Liều thuốc thử từ chuyện vỡ đê

Bình Đại

Liền mấy ngày nay, trên BVN, cộng tác viên Hai Kim đã bươn chải về các miệt Cả Mũi, ấp Thị, xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp... để kịp thời làm các phóng sự bằng ảnh, giúp bạn đọc chứng kiến tận mắt tình cảnh xót xa của nông dân bị dòng nước lũ cuốn trôi mất sạch vụ lúa thứ ba làm theo sự ép uổng của các cấp chính quyền, bất chấp thực trạng bão lũ của đồng bằng sông Cửu Long vào mùa này khiến cho những con đê bao mỏng manh xây vội vã để đối phó không tài nào chịu nổi.

Vốn xuất thân từ nông dân, ngày 3/10/2011 tác giả Hai Kim đã có bài viết tâm huyết Tăng một triệu tấn lúa mần chi thưa Chính phủ? mong giới chức có trách nhiệm nghe thấu nỗi lòng cay đắng của dân chúng và rút kinh nghiệm cho các vụ sau.

Rất may, trên Sài Gòn giải phóng ngày 5-10-2011 chúng tôi cũng bắt gặp bài viết dưới đây có những ý kiến tương đồng, vì vậy xin đăng lên để chúng ta cùng nhau suy nghĩ về một giải pháp sao cho thực tế, thực sự cầu thị, bớt đi những chủ trương to tát từ trên trời giáng xuống – vì lý do gì thì ta khoan bàn nhưng chẳng hề có chút hiểu biết nào về khí hậu thời tiết của đồng ruộng miền Nam mà cứ đòi “trứng khôn hơn vịt” thì đã quá rõ – rốt cuộc trăm điều thua thiệt đều đổ lên đầu người dân mà không cần nhắc lại những câu hoa mỹ trong nghị quyết này nọ ta cũng biết đó là “cái gốc” của mình.

Bauxite Việt Nam

Vượt xa những dự báo ban đầu về một mùa “lũ đẹp”, ĐBSCL đang hứng chịu một mùa lũ cực lớn, hơn cả cơn lũ lịch sử năm 2000. Tuy nhiên, từ cơn lũ lớn này, hàng loạt vụ sạt lở, vỡ đê, tràn đê từ các địa phương đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp cho đến cuối nguồn tận Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang… đã bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến cuộc sống, sản xuất của hàng triệu nông dân, cần phải được xem xét một cách thấu đáo.

Thực tế cho thấy, hầu hết diện tích lúa bị thiệt hại từ các vụ vỡ đê trong mấy ngày qua ở An Giang, Đồng Tháp cũng như hàng chục, hàng trăm ngàn hécta lúa đang bị lũ đe dọa nghiêm trọng ở An Giang, Đồng Tháp đều nằm trong diện mới đưa vào sản xuất lúa vụ 3 không lâu. Trước đây, những diện tích này nằm trong vùng nguy hiểm, trũng thấp, hứng lũ, chưa có đê bao hoàn chỉnh… nên chỉ làm 2 vụ lúa ăn chắc, hàng năm đều được xả lũ.

Gần đây, khi lúa hàng hóa luôn có giá, cộng với tín hiệu “đèn xanh” của các địa phương nên nông dân thu hẹp dần đồng xả lũ để làm thêm lúa vụ 3; “có ăn” được nhờ… lũ kém. Đặc biệt, năm 2011, khi có chủ trương đẩy mạnh mở rộng diện tích sản xuất lúa vụ 3 lên 600.000ha (hơn 100.000ha so với năm 2010, gấp đôi so với 4 - 5 năm trước), các địa phương gấp rút xây dựng mới đê bao, cống đập và khuyến cáo, thậm chí “ép” nông dân làm vụ 3 mà chưa lường trước được tình hình mưa lũ nguy hiểm như thế nào. Nhiều nơi ở An Giang, Đồng Tháp, đê bao được cấp tập xây hối hả, thậm chí vừa xuống giống vụ 3, vừa làm đê bao. Và hơn ai hết, chính những người nông dân phải trả giá đắt khi lũ lớn ập về. Chính những nhà quản lý trong ngành nông nghiệp các địa phương đã từng lo ngại và thừa nhận: Thành đê, thân đê mới làm nên chưa vững, dễ bị sụp, lún, nứt, xì mọi; cộng với áp lực nước lũ quá lớn thì vỡ, sạt lở là lẻ đương nhiên!

Việc mở rộng diện tích lúa vụ 3 quá lớn, suy cho cùng cũng có lý do của việc bù lại phần sản lượng lúa hao hụt từ quy hoạch, xây dựng tràn lan và lãng phí (bỏ hoang) các khu công nghiệp, khu đô thị mới khắp ĐBSCL.

Những năm đầu thập niên trước, khi diện tích lúa vụ 3 khoảng 200.000 - 250.000ha và có dấu hiệu tăng dần hàng năm, các chuyên gia, nhà khoa học liên tục lên tiếng cảnh báo quyết liệt, khuyến cáo dừng lại, thậm chí không nên sản xuất lúa vụ 3. Các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp khẳng định việc xả lũ vào đồng ruộng có vai trò đặc biệt quan trọng: đón phù sa, vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt mầm bệnh, côn trùng gây hại, tháo chua, rửa phèn, xả đi các tồn lưu hóa chất của phân bón, thuốc trừ sâu tích tụ sau 2 vụ lúa chính trong năm. Thế nhưng, mọi chuyện đều diễn biến ngược lại. Tình trạng các khu đê bao khép kín có hàng chục ngàn hécta đất sản xuất lúa liên tục nhiều năm liền không được xả lũ ngày càng phổ biến. Vùng xả lũ ngày càng bị teo tóp nghiêm trọng, khắp nơi đều có hệ thống đê bao chống lũ khép kín để sản xuất vụ 3. Hệ quả là diễn biến lũ ở ĐBSCL những ngày qua rất đúng theo quy luật của tự nhiên “Tức nước vỡ bờ”. Nông dân lại là người chịu thiệt hại nhiều nhất.

Một vấn đề quan trọng khác: Khi cơn lũ hoành hành thì chất lượng thật sự của hệ thống đê bao mới được thể hiện một cách rõ ràng nhất, khiến nhiều người không khỏi giật mình. Riêng những nông dân trực tiếp sản xuất trong các tuyến đê bao này chắc chắn “ăn không ngon, ngủ không yên”. Còn nhớ, sau cơn lũ lịch sử năm 2000, “nguyên tắc vàng” bắt buộc trong việc quy hoạch, xây dựng cũng như nâng cấp hệ thống đê bao, đường giao thông nông thôn ở các địa phương vùng ngập lũ, cao trình phải bằng đến hơn đỉnh lũ lịch sử này. Mấy năm qua, các địa phương trong vùng cũng hết sức tự hào về thành tích này, có nơi còn “hò hét” rằng cao trình đê bao được xây dựng, nâng cấp vượt đỉnh lũ năm 2000 đến 0,4 - 0,5m… Nhưng khi cơn lũ năm nay bắt đầu ngấp nghé, chạm mốc và vượt nhẹ báo động 3, dù hãy còn thấp 20 - 40cm nước so với đỉnh lũ năm 2000, thì hàng loạt hệ thống đê bao từ các địa phương đầu đến hạ nguồn nhanh chóng rơi vào tình trạng nguy cấp, nước tràn, sạt lở, vỡ hàng loạt, nhấn chìm lúa, mía, hoa màu, cây ăn trái, nhà cửa của dân.

Cơn lũ năm 2011 chưa kết thúc, hàng loạt nguy hiểm vẫn còn chực chờ phía trước. Dù vậy, những diễn biến của nó đã và đang là liều thuốc thử. “Bài toán” đối với việc quy hoạch, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn vùng ngập lũ ở ĐBSCL đến nay vẫn chưa thể giải xong.

B.Đ.

Nguồn:sggp.org.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn