Ở Việt Nam, Edison cũng khó phát minh

Liên Cơ

23/09/2011 17:46:40

clip_image002

 

Toàn cảnh toạ đàm sáng 23/9. Ảnh LC

 
Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đang có 1,3ha đất "để hoang thì không sao, chứ hễ mà quy hoạch, chuyển đổi để đầu tư cho khoa học là có vấn đề".

Phát biểu của TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn hẳn cũng không làm các đại biểu tại tọa đàm “Đổi mới cơ chế tài chính và chính sách đãi ngộ cán bộ khoa học trong nông nghiệp” do tạp chí Tia sáng, Bộ KH&CN tổ chức sáng 23/9 ngạc nhiên.

Rất nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đều khẳng định, về căn bản, đã số các nhà khoa học đều khẳng định các chính sách hỗ trợ, phát triển KH&CN như hiện nay đều có ý tưởng tốt song rất khó đưa vào thực tế bởi rào cản của các văn bản pháp luật.

Hành chính hóa, khó đột phá

Phát biểu tại toạ đàm, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong đã rất rất bức xúc: “Nếu Edison mà rơi vào cơ chế tài chính khoa học như hiện nay ở Việt Nam thì sẽ chẳng thể có phát minh thế kỷ về bóng đèn sợi dây đốt tóc. Cơ chế tài chính cho khoa học là đặc thù, cứ áp đặt hành chính hóa thì chỉ sẽ khó có được đột phá như mong đợi”.

GS Hoàng Văn Phong cho rằng, quá trình 10 năm nghiên cứu của ông đã rất may mắn. Vì nếu giả thiết, đến năm thứ 9 nghiên cứu của ông vẫn chưa cho kết quả, bị đình lại thì liệu chúng ta có được phát minh mang tính đột phá, mở ra một kỷ nguyên mới về chiếu sáng cũng như công nghệ chiếu sáng?

GS Phong ví von: nghiên cứu khoa học cần có quý nhân mà với hiện trạng nền khoa học Việt Nam đó chính là cơ chế chính sách. Chính vì vậy, những nhà quản lý, cấp tài chính cần có tư duy của người làm khoa học để hiểu rõ tính đặc thù của nó.

TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã chỉ ra những bất cập trong hệ thống chính sách về tài chính cho khoa học công nghệ.

Theo TS Sơn, hiện các Viện nghiên cứu đang sở hữu một khối lượng tài sản Nhà nước rất lớn đó là đất đai, trang thiết bị… Đơn cử như Viện Chính sách Chiến lược hát triển nông nghiệp nông thôn đang có 1,3ha đất ở Trâu Quỳ, Gia Lâm ước tính giá thị trường cũng cả trăm tỷ.

“Nhưng để hoang thì không sao, chứ hễ mà quy hoạch, chuyển đổi để đầu tư cho khoa học là có vấn đề ngay” - TS Sơn thú thật - “Hiện Viện đã đề xuất trả lại cho Hà Nội nhưng một năm nay vẫn chưa trả được”.

Điều đó cho thấy, chính sách quản lý tài chính của chúng ta chỉ thắt chặt quản lý đầu vào, nhưng quản lý đầu ra lại khá lỏng lẻo.

Hoặc như như việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo. Nếu như Nghị định 115 quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, Thủ trưởng các tổ chức khoa học và công nghệ được quyền quyết định việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cho từ chức và miễn nhiệm cấp trưởng, cấp phó các bộ phận, tổ chức trực thuộc (Khoản 1, điều 10) nhưng không thực hiện được vì vướng các quy định về cấp phát kinh phí, quản lý công sở.

Quy trình hiện hành vẫn phải tiến hành theo nhiều bước bằng quyết định tập thể hoặc vẫn yêu cầu đề bạt cán bộ lãnh đạo phải là viên chức, đảng viên thì sẽ vô tình đã làm mất đi sự tự chủ của thủ trưởng đơn vị.

Hay như việc thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ. Theo Luật Cán bộ công chức và Luật Phòng chống tham nhũng quy định: “Cán bộ, viên chức, công chức không được tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp”.

Do vậy, khi các tổ chức KHCN công lập thành lập doanh nghiệp hoặc tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp để áp dụng chuyển giao kết quả nghiên cứu của đơn vị thì viên chức, công chức sẽ không được mua cổ phần sáng lập và không được tham gia điều hành.

Bên cạnh đó, việc đãi ngộ cán bộ cũ và mới, trong và ngoài biên chế, đánh giá công việc cũng như mức lương có sự khác biệt.

"Dám mạo hiểm không?"

TS Mai Xuân Triệu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô khẳng định, Nghị định 115 là rất đúng hướng, vấn đề cần giải quyết là những rào cản đang vướng phải.

“Song không phải là không có cách lách, có điều có dám mạo hiểm hay không mà thôi”- TS Triệu nhấn mạnh.

Bản thân Viện Nghiên cứu Ngô đã thí điểm cơ chế tài chính đối với một dự án đó là sau khi trừ đi các khoản thuế, lợi nhuận được chia đôi, một để lại cho Viện, một dành cho đội ngũ nhà khoa học nghiên cứu ra sản phẩm. Điều này đã tạo ta không khí phấn khởi, tinh thần hưng phấn làm việc của các cán bộ nghiên cứu. Thậm chí, có người còn tự bỏ tiền túi trước để làm các khảo nghiệm để nhanh chóng có kết quả vì họ biết trước, nếu thành công sẽ có tiền.

clip_image003

Liên doanh Công ty y tế công nghệ cao Vikomed (khu CNC Hoà Lạc) là một trong những mô hình thí điểm về thuê người nước ngoài nghiên cứu. Ảnh LC

Hay như mô hình nhóm nghiên cứu của GS TS Nguyễn Ngọc Trâm, nhà khoa học nổi tiếng với thương vụ bán bản quyền giống lúa 10 tỷ đồng cũng thấy sự tự chủ và rất quyết đoán, dám làm của các nhà khoa học. Ở đây, các nhà khoa học được trả lương theo thỏa thuận, năng lực. Các nhà khoa học nhận được hàng từ doanh nghiệp và song hành cùng họ để sản phẩm nghiên cứu được ứng dụng có hiệu quả nhất.

Điều này cũng khá trùng với kinh nghiệm của GS Vũ Quốc Vọng, nhà khoa học Việt kiều Úc. Ông cho biết, tại Úc, không có hình thức nghiệm thu đề tài mà song hành cùng các nhà khoa học là các doanh nhân. Họ bỏ tiền để các nhà khoa học nghiên cứu và giám sát kết quả.

Điều mà GS Vọng nhận xét, chưa thấy ở đâu, chức Viện trưởng một Viện nghiên cứu khoa học của Việt Nam lại to như thế: từ làm tuyển chọn đề tài, nghiệm thu, tuyển người, ký tài chính… Điều này đã chất gánh nặng công việc cho người đứng đầu mà không rõ đâu là nhiệm vụ chính cần đầu tư. Để người làm khoa học toàn tâm với công việc, cần có sự tách bạch lương nghiên cứu với lương quản lý. Có như vậy, ai theo thiên hướng gì sẽ chú tâm đến định hướng mà mình đã chọn mà đảm bảo, với lựa chọn đó, họ sống được.

Đa dạng hóa các mô hình nghiên cứu

clip_image005

Cần một cơ chế đặc thù để thí điểm mô hình tự chủ cho một đơn vị nghiên cứu KHCN.

(Chụp tại Trung tâm nghiên cứu và thiết kế Vi mạch TP HCM - ảnh LC)

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ đã thẳng thắn: chúng ta đã bàn và nói về vấn đề cơ chế chính sách cho hoạt động KH&CN quá nhiều rồi. Cuộc họp này cũng như những cuộc họp sau mà vẫn chỉ những con người này ngồi bàn thì sẽ không mong có sự thay đổi. Điều chúng ta cần là phải dám làm, dám chịu và dám thử nghiệm.

Nếu như không có mô hình khoán của Kim Ngọc thì sẽ không thể ra được chủ trương khoán 10. Lịch sử đã chứng minh, rất nhiều mô hình thử nghiệm sau khi chứng minh được tính đúng đắn đã được nhân rộng để tạo nhân tố đổi mới. Trước mắt, cần có cơ chế đặc thù cho một, hai mô hình thử nghiệm, giao quyền tự chủ thực sự để các Viện này làm.

Không những vậy, theo ông Lê Huy Ngọ, hiện kinh tế đã có nhiều mô hình liên doanh, hợp tác thì tại sao, chúng ta cứ nhất nhất chỉ có Viện nghiên cứu công lập? Cũng có một số mô hình Viện nghiên cứu tư nhân như Viện Nghiên cứu thủy sản Bình An, FPT… hay như các tập đoàn lớn của Việt Nam cũng đã hình thành các Viện nghiên cứu như Viettel, Dầu khí, Than khoáng sản… Đó là những tín hiệu đáng mừng nhưng chưa đủ. Thời gian tới, cần có chủ trương mở rộng các hình thức đầu tư cho Viện nghiên cứu như liên doanh với nước ngoài, mời các nhà khoa học Việt kiều, nước ngoài có uy tín về làm chuyên môn…

Với cương vị là Chủ tịch Hội đồng chính sách KHCN quốc gia, GS Đỗ Trung Tá cũng đồng tình, không nên bàn nhiều nữa mà cần có những hành động cụ thể. Cụ thể, một nhóm các nhà khoa học, quản lý có đủ thẩm quyền, có uy tín cần ngồi lại và chỉ ra rõ những vấn đề bất cập hiện nay về cơ chế chính sách cần sửa đổi ngay để trình Bộ KHCN xem xét, sau đó nếu thấy hợp lý sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

GS Tá cũng cho biết đã kiến nghị Thủ tướng xem xét việc trích lại 1% tổng doanh thu của hoạt động xuất nhập khẩu nông sản để dành đầu tư cho KHCN. Nếu được phê duyệt thì số tiền này ước chừng khoảng 3800 tỷ đồng mỗi năm.

Để xuất cơ chế đặc thù cho 8 viện nghiên cứu

Bộ NN&PTNT đang có đề xuất mô hình thử nghiệm một số cơ chế ở 8 Viện nghiên cứu trực thuộc Bộ này. Nội dung đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp đổi mới cơ chế quản lý KH&CN bao gồm 3 vấn đề: tổ chức bộ máy và cán bộ; quản lý tài chính khoa học và đầu tư tín dụng cho vay vốn để hoạt động nghiên cứu KH&CN.

Theo đó, về tổ chức bộ máy và cán bộ, Bộ Nông nghiệp đề nghị Thủ trưởng tổ chức KH&CN được quyết định thành lập, sát nhập, giải thể các đơn vị trực thuộc. Tiến hành đánh giá cán bộ theo hiệu quả công việc được giao, trình độ và năng lực cán bộ dùng làm tiêu chí đãi ngộ, trả lương.

L.C.

Nguồn: bee.net.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn