Đơn xin trợ cấp

Trịnh Khả Nguyên

Chị hàng xóm sang nhà nhờ tôi viết giúp cái Đơn xin trợ cấp. Chị nói, ông Tổ trưởng dân phố phổ biến là “trên” có mấy suất trợ cấp khó khăn, ai ở trong “diện” xin thì làm đơn gửi Ủy ban xét.

Tôi OK, lấy giấy viết ngay.

Dòng trên cùng viết tên nước, đương nhiên là nước ta; dòng dưới là sáu chữ Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Phần chính là tên tuổi, địa chỉ, hoàn cảnh người xin, lý do xin trợ cấp.

Trước khi bảo “chị ký vào chỗ này”, tôi cẩn thận đọc lại cho chị nghe xem chị có đồng ý với những điều tôi viết không. Bởi, bút sa là gà chết, đã có trường hợp, do vô tình hay cố ý hoặc do trình độ người viết, văn bản không hợp với thực tế.

Nghe xong, chị hỏi sao không có câu “Tôi thành thật cám ơn lãnh đạo trước”? May quá, còn trống một giòng, tôi viết thêm mấy chữ ấy vào. Thế là hoàn chỉnh một cái đơn xin theo “yêu cầu ”.

* * *

Mấy hôm nay đọc báo thấy rằng, văn nghệ sĩ nào muốn đạt danh hiệu, muốn được giải thưởng thì phải làm hồ sơ kê khai các tác phẩm và làm đơn xin hội đồng xét. Nhớ lại trường hợp của chị hàng xóm, tôi tự hỏi, không biết, cuối đơn, có hay không câu “Tôi thành thật cám ơn”?

Có thì cũng đúng thôi, vì được “cho” thì phải cám ơn, đó là lịch sự. Nhưng không biết do đâu, do ai tạo cho dân mình có cái tư tưởng “nhờ ơn, nhờ sự quan tâm của…”, nên phải cám ơn? Còn “chờ cho” thì lo cám ơn trước. Dân ta có nói, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn thì lời “cám ơn trước”cũng là lời khôn.

Vị nào tự thấy ở trong “diện”, đã làm hồ sơ dự giải thì không nói làm gì. Nhưng nghe nói có vị cũng đủ “diện” mà không làm hồ sơ, không viết đơn xin xét, hoặc rút tên khỏi danh sách đề cử. Sao thế thưa các vị? Có gia đình chỉ mong được cái Bằng khen Gia đình Văn hóa là vinh dự rồi. Mua danh ba vạn, có người dám bỏ ra mấy vạn (chắc là đô la chứ Việt Nam đồng thì ít quá!) để mua bằng, mua danh. Đằng nầy chỉ viết một cái đơn thì được thưởng, được danh, được lợi mà cũng không viết?

Hay là như bác Nguyên Ngọc đã nói, đại ý, tiền thưởng là tiền của dân, còn tác giả làm /viết được gì thì người đọc đã đánh giá rồi. Diễn đạt lại như thế không biết có đúng ý bác không? Nếu không đúng ý bác thì thành thật xin lỗi, nếu đúng, thì bác Nguyên Ngọc nói chí lý. Thực thì, không phải bác Nguyên Ngọc là người duy nhất và đầu tiên từ chối giải thưởng. Trước đây và ngay năm này cũng có người không chịu nhận thưởng. Rõ, cái vòng danh lợi cong cong / Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào.

Bước vào hay bước ra – một hành động nhưng theo hai hướng ngược nhau. Về cái giải thưởng và người nhận giải cũng thế. Có giải thưởng làm cho người nhận được vinh danh, như giải Nobel chẳng hạn. Nhưng cũng có trường hợp người nhận lại vinh danh cho cái giải thưởng, chẳng hạn, M. Gadhafi tặng giải thưởng cho N. Mandela là muốn nhờ cái danh của Mandela để cái giải thưởng do mình đặt ra có giá trị chút xíu. Khi dân Libya nổi lên chống sự độc tài của Gadhafi thì dân Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ dân Libya và đòi Tổng thống Thổ gửi trả lại cái giải thưởng mà ông Gadhafi đã tặng cho Tổng thống.

Những người có thực tài, có ích cho xã hội, thì tự nhiên được người đời nhớ đến, vinh danh, dù người đó đạt danh hiệu, giải thưởng gì hay không. Trái lại, cũng nhiều người đạt danh này, chức kia nhưng công ít tội nhiều (Kiều) thì cũng không ích gì cho xã hội, rồi cũng bị lãng quên.

Trở lại với hai “cái đơn xin” nêu trên, một bên viết kể khó để xin được trợ cấp, một bên viết kể công để xin được thưởng, nhưng cùng mục đích là để được một “suất”gì đó. Cho hay không là quyền của ủy ban, của hội đồng. Nhưng chỉ sợ nhầm, người đáng thì không được hoặc người được thì không đáng, thành ra mất “tác dụng”, uổng của… nhân dân.

T.K.N.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn