Việt Nam trước hình thái chiến tranh mới

Lê Ngọc Thống

image Bất kỳ một quốc gia nào nếu như muốn Tổ quốc không bị bất ngờ thì phải biết được nguy cơ thách thức an ninh từ đâu đến? Lực lượng bao nhiêu? Đến bằng cách nào? Nhằm vào đâu? Và chuẩn bị để đón nó ra sao. Việt Nam cũng vậy thôi. Khi một láng giềng vốn hùng mạnh lại tăng cường lực lượng quân sự vượt khỏi giới hạn phòng thủ, không minh bạch, kèm theo thái độ nước lớn nghênh ngang, đe dọa dùng vũ lực; hành động ngang ngược, chèn ép bắt nạt… thì đó là vận hội hòa bình hay là nguy cơ chiến tranh? Dù không muốn thì Việt Nam cũng bắt buộc phải có ứng xử và hành xử với nguy cơ này. Bài phân tích và nhận định của Lê Ngọc Thống – nguyên sỹ quan Hải quân Việt Nam.

Đối tượng và khu vực tác chiến

Từ xưa tới nay dân tộc Việt trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh. Lúc thì phải thực hiện chiến tranh giải phóng Tổ quốc; lúc thì thực hiện chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tuy nhiên những cuộc chiến này chủ yếu xảy ra trên Lãnh thổ. Vùng biển, vùng trời thời đó con người cả 2 phía chưa đủ khả năng để nhận thức được vị trí, lợi ích của nó nên được bỏ qua. Ngày nay tình thế đã khác, khi mà lãnh thổ đã “rành rành định sẵn ở sách Trời” rồi thì Vùng biển và Hải đảo con người có đủ khả năng để làm chủ, khai thác nó thì dù có được bảo vệ bằng Công ước LHQ về biển, Luật biển Quốc tế năm 1982 thì nó vẫn trở thành mục tiêu quan tâm của những kẻ có dã tâm bành trướng

Việt Nam là một quốc gia có 3260km bờ biển với hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ trong đó có 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa (bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1974) và Trường Sa. Theo Công ước của LHQ về biển và Luật biển năm 1982 thì Việt Nam có chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển với diện tích khoảng 1 triệu km2. Như vậy biển, đảo của Việt Nam thực sự là “Trời cho” và những kẻ có dã tâm bành trướng thì nhìn vô với ánh mắt thèm muốn, chờ cơ hội là hành động. Vấn đề đặt ra trước tình hình hiện nay là ta phải làm gì để “giữ lấy nó” như lời Bác Hồ dạy.

Quả thật, “Bảo vệ vững chắc vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc” mà Quân đội nói chung và Hải quân Việt Nam nói riêng gánh vác nghe có vẻ như là chức năng và nhiệm vụ thường xuyên muôn thuở của mình nhưng thực tế hết sức mới mẻ. Bởi lẽ để thực hiện tốt nhiệm vụ, nếu khi có kẻ xâm lược vùng biển và hải đảo thì quân QĐNDVN mà nòng cốt là HQNDVN phải tiến hành chiến tranh trên biển, nghĩa là có rất nhiều trận  hải chiến sẽ xảy ra. Mà hải chiến thì Việt Nam quá ít kinh nghiệm. Từ xưa tới nay dù chỉ là quy mô nhỏ, lịch sử ghi nhận có 5 trận hải chiến mà cha ông thực hiện. Trận thứ nhất ở cửa biển Vân Đồn do ông tướng thủy quân được gọi là giỏi nhất Đại Việt thời bấy giờ – Trần Khánh Dư chỉ huy. Sử sách không ghi diễn biến cụ thể, chỉ biết là đối đầu với hơn 400 thuyền chiến của Ô Mã Nhi, “hải quân bờ” của Trần Khánh Dư đại bại. Trước khi tự trói chịu tội ông tướng nhà Trần phát hiện lẽo đẽo đằng sau có một đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ do không kịp theo đoàn thuyền chiến của Ô Mã Nhi, vậy là gom góp “tàn quân” Trần Khánh Dư diệt gọn đoàn thuyền này. So với trận trước thì đây chỉ là trận thắng danh dự nhưng hậu quả thì vô cùng khủng khiếp với nhà Nguyên… Trận thứ hai là của hải quân của Chúa Nguyễn tiêu diệt 2 tàu chiến của Hà Lan xâm phạm lãnh hải. Trận thứ 3 là Hoàng Sa 1974 và 2 trận còn lại (mang hơi hướng của chiến tranh hiện đại một chút) là của HQNDVN gồm 3 tàu phóng lôi đánh đuổi tàu Maddox và trận ngày 19/4/1972 gồm 2 máy bay MIG21 hợp đồng tác chiến với 3 tàu phóng lôi đánh nhau với Hạm đội 7 Hải quân Mỹ gồm 01 tuần dương hạm, 02 khu trục hạm và 01 hộ tống hạm tại vùng biển Quảng Bình. Lần xung đột trên biển năm 1988 không tính vì HQNDVN lúc đó chỉ có tàu vận tải, không có tàu chiến tham gia.

Liệt kê ra những điều này để chúng ta biết rằng hải chiến chưa phải là sở trường của ta (và càng không phải là sở trường của Trung Quốc, với Nhật Bản thì họ đã, đang là cường quốc biển không ai có thể phủ nhận). Vì thế xây dựng thế trận, cách đánh, vũ khí trang bị … phải tích hợp với nhau và theo kiểu Việt Nam để giữ biển, giữ đảo đòi hỏi rất nhiều trí tuệ, rất nhiều công sức tiền của, tâm huyết của QĐNDVN và dân tộc Việt Nam.

Tình hình hiện nay Việt Nam khẳng định chắc chắn rằng nếu như có quốc gia nào đó xâm phạm vùng biển và hải đảo của mình thì quốc gia đó không ai khác ngoài Trung Quốc. Và đương nhiên đối tượng tác chiến của Việt Nam trong sự nghiệp giữ biển đảo không phải là Mỹ, Nhật Bản hoặc Nga mà phải là Trung Quốc.

Vậy giả sử khi Trung Quốc không còn đe dọa sử dụng vũ lực như đã từng đe dọa nhiều lần nữa mà dùng vũ lực thật thì mục tiêu họ cần đạt được là gì, không gian, khu vực tác chiến xảy ra ở đâu? Chẳng quá khó khi trả lời câu hỏi này. Rõ ràng đó là các sân bay bến cảng trên bờ; quần đảo Trường Sa và khu vực dầu khí. Nhưng lực lượng nào sẽ tham gia? Trung Quốc sẽ bung toàn lực hay chỉ sử dụng một hạm đội nào đó có tăng cường để gây chiến với Việt Nam?

Lật lại trang chiến tranh Việt Nam – Mỹ. Việt Nam thắng nhưng trên phương diện là làm cho Mỹ không leo thang chiến tranh; làm cho Mỹ phải rút quân về nước; làm cho chế độ mà Mỹ dựng lên sụp đổ để Việt Nam thống nhất. Thời điểm đó Mỹ có khả năng thực hiện một lúc 2 cuộc chiến tranh rưỡi và còn cả khối NATO nhưng Mỹ không thể tập trung toàn bộ lực lượng dù chỉ 1/4 sức mạnh bởi lợi ích ở Việt Nam của Mỹ không là gì so với lợi ích toàn cầu của Mỹ. Mỹ thất bại tại Việt Nam là sự thật, là do không hiểu Việt Nam nhưng cho rằng Mỹ yếu kém, hèn nhát, nhu nhược, thì chẳng khác nào “nghé không sợ cọp”. (Giá như hồi đó Việt Nam đối xử với Mỹ như Lê Lợi –Nguyễn Trãi đối xử với nhà Minh; như Nguyễn Huệ đối xử với nhà Thanh thì lịch sử ít nhất cũng không lùi lại 20 năm. Nhưng lịch sử thì không có “giá như”, đúng không?)

Trung Quốc thì khác Mỹ. Nếu như Mỹ không thể thì Trung Quốc là không dám đem hết toàn bộ lực lượng để “dạy cho Việt Nam một bài học” như họ từng nói. Bởi thứ nhất là: Ngay như Việt Nam năm 1975 mặc dù phải tung hết lực lượng vào miền Nam nhưng Tướng Giáp vẫn kiên quyết để lại Sư 308 – Sư đoàn thiện chiến nhất của Việt Nam lúc bấy giờ làm nhiệm vụ “Cận vệ”. Dù đã có đủ cơ sở để khẳng định “có cho kẹo Mỹ cũng không can thiệp trở lại Viêt Nam” nhưng Tướng Giáp và Bộ Chính trị Đảng CSVN vẫn dự kiến tình huống xấu nhất xảy ra cho miền Bắc trước một thế lực khác ngay khi chưa lộ mặt. Huống chi ngày nay Trung Quốc không có bạn, thời gian gần đây lại đi gây thù chuốc oán thêm nên xung quanh chỉ có cựu thù, họ nhìn Trung Quốc với con mắt cảnh giác, họ tăng cường tiềm lực quân sự để sẵn sàng đối phó với Trung Quốc mà Trung Quốc lại đi “dốc hết túi cho một canh bạc chưa đâu vào đâu” thì quả là mạo hiểm về chiến lược và ngu xuẩn về chiến thuật. Điều thứ hai là tình hình chính trị xã hội Trung Quốc rất bất ổn. Có lẽ đây là điều nguy hiểm nhất. Bởi không phải ai trong giới cầm quyền Bắc Kinh cũng muốn đánh Việt Nam và nếu dùng hết toàn bộ lực lượng hiện có tấn công (với giả thiết các nước láng giềng xung quanh là bạn và không có nguy cơ nào thách thức đến an ninh quốc gia từ bên ngoài) thì kết quả bắt buộc phải thắng nhưng thắng nhanh. Không thắng coi như tự sát, nhưng thắng không nhanh cũng gây nên thảm họa trong nước (nội bộ thì đấu đá hạ bệ nhau, bạo loạn, ly khai…) cũng coi như tự sát (hình như cư dân mạng của Trung Quốc cũng sợ chuyện này nên mới vạch ra kế hoạch nổi tiếng táo bạo 31 ngày thì phải).

Giá như giới quân sự Trung Quốc trả lời chắc chắn được câu hỏi có “thắng nhanh” hay không? Nhưng rất tiếc, câu trả lời là của phía Việt Nam.

Vậy là đã rõ, lực lượng mà HQNDVN phải đối mặt nếu như không nhầm thì là Hạm đội Nam Hải được tăng cường lực lượng không quân và tên lửa đạn đạo. Có thể nói lực lượng, trang bị vũ khí của Hạm đội này cũng áp đảo, vượt trội so với Hải quân Việt Nam chứ không phải là chuyện đùa. Đây là Hạm đội chủ lực mạnh nhất, hiện đại nhất của Trung Quốc và duy nhất trong 3 hạm đội của Trung Quốc được biên chế 2 lữ đoàn lính thủy đánh bộ. Điều này cũng chứng tỏ nhiệm vụ và đối tượng tác chiến của Hạm đội Nam Hải là ai rồi.

Một trang sử mới với một hình thái chiến tranh mới – chiến tranh trên biển trong sự nghiệp giữ gìn, bảo vệ Tổ quốc của chúng ta bắt đầu.

Nếu Mỹ tấn công Việt Nam với mục đích đạt được như Trung Quốc, theo kịch bản mà Mỹ từng sử dụng ở Irắc, Coxovo, Apganixtan thì Mỹ sẽ sử dụng đòn tấn công tên lửa, pháo hạm từ tàu ngầm, tàu nổi, cùng với máy bay cường kích tên lửa chiếm lĩnh bầu trời đồng loạt vào các vị trí sân bay, bến cảng, các trạm radar của Việt Nam. Mỹ có thể làm chủ cuộc tấn công nếu như Mỹ với hàng trăm máy bay trên tàu sân bay làm chủ được vùng trời. Đây cũng là ưu thế quyết định nhất của các trận hải chiến. Bởi vì lực lượng không quân hải quân là lực lượng nguy hiểm nhất để áp chế, khống chế hoặc tiêu diệt nhanh nhất lực lượng tàu nổi, lực lượng tên lửa bờ, sân bay, bến cảng. Và tất nhiên kết quả phụ thuộc lớn về việc không quân hải quân Việt Nam có giằng co được với đối phương trên vùng trời của vùng biển xảy ra tác chiến hay không. Nếu giằng co được thì có cơ hội phản công, nếu không thì chấp nhận trở về thời kỳ trước năm1975 thực hiện chiến tranh du kích.

Nếu Trung Quốc tấn công Việt Nam cũng có kịch bản tương tự Mỹ thôi nhưng ưu thế quyết định nhất của các trận hải chiến thì Việt Nam nắm giữ bởi lẽ không quân hải quân Trung Quốc chưa đủ cơ để vươn ra đến khu vực xảy ra tác chiến. Trung Quốc lại không có khả năng tấn công từ xa ngoài “tầm với” của đối phương như Mỹ, vì thế bắt buộc họ phải tiếp cận gần hơn, mà gần hơn thì nằm trong tầm hỏa lực của các lực lượng phòng thủ biển Việt Nam. Vì vậy dù lực lượng tàu ngầm, tàu nổi, tên lửa hiện đại của Trung Quốc không kém Mỹ là bao nhưng do không khống chế làm chủ vùng trời nên tạo điều kiện cho tàu ngầm, tàu mặt nước, không quân hải quân Việt Nam “nhởn nhơ” tha hồ lựa chọn phương án đáp trả. (Có lẽ bây giờ ta mới hiểu vì sao Trung Quốc lại có mơ ước khát khao cháy bỏng là làm sao để có tàu sân bay đến thế. Họ đã có nó, tuy nhiên chờ đến lúc được như Mỹ bây giờ là một khoảng thời gian dài).

Lối đánh và NMD Made in Vietnam

Ngày nay, hoạt động tác chiến để giữ biển đảo của Việt Nam hiện nay xảy ra trong một không gian rộng và sâu bao gồm trên không, trên biển, trong lòng biển và dưới đáy biển. Tương ứng với nó là các lực lượng không quân hải quân; tàu mặt nước; tàu ngầm; thủy lôi, mìn và lực lượng phòng thủ bờ biển.

Hải chiến ngày xưa thì các lực lượng này của hai bên thường tìm cách tiếp cận nhau, gặp nhau là bắn nhau như vãi đạn. Hải chiến hiện đại ngày nay thì khác, các lực lượng này hiếm khi đối mặt nhau mà chỉ tiêu diệt nhau khi khoảng cách còn rất xa. Vì thế kẻ nào nhìn xa hơn, vũ khí có tầm bắn xa hơn, độ chính xác cao hơn là kẻ đó thường chiếm ưu thế (nói là thường vì trong trận hải chiến tháng 10/1973 giữa hải quân Israel với Ai Cập và sau đó là Syria thì tàu tên lửa của hải quân Ai Cập và Syria tầm bắn lớn hơn tàu tên lửa của Israel gấp 2,5 lần nhưng do chiến thuật và gây nhiễu tốt nên khi tàu tên lửa của Ai Cập và Syria tấn công ngoài tầm hỏa lực của tàu tên lửa Israel mà không trúng mục tiêu thì lập tức tàu tên lửa Israel vận động tiếp cận đến đúng tầm hỏa lực của mình phóng tên lửa diệt gọn). Tuy nhiên có một điều cần hiểu là khoảng cách còn rất xa đó là xa bao nhiêu? Đây là vấn đề tuyệt mật quân sự. Bạn có thể biết tàu này, máy bay kia trang bị vũ khí này nọ nhưng bạn không thể biết tầm bắn có hiệu quả của nó là bao nhiêu km ngoài người làm chủ phương tiện đó ra. Vì thế hải chiến, không chiến hiện đại vẫn phải có các hành động đợi cơ, phục kích, hoặc vận động tiếp cận mục tiêu làm sao có lợi nhất để phát huy hỏa lực của mình. Như vậy không có nghĩa những tàu chiến hiện đại nhất được trang bị hỏa lực phòng, chống đầy mình là miễn bị tiêu diệt, tấn công.

Từ kinh nghiệm chiến tranh với Mỹ, như trong trận hải chiến ngày 19/4/1972 Lực lượng Hạm đội 7 Mỹ mạnh như vậy, bầu trời, vùng biển Việt Nam bị khống chế, phong tỏa như thế mà hải quân và không quân Viêt Nam vẫn hợp đồng tập kích làm cho 4 tàu chiến hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ bị bất ngờ, rối loạn, lúng túng đối phó và bị dính đòn đau. Vì thế, để chống lại một lực lượng hải quân mạnh, hiện đại tầm cỡ như Trung Quốc, Mỹ thì nguyên tắc sống còn trong tấn công đối phương là cơ động nhanh, bí mật, tập kích bất ngờ với các đòn dồn dập, nhiều hướng, nhiều chiều, nhiều phương tiện hỏa lực vào một mục tiêu làm cho đối phương lùng túng, rối loạn dễ bị tiêu diệt hoặc bị thiệt hại nặng nề. Tình thế hôm nay Việt Nam càng thuận lợi, dễ dàng hơn rất nhiều lần so với thời đánh Mỹ, do đó nguyên tắc sống còn trong tấn công trên biển này càng phát huy uy lực. Các tàu, xuồng phóng lôi, tên lửa loại nhỏ tốc độ cao Việt Nam đang đóng hàng loạt có thể đợi cơ phục kích ở bất cứ nơi đâu trên cửa sông, luồng lạch và gần 3.000 hòn đảo lớn nhỏ của bờ biển Việt Nam được sự hỗ trợ của không quân, lực lượng trên đất liền tùy theo tình hình tác chiến sẽ là một mối nguy hiểm cực lớn, tiềm tàng rất khó đối phó. Bất kỳ lực lượng tuần dương hạm, khu trục hạm nào dù hiện đại đến đâu mà “mon men” vào vùng biển và hải đảo của Việt Nam thì ngoài việc phải tập trung đối phó tương xứng với các máy bay, tàu chiến hiện đại của Việt Nam còn bị nguy cơ tiêu diệt rất cao bởi những con tàu “đặc nhiệm” này. Sự phối hợp bộ 3 giữa tàu tên lửa, phóng lôi loại nhỏ tốc độ cao và tàu ngầm với không quân phục kích hay tập kích có vẻ như trở thành loại hình tác chiến cơ bản, sở trường của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Hải chiến hiện đại với vũ khí công nghệ cao thì ngư lôi, tên lửa là hỏa lực chủ yếu mà bên này dùng để tiêu diệt bên kia và ngược lại, trong đó tên lửa là hỏa lực chính. Đến đây một bài toán hóc búa đặt ra là làm thế nào để cho tên lửa, ngư lôi của ta phóng ra là trúng đích và làm gì để vô hiệu hóa hoặc ít ra là hạn chế tên lửa, mgư lôi của đối phương?

Việt Nam nghèo không có cơ sở vật chất kỹ thuật để bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa như Mỹ, điều đó không có nghĩa là chỉ biết trương mắt nhìn tên lửa bay vào lãnh thổ mà chịu. Để đánh chặn các đòn tấn công bằng tên lửa hành trình, đạn đạo, máy bay tàng hình tầm thấp của đối phương, Việt Nam phải xây dựng, bố trí các tổ hợp phòng không nhiều tầng nhiều lớp nghĩa là các vùng lưới lửa như thời chống Mỹ với các cỡ nòng từ 12ly7 trở lên ở những hướng mà tên lửa, máy bay có thể xuất hiện. Các vị trí quan sát bằng kỹ thuật ở bờ biển, hải đảo sẽ thông báo cho tổ hợp phòng không biết tên lửa bay theo hướng nào, độ cao bao nhiêu, thời gian bao lâu để đồng loạt khai hỏa. Máy bay tuy tốc độ thấp nhưng đường bay không cố định; tên lửa có tốc độ cao thì đường bay lại cố định. Thuận lợi và khó khăn khi đánh chặn 2 loại này như nhau nhưng cũng lưới lửa này Việt Nam đã từng tiêu diệt máy bay F111 cánh cụp cánh xòe tốc độ siêu thanh thì ngày nay mọi điều đều có thể. Ngoài ra Việt Nam cũng phải học cách rải nhiễu, gây nhiễu của B52 Mỹ trong chiến dịch Linebacker; tạo ra các khu vực nhiễu loạn điện từ để tên lửa bay qua vùng đó thì mất điều khiển tự nổ hoặc ít nhất cũng phải hạn chế tối đa độ chính xác của tên lửa đến mục tiêu…

Như vậy, căn cứ vào nội lực và động thái chuẩn bị của Việt Nam thì bất kỳ một quốc gia nào trừ Mỹ mở một cuộc chiến tranh trên biển với Việt Nam, chẳng hạn Trung Quốc đang coi Trường Sa của Việt Nam và 80% diện tích Biển Đông là lợi ích cốt lõi thì điều đó (gây chiến tranh) có thể xảy ra thì nên bây giờ hoặc không bao giờ. Nhưng với nhãn quan của mình tôi cho rằng điều đó đã qua và ngay bây giờ cũng là quá khó. Không những Việt Nam đã mạnh lên rất nhiều mà tình hình khu vực đã thay đổi chóng mặt không có lợi cho Trung Quốc tý nào. Trung Quốc đã như hay bị coi như Liên Xô trước kia? Liệu một cuộc chiến tranh lạnh có xảy ra nữa không? Phản ứng của Trung Quốc nói lên điều gì? Chúng ta chờ xem.

L. N. T.

Nguồn: Viet-studies.info

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn