao cấp hưu trí, các cựu quan chức, viên chức chính phủ trung, cao, cho tới những trí thức có học vị, chức danh giảng dạy cao cấp, như các Giáo sư, Viện sỹ, Tiến sỹ,… đã, đang làm việc trong các ngành giáo dục, nghiên cứu, chính sách, v.v. hoặc các cơ quan công quyền trong chính hệ thống quyền lực của Chính quyền, Đảng cộng sản.

Do đó, họ được cho là vẫn còn tầm ảnh hưởng và uy tín nhất định với những người đương chức trong bộ máy nhà nước ở Trung ương và Hà Nội hiện nay, mà đa số là lớp con, cháu của họ. Ngoài ra, không thể không kể đến các gương mặt có ảnh hưởng quan trọng khác là giới văn nghệ sỹ, giới chuyên gia, phản biện xã hội độc lập, các nhà hoạt động xã hội, các blogger có tên tuổi, cùng nhiều nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị, lương tâm…

Các vị này thường xuyên xuất hiện tại các cuộc biểu tình, hoặc tham gia bình luận, quan sát, đưa tin, bài, nhận định, phát biểu… về các hoạt động và các sự kiện.

Đặc biệt còn có sự tham gia của nhiều quần chúng và các chủ thể xã hội khác, thuộc nhiều tầng lớp dân, đến từ các địa phương, hoàn cảnh, lứa tuổi, nghề nghiệp… khác nhau.

Chẳng hạn như thanh thiếu nhi, học sinh, sinh viên, tiểu thương, doanh nhân, công nhân, nông dân, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí, thường dân, dân oan, phụ nữ, phụ lão, cá nhân hay gia đình, đồng nghiệp hay bạn bè, v.v.

Một số thành phần là cán bộ đương chức nhà nước cũng được cho là tham gia hoặc theo dõi, quan sát các sự kiện.

Điển hình hiện đại

clip_image004

Nhiều người biểu tình cho biết họ sẵn sàng xuống đường vì Tổ quốc bất cứ khi nào Trung Quốc đe dọa Việt Nam

Phong trào chính trị - xã hội mùa Hè 2011 tại Việt Nam có thể được xem là một điển hình của các trào lưu chính trị của quần chúng trong thời đại hậu công nghiệp và mạng Internet, khi các thông tin mạng được giao tiếp liên cá nhân, giữa các nhóm tham dự, quan sát biểu tình, trở thành một thành tố hữu cơ tạo nên cấu kết đặc trưng của cuộc biểu tình.

Chính thông tin được giao lưu trên mạng có thể đã đóng vai trò nhà tổ chức của các cuộc biểu tình tuần hành.

Nó cho người ta biết biểu tình ở đâu, lúc nào, tại sao, người tham gia có thể làm gì, không làm gì, cần lưu ý gì, thông điệp gì, cách thức ra thông điệp thế nào, gặp trở ngại phải ứng xử ra sao, cần tự giúp đỡ hoặc giúp đỡ thế nào, ai, cái gì là trọng tâm của sự kiện biểu tình, v.v.

Chính mạng thông tin và thông tin mạng, dù dưới dạng các bài blog, các diễn từ, các diễn đàn, các bản scan, các email, thư ngỏ, kiến nghị, danh sách chữ ký, các bình luận, hình ảnh clips video, hoặc âm thanh, hay hình chụp hay tranh vẽ, thậm chí thơ, ca, hò, vè, câu đối, v.v. đặc biệt là các tin nhắn dưới đủ các dạng, qua Internet, qua điện thoại di động, truyền miệng… đã có thể biến thành nội dung, mà không dừng lại là công cụ giao tiếp, của các hoạt động biểu tình, phản đối.

"Các điểm nút có thể thấy như biểu tình làm bộc lộ tính thiếu thống nhất, nhất quán trong xử lý của Chính quyền Trung ương và địa phương. Đã ít nhất ba lần, các cuộc biểu tình của phong trào bị chính quyền can thiệp, nhưng không thực dứt khoát"

Phong trào biểu tình Hè 2011 có thể đã đồng tâm hóa, nhất thể hóa, thu hút trúng nhiều tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, quan tâm, lý tưởng và chí hướng của những người tham gia, ủng hộ, hoặc cảm tình viên, quan sát biểu tình từ xa.

Các nguyên nhân đưa những người biểu tình, dù xuống đường, hoặc liên kết trên mạng, trong các nhóm tự hình thành, có thể là các nhu cầu được biểu hiện, thể hiện lòng yêu nước, sự quan tâm tới vận mạng tổ quốc, lòng mong muốn được thực hiện các quyền cơ bản (như quyền yêu nước, biểu tình, quyền thể hiện ý chí, nguyện vọng, quyền tự do ngôn luận, quyền làm chủ đất nước...).

Hoặc đó là nhu cầu giải tỏa các bức xúc trước các vấn nạn, tệ nạn xã hội như thiếu dân chủ, tham nhũng, bất công, bất bình với các chính sách, đối sách của chính quyền, kể cả về ngoại giao, quốc phòng, nhập cư nước ngoài, kinh tế suy giảm, thất nghiệp, đói kém, các oan khiên, bất an, muốn được quyền tự do nhiều hơn, muốn được lắng nghe nhiều hơn, muốn thủ đắc các quyền dân chủ của mình, và thậm chí có thể muốn thách thức ôn hòa trước quyền lực độc tôn của chính quyền, đảng cầm quyền, v.v.

Tất cả, và có lẽ nhiều hơn thế, có thể đã cùng tìm được các sự kiện của phong trào Hè 2011 là nơi gặp gỡ, giao lưu, thể hiện của mình.

Cuộc chiến trong cuộc

clip_image005

Xe buýt dân sự được chính quyền sử dụng trong một số cuộc can thiệp giải tán biểu tình

Một trong những điểm đáng lưu ý khác của phong trào biểu tình Hè 2011, dưới hình thức tự nhóm và ôn hòa của nó, chính là tạo ra các tình huống mang tính thể nghiệm có lúc lên ngưỡng cao trào, đỉnh điểm và mang đặc thù riêng.

Các điểm nút có thể thấy như biểu tình làm bộc lộ tính thiếu thống nhất, nhất quán trong xử lý của Chính quyền Trung ương và địa phương. Đã ít nhất ba lần, các cuộc biểu tình của phong trào bị chính quyền can thiệp.

Dù các cuộc can thiệp được cho là thô bạo, tới mức một số dư luận cho là khó có thể chấp nhận, vi phạm pháp luật, vi hiến, các cuộc biểu tình vẫn diễn ra. Chính quyền có lúc tỏ ra muốn dập tắt nó, nhưng lại không thể hoặc không dám dập tắt nó một cách dứt điểm.

Lãnh đạo ngành này, cấp này của Chính quyền có vẻ chấp nhận các cuộc biểu tình và có phát ngôn “mềm hóa” về nó (như phát ngôn của Bộ Ngoại giao, của Giám đốc Công An Hà Nội,) trong khi lãnh đạo ngành khác, hoặc cấp khác cùng một Chính quyền ấy lại phản đối biểu tình, và tỏ ra cứng rắn, ngăn cấm hoặc sẵn sàng ra tay với nó.

Các loại vũ khí, chiến thuật mà chính quyền mang ra để đối phó với phong trào biểu tình có vẻ cũng rất đa dạng, quyết liệt. Chúng đi từ nhẹ tới nặng, từ lỏng tới chặt, từ ít quyết liệt đến hết sức quyết liệt, như một số công dân mạng đã liệt kê như: lập sổ đen, theo dõi, chia cắt, bao vây, can thiệp, giải tán, bắt bớ, khủng bố, tống giam...

Bên cạnh đó là các công cụ cứng, mềm hỗ trợ khác, vẫn theo một số bình luận mạng, như vận động, tuyên truyền, xâm nhập mạng, phản tuyên truyền, phản biểu tình, v.v.

Lực lượng áp đảo

clip_image006

Lực lượng an ninh, trật tự can thiệp giải tán một cuộc biểu tình

Chính quyền còn được cho là đã sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng áp đảo ở trung ương, cả nước và địa phương và huy động quần chúng phản biểu tình, cũng như chỉ đạo sản xuất các chương trình, kế hoạch chi tiết để phản biểu tình và chống biểu tình.

Hàng loạt các cơ quan, đoàn thể, ngành, ngạch của chính quyền được cho là đã được huy động một cách tổng thể, có kế hoạch, bài bản.

Chẳng hạn đó là các ngành công an, an ninh, nội chính, đảng – đoàn, tuyên giáo, truyền thông, mặt trận tổ quốc, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, hội sinh viên, hội phụ lão, hưu trí, các cơ quan, đoàn thể chuyên môn khác của chính quyền ở các cấp từ thành phố, quận, huyện, xã, phường.

Nhiều đoàn thể quần chúng, nhân dân địa phương nơi diễn ra các sự kiện hoặc có người tham gia các sự kiện của phong trào… và chưa kể tới các cơ quan bộ ngành ở Trung ương, đã được huy động tạo hiệu quả tổng thể.

"Lo lắng đó có thể có căn nguyên, nhất là trong tình hình trong nước, cũng như khu vực và quốc tế đang rất “nhạy cảm và nóng” như hiện nay, sau kinh nghiệm của Mùa Xuân Ả-rập với Tunisia, Ai Cập, Bahrain, đã lan tới Lybia, cũng như có thể sắp đi tới Syria"

Bên phía người biểu tình, các cuộc biểu tình và người tuần hành đối lại bằng việc các thành viên tham gia, cổ vũ, hay quan sát tuần hành… cố gắng luôn giữ đúng trong phạm vi hiến pháp, pháp luật…

Họ tỏ ra luôn bám vào các quy định, văn bản pháp quy, kể cả các phát ngôn của các quan chức lãnh đạo chính quyền; để trên cơ sở đó, thực hiện các quyền cơ bản, trong đó có quyền được biểu tình, quyền tự do ngôn luận và các quyền khác như phản biện xã hội, quyền khiếu nại, kiến nghị công dân và tập thể...

Họ cũng sử dụng các phương tiện truyền thông mạng với tầm bao phủ vượt ra khỏi địa điểm các cuộc biểu tình tuần hành, để tới với cấp độ toàn quốc và vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, tới với môi trường thông tin quốc tế, và toàn cầu.

Các thông điệp của họ sử dụng có vẻ được tự kiểm duyệt sao cho vẫn nêu được những thông tin thể hiện ý chí, nhu cầu, nguyện vọng biểu tình, mà vẫn không vi phạm hành lang pháp luật, do đó trở nên khó bắt bẻ, khó đàn áp hay trấn áp hơn.

Quan trọng ra sao

clip_image007

Nhiều bậc phụ huynh đã coi các cuộc biểu tình có ý nghĩa giáo dục với con cháu của họ

Chính sự tham gia, vào cuộc của ngành tuyên giáo, truyền thông và hàng loạt các hoạt động của các ngành, các cấp, các đoàn thể của trung ương và địa phương nơi diễn ra các sự kiện biểu tình, tuần hành, đã phần nào cho thấy, dù đôi lúc được Chính quyền và truyền thông nhà nước mô tả chỉ là hoạt động của thiểu số, thiếu điển hình, thiếu đại diện của “một nhóm người”, “một số phần tử”, các sự kiện đã tỏ ra quan trọng thực sự ra sao với Chính quyền.

Nhiều lực lượng an ninh, công an, trật tự, dân phòng, quần chúng đã được huy động để giải tán, cản trở các cuộc biểu tình, chưa kể các cuộc tổ chức người dân, cán bộ địa phương can thiệp tại gốc nơi cư trú, tạm trú, nguyên quán của nhiều người tham gia, ủng hộ hay thậm chí chỉ quan sát, quan tâm tới phong trào.

Nhiều bài báo, chương trình phát thanh, truyền hình, truyền thông mạng của Nhà nước ở Trung ương và Địa phương đã được tổ chức để vừa công kích biểu tình, vừa phản tuyên truyền và phản biểu tình. Cho tới nay, chưa có dấu hiệu chắc chắn nào cho thấy liệu các chiến dịch này của chính quyền hoàn toàn chấm dứt hay là không.

Một lần nữa câu hỏi đặt ra là nếu các cuộc biểu tình là không quan trọng, thì làm sao Chính quyền lại phải chú ý và huy động lực lượng sâu rộng đến như vậy, nếu như không phải là họ có thể đã có những lo lắng về quy mô lan rộng, hoặc ý nghĩa, tác động sâu xa như nhân tố chính trị - xã hội mới của phong trào.

Lo lắng đó có thể có căn nguyên, nhất là trong tình hình trong nước, cũng như khu vực và quốc tế đang rất “nhạy cảm và nóng” như hiện nay, sau kinh nghiệm của Mùa Xuân Ả-rập với Tunisia, Ai Cập, Bahrain, đã lan tới Lybia, cũng như có thể sắp đi tới Syria.

Cách thức kết thúc

clip_image008

Hai trí thức, nhân sỹ có mặt tại cuộc 'đối thoại' giữa Chính quyền Hà Nội với công dân (Hình minh họa)

Phong trào biểu tình mùa hè năm 2011 được cho là đã kết thúc, sau nhiều va chạm, đụng độ, đối đầu giữa hai bên là Chính quyền và người biểu tình, từ các mặt ý chí, quyền lợi, nhận thức, cho đến các hành xử cụ thể như trấn áp bằng sức mạnh của chính quyền và xu hướng ôn hòa, bất bạo động của những người tham gia biểu tình.

Có vẻ như Chính quyền Thành phố Hà Nội đã chịu một số sức ép của Chính quyền Trung ương, đặc biệt khi trong lãnh đạo Đảng, Chính quyền được cho là có thể đã so sánh việc phong trào biểu tình không diễn ra hoặc không thể diễn ra ở một số địa phương khác, trong khi tại chính Thủ đô lại để “tình trạng biểu tình” diễn ra quá lâu dài.

Trong tình thế ngăn cản, cấm đoán, đàn áp, trấn áp, như đã thử nghiệm tới ít nhất ba lần trong các tháng Bảy và Tám, không xong, Hà Nội cuối cùng quyết định nên có sự nhượng bộ và đối thoại với những người biểu tình, hơn là tiếp tục đối đầu cứng rắn với họ, ít ra là về mặt công khai và hình thức trong thời điểm hiện tại.

"Và họ thấy đã tới lúc có thể tạm khép lại một giai đoạn, một trang sử và tỏ ra sẵn sàng chủ động đối thoại với Chính quyền, nhất là người đối thoại cao nhất phía bên kia lại trong cương vị Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy, một điều hiếm thấy trong giải quyết tranh chấp chính quyền và dân ở Việt Nam lâu nay"

Và có người cho rằng, Hà Nội có thể tính toán rằng nếu làm quá cứng rắn, có thể lợi bất cập hại, các bức xúc chính trị - xã hội có thể trở nên khó lường, nếu bùng phát ở quy mô không thể kiểm soát được.

Và chắc Chính quyền Hà Nội cũng như có thể cả Chính quyền Trung ương đều không muốn Thủ đô trở thành địa điểm bùng phát ấy, vào thời điểm ở kỷ nguyên toàn cầu hóa, dân chủ hóa và thông tin giao tiếp mạng toàn cầu tính bằng phần tử giây và trong lúc nhiều điểm nóng đối nội và thách đố đối ngoại trong tình hình mới vẫn được cho là những thực tế kề cận.

Bên phía người biểu tình, phong trào chính trị - xã hội có vẻ như đã tạm hoàn tất một mô hình, một cách thức, thử nghiệm, hay một bước đi… mà dưới hình thức lần này là các cuộc biểu tình tuần hành xuống đường và trên mạng Internet, đòi các quyền cơ bản như quyền yêu nước và bảo vệ tổ quốc, cùng các quyền dân sự khác.

Và có vẻ họ thấy đã tới lúc có thể tạm khép lại một giai đoạn, một trang sử và tỏ ra sẵn sàng chủ động đối thoại với Chính quyền, nhất là người đối thoại cao nhất phía bên kia lại trong cương vị Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy, một điều hiếm thấy trong giải quyết tranh chấp giữa chính quyền và dân ở Việt Nam lâu nay.

Q.P.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn