Lạm dụng khoa học để hợp lý hóa bản đồ đường lưỡi bò

(Trở lại câu chuyện bản đồ đường lưỡi bò trên các tạp chí khoa học quốc tế)

Nguyễn Văn Tuấn

image GS Tiến sĩ Y khoa, hiện cư trú tại Australia

Chính trị lạm dụng khoa học không phải là điều gì mới. Nhưng lạm dụng khoa học để quảng bá một bản đồ phi khoa học và phi pháp lý là điều mới. Chính phủ Trung Quốc đang lạm dụng khoa học để quảng bá bản đồ “đường lưỡi bò”, và đó là lý do chúng ta phải quan tâm.

Bản đồ “đường lưỡi bò” (có khi còn biết đến như là đường chữ U) là một bản đồ phi khoa học và phi lý. Khó biết bản đồ này xuất hiện từ thời điểm nào, nhưng dữ liệu cho thấy nó xuất hiện từ năm 1947 trong tài liệu nội bộ của Trung Quốc. Lúc đó bản đồ có 11 đường đứt đoạn bao trùm gần 90% vùng biển Đông Nam Á (kể cả Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta) mà Trung Quốc gọi là “South China Sea” và chúng ta gọi là Biển Đông. Sau này đường 11 đoạn biến thành 9 đoạn, và đến năm 2009, Trung Quốc cho lưu hành bản đồ 9 đoạn này trong các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc. Ngày nay, chúng ta đề cập đến bản đồ này là “Đường lưỡi bò” (ĐLB). Nhưng bản đồ ĐLB hoàn toàn không có cơ sở khoa học, bởi vì không ai có thể định vị trên biển. Bản đồ ĐLB cũng hoàn toàn phi pháp, vì chẳng có cơ quan quốc tế nào công nhận. Tất cả các nước trong khối ASEAN cũng không công nhận bản đồ ĐLB.

Từ can thiệp của chính phủ…

Trong vài năm gần đây, bản đồ ĐLB xuất hiện trên một số tập san khoa học quốc tế. Sự xuất hiện này không phải ngẫu nhiên. Có bằng chứng cho thấy đây là một chiến dịch của Chính quyền Trung Quốc. Tập san Climatic Change của Mỹ mới công bố một bài báo khoa học của nhóm tác giả Xuemei Shao (thuộc Viện Khoa học Địa lý và Tài nghiên thiên nhiên, Trung Quốc), trong đó có bản đồ ĐLB. Một số nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài viết thư chỉ ra rằng bản đồ đó sai, không có cơ sở khoa học. Theo thông lệ, Tổng biên tập của tập san Climatic Change (Michael Oppenheimer) gửi thư phản đối của nhóm nhà khoa học VN cho tác giả. Tác giả Xuemei Shao trả lời như sau (tạm dịch):

Chúng tôi sẽ không sửa biểu đồ đó. Bản đồ nhỏ mà chúng tôi chèn trong biểu đồ 6 là do yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc. Xin ông báo cho Tiến sĩ Bùi Quang Hiển liên lạc với Chính phủ Trung Quốc, chứ không phải cá nhân, về vấn đề này”.

Những câu chữ rất… ấn tượng, hiểu theo nghĩa mất lịch sự một cách khó tin! Chúng ta còn nhớ một vài “học giả” Trung Quốc hỏi những câu hỏi mất lịch sự và xấc láo với phái đoàn Việt Nam trong Hội nghị an ninh ở Biển Đông ở Mỹ vào năm ngoái. Không biết các thế hệ học giả Trung Quốc trước đây thì sao, nhưng tôi có cảm giác rằng những học giả lớn lên dưới chế độ XHCN kiểu Mao đều hành xử rất mất lịch sự, vô văn hóa, thô lỗ, và có phần xấc láo. Họ nói năng rất cộc cằn, và tỏ ra là những người thiếu khả năng diễn đạt sự bất đồng ý kiến bằng chữ nghĩa lịch thiệp. Nhưng chúng ta hãy tạm bỏ qua ngôn ngữ phi khoa học đó, mà hãy tìm hiểu ý nghĩa của câu trả lời trên là gì. Có nhiều cách để hiểu câu trả lời trên của ông Shao, riêng cá nhân tôi nghĩ đến 2 ý nghĩa sau đây:

Thứ nhất lá thư trên là một thú nhận rằng nhóm tác giả mà Shao đứng đầu làm theo lệnh của Chính phủ Trung Quốc. Thật ra, điều này không phải là một phát hiện gì mới, vì đã được biết đến từ lâu. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, năm 2007 Trung Quốc ra quy định là tất cả bản đồ Trung Quốc phải có ĐLB. Nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta có bằng chứng cụ thể qua thú nhận của một Giáo sư Trung Quốc rằng có sự can thiệp của Chính phủ Trung Quốc vào việc quảng bá ĐLB trên các tập san khoa học quốc tế.

Thứ hai, qua giọng văn “nên liên lạc với Chính phủ Trung Quốc”, chúng ta thấy rằng Shao không có lý lẽ khoa học. Bởi vì không có lý lẽ khoa học, nên ông “đá bóng” sang chính quyền. Rất có thể bản thân ông và cộng sự cũng không hài lòng với bản đồ ĐLB, nhưng vì cấp trên bảo sao thì phải làm vậy, nên đây là dịp để ông ta phủi tay ngầm ý nói “chúng tôi cũng không ủng hộ ĐLB”.

... đến lạm dụng khoa học

Mấy năm gần đây, giới khoa học Việt Nam ở nước ngoài phát hiện một số (nếu không muốn nói là nhiều) bài báo khoa học của các tác giả Trung Quốc có đăng bản đồ ĐLB. Chúng ta còn nhớ trước đây, tập san Waste Management có đăng bài báo của nhóm tác giả Tai trong đó có ĐLB. Các bạn ở Pháp phát hiện và lập tức viết thư cho Tổng biên tập để phản đối bản đồ phi khoa học và phi pháp này. Tôi và một số bạn cũng có thư phản đối. Những phản đối của chúng tôi cũng gây ra vài tác động tích cực, nhưng phải thành thật mà nói là chúng ta cũng chỉ “chữa cháy” chứ chưa chủ động diệt cái bản đồ phi lý đó.

Nhưng đó không phải là bài báo duy nhất có in bản đồ ĐLB. Gần đây, các nhà khoa học VN ở nước ngoài phát hiện một loạt bài báo khoa học có in bản đồ ĐLB. Những bài báo này được đăng trên các tập san như Climatic Change, và gần đây nhất là Science. Science là một tập san khoa học thuộc vào hàng danh giá nhất trên thế giới, nên tác động của những bài báo trên Science là rất lớn. Bài báo của Peng [1] là một bài tổng quan (review) về lịch sử dân số của nước Tàu, nhưng tác giả (lợi dụng?) chèn vào bản đồ ĐLB, mà nếu chỉ đọc sơ qua cũng khó phát hiện. Đó là một hành vi khó chấp nhận được và phi khoa học. Phi khoa học là vì bản đồ ĐLB hoàn toàn không có cơ sở khoa học (làm sao định vị trên nước biển?), phi pháp vì chẳng có cơ quan quốc tế nào công nhận. Công bố bản đồ ĐLB do đó là một vi phạm đạo đức khoa học.

Ngay sau khi bài báo được công bố, chúng tôi gồm một số nhóm nhà khoa học ở nước ngoài soạn những lá thư chỉ ra sự phi khoa học và phi lý của bản đồ ĐLB. Tôi và các đồng nghiệp thuộc Đại học Quốc gia TP HCM có thảo một lá thư và gửi cho Science. Lá thư của chúng tôi là loại letter to the editor, là một loại bình luận rất thông thường trong sinh hoạt khoa học. Trong khoa học, một khi bài báo được công bố, đồng nghiệp khắp nơi có thể săm soi và phê bình qua hình thức chủ yếu là letter to the editor (thư đến Chủ bút). Lá thư của chúng tôi cũng chỉ nhắm vào việc phê bình khoa học thuần túy, chứ không có màu sắc tranh chấp lãnh hải giữa ta và Tàu. Sau khi nhận được thư của chúng tôi, Ban biên tập Science trả lời tôi như sau:

Tạm dịch: Cám ơn ông đã nộp lá thư bình luận về bài tổng quan “China's Demographic History and Future Challenges.” Xin lưu ý rằng báo Science trong số ra ngày 30/9, chúng tôi đã công bố một ghi chú của Chủ bút về bản đồ ông nêu, làm rõ rằng biên giới của bản đồ đó không phản ảnh quan điểm của Science. Chúng tôi đang rà soát lại quy trình xuất bản để đảm bảo rằng chúng tôi làm rõ trong chiều hướng tới. Ông có thể đọc phụ ghi của Chủ bút tại đây:

http://www.sciencemag.org/content/333/6051/1824.2.full

Jennifer Sills

Associate Letters Editor

Science

Câu hỏi đặt ra là Chủ bút viết gì trong phần phụ ghi? Sau đây là phần phụ ghi của Chủ bút Science:

Editor's Note

IN THE REVIEW “CHINA'S DEMOGRAPHIC history and future challenges” in the 29 July special section on Population (1), Fig. 1 showed a map of the South China Sea. We have become aware that some readers are interpreting the publication of this map as a statement by Science on the maritime borders marked in the image. This is not the case.

Science's policy, found on the masthead page of each issue, states that “all articles published in Science—including editorials, news and comment, and book reviews—are signed and reflect the individual views of the authors and not official points of view adopted by AAAS or the institutions with which the authors are affiliated.”Science does not have a position with regard to jurisdictional claims in the area of water included in the map. We are reviewing our map acceptance procedures to ensure that in the future Science does not appear to endorse or take a position on territorial/jurisdictional disputes.

REFERENCE

1. X. Peng, Science 333, 581 (2011).

Nội dung của Editor’s Note này cũng y như nội dung lá thư bà Sills gửi cho chúng tôi. Science không nói rằng bản đồ ĐLB đúng hay sai, cũng không nói là sẽ rút lại bản đồ đó trên Science. Dĩ nhiên, chúng tôi cảm thấy trả lời của Science chưa đạt, nhưng chúng tôi cũng ghi nhận rằng Ban biên tập Science đã nhận thức được vấn đề.

Tập san Nature (một “đối thủ” của Science) cũng có động thái tích cực. Ban biên tập Nature giao cho một phóng viên liên lạc những người liên quan để hỏi những vấn đề đằng sau ĐLB. Tôi và một vài bạn khác được phóng viên này phỏng vấn. Chưa biết những ý kiến của chúng tôi sẽ được công bố đầy đủ hay không. Tôi đoán rằng phóng viên sẽ hỏi hai phía, giới khoa học Việt Nam và Tàu, để làm rõ vấn đề. Tôi chưa thể đăng toàn văn bài trả lời phỏng vấn của tôi vì Nature chưa công bố. Chúng ta hãy chờ xem phóng viên này viết gì, nhưng qua trao đổi tôi nghĩ anh ta sẽ công bằng và điều này có lợi cho chúng ta.

Cảnh giác!

Qua những sự việc gần đây liên quan đến ĐLB, tôi nghĩ đến một số ý và bài học.

Thứ nhất, giới khoa học chúng ta cần phải cảnh giác. Bất cứ chúng ta làm trong lĩnh vực nào, y khoa hay khoa học xã hội, chúng ta cần phải chú ý đến những bài báo khoa học của các tác giả Tàu. Rõ ràng, họ đã nhận được chỉ thị hay yêu cầu của Chính phủ Tàu để lợi dụng các tập san khoa học công bố bản đồ ĐLB như là một cách hợp thức hóa tham vọng vô lý và phi lý của Tàu. Chúng ta phải cảnh giác và ngăn chặn hành động ma mảnh này.

Thứ hai, cần phải chủ động viết bài cho báo chí đại chúng về sự lạm dụng khoa học của Chính phủ Tàu. Phòng bệnh hơn là chữa bệnh. Tương tự, chúng ta ngăn chặn sự xuất hiện của ĐLB hơn là viết thư phản đối nó trên các tập san khoa học. Một hình thức ngăn ngừa sự lây lan của ĐLB trên các diễn đàn khoa học là chúng ta chủ động viết những bài báo cho các báo chí đại chúng để cảnh báo về những hành động vi phạm đạo đức trong xuất bản khoa học của giới khoa bảng Tàu. Phải chỉ ra tính “unethical publication” của các nhà khoa học Tàu, vốn đã nổi tiếng với những hành động vô đạo đức khoa học khác như đạo văn và ngụy tạo số liệu.

Thứ ba, có lẽ cần phải quốc tế hóa vấn đề ĐLB trên tập san khoa học. ĐLB không chỉ ảnh hưởng đến chủ quyền nước ta, mà còn ảnh hưởng đến Đài Loan, Phi Luật Tân và Mã Lai. Đài Loan và Tàu là cùng phe, nên chúng ta không kỳ vọng vào Đài Loan. Tuy nhiên, cho đến nay, theo tôi biết các nhà khoa học của Phi Luật Tân và Mã Lai vẫn chưa lên tiếng về ĐLB. Cũng có thể họ chưa chú ý hay chưa quan tâm hay chưa biết. Tôi nghĩ chúng ta cần phải vận động và mời các bạn ở hai nước này tham gia phản đối ĐLB trên các tập san khoa học. Với sự quốc tế hóa này, chúng ta sẽ có nhiều lợi thế hơn là tranh luận như hiện nay mà có thể vài người nhìn như là tranh chấp giữa ta và Tàu.

Qua những sự việc gần đây, tôi nghĩ đến ý nghĩa về các nhóm xã hội độc lập. Phải ghi nhận một thực tế là tất cả các phát hiện và phản đối sự xuất hiện của ĐLB trong thời gian qua đều do các nhóm khoa học người Việt ở nước ngoài khởi xướng và thực hiện. Và, việc làm của họ có hiệu quả quan trọng. Cái lợi thế của chúng tôi và các bạn ở ngoài là độc lập với Nhà nước, nên Chính phủ Tàu không thể nói rằng chúng tôi làm theo chỉ thị của chính quyền Việt Nam. Ngược lại, các đồng nghiệp trong nước có khi khó nói, vì các hiệp hội và đoàn thể trong nước đều chịu sự kiểm soát của Đảng và Nhà nước. Nên chăng qua những vụ việc gần đây, Nhà nước nên cho phép thành lập các nhóm xã hội độc lập để có tiếng nói độc lập liên quan đến các vấn đề quan trọng như chủ quyền quốc gia.

N.V.T.

====

Phụ lục

Đây là ý chính của bài trả lời phỏng vấn cho tập san Nature của tôi. Để tiện theo dõi tôi đã dịch sang tiếng Việt như sau:

Nature: Câu hỏi đầu tiên là tại sao ông đặt vấn đề khi các nhà khoa học Trung Quốc công bố bản đồ ĐLB? Trung Quốc tuyên bố rằng những đảo đó thuộc về chủ quyền của họ.Việt Nam cũng tuyên bố rằng những đảo đó thuộc về chủ quyền của họ. Khi nào vấn đề chính trị đó chưa được giải quyết, các nhà nghiên cứu chỉ việc tuân theo quan điểm chính thức của nước họ. Các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng có thể làm như các nhà khoa học Trung Quốc.

NVT: Cám ơn ông đã quan tâm đến vấn đề chúng tôi nêu. Tôi nghĩ cần phải nói rõ rằng vấn đề chúng ta đang bàn là bản đồ đường lưỡi bò (ĐLB) chứ không phải những hòn đảo, kể cả Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều nước, trong đó có Việt Nam, tuyên bố rằng Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của họ. Chúng ta chưa bàn đến vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, mà chỉ bàn đến bản đồ đường chữ U, hay ĐLB, bao trùm khoảng 90% diện tích biển Đông Nam Á.

Đây là vấn đề khoa học, chứ không phải chính trị. Trong khoa học, khi công bố một dữ liệu, dữ liệu đó phải mang tính hợp lý khoa học. Đường lưỡi bò không có cơ sở khoa học và cũng chẳng có cơ sở pháp lý. Nó được nhà cầm quyền Trung Quốc vẽ ra một cách tùy tiện. Đứng trên phương diện khoa học, rất khó xác định rõ ràng một đường hay góc độ cụ thể trên biển. Về mặt pháp lý, bản đồ ĐLB không được bất cứ một quốc gia nào trong vùng Đông Nam Á công nhận, không có một tổ chức quốc tế nào công nhận. Chính vì thế mà tôi cho rằng công bố bản đồ ĐLB trên bất cứ một tập san khoa học nào là một việc làm không thích hợp và không thể chấp nhận được. Các tập san khoa học phải duy trì một chuẩn mực khoa học cao, chỉ công bố những dữ liệu nào có cơ sở khoa học. ĐLB không có cơ sở khoa học và pháp lý nên không nên xuất hiện trên các tập san khoa học.

Nature: Ông đã báo cho các tác giả Trung Quốc biết về vấn đề đang tranh cãi chưa? Nếu có, các tác giả Trung Quốc trả lời ra sao? Nếu chưa, tại sao?

NVT: Tôi xem đây là một vấn đề khoa học, và cần phải nêu lên trong các diễn đàn khoa học. Tôi đã đặt vấn đề với một số tập san như Waste Management Science (những tập san đã công bố bản đồ ĐLB), và tôi nghĩ rằng theo thông lệ khoa học, Ban biên tập đã chuyển những bài phản đối của tôi đến tác giả Trung Quốc.

Tuy nhiên, cho đến nay, tôi chưa nhận được trả lời nào của các tác giả Trung Quốc. Sự im lặng của họ có lẽ bất bình thường đối với chúng ta, những người quen với các quy ước nghiên cứu khoa học quốc tế, nhưng tôi nghĩ có thể giải thích tại sao họ im lặng. Tôi nghĩ lý do về sự im lặng khó hiểu của họ là do sự can thiệp chính trị từ chính quyền Trung Quốc. Có bằng chứng cho thấy Chính phủ Trung Quốc ra chỉ thị cho các nhà khoa học phải công bố bản đồ ĐLB trên các tập san khoa học quốc tế khi có dịp. Do sự can thiệp như thế, các nhà khoa học Trung Quốc không có tự do học thuật, không có tiếng nói khách quan và trung thực, và họ chỉ làm theo lệnh của Chính phủ Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng các Ban biên tập tập san khoa học quốc tế cần phải nhận thức rằng Trung Quốc muốn sử dụng các tập san khoa học như là một phương tiện tuyên truyền bản đồ ĐLB, phục vụ cho mục tiêu chính trị của họ.

Nature: Các nước khác có nêu vấn đề này không? Tôi hỏi câu này vì Đài Loan, Mã Lai, và Phi Luật Tân cũng tuyên bố chủ quyền trên các quần đảo đó.

NVT: Một lần nữa, xin nhắc lại rằng vấn đề là bản đồ ĐLB, chứ không phải Hoàng Sa và Trường Sa, mà Việt Nam và một số nước khác có tranh chấp.

Mặc dù bản đồ ĐLB đã xuất hiện trong các ấn phẩm tiếng Hoa khá lâu, nhưng sự xuất hiện của bản đồ này trên các tập san khoa học quốc tế thì chỉ mới đây. Sự xuất hiện của bản đồ ĐLB trên các tập san khoa học có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ quốc tế. Việc Trung Quốc vẽ bản đồ ĐLB đã gây ra tranh cãi nóng giữa các nước trong vùng ĐNA và Trung Quốc. Những tranh cãi này đã leo thang đến độ nguy hiểm. Trong vài năm gần đây, nhiều ngư dân Việt Nam đánh cá trong vùng Hoàng Sa và Trường Sa thường hay bị các tàu Trung Quốc khủng bố và gây khó khăn. Thậm chí, một số ngư dân bị bắt làm con tin, và một số khác bị sát hại bởi các lực lượng có thể là cảnh sát biển Trung Quốc. Chỉ mới hai tháng trước, hai tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam hoạt động trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam bị tàu của Trung Quốc cắt cáp một cách táo tợn. Những sự kiện trên đây xảy ra trong vùng thuộc bản đồ ĐLB làm cho Quốc hội Mỹ quan tâm.

Nature: Vấn đề này có bao giờ xuất hiện trong các hội nghị khoa học hay gây căng thẳng trong cộng đồng khoa học? Vấn đề ĐLB có gây trở ngại cho những hợp tác giữa các nhà khoa học?

NVT: Theo tôi biết, vấn đề bản đồ ĐLB chưa bao giờ được nêu trong hội nghị khoa học. Tuy nhiên, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ mới tổ chức một hội nghị quốc tế với sự tham gia của Thượng nghị sĩ John McCain và nhiều học giả khác. Trong hội nghị này, nhiều học giả đã chỉ ra sự phi lý của ĐLB.

Tôi không nghĩ vấn đề bản đồ ĐLB sẽ gây trở ngại cho hợp tác khoa học giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chúng tôi, các nhà khoa học Việt Nam và Trung Quốc, có đủ kinh nghiệm và “trưởng thành” để không để cho cảm tính và chính trị can thiệp vào những hợp tác giữa hai bên.

Nature: Ngoài tập san Nature, ông đã gửi lá thư phản đối đó đến tập san nào? Các tập san đã trả lời cho ông chưa?

NVT: Tôi không phải là một trong những người ký tên vào lá thư mà ông đề cập. Tuy nhiên, tôi đã viết lá thư cho Ban biên tập đến một số tập san, kể cả Waste ManagementScience, chỉ ra rằng bản đồ ĐLB không có cơ sở khoa học và pháp lý. Tổng biên tập của Waste Management đã tử tế trả lời tôi. Hiện nay, tôi vẫn còn đang chờ đợi trả lời của Ban biên tập tập san Science.

Tôi hy vọng rằng những trả lời trên có ích cho ông. Nếu cần thêm chi tiết, ông cứ liên lạc tôi một cách thoải mái, và tôi sẽ rất hân hạnh hầu chuyện cùng ông. Một lần nữa xin cám ơn cuộc phỏng vấn này.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn