Mười con kỳ lân nổi bật trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc

Daniel Blumenthal, Foreign Policy, 3-10-2011

Trần Ngọc Cư dịch

Daniel Blumenthal là đương kim Ủy viên và là cựu Phó chủ tịch Ủy ban Duyệt xét Tình hình Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung (the US-China Economic and Security Review Commission), một Ủy ban đặc nhiệm được Quốc hội Mỹ thiết lập năm 2000 có chức năng theo dõi, điều tra, và báo cáo hàng năm trước Quốc hội về những hành vi tiềm ẩn liên quan đến an ninh quốc gia trong mối quan hệ kinh tế và mậu dịch song phương giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đồng thời đưa ra các đề nghị để giúp Quốc hội có những quyết định lập pháp và hành chính thích hợp.

(Dựa theo Website của Ủy ban Duyệt xét Tình hình Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung: http://www.uscc.gov/)

Kỳ lân là con vật tưởng tượng rất xinh đẹp. Nhưng mặc dù có tràn đầy chứng cớ về tính chất huyền hoặc của giống vật này, nhiều người vẫn tin rằng chúng là loài vật có thực. Phần lớn chính sách của Mỹ đối với TQ cũng đặt cơ sở trên niềm tin tưởng vào những điều huyền hoặc: trong trường hợp này, những tin tưởng có vẻ trấn an nhưng thiếu nhất quán về lôgic. Nhưng khác với sự huyễn hoặc vô hại của giống kỳ lân, việc đưa chính sách của Mỹ đối với TQ vào lãnh vực hoang tưởng có thể rất nguy hiểm. Muốn soạn thảo một chính sách TQ hiệu quả hơn, chúng ta cần phải nhận ra những điều hoang tưởng trong tư duy của Mỹ về TQ. Tác giả James Mann nắm bắt được một đôi điều trong cuốn sách của ông, nhan đề The China Fantasy (Hoang tưởng về Trung Quốc).

Sau đây là 10 con kỳ lân hàng đầu trong chính sách của Mỹ đối với TQ mà tôi phát hiện:

1. Chuyện không sẽ hóa thành có. Đây là luận cứ ăn khách nhất trong chính sách của Mỹ đối với TQ. Luận cứ này cho rằng nếu ta đối đãi với TQ như một kẻ thù, thì TQ sẽ trở thành kẻ thù thật sự. Trái lại, nếu ta đối đãi với TQ như một người bạn, thì TQ sẽ trở thành một người bạn. Nhưng lịch sử 30 năm quan hệ Mỹ-Trung ít ra cũng phải đặt nghi vấn cho luận cứ này. Từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với TQ, mục tiêu của chính sách Mỹ luôn luôn là đưa TQ “vào đại gia đình của các quốc gia”. Ngoài bản thân TQ ra, không một quốc gia nào trên thế giới đóng góp nhiều hơn Mỹ trong việc cải thiện số phận người dân TQ và một cách hòa bình chào đón sự trỗi dậy của TQ. Và, thay vì gia tăng những biện pháp ngăn chặn TQ – một động thái tự nhiên trước tình thế bấp bênh gắn liền với sự trỗi dậy của bất cứ một đại cường nào – Mỹ đã để cho các lực lượng của mình ở Thái Bình Dương hao mòn dần và sẽ còn hao mòn hơn nữa. Chẳng bao lâu nữa Mỹ có thể đi vào đợt cắt giảm quốc phòng thứ ba trong nhiều năm. Sau đây chỉ là một ví dụ về thái độ hời hợt của Mỹ đối với TQ: Trong khi TQ tiếp tục tăng cường các lực lượng chiến lược, thì Mỹ lại ký một hiệp ước với Nga đặt một trần giới hạn cho các lực lượng chiến lược của mình mà gần như không để ý tới TQ. Trừ phi TQ cảm thấy sỉ nhục vì bị Mỹ bỏ quên, hẳn nhiên TQ cảm thấy rất thoải mái vì sự tập trung lỗi thời của Mỹ vào vấn đề kiểm soát vũ khí với Nga. Nhưng bất chấp những biểu hiện về sự rộng lượng của Mỹ, TQ vẫn coi Mỹ là kẻ thù (enemy) hoặc, có lúc thân thiện, thì coi Mỹ như một đối thủ (rival). Những chương trình quân sự của TQ được thiết kế để chuẩn bị chiến tranh với Mỹ. Lý luận cho rằng vì Mỹ đối đãi với TQ như kẻ thù nên TQ trở thành kẻ thù (the self-fulfilling prophecy) là quan niệm lạ lùng không thể tưởng tượng nỗi về chính sách của Mỹ đối với TQ và vì vậy tôi gọi đây là con kỳ lân số 1.

2. Bỏ rơi Đài Loan sẽ tháo gỡ trở ngại lớn nhất trong quan hệ Mỹ-Trung. Kể từ năm 2003, khi Tổng thống George W. Bush công khai khiển trách nguyên Tổng thống Đài Loan Chen Shui-bien (Trần Thủy Biển) trên sân cỏ Nhà Trắng với sự hiện diện của Thủ tướng TQ Wen Jiabao (Ôn Gia Bảo) ở bên cạnh, Mỹ dần dần cắt đứt các mối quan hệ thân thiết với Đài Loan. Chính sách Đài Loan của Tổng thống Barack Obama chỉ là một hệ quả hợp lý của chính sách của người tiền nhiệm mà thôi. Các thương vụ vũ khí đã bị khựng lại, chưa một thành viên nội các nào của Mỹ đến thăm viếng Đài Loan kể từ thời Chính quyền Clinton, và các đàm phán mậu dịch là hoàn toàn không có. Trên cơ bản, chương trình nghị sự chính sách Mỹ-Đài là một con số không. Đáp ứng từ phía TQ là gì? Thật ra, TQ vẫn tiếp tục đi con đường cũ. Nhưng thay vì tắm gội trong quan hệ nồng ấm gần đây với Đài Loan, TQ quay qua gây hấn với Việt Nam, Philippines, Nhật Bản, Nam Hàn, và Ấn Độ. Việc Mỹ tìm cách tháo gỡ những “trở ngại” trong quan hệ hai nước là điều không quan trọng đối với TQ; chính sách đối ngoại của TQ đi theo một lôgic nội bộ riêng mà Mỹ khó “ảnh hưởng” được nó. Bỏ rơi Đài Loan để cải thiện quan hệ với TQ lại là một điều hoang tưởng nguy hiểm khác.

3. TQ nhất định sẽ bắt kịp Mỹ, và Mỹ phải quản lý sự xuống dốc của mình một cách tế nhị. Lại thêm một con kỳ lân [một huyền thoại] nữa về chính sách của Mỹ đối với TQ. Mãi cho đến vài năm trước đây, gần như mọi nhà phân tích thời cuộc đều tin chắc rằng chúng ta không có gì để lo về TQ. Nhưng cái mốt trí thức bây giờ là phải nói chúng ta đang bất lực trước sức mạnh của TQ. Sự trỗi dậy của TQ và sự suy yếu của Mỹ là tất yếu. Nhưng tính tất yếu trong các vấn đề quốc tế lẽ ra vẫn là lãnh vực riêng biệt của những lý thuyết gia ý thức hệ nghiêm khắc, nhưng cho đến giờ này họ vẫn không thể giải thích được tại sao một châu Âu thống nhất lại chưa hề đặt ra một vấn đề nào cho Mỹ, tại sao Nhật Bản thời hậu chiến không bao giờ thực sự thách thức sự khống chế của Mỹ, hay tại sao nước Mỹ trên đà vươn lên và nước Anh trên đà suy yếu mà vẫn chưa bao giờ phải đánh nhau kể từ năm 1812. Sự thật là, TQ đang có nhiều vấn đề nghiêm trọng gần như không thể khắc phục nổi. TQ cung cấp vốn không đúng chỗ vì một hệ thống tài chính méo mó có đặc tính kiểm soát nguồn vốn và giá trị tiền tệ TQ không đặt cơ sở trên thị trường. Tỉ số nợ-trên-GDP (debt-to-GDP) của TQ có thể lên tới 80%, cũng do hậu quả của nền kinh tế bị méo lệch tệ hại nói trên. Và TQ đã tạo ra một cơn ác mộng dân số với lực lượng sản xuất ngày càng teo lại, một đợt tsunami của dân số già nua đang ập tới, và hàng triệu thanh niên không kiếm đươc vợ (xin tham khảo tác phẩm http://cgd.swissre.com/library/Demographic_risks_to_China.html tiên phong của bạn đồng nghiệp tôi, Nick Ebertstadt).

Mỹ cũng có nhiều vấn đề to lớn. Nhưng người Mỹ đang ráo riết tranh luận những vấn đề đó, biết rõ chúng là những vấn đề gì, và đang tìm cách bầu chọn lãnh đạo để sửa đổi chúng. Cơ cấu chính trị TQ vẫn chưa cho phép chỉnh sửa những vấn đề nghiêm trọng.

4 (liên quan với 3). TQ là chủ ngân hàng của Mỹ. Mỹ không thể làm mếch lòng ông chủ ngân hàng của mình. Thật ra, TQ gần giống như một kẻ đem tiền đi gửi ngân hàng (depositor) mà thôi. TQ gửi tiền của mình vào công khố phiếu của Bộ Tài chính Mỹ vì kinh tế TQ không cho phép giới đầu tư gửi tiền vào một nơi nào khác. Không còn cách nào khác để TQ sử dụng số tiền thặng dư [qua mậu dịch], trừ phi TQ thay đổi hệ thống tài chính của mình một cách triệt để (xem đoạn trên). TQ thu hoạch rất ít ỏi trên lượng tiền đem gửi của mình. Nếu Mỹ bắt đầu giảm nợ và giảm thâm hụt ngân sách, sự lựa chọn của TQ sẽ bị giới hạn hơn nữa. TQ rất cần đến đầu tư của Mỹ, cần mua trái phiếu Mỹ, và cần thị trường Mỹ. Cán cân của đòn bẫy nghiêng về phía Mỹ.

5. Mỹ đang cầu thân với TQ. Đây là con kỳ lân chính sách làm mọi người phải ngạc nhiên. Dẫu sao, Mỹ cũng có một chính sách cầu thân với TQ. Nhưng Mỹ chỉ cầu thân với một bộ phận rất nhỏ của nhân dân TQ: đó là Đảng Cộng sản TQ (ĐCSTQ). Đảng này có thể lớn – lớn nhất thế giới (có khoảng 70 triệu đảng viên). Đúng là Mỹ cần phải cầu thân với các lãnh đạo Đảng [CSTQ] trên các vấn đề chính trị và tài chính quan trọng, nhưng TQ còn có ít ra 1 tỉ người khác nữa. Nhiều người chắc chắn không phải là Đảng viên. Họ là các Luật sư, các nhà hoạt động, các lãnh đạo tôn giáo, nghệ sĩ, trí thức, và doanh nhân. Hầu hết đều mong cho ĐCSTQ lặng lẽ đi vào trong đêm tối [biến mất]. Mỹ không cầu thân với những người này. Các Tổng thống Mỹ muốn tránh làm cho các người đồng nhiệm TQ bối rối bằng việc đòi hỏi nói chuyện trực tiếp với một tầng lớp đại diện đích thực cho xã hội TQ. Tình hữu nghị nhìn dưới lăng kính quan hệ Chính phủ-với-Chính phủ không cho phép Mỹ tiếp xúc với đại đa số quần chúng TQ. Các quan chức TQ đến Mỹ có thể gặp bất cứ ai họ muốn gặp (thường thường trong những bối cảnh được bố trí cẩn thận và với những nhóm từng chỉ trích Chính phủ Mỹ và rất thân thiện với Chính phủ TQ). Các nhà lãnh đạo Mỹ tỏ ra dè dặt hơn nhiều trong việc lựa chọn người mình muốn gặp tại TQ. Mỹ không đòi hỏi TQ phải đáp ứng tương xứng bằng cách cho phép lãnh đạo Mỹ tiếp xúc với xã hội dân sự đích thực – các nhà lãnh đạo giáo hội bí mật, những người đòi hỏi cải tổ chính trị, vân vân. TQ rất thành công trong chính sách cầu thân của mình, nhưng Mỹ thì không.

6. Thử thách lớn nhất của Mỹ là chế ngự sự trỗi dậy của TQ. Thật ra, thử thách lớn nhất của Mỹ sẽ là chế ngự sự xuống dốc lâu dài của TQ. Nếu TQ không thực hiện được những cải tổ to lớn, mô hình tăng trưởng kinh tế của TQ có thể chỉ hoạt động đì đẹt trong thời gian sắp tới. TQ sẽ không có khả năng đối phó với thảm họa dân số của mình (liệu TQ có chịu thực thi một chính sách chấp nhận người nước ngoài đến nhập cư hay không?). Ngoài ra, hệ thống chính trị TQ quá sợ rủi ro và xơ cứng đến nỗi không thể thực hiện bất cứ cải tổ nào có thực chất.

7. Sự suy yếu của TQ sẽ làm cho chúng ta dễ thở hơn. Sự xuống dốc của TQ có thể tạo ra một thử thách lớn hơn cho Mỹ, chí ít kéo dài cả một thế hệ. Sự suy yếu này có thể diễn ra qua một quá trình lâu dài, thậm chí cả khi TQ trở nên hiếu chiến hơn với nhiều vũ khí nguy hiểm hơn (chẳng hạn, TQ phải làm gì để sử dụng số đàn ông thặng dư?). Nhiều người lý luận rằng cả Đức lẫn Đế chế Nhật Bản bắt đầu suy yếu từ sau Thế chiến I và tiếp tục suy yếu qua thảm họa của Thế chiến II. Bằng tất cả mọi thước đo hữu hiệu, Nga đang trên đà suy yếu. Ngay cả vậy, Nga cũng đã xâm chiếm một nước láng giềng cách đây không lâu. Một quốc gia suy yếu, được trang bị vũ khí hạt nhân có thể sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn một quốc gia đang trỗi dậy với tinh thần tự tin.

8. Mỹ cần phải thoát khỏi “sự chia trí” về Trung Đông và Nam Á để tập trung vào TQ. Đây là một con kỳ lân rất được giới chuyên gia yêu chuộng. Nhưng làm sao để thực hiện điều này? Trong khi người dân Trung Đông đang trải qua một cuộc cách mạng có tầm vóc lịch sử, một cuộc cách mạng có khả năng dẫn đến sự nở rộ các chế độ dân chủ hoặc dẫn đến một tình trạng hỗn hoạn do một chủ nghĩa cực đoan tệ hại hơn gây ra, làm sao Mỹ có thể chuyển sự chú ý của mình sang nơi khác? Liệu Mỹ có nên phó mặc Afghanistan cho lòng thương xót không mấy dịu ngọt của Taliban hay tình báo Pakistan không? Quan điểm này là đặc biệt mỉa mai trong tình thế TQ đang bành trướng các lợi ích ở Trung Đông và Mỹ cần hợp tác với Ấn Độ để đối phó với TQ. Mỹ không thể tạo ra một thứ trật tự theo ý muốn của mình tại châu Á mà không duy trì ảnh hưởng to lớn đối với các quốc gia sản xuất dầu hỏa tại Trung Đông và bằng cách cho phép Ấn Độ chỉ quanh quẩn trong các vấn đề Nam Á. Mỹ là siêu cường duy nhất hiện nay; chính sách đối ngoại của Mỹ nối kết nhiều mặt trận. “Chỉnh sửa tình hình châu Á” có nghĩa là “chỉnh sửa tình hình Trung Đông và Nam Á”.

9. Mỹ cần sự giúp đỡ của TQ để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Tôi đặt điều này gần cuối danh sách vì nó không hẳn là một con kỳ lân huyền hoặc. Đúng là Mỹ có nhu cầu như vậy. Nhưng việc TQ sẵn sàng giúp đỡ chúng ta lại là một điều hoang tưởng. Mỹ rất cần TQ giải giới Bắc Hàn. Nhưng TQ không muốn làm điều này, và bây giờ Bắc Hàn đã trở thành một cường quốc nguyên tử. Chẳng bao lâu nữa điều này sẽ diễn ra với Iran. Điều tốt nhất mà Mỹ có thể làm trong chính sách đối với TQ là không cho phép Bắc Kinh tiếp tục thái độ thiếu hợp tác thêm nữa. Hẳn nhiên là, nếu có sự giúp đỡ của TQ, các vấn đề toàn cầu sẽ trở nên dễ quản lý hơn. Nhưng nói rằng TQ đang thực sự đóng góp cho trật tự toàn cầu lại là một điều hoang tưởng chẳng khác gì một chú kỳ lân.

10. Chiến tranh với TQ là điều tất yếu. Một nhận thức có vẻ hợp lý đặt cơ sở trên chín “con kỳ lân” [huyền thoại] nói trên có khả năng đưa đến kết luận là Mỹ nhất định sẽ đi đến chiến tranh với TQ. Mặc dù đó là một nhận thức có vẻ hợp lý, nhưng đó cũng là một nhận thức thiếu chính xác. Quan hệ Mỹ-Trung sẽ được quyết định bởi hai động lực chủ yếu – một Mỹ có thể kiểm soát, một Mỹ không thể kiểm soát. Động lực thứ nhất là khả năng ngăn chặn hành vi hiếu chiến của TQ. Động lực thứ hai là phương cách theo đó tình hình chính trị sẽ diễn ra tại TQ. Phần thưởng chiến lược đối với Mỹ là một sự cải tổ dân chủ tại TQ. Thể chế dân chủ sẽ không giải quyết hết mọi vấn đề trong quan hệ Mỹ-Trung. TQ có thể vẫn rất cay cú về chủ quyền và vẫn mang nặng đầu óc dân tộc chủ nghĩa. Nhưng một thể chế dân chủ tự do thực sự tại TQ trong đó người dân được đại diện một cách công bằng là niềm hy vọng tốt đẹp nhất cho hòa bình. Những người dân thấp cổ bé họng lúc đó có thể buộc Chính phủ tập trung nguồn lực vào nhiều thứ vấn đề (như vấn đề tham nhũng, vấn đề phân phối tài nguyên không đúng chỗ, và sự thiếu sót một mạng lưới an toàn xã hội). Mỹ và các nước khác ở châu Á chắc chắn sẽ tin tưởng nhiều hơn ở một TQ cởi mở và minh bạch, và khi đó các quan hệ sẽ nẩy nở cả trong phạm vi xã hội dân sự. Lịch sử chứng minh rằng Mỹ gần như luôn luôn đứng về phía TQ. Mỹ đang kiên nhẫn chờ đợi để làm như thế thêm một lần nữa.

Nguồn: http://www.foreignpolicy.com

T.N. C.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn