Steve Jobs, Wall Street và thế sự

Nguyễn Khoa Thái Anh

image Life's but a walking shadow, a poor player

That struts and frets his hour upon the stage

And then is heard no more.

It is a tale, told by an idiot

Full of sounds and fury

Signifying nothing

MacBeth

(Shakespeare)

Hơn ba tháng tê dại, cạn cụt ý tưởng nhưng cũng chẳng buồn tìm nguyên do hay cớ sự – dù qua lâm lý học – vì sao mình lại sa đà vào cơn mê dại, chán nản, hay tìm cách xa lánh thế sự này? Nhiều người hỏi tôi sao không thấy viết lách gì nữa, có bạn ranh mãnh hơn, chế giễu: "Hay cuộc sống của TA dạo này có nghĩa lý hơn, tìm được ý trung nhân rồi?" Ai lại huỵch toẹt như thế!

Ngẫm lại ba mươi mấy năm qua, có lẽ cuộc sống của người Việt tha hương – những người còn nặng nợ hành trang cố (Tổ) quốc – buồn nhiều hơn vui, vì bị chi phối bởi những chuyện tắc trách và bất cập của nhà nước Việt Nam so với đà tiến hóa của các xã hội văn minh của thế kỷ hai mươi mốt này. Lâu nay mình tự nhủ, có lúc sẽ tuyên bố không để tin tức bên nhà ảnh hưởng đến cuộc sống an lành của mình. Chẳng lẽ hết ngày này qua tháng nọ, hở ra được giây phút nào thì lại lên mạng chực chờ, tìm tòi những chuyện oan khuất ở Việt Nam để lôi kéo mình vào những cơn trầm luân không dứt? Nhưng thế đó, cuộc tranh đấu cho lý tưởng của dân tộc nhiều lúc cứ như thấm đậm nét bi hài kịch, vẫn liên tu bất tận với những bài viết kể lể, trích dẫn những sự kiện, bằng chứng tàn tệ của một thể chế mà người ta đã phải bỏ chạy cách đây những hơn 35 năm. Mãi rồi không hiểu những điều trông thấy mà đau đớn lòng chẳng lẽ chỉ còn lại những ta thán, chửi rủa tiêu cực, còn gì khả quan hay có tích sự gì nữa không?

Đời chỉ là cái bóng dật dờ, một diễn viên tồi dở

Bệ vệ, hăm hở – lo âu, lê lết hết vở tuồng trên sân khấu

Rồi tắt lịm không một tiếng

Nó là một câu chuyện

Do một thằng dốt kể lại

Ồn ào và náo nhiệt

Và vô nghĩa

Get a Life! Có phải tôi đã la lên như thế, và đã cố tìm cho mình một lẽ sống khác hơn việc viết lách nhọc nhằn tâm trí? Vì ở hải ngoại dù sao người ta (nhất là giới trẻ mang nhẹ hành trang văn hóa Việt) còn có cơ hội để tách rời chuyện u buồn của đất nước với cuộc sống, ít bị mang mặc cảm hơn người trong nước khi phải thốt lên: Cho tôi sống với. Và tình cờ trong tuần qua – trong cơn buồn bã diệu vợi – trong những lúc chùng tơ lòng vì sự ra đi sớm sủa của Steve Jobs, người đồng sáng lập ra Công ty Apple, nổi tiếng với những phát minh và chế biến đã thay đổi cục diện của giới tiêu thụ trên thế giới với những sản phẩm tiện nghi trong ngành khoa học điện tử – tôi đã tìm ra ngẫu hứng để viết.

Điều này gợi nhớ: Năm 2000, Báo Tuổi trẻ làm một thống kê với giới trẻ từ 15 đến 28 tuổi ở Việt Nam cho thấy sáng lập viên Microsoft, ông Bill Gates (một nhân vật đối với tôi vô cảm) được giới trẻ xếp hạng cao hơn Bác Hồ (Bill Gates 90 %, Bác Hồ 39 %).

Tưởng không cần nhắc đến những hậu quả và ảnh hưởng của cuộc khảo sát đó đối với cựu Tổng biên tập báo Tuổi trẻ và những số báo bị hủy vào thời điểm đó, ngày nay ở Việt Nam, nếu có ai xếp hạng ông Steve Jobs cao hơn ông Bill Gates thì chắc chẳng mấy ai lấy làm ngạc nhiên. Một sinh viên cũ của tôi cũng tâm sự:

"Khi Michael Jackson chết, em chẳng thấy dao động gì (không giống một số tuổi trẻ trong nước – khóc sướt mướt như cha chết, mụ mẫm cả người, nhưng lại vô cảm với những mất mát trầm trọng hơn của quê nhà), nhưng không hiểu sao khi Steve Jobs mất em thật tình rúng động cả tâm thần. Một bạn khác, cha là phi công không lực VNCH, bày tỏ: "Bố em cũng vậy, ông bị dao động vì sự ra đi của Steve Jobs nhiều hơn khi nghe tin ông Kỳ chết. Một bạn Hà Nội khác, hiện định cư ở Mỹ: "Mình cũng thích đầu óc cấp tiến của ông Võ Văn Kiệt, nhưng thú thật không thẫn thờ như khi nghe tin Steve ra đi sớm như vậy!".

Phần tôi, một người đã làm khách hàng thân tín và trung thành của Apple gần 30 năm nay, (tôi vẫn còn giữ cái laptop 280 C màu đầu tiên của MacIntosh), khi nhãn hiệu Quả Táo còn đầy đủ những sọc màu của cầu vồng thay vì chỉ một màu trắng như những năm gần đây. Tôi không thuộc hạng người thích theo đóm ăn tàn, không thích a dua theo thời. Vào giai đoạn này nói như thế thật dễ, khi mức tiêu thụ sản phẩm của Apple chiếm gần 25 phần trăm thị trường. Nhưng những năm khi Apple xuống dốc đến mức tận cùng trong khả năng sống còn của một công ty, khi nhiều chuyên gia kinh tế tiên đoán sự phá sản của Apple, tôi vẫn truân chuyên son sắt với Apple.

Bạn bè tôi, nhất là những người Việt (làm ở thung lũng điện tử Silicon Valley) đã dạy tôi một bài học rất đắt giá: "Đừng si mê với bất cứ một sản phẩm nào trong thị trường chứng khoán này. Hãy bán cổ phần Quả Táo của anh đi/Don't fall in love with your Apple stock. Sell it!". Rốt cuộc sau khi bán đi hơn 2 ngàn cổ phiếu của Apple khi Gil Emilio CEO của Apple ra đi tháng 7/1997 và Steve Jobs trở lại khoảng hai tháng sau, thì cổ phiếu của Apple lên vùn vụt như diều gặp gió. Nếu còn giữ lại cổ phần đó cho đến ngày nay, tôi có thể bán đi, thu hoạch được một tài khoản (gia tài) không nhỏ.

Tôi gặp Steve Jobs được một lần duy nhất ở Mac World Conference và Expo ở Moscone Center, San Francisco tháng Giêng 2005, anh vận bộ áo cổ rùa đen (turtle neck) và quần bò xanh bạc màu cố hữu. Năm 2010, tôi có ý định thuyết phục Apple về Việt Nam mở một đại lý chính thức, chứ không phải những tiệm đại diện thương hiệu Apple bán chính thức như hiện nay, nhưng không bao giờ theo đuổi ý định này, mặc dù đã có e-mail riêng của Steve.

Steve Jobs là một người Mỹ tiêu biểu, hiện thân của tinh thần mạo hiểm, dám nghĩ, dám mơ, và dám làm của Hoa Kỳ. Khác với những nơi và môi trường khác, người ta chỉ biết mơ chứ không thể tìm ra ước muốn của mình trong hiện thực. Đối với nhiều người thân, bạn bè, đồng nghiệp hay những nhân viên thân cận, ông không phải là một người dễ tính hoặc không hẳn đã là dễ thương khi ai đó phải làm việc kề cận lâu dài, nhưng lúc nào với mơ ước như trẻ thơ, ông ta có thể thuyết phục được nhiều người chung quanh với ý tưởng sắt son của mình. Hình như ông có một niềm tin thiên phú, luôn luôn tin rằng mình nhìn thấu suốt được mọi vấn đề và lúc nào mình cũng đúng (tuy rằng có nhiều khi ông bị sai, và một đồng nghiệp ông cho biết đấy là lúc khó chịu nhất, sẽ bị lãnh đủ nếu ở gần ông). Cho nên lúc nào Steve Jobs cũng mãnh liệt tin vào công việc, mục tiêu, và đường đi của mình. Khẩu hiệu của ông là: "Làm đúng ý chí, quan điểm và với mô hình đặc sắc và tuyệt vời nhất của mình thì khách hàng sẽ theo".

Trong một thế giới mà nhiều người thích chạy theo thời trang và đám đông, ý niệm này đã chứng minh rằng Steve Jobs là một người truân chuyên, một lãnh đạo tốt, biết hướng dẫn quần chúng (khách hàng). Đây là những điều về Steve Jobs mà tôi tâm đắc. Ngược lại trong khoảng thời gian gần đây tôi cảm thấy thất vọng về nhiều điều đã và đang xảy ra ở Mỹ. Điều trọng đại thứ nhất là Hoa Kỳ đã đánh mất đi bãn lãnh đạo đức (moral authority) của mình. Điểm hệ trọng thứ hai là họ không giữ vững lập trường của mình, thích mị dân.

Trong một chế độ tư bản, điều kiện tiên quyết là lợi nhuận, yếu tố thứ hai là tự do thương mãi. Đi đôi với tự do thương mãi/Free Enterprise (hay nguyên lý The Invisible Hand của Adam Smith) một đặc tính khi nhà nước để yên cho thị trường điều tiết mức sinh hoạt của nó, khái niệm này gọi là Laissez Faire đã đúc kết và tạo ra nếp sống kinh tế thị trường, điển hình nhất là sự thành lập thị trường chứng khoán Wall Street ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên trong gần hai mươi năm nay chủ trương Laissez Faire quá độ cộng với sự thao túng thị trường cổ đông với phần chi phối và lũng đoạn chính quyền bằng tiền tài và quyền lực/quyền lợi do những nhóm tài phiệt chủ động gần đây, Hoa Kỳ đã đi quá đà tư bản để lâm vào sự khủng hoảng kinh tế kinh khiếp và trầm trọng nhất từ thời kỳ Depression của thập niên 30's cho đến nay.

Có thể nào tin rằng, từ các Tổng giám đốc, Chủ tịch Quỹ Tiền tệ/Ngân hàng Liên bang (Federal Reserve) như ông Alan Greenspan, Ben Berbanke đã làm ngơ cho các vụ đầu tư bóp méo lề luật, cho đến chuyện Ủy ban Quản lý Cổ phiếu và Thị trường SEC (Securities and Exchange Commission) nhường nhiệm vụ quản lý, điều chế cho các cơ quan thẩm định giá trị tín nhiệm như Moody, Standard and Poor's… Cho đến chuyện các cơ quan này liên kết với các tổ hợp đầu tư tài chánh như Lehman Brothers, Goldman Sachs, Morgan Stanley, Merrill Lynch, Chase, v.v. đánh giá cao (hơn giá trị thực tế) các sản phẩm của công ty này nhằm lừa đảo khách đầu tư.

Cho đến sự đồng lõa của các nhà kinh tế học, Giáo sư các đại học nổi tiếng (như Lawrence Summers, Viện trưởng Đại học Harvard) được hối lộ để viết những luận án bao che cho các sản phẩm đầu tư biến dạng dựa trên các khoản tiền nợ địa ốc mà tự họ buôn, chế biến và tung bán ra thị trường để làm tiền (những sản phẩm có bằng kinh tế học cũng khó cắt nghĩa được như: CDO/Collaterized Debts Obligations và Credit Default Swap). Họ dùng vốn đầu tư lớn trong nhà đất để lôi cuốn các tổ hợp buôn các sản phẩm này bằng cách cá cược ngược và mua bảo hiểm cho các mối nợ nhà đất (mortgages mà họ đầu tư) này vì họ biết rằng các món nợ subprime này sớm muộn sẽ vỡ nợ. Khi các khoản đầu tư này bị vỡ nợ là lúc họ hốt bạc, không kể những số tiền khác họ đã kiếm được khi đã tẩu tán được các tài khoản địa ốc đó.

Khi bong bóng thị trường nhà đất nổ bùng ra vào năm 2008, thì ông Obama chuẩn bị vào Nhà Trắng và đã hứa sẽ chế tài các nhóm tài phiệt Wall Street. Nhưng ngược lại không những không trừng phạt sự thái quá của các nhóm này (được thao túng dưới thời Tổng thống Bush), ông Obama lại dung túng và bổ nhiệm lại ông Bernanke vào chức vụ Chủ tịch Quỹ Tiền tệ Liên bang, tiếp tục cắt ra hàng trăm tỷ Mỹ kim tiền thuế của dân để tài trợ và vực lên các tổ hợp tài chánh có trách nhiệm làm suy sụp nền kinh tế Mỹ và thế giới.

Điều lạ lẫm là Tổng thống Obama là niềm tin, được coi là cứu tinh của Đảng Dân chủ, đại diện cho những người nghèo và cô thế, nhưng không những không bảo vệ quyền lợi cho những người yếu kém, ông Obama lại bỏ rơi họ, quay mặt với những lời hứa sẽ thay đổi hướng đi cũ, đưa Hoa Kỳ ra khỏi sự áp chế của các nhóm tư bản lớn. Sau hai năm tại chức, ông Obama đã tạo ra chất xúc tác để sản sinh ra nhóm Tea Party, một tổ chức chống lại số tiền cứu vớt/bail out của Chính phủ.

Ngày nay với phong trào Occupy Wall Street bắt đầu lan tràn toàn nước Mỹ và thế giới, người viết bất chợt cảm thấy ấm lòng. Dù một lúc nào đó Hoa Kỳ có sai lầm trong đường lối và xa rời ý dân, thì cơ cấu dân chủ vẫn giúp cho người dân phương tiện và cơ hội để đưa lên tiếng nói và nguyện vọng chống lại sự quá độ này, tỉ dụ như hiện nay dân tình đang chống lại nạn tham nhũng thái quá và vô lối của nhóm tư bản Wall Street. Họ cần được chế tài và người dân phải có tiếng nói và góp phần trong việc chỉnh trang lại hệ thống Wall Street.

N.K.T.A.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn