Ngoại giao 'nhà nước' thay 'nhân dân?'

Nhà văn Võ Thị Hảo

clip_image001

 

Tác giả nhấn mạnh chính quyền không nên hạn chế lòng yêu nước của người dân trong đấu tranh chủ quyền với Trung Quốc.

 

Theo dõi các diễn biến mới đây về các chuyến thăm nước ngoài của các lãnh đạo đảng, nhà nước, quân đội liên quan tới Biển Đông, nhiều trang mạng của người Việt Nam trong nước và hải ngoại nhận xét rằng có vẻ chính quyền đang cố gửi đi một thông điệp kép về “đối ngoại”.

Mặt thứ nhất, đảng và nhà nước dường như muốn tỏ ra đang “làm đối ngoại” theo cách của “nhà nước” với các chuyến ngoại giao con thoi.

Lúc thì Thủ tướng chủ trì tiếp đại diện phương Tây như người tương nhiệm phía Đức ở Hà Nội, dự kiến thăm Nhật Bản ở Đông Bắc Á.

Lúc thì Chủ tịch nước ghé thăm khu vực tại Ấn Độ, rồi hội đàm với Philippines. Còn Tổng Bí thư viếng thăm Trung Quốc, sau hàng loạt đoàn tiền trạm từ quân sự tới dân sự.

Các trang mạng và dư luận còn bàn tán tới các khác biệt trong tuyên bố hay hành xử lúc này thì “đa phương hóa”, lúc khác lại tuyên bố “song phương” v.v. về câu chuyện Biển Đông.

Nhưng mặt thứ hai, với đối nội, thông điệp đối ngoại này, vẫn theo các cư dân mạng, có vẻ cho thấy một bộ phận lãnh đạo trong nội bộ đảng, quân đội, nhà nước muốn người dân “hãy nằm im” để nhà nước lo liệu “an ninh quốc gia” theo lối của mình.

Và chính quyền nhiều cấp tiếp tục có dấu hiệu “dè chừng”, “giơ đèn đỏ” đối phó với “ngoại giao nhân dân” mà một trong các đối tượng rõ nhất, như nhiều trang mạng và dư luận trong nước bàn luận, là các cuộc “biểu tình, tuần hành yêu nước”. Nhiều đơn thư, khiếu nại, kêu oan và thậm chí cả đơn kiện của họ đã bị “lờ đi” hoặc “bị bác bỏ” thẳng thừng.

Nhưng liệu “ngoại giao nhà nước” do Đảng lãnh đạo có thay thế được “ngoại giao nhân dân” có từ ngàn năm với những vai trò, ý nghĩa và thế mạnh riêng của nó hay là không?

“Bạo lực, thô lỗ”

clip_image002

Trung Quốc đang tăng cường thế và lực trên trường quốc tế không chỉ qua kinh tế mà còn bằng quân sự.

Chưa biết hiệu quả của các chuyến thăm ngoại giao con thoi, lúc “đa phương”, lúc “song phương” của lãnh đạo đảng, quân đội và nhà nước tới đâu, nhưng người dân không thể không khỏi thận trọng khi nghe thấy những gì mà người đồng chí Trung Quốc cho truyền thông của họ phản hồi.

Gần đây nhất, tờ Hoàn Cầu thời báo (Global Times) một trong những cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung quốc, trung tuần tháng Mười, không lâu sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Bắc Kinh, cho đăng một bài báo «đe dọa» các nước thách thức chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông một cách không dè dặt và úp mở.

Bài báo đại ý “hăm dọa” rằng bất cứ quốc gia nào dám cả gan như thế sẽ phải dè chừng nếu không muốn ngửi mùi «thuốc súng», điều ngay lập tức đã bị Philippines, không giống Việt Nam, phản đối ngay và kịch liệt cả chính thức lẫn trên mạng và cho đó là hành vi, phát ngôn đầy «bạo lực và thô lỗ».

Trước đó, cũng tờ Hoàn Cầu thời báo này ngày 27/9/2011 đăng một bài đằng đằng sát khí mang tựa đề đại loại là “Thời cơ tốt để có hành động quân sự tại Nam hải” của tác giả ký tên Long Tao.

Bài báo này, nằm trong một chuỗi vô số những bàì báo được cho là «chuẩn bị tinh thần, tâm thế», nhằm thúc đẩy Trung Quốc đánh chiếm Việt Nam «càng sớm càng tốt».

"Rồi đây, khi cuộc chiến vệ quốc bất đắc dĩ phải xảy ra, ai sẽ là người dám đứng lên bảo vệ Tổ quốc?"

Võ Thị Hảo

Và người đọc không thể không có những liên tưởng mang tính cập nhật. Có người thì cho rằng, Trung Quốc đưa ra thông điệp để nắn gân, rồi giành phiếu nội bộ v.v.

Thế nhưng nếu Trung Quốc đánh chiếm Việt Nam thật, thì sẽ ra sao? Vị Tổng Bí thư nào, vị Thủ tướng nào và vị Trung tướng, Đại tướng nào có thể đảm bảo điều đó dứt khoát sẽ không xảy ra? Họ đảm bảo bằng gì? Hay là bằng cách tiếp tục chế áp «ngoại giao nhân dân» chăng?

Nếu bây giờ tiếp tục đàn áp, bôi nhọ những người biểu tình chống ngoại xâm, người phản biện, người dám nói lên sự thật, vu cáo họ – trong đó có những nhân sĩ trí thức yêu nước rất đáng kính trọng – là “phản động”, là “chà đạp lên lòng yêu nước chân chính của nhân dân”... thì rồi đây, khi cuộc chiến vệ quốc bất đắc dĩ phải xảy ra, ai sẽ là người dám đứng lên bảo vệ Tổ quốc?

Mặt khác, các cư dân mạng cũng đặt ra câu hỏi, khi chính quyền được cho là đã, đang quy chụp tội “phản động” như vậy với dân, họ có làm dân mất lòng không? Và nếu người dân không chịu đựng được hơn nữa, họ trở nên phẫn nộ thì hậu quả sẽ ra sao?

Và khi nội bộ Việt Nam rối loạn giữa dân và nhà nước, thì Trung Quốc có để yên cho Việt Nam hay là không ? Hoàng Sa đã mất trong hoàn cảnh nào? Và Trường Sa hay nhiều thác Bản Giốc, Ải Nam Quan khác nữa có yên thân với họ hay là không?

Hẳn rằng bên kia biên giới, những người luôn mềm nắn, rắn buông với ‘dã tâm’ và âm mưu ‘hàng trăm, hàng nghìn năm’ thôn tính Việt Nam có thể đã và đang vô cùng hởi lòng hởi dạ với cách thức «ngoại giao nhân dân» mà thực chất là lòng dân yêu nước được coi là đang bị chính quyền Việt Nam "hạn chế" và "hạ thấp một cách tệ hại".

'Trả lại công bằng'

clip_image003

Nhà văn Nguyên Ngọc (phải) cùng Giáo sư Huệ Chi (trái) và trí thức, nhân sỹ tham gia biểu tình chống TQ Hè 2011.

Nhà văn Nguyên Ngọc – một người yêu nước có công trạng lớn – hiện đã và đang là một trong số nhiều nạn nhân của sự thể bị ‘đè nén và hạ thấp’ này.

Trong một thư ngỏ gửi Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị ngày 25/8/2011, liên quan tới một phóng sự của truyền hình Hà Nội được cho là «hạ thấp ngoại giao nhân dân», ông viết:

“... Họ còn sử dụng một thủ đoạn ti tiện mà tôi nghĩ ở tuổi ông hẳn có thể đã từng được biết, vào thời Cải cách ruộng đất và Nhân văn giai phẩm, dùng những người không được bất cứ ai cử ra nhưng lại được coi là “đại biểu của quần chúng nhân dân” lớn tiếng vu khống và chửi bới chúng tôi trên một phương tiện truyền thông chính thức của Đảng bộ và chính quyền Hà Nội...”.

"Sự hành xử trái Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ở một số tổ chức và cá nhân chính quyền các cấp gần đây là không thể tưởng tượng nổi và hy vọng chỉ có thể giải thích điều đó là một sự nhầm lẫn, manh động nhất thời".

Võ Thị Hảo

Cần nhắc lại rằng sự vu cáo, bôi nhọ, đàn áp những người yêu nước, người bất đồng chính kiến, những người tham gia biểu tình ôn hòa đang làm nhiều người dân Việt Nam phẫn nộ, trong khi kẻ thù ngoại bang có thể rất “hài lòng”.

Bởi vì phên dậu quan trọng và mạnh nhất bảo vệ quốc gia là lòng dân, điều mà lịch sử Việt Nam đã từng chứng minh, nay được cho là đang bị chính chính quyền, rồi một số cơ quan truyền thông quan trọng làm cho ‘suy yếu’ và ‘tổn thương’.

Sự hành xử trái Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ở một số tổ chức và cá nhân trong chính quyền các cấp gần đây là không thể tưởng tượng nổi và hy vọng chỉ có thể giải thích điều đó là một sự nhầm lẫn, manh động nhất thời.

Chứ lẽ nào điều đó lại được chỉ đạo bởi những người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Công an và Quân đội?

Nhưng bất kỳ sự manh động, nhầm lẫn, thậm chí sai lầm ‘chỉ đạo nào’ dù đến từ đâu, bởi ai, mà làm cho nước mất sẽ mãi mãi bị lịch sử quốc gia và dân tộc trê trách, con cháu và hậu thế lên án, "nếu" chúng ta vẫn còn giữ được tên của Tổ quốc và dân tộc của mình toàn vẹn trên tấm bản đồ thế giới mai sau.

V.T.H.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn