Một chuyến viếng thăm và đối thoại cần thiết giữa trong và ngoài nước

Nguyễn Khoa Thái Anh

Dù muốn dù không, bộ phận ngoại giao của Việt Nam như các quốc gia khác có hai nhiệm vụ chính: 1) để lo toan thủ tục, giấy tờ và bảo vệ cho con dân Việt Nam (công dân và kiều bào của họ) ở nước sở tại; 2) bang giao, trao đổi thông tin và đại diện cho sĩ diện Việt Nam. Nghĩa là phổ biến và cổ xúy những đặc thù và văn hóa hay đẹp của đất nước. Đây là cách quảng bá quyền lực mềm/soft power chính thức và hữu hiệu nhất của một quốc gia. Không nói ra, hai bộ phận Đại sứ quán và Lãnh sự quán có được cộng đồng hải ngoại tin yêu và trông đợi hay không còn tùy thuộc vào cách hành xử của Nhà nước đối với không phải chỉ với ngoại kiều mà chính là những con dân yêu nước tại Việt Nam. Đại đa số người Việt hải ngoại đều là công dân của các nước sở tại, có thể họ ít cần đến sự đãi ngộ hay chiêu dụ của Nghị quyết 36 bằng sự công bằng toàn diện ở trong nước.

Thái Anh

Nhà trống quá Chị ơi (Tú Minh)

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=ZSBSs4zc4E

Nhà trống quá chị ơi

Mai chị đi dù chưa đến tuổi dậy thì

Còn thích đánh ô quan, chơi banh đũa, nhảy dây trước sân

Mẹ cha ốm đau không nuôi được cả bầy con thơ

Chị đi lấy chồng là để em được là ăn no

Nhà trống quá chị ơi

Mai chị đi, dù Đài Loan hay với gã Đại Hàn

Bụng to, trán cao nhưng tim nhỏ như hạt me khô

Mà thôi lo lắng chi cũng như con Nghé con Ngọ

Lấy chồng ngoại bang còn hơn đào phế liệu nuôi thân

ĐK:

Xóm mình xưa nhà tranh vách lá đã thay bằng nhiều căn ngói đỏ

Nép vào lưng chị em vừa mừng em vừa lo

Chị bỏ đi rồi nhà mình trống quá chị ơi

Má ơi đừng gả con thơ

Chim kêu vượn hú (2)

Chớ biết nhà má ở đâu?

Chủ nhật, 23 tháng 10, 2011, một chiều thu đẹp trời ở vùng Vịnh, nhiều thân hữu San José được Luật sư Nguyễn Hữu Liêm mời đến nhà dùng buổi cơm tối thân mật, chào đón ông Nguyễn Bá Hùng vừa đến San Francisco nhậm chức Tổng Lãnh sự. Tháp tùng ông có phu nhân và phái đoàn của Lãnh sự quán gồm có các Phó Lãnh sự, như ông Trần Như Sơn, phụ trách khâu Thương mại, bà Lê Thu Hà, Đổng lý văn phòng và ông Bùi Linh, Phó lãnh sự đặc trách về quan hệ song phương Việt-Mỹ. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi cũng đến 'chung vui' với khoảng 30 người khách địa phương.

Sau lời giới thiệu của một Luật sư trong vùng thay mặt cho chủ nhà, ông Nguyễn Bá Hùng mở đầu với những lời nói ôn tồn và chân tình của một nhà ngoại giao, đại ý ông Tổng Lãnh sự mong mọi người trong 'tinh thần cởi mở và thẳng thắn' sẽ trao đổi và đặt câu hỏi với ông, và nếu có những thắc mắc không được giải đáp hôm nay, họ có thể lên trang nhà của Lãnh sự quán góp ý. Sau khi cám ơn thịnh tình của chủ nhà cũng như tinh thần hiếu khách của mọi người đến dự buổi cơm tối thân mật, ông Hùng nhấn mạnh bước tiến nhảy vọt hiện nay giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong đối tác chiến lược, an ninh và quân sự giữa hai nước. Ông cho biết đây là lần đầu tiên một sự hợp tác toàn diện và quan trọng trong năm nước đối tác chiến lược (Hoa Kỳ, Việt Nam, Ấn Độ, Đức, và Nga) và chưa bao giờ tình hữu nghị giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được nâng cao như thế.

Ông cũng cho biết năm nay ông được 50 tuổi, và đến San Francisco lần đầu tiên, tuy rằng đã đi sứ (du học ở John Hopkins) ở Washington D.C. những năm trước. Sau những lời trình bày cặn kẽ của ông, tôi được anh Liêm giới thiệu là một nhà báo, và để mở đầu, tôi xin đáp ứng lại lời mời của ông bằng hai câu hỏi, (tôi bị anh Lâm Văn Sang 'sửa lưng' hỏi: tại sao lại trả lời bằng câu hỏi? Vì tôi đã lỡ nói:

"Để trả lời lời mời thẳng thắn và cởi mở của ông Hùng, tôi xin có 2 câu hỏi: Có phải nhà nước Việt Nam đang đi hàng hai với Trung Quốc và Hoa Kỳ, mà có lẽ họ còn thân với người láng giềng phương Bắc nhiều hơn. Trong khi ông Nguyễn Phú Trọng đi Trung Quốc, thì ông Trương Tấn Sang đi Ấn Độ. Động thái này của nhà cầm quyền Việt Nam phải được hiểu như thế nào? Như thế Việt Nam có thật tình muốn làm đối tác quan trọng với Hoa Kỳ hay không? Hay là họ không thực sự muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc? (Đi với Trung Quốc thì mất nước, đi với Mỹ thì mất Đảng) Tôi cũng nói thêm: là người Việt Nam ai cũng biết dã tâm và ý đồ của Trung Quốc, trong khi tuy Việt Nam và Mỹ đã có một cuộc chiến tranh, nhưng Hoa Kỳ không hề có ý định xâm lược Việt Nam, còn Trung Quốc thì chưa bao giờ từ bỏ ý đồ thống trị Việt Nam…".

Câu hỏi thứ hai: "Vì sao Lãnh sự quán cấp visa cho người Việt hải ngoại về nước, nhưng khi họ về đến phi trường Tân Sơn Nhất hay Nội Bài thì lại bị trục xuất và không nêu lý do. Nếu không muốn cho ai về thì đừng cấp visa cho họ. Lẽ nào Lãnh sự quán lại không có liên hệ mật thiết với Bộ Nội vụ hay An ninh trong nước để không cấp chiếu khán cho những thành phần bất hảo, hoặc vì bất cứ một lý do gì?

Câu thứ nhất, ông Nguyễn Bá Hùng trả lời dông dài và cho rằng Việt Nam vẫn muốn làm đối tác quan trọng với Mỹ. Sau một hồi dẫn giải, ông đưa ra bằng chứng rằng Hoa Kỳ không muốn làm đối tác với Việt Nam, tôi buột mồm: "Có phải vì cán cân Trung Quốc?" Ông Hùng cho rằng Mỹ không đánh giá đối tác Việt Nam ngang hàng với Mỹ là do thể chế chính trị khác biệt, cấu trúc ý thức hệ không giống nhau. Tôi hỏi vặn: "Ai là người đã tuyên bố câu này?".

Ông Hùng trả lời:

Ông Newt Gingrich trong một bài nghị luận viết trong tập san của AEI (American Enterprise Institute for Public Policy Research) viện lý do Việt Nam không thể được xem là đối tác với Mỹ được vì lý do nêu trên (Tôi vẫn chưa tìm ra bài viết này trong AEI).

Trả lời câu hỏi thứ hai, ông Hùng cho biết đầu tiên là các thành viên của Việt Tân, những phần tử được Nhà nước Việt Nam “chiếu cố”, không thể cấp visa cho họ vì xem họ là phản động bởi những hành động chống phá của họ, thí dụ như đem tài liệu cấm hoặc rải truyền đơn ở trong nước, hoặc ngay cả đánh bom, như vụ đánh bom ở Sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, còn một số khác do bị lọt sổ khám visa và ông cũng cho biết hàng không China Airlines cũng không làm tròn bổn phận nộp giấy tờ xin visa, tiếp đó ông đã đưa ra một số trường hợp các hành khách bay về Việt Nam khi chưa có chiếu khán rồi phải làm đơn xin ở phi trường cửa khẩu và bị bác đơn nên không được cho nhập cư vào Việt Nam (tôi chưa nghe nói nhiều về những trường hợp này trừ những năm đầu Việt Nam mở cửa).

Anh Lâm Văn Sang đặt 2 câu hỏi hơi lỗi thời, mang tính triết học mà theo tôi không được sát với thực tế cho lắm. Anh hỏi: “Thưa ông, có phải Việt Nam còn theo đuổi chủ nghĩa xã hội? Và vẫn toan tính tiến lên cái đích chủ nghĩa xã hội toàn cầu không?”. Tôi đùa bảo câu này nên hỏi với ông Giáo sư Triết Nguyễn Hữu Liêm thì hơn, ông Hùng cũng cười xòa đồng ý, tuy nhiên ông vẫn lịch sự trả lời. Qua những lời bàn bạc xa gần, ông có nhắc đến chuyện cách mạng ở Libya và mỉa mai về lời đồn Nhà nước Việt Nam đã ủng hộ cho nhà độc tài Muammar Gaddafi.

Theo ông (lãnh đạo) Việt Nam vẫn đi theo định lý và yếu tố bao quát của chủ nghĩa xã hội, điều này gợi trong óc tôi câu "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Tôi chợt nghĩ: Có phải ý nghĩa đích thực của nội hàm khái quát của chủ nghĩa xã hội thời thượng/đời nay là: quyền lợi và quyền lực của Đảng vẫn còn khi Việt Nam còn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, dù cho có cởi mở về kinh tế đến đâu; chủ nghĩa Cộng sản vẫn nằm trên giấy tờ và danh xưng chính thức để bảo vệ chỗ đứng của họ).

Sau khi dùng cơm và chuyện trò thân mật ở ngoài vườn xong, khoảng gần 8 giờ tối, chương trình văn nghệ bắt đầu với một nhóm khoảng 20 người còn lại. Chúng tôi vào nhà, quây quần với cây đàn guitar acoustic của nhạc sĩ Trần Quảng Nam. Anh Nam bắt đầu với bài 20 năm tình cũ, anh đứng lên nói vì sao hôm nay anh chọn hát bài 20 năm tình cũ thay vì bài 10 năm tình cũ được yêu cầu. Anh kể lại kỷ niệm 'chống Cộng' qua bài 10 năm tình cũ, cho biết đây là bài hát mà vào năm 1996 khi về nước anh đã bị tịch thu tập nhạc và một số băng vidéo. Lúc đó anh Nam bị tịch thu passport hai tháng và phải làm việc với Công an Văn hóa vì họ cho rằng bài 10 năm tình cũ mang tính phản động, nuối tiếc thời vàng son trước 75, với những câu như: “Cả một trời yêu bao giờ trở lại?”. Năm 1977, khi Hội Nghệ sĩ trong nước trách cứ sao bài hát phản động này được Nhà nước cho lọt sổ, tôi đã nghe lại bài hát này và nghe xong tôi chẳng thấy một chỗ nào là phản động cả, ngoại trừ nếu diễn giải quá quắt lắm thì có thể buộc tôi câu: “Mây bay 2 phương trời” (ngụ ý dân Việt vẫn phân chia Nam-Bắc/hay Việt Nam và Hoa Kỳ).

Nhưng mà cảm động nhất là khi ca nhạc sĩ Tú Minh đánh đàn và xin phép hát theo giọng Nam Bộ (sau khi trình bày bài Tìm về Cội nguồn, hát theo thể điệu ca trù miền Bắc do cô sáng tác) bài Nhà trống quá chị ơi – cũng do chính cô sáng tác, thể theo bài thơ cùng tên của Nguyễn Ngọc Lập – một bài nói lên tệ nạn các cô gái trẻ nhà quê Việt Nam lấy chồng Đài Loan hay Hàn quốc. Ông Hùng nghe xong giọng ca miền Nam truyền cảm của ca sĩ kiêm nhạc sĩ Tú Minh bức xúc quá bèn đứng lên, tuyên bố một cách tự nhiên và chân thành, rằng: "Tôi cảm thấy nhục nhã cho số phận các cô gái Việt Nam phải bán thân nuôi gia đình, nhất là tiến trình và thủ tục các cô phải theo khi bị chọn làm vợ các người Hoa này (ông không nói ra, nhưng ai cũng hình dung được hoàn cảnh các cô gái Việt Nam phải thoát y cho các ông chồng tương lai chọn lựa, y như cách mua bán ở hàng cá hàng thịt), trong khi phu nhân của ông đã mủi lòng rơi lệ vì cảm thương cho các cô gái Việt Nam. Ông cũng hứa sẽ đóng góp trong nỗ lực sửa đổi luật pháp, giới hạn chuyện các cô gái Việt lấy chồng ngoại bang.

Ngoài giọng ca điêu luyện và tuyệt vời của ca sĩ Ái Vân, tôi còn được nghe một giọng ca trong ấm và khả ái của một nữ ca sĩ tài tử, nghiệp dư tuy lớn tuổi nhưng giọng bà trong và truyền cảm với những bài Anh và Việt. Anh Liêm cũng góp phần với bài Nó và Tôi kể lại thân phận người lính miền Nam đã làm nhiều người cảm động nhất là các người trong Lãnh sự quán. Sau đó, ông Nguyễn Bá Hùng được yêu cầu hát một bài. Ông chọn bài Làng tôi của Chung Quân, một bài tiền chiến – có lẽ là một bài ruột của mình. Tuy bài này nói lên tình cảnh của một người miền Bắc vào thời kháng chiến chống Pháp, ca từ của nó có thể gợi ý về cuộc chiến tranh Nam Bắc tang thương:

Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh

Có sông sâu lơ lững vờn quanh, êm xuôi về Nam

Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau

Bóng tre ru bên mấy hàng cau

Đồng quê mơ màng

Nhưng than ôi có một chiều thu lá thu rơi

Có một chiều thu lá thu rơi

Ôm súng nhìn quê tôi thầm mơ bóng ngày về

Mơ trong bóng ngày về

Quê tôi chìm chân trời mờ sương

Quê tôi là bao nguồn yêu thương

Quê tôi là bao nhớ nhung se buồn

Là bao vấn vương tâm hồn người bốn phương

Thiết nghĩ, sau bao nhiêu lời buộc tội cay đắng hay tranh luận nẩy lửa giữa những người Việt với nhau trong nhiều năm qua, không có gì chân thành và làm động lòng trắc ẩn hơn những cảm xúc do lời và nhạc mang lại cho những con tim và những tâm hồn vốn chứa đầy tiếng nấc nghẹn oan khuất của những con dân chưa được toại nguyện với những ước mơ thầm kín của họ. Và có lẽ thành phần ngoại giao Việt Nam, do du học và hội nhập với những tiến trình dân chủ nước ngoài đã làm họ dễ trở nên những phần tử cởi mở cấp tiến hơn một số tầng lớp quan chức khác.

N.K.T.A.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn