Putin – sự lựa chọn tối ưu hay quyền lực độc tài?

Nguyễn Thị Quỳnh Trang

Cuộc chuyển giao quyền lực vĩ đại ở điện Kremli

image Hẳn chúng ta còn nhớ một sự kiện đặc biệt với không chỉ nước Nga mà còn với chính trường thế giới vào ngày 7/5/2008, khi mà V. I. Putin – vị Tổng thống thứ hai của Liên bang Nga thời kỳ hậu Xô Viết đã chính thức từ chức sau 8 năm cầm quyền và chuyển giao vai trò người đứng đầu điện Kremli cho vị tân Tổng thống chỉ mới 43 tuổi – Dmitry Medvedev. Theo quan điểm của cá nhân người viết, đây có thể coi là một cuộc chuyển giao quyền lực vĩ đại nhất trong lịch sử nước Nga. Có thể liệt kê ra ba yếu tố đã làm nên tính lịch sử của sự kiện này:

Đầu tiên có thể thấy nước Nga đã trải qua 3 đời Tổng thống, tuy nhiên đây là lần đầu tiên diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực từ vị Tổng thống tiền nhiệm sang cho tân Tổng thống, nó khác với cách mà ông Putin đã được nhận trọng trách lãnh đạo nước Nga từ tay của Boris Yeltsin. Đó là khi Yeltsin đã tuyên bố tự nguyện từ chức trước thời hạn và chuyển giao mọi quyền lực Tổng thống cho nhà chính khách trẻ Vladimir Putin. Và sự lên ngôi của Putin vào thời điểm đó dường như là một sự thỏa hiệp để giúp Yeltsin được hưởng quyền miễn trừ tư pháp với những điều ông ta đã làm khi còn trên cương vị Tổng thống.

Thứ hai: Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nước Nga có hai nhà lãnh đạo thực sự tâm đầu ý hợp và có sự phối hợp ăn ý trong việc kiểm soát cả chính quyền hành pháp và lập pháp, điều này là một thuận lợi lớn của nước Nga nếu như so sánh với hoàn cảnh của chính nước Nga trong những năm đầu thập kỷ 90, khi mà chính quyền hành pháp và lập pháp ở nước Nga gần như đối đầu nhau và đã khiến nước Nga rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn.

Thứ ba: vào thời điểm chuyển giao quyền lực năm 2008, nước Nga đã có một vị thế mới, sức mạnh mới trên trường quốc tế so với thời kỳ Putin mới lên cầm quyền, đây là thành quả vĩ đại mà người lãnh đạo tiền nhiệm của Nga – ông Putin đã để lại sau 8 năm lãnh đạo. Nước Nga từ chỗ là một đất nước suy thoái về kinh tế, bất ổn về chính trị, và vị trí cường quốc dường như chỉ còn là ánh hào quang của quá khứ thì nay Nga đã lấy lại vị thế của mình, lọt vào một trong 7 nước phát triển nhất thế giới, những chính sách vừa mềm dẻo vừa cứng rắn của ông Putin vừa được lòng dân chúng Nga vừa khiến cho các nước phương Tây phải thận trọng, dè chừng. Một số nước châu Âu như Pháp, Đức… đã dám chống lại Mỹ để ủng hộ Nga trong việc không đồng ý cho hai nước Uckraine và Gruzia gia nhập NATO. Ý định sử dụng NATO như một công cụ để thực hiện chiến lược toàn cầu hóa của Mỹ cũng phần nào bị hạn chế khi mà tiếng nói của Nga đang ngày một gia tăng trên trường quốc tế, một số nước phương Tây đã thực sự không muốn làm mếch lòng Nga.

Khi Medvedev lên thay thế Putin trong vai trò người đứng đầu điện Kremli thì người ta đã tin tưởng cặp đối tác vững vàng này sẽ là một điểm tựa lớn cho sự phát triển trong thời gian tới của nước Nga. Việc Putin lên nắm giữ chức Chủ tịch Đảng nước Nga thống nhất đã đưa ông trở thành vị Thủ tướng quyền lực nhất trong lịch sử nước Nga, và cùng với đó là kinh nghiệm và sự gắn bó gần 20 năm của ông với tân Tổng thống Medvedev sẽ là cơ sở vững chắc cho sự phối hợp ăn ý và vị trí song hành dẫn dắt nước Nga của hai ông.

Tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng Medvedev chỉ là cái bóng của ông Putin. Và hoài nghi đó càng được khẳng định khi cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ tới đang tới gần, cái tên Putin lại một lần nữa được người ta nhắc đến.

Putin, sự lựa chọn tối ưu hay quyền lực độc tài?

Mặc dù đến tháng 3/2012 kỳ bầu cử Tổng thống mới diễn ra, nhưng hầu như ai cũng có thể đoán được ai sẽ là ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí Tổng thống, đó chính là cựu Tổng thống V. I. Putin, nhất là khi chính Tổng thống đương nhiệm Medvedev đã đề nghị Thủ tướng Vladimir Putin làm ứng cử viên của Đảng nước Nga thống nhất ra tranh cử Tổng thống Nga năm 2012. Có người cho là đây chỉ là sự hoán đổi quyền lực khi mà Medvedev chỉ có vai trò là người giữ hộ ngai vàng trong một nhiệm kỳ, giờ đã đến ngày hoàn trả. Và Putin lại có quyền quay lại ngôi vương một cách hợp pháp. Điều đó có thực sự là một sự lựa chọn tốt nhất cho nước Nga vào thời điểm này? Đúng là không thể phủ nhận những gì Putin đã làm được cho nước Nga. Từ một nước Nga yếu kém và rối loạn thời Bolris Yeltsin, giờ đây Nga đã dần lấy lại vị thế của một cường quốc, ít nhất là về mặt quân sự. Trong suốt thời gian tại vị của Putin, nước Nga đã ngày càng tăng cường củng cố quân sự sau cả một thập kỷ bỏ bê để chú trọng khắc phục khó khăn về kinh tế, và khi kinh tế đã có phần nào ổn định, Nga đã có điều kiện để quay lại tập trung khẳng định vị trí hàng đầu thế giới về quân sự. Putin đủ khôn ngoan để hiểu rằng kinh tế chưa đủ mạnh nên tăng cường sức mạnh quân sự có lẽ là cách nhanh nhất đưa Nga trở lại vị thế của mình. Và quả thực ông đã vực dậy cả lực lượng vũ trang Nga khỏi tình trạng trì trệ suốt 10 năm sau khi Liên Xô tan rã. Ngay cả đến thời kỳ Medvedev, người ta cũng thấy nhiều dấu ấn đáng chú ý của quân sự Nga vốn là một sản phẩm được thừa hưởng từ tay người tiền nhiệm Putin. Đặc biệt là sau cuộc chiến ở Grudia, Nga đã tiến hành một loạt các hoạt động quân sự đáng chú ý như thử tên lửa chiến lược Topol, tập trận hải quân chung với Venezuela, hợp tác quân sự với Nam Mỹ, rồi đáng chú ý nhất là vụ phóng tên lửa chiến lược tới tận vành đai xích đạo ở Thái Bình Dương. Putin, với quan điểm cứng rắn của mình, luôn muốn ngầm gửi một thông điệp đến Mỹ và NATO là không nên coi thường sức mạnh của Nga và càng không nên thách thức nước Nga. Nga đã tuyên bố nếu Mỹ và phương Tây can thiệp quá sâu vào khu vực ảnh hưởng của Nga thì Nga cũng sẽ đáp trả y như thế. Điều đó thì quá rõ ràng, Mỹ càng ngày càng bành trướng khi mở rộng kế hoạch Đông tiến, nhất là trong việc ủng hộ Ukraina và Grudia gia nhập NATO, điều đó rõ ràng thể hiện mong muốn kiểm soát con đường huyết mạch tiến ra biển Đen của Nga, giương sức mạnh quân sự ngay sát sườn biên giới Nga. Tuy nhiên, khi đối đầu với vị Tổng thống mạnh mẽ, cương quyết, không khoan nhượng như V. Putin, nước Mỹ đã phải có phần nào đó kiêng dè. Đối với chính trường thế giới nói chung, người ta có thể thấy nỗ lực rất lớn của Putin và của nước Nga trong việc phá vỡ thế đơn cực mà người Mỹ muốn tạo lập. Còn đối với nhân dân Nga, Putin đã rất thành công khi đánh mạnh vào lòng tự hào dân tộc của người Nga với ý tưởng tái thiết vị trí đế chế Nga.

Tuy nhiên việc Putin quay trở lại vị trí Tổng thống lần này liệu có phải là một sự lựa chọn tối ưu của nước Nga với mong muốn tiếp tục những thành công rực rỡ từ 2 nhiệm kỳ trước đó của ông? Hay đơn giản chỉ là tham vọng của một vị Tổng thống tham quyền cố vị, đang cố gắng duy trì quyền lực cai trị độc tài của mình với nước Nga khi đã khéo léo sửa đổi Hiến pháp cho phép kéo dài nhiệm kỳ Tổng thống lên đến 6 năm, có nghĩa là khả năng tại vị của Putin còn có thể tới năm 2024? Những nhận định đó, theo người viết, không phải là không có cơ sở. Putin là người giỏi, nhưng nước Nga không thiếu người tài. Ngay từ khi Medvedev lên kế vị, và Putin với vai trò ảnh hưởng rất lớn đứng đằng sau, dư luận quốc tế đã có những hoài nghi cho rằng nền độc tài Nga với cái bóng của thời cộng sản Xô Viết vẫn còn. Trong bản tường trình thường niên của "Human Rights Watch" (Tổ chức Quan sát Nhân quyền Quốc tế) công bố ngày 31/01/2008, HRW đã xếp nước Nga là quốc gia thứ sáu đang có khuynh hướng đi về thể chế độc tài cùng với: Pakistan, Kenya, Nigeria, Thái Lan và Bahrain. Ngay từ năm 2008 khi vị trí Tổng thống được chuyển giao cho ông Medvedev, Kenneth Roth, Giám đốc HRW đã nói: "Nước Nga, giống hệt như Kenya, Pakistan hay Nigeria – đang khoác lên mình chiếc áo choàng dân chủ cho những cuộc bầu cử. Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu (EU) cho rằng, nước Nga có các cuộc bầu cử như vừa qua đã là tốt lắm, để cố tình bỏ qua vấn đề cốt lõi: dân chủ đòi hỏi bầu cử tự do nhưng bên cạnh đó phải có báo chí tự do, quyền được biểu tình, hội họp và một xã hội dân sự".

Trong khi ở Mỹ, Barack Obama còn không chắc đắc cử nhiệm kỳ tiếp theo thì dường như ở Nga, khó mà có thể kể ra một cái tên sáng giá nào khác cho vị trí Tổng thống vào năm tới. Dư luận nói rằng, ở nước Nga chỉ có hai ứng viên và cử tri cũng chỉ có hai người. Với việc duy trì quyền lực tới tận năm 2024, liệu rằng Putin có trở thành một Gaddafi thứ hai? Và ông có còn là một người thích hợp cho nước Nga vào lúc này? Trên thực tế, điều mà nước Nga cần hiện nay là kinh tế, thì quả thực Putin đã biết đánh đúng vào tâm lý đó của người Nga. Ông đã đưa ra lời hứa, giống như trong một bài diễn văn nhậm chức, rằng sẽ đưa nước Nga trở thành một trong năm siêu cường về kinh tế của thế giới. Tuy nhiên, xin hãy nhớ cho rằng dẫu sao Putin cũng xuất thân từ ngành an ninh tình báo quốc gia, kinh tế vốn không phải là một lĩnh vực thế mạnh đối với ông. Nước Nga hiện tại đã bắt đầu cho thấy những dấu hiệu xấu của nền kinh tế. Trong nhiều năm qua, nền kinh tế của Nga vẫn hoàn toàn phụ thuộc giá các nguyên liệu, dầu, khí mà nước Nga xuất cảng. Việc lệ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên sẽ chỉ khiến Nga gặp bất lợi khi giá dầu giảm, cùng với đó là việc xuất hiện của những nhà sản xuất mới như Brazil. Thêm vào đó là vấn đề nhức nhối về việc chạy vốn ra nước ngoài. Để tiếp tục phát triển, họ cần phải có khoa học kỹ thuật và vốn đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia để duy trì vị trí xuất khẩu dầu khí hàng đầu thế giới.

Với bản lĩnh và tài năng vốn có, cộng với tham vọng quyền lực của mình, liệu Putin có thể là sự lựa chọn tối ưu cho nước Nga vào thời điểm hiện tại, giúp họ đạt được mục tiêu đến năm 2020 lọt vào top 5 nước phát triển nhất thế giới? Hay liệu những hoài nghi về nguy cơ của một nền độc tài cai trị là có cơ sở, và sẽ khiến nước Nga rơi vào trì trệ? Tất cả vẫn đang còn là một ẩn số.

N.T.Q.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn