Yêu sách mâu thuẫn ở Biển Đông: những hiểm họa khôn lường

Deep Danger: Competing Claims in the South China Sea

Marvin C. Ott (Current History September 2011)

Người dịch: Phan Văn Song

Hiệu đính: Hoàng Anh Tuấn Kiệt

image "Biển Đông đang nổi lên như là một tiêu điểm đáng quan ngại cho Washington, trụ sở Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tại Honolulu, và ở một số thủ đô các nước Đông Nam Á".

Các vùng nước của Biển Đông được điểm bởi hàng trăm đảo san hô, rạn san hô và đảo nhỏ - chỉ có duy nhất một trong số đó có đủ nước ngọt để đáp ứng nhu cầu sinh sống của con người theo quy định của luật pháp quốc tế truyền thống.

Tuy nhiên, các thực thể địa lí này và 1,35 triệu dặm vuông vùng nước xung quanh chúng là đề tài tranh chấp chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc (TQ) và Đài Loan (có tuyên bố chủ quyền bao trùm hầu hết toàn bộ Biển Đông cùng tất cả các thực thể địa lý trên Biển Đông) và 5 nước Đông Nam Á (Malaysia, Brunei, Việt Nam, Philippines, và Indonesia; mặc dù tuyên bố của Indonesia chỉ giới hạn trong vùng nước ở đầu cực nam của biển này). Các nhóm đảo chính trong vòng tranh chấp bao gồm quần đảo Hoàng Sa do TQ chiếm đóng và quần đảo Trường Sa, nơi có nhiều nước tuyên bố chủ quyền đặt tiền đồn.

Cho đến giữa thập niên 1990, vùng biển này không chỉ có tiềm ẩn nguy cơ dễ tạo ra xung đột, mà nó còn có mảng tối trong chính trị quốc tế phải tính toán kỹ. Ngay cả việc TQ chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, qua trận hải chiến với quân đội Nam Việt Nam, hầu như không có được sự chú ý nào của báo chí quốc tế. Các nước có tuyên bố chủ quyền đối với phần còn lại của biển này đã không ở trong tư thế thực thi tuyên bố hay thẩm quyền một cách có hiệu quả trên một khu vực khó khăn về hậu cần như thế. Hơn nữa, trong chiến tranh Lạnh, những xung đột trong vùng Đông Nam Á đều diễn ra trên đất liền, và Hoa Kỳ, cường quốc hải quân thống trị trong khu vực, đã không tuyên bố chủ quyền cho mình và cũng không quan tâm bênh vực cho những tuyên bố của nước khác.

Sự việc bắt đầu thay đổi vào năm 1995 khi Philippines phát hiện ra TQ xây dựng một tiền đồn quân sự kiên cố trên rặng đá ngầm Mischief xa xôi nhưng quan trọng trong quần đảo Trường Sa. Dư luận quan tâm nhiều do vị trí của nó – cách Philippines (Palawan) 120 hải lý nhưng cách TQ (Hải Nam) hơn 600 hải lý. Philippines đã phản đối TQ [về việc xây dựng cơ sở này]. Manila cũng đã cố gắng tranh thủ sự ủng hộ quân sự của Hoa Kỳ nhưng không thành công, tuy nhiên họ đã thành công trong việc thuyết phục Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bày tỏ mối quan tâm tập thể mạnh mẽ đối với TQ.

Bắc Kinh đáp trả bằng việc liên tục ve vãn Đông Nam Á, tìm cách tăng cường quan hệ trong khu vực và đánh bóng hình ảnh mình như là một "láng giềng tốt." Tâm điểm của những việc làm này là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông, được ASEAN và TQ ký kết vào năm 2002, trong đó tất cả các bên cam kết ứng xử tốt trong khi chờ giải quyết các yêu sách mâu thuẫn nhau. TQ cũng bắt đầu chào mời sẵn sàng tham gia vào “phát triển chung” dầu khí và tài nguyên khoáng sản có thể có trong Biển Đông trong khi gác các tranh chấp sang một bên. Tuy nhiên, ngoài mặt thì trấn an, nhưng bên trong TQ vẫn không từ bỏ tuyên bố của họ đối với Biển Đông và vẫn xây dựng và nâng cấp cơ sở quân sự của họ ở Mischief Reef.

Đến đầu năm 2010, địa chính trị của vùng Biển Đông đã định hình thành nên ba chủ đề. Thứ nhất, sự xung đột mới chớm giữa các tuyên bố chủ quyền của TQ và những tuyên bố của Indonesia, Malaysia, Philippines, và Brunei đã được giảm nhẹ tầm quan trọng sau khi các chính phủ có liên quan tiến hành những công việc khác. Thứ hai, Việt Nam đã nổi lên như là ngoại lệ cho quy tắc này, khi tàu tuần tra hải quân và hàng hải TQ bắt giữ tàu đánh cá Việt Nam và gây sức ép lên các công ty dầu khí phương Tây đang thăm dò theo giấy phép của Việt Nam buộc họ phải dừng hoạt động. Mặc dù việc phân định ranh giới đất liền giữa TQ và Việt Nam nói chung là thành công, nhưng, biên giới biển ở Vịnh Bắc Bộ vẫn còn hiện hữu những tranh chấp nghiêm trọng. Thứ ba, một vài sự cố đáng lo ngại xảy ra, trong đó tàu tuần tra TQ thách thức và quấy nhiễu các tàu khảo sát hải quân Hoa Kỳ hoạt động trong vùng biển quốc tế thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của TQ. Sự kiện nổi bật nhất liên quan đến tàu Impeccable bị tàu và máy bay TQ cố ép ra khỏi khu vực mà nó đang hoạt động, cách đảo Hải Nam khoảng 75 dặm hồi tháng 3 năm 2009. Nhìn chung, bề mặt Biển Đông vẫn đang tương đối êm đềm, nhưng sóng ngầm cuồn cuộn ở đáy biển có thể nguy hiểm khôn lường.

Kêu gọi và đáp ứng

Tháng 7 năm 2010, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton phát biểu tại một cuộc họp của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Hà Nội. (ARF triệu tập 27 nước tại một hội nghị cấp Bộ trưởng để thảo luận các vấn đề an ninh ở châu Á. Bởi nó được tổ chức quanh 10 nước ASEAN, nên trọng tâm khu vực của ARF có xu hướng [bàn thảo về vấn đề] Đông Nam Á…). Theo thúc giục rõ ràng của nước chủ nhà Việt Nam, Clinton hướng nhận xét của mình vào các vấn đề liên quan đến Biển Đông. Sau khi lưu ý rằng một số quốc gia Đông Nam Á đưa yêu sách ít nhất về một phần nào đó của Biển Đông hoặc các thực thể địa lí của nó, bà kêu gọi những người tham dự ủng hộ hai nguyên tắc truyền thống của ngoại giao quốc tế: đàm phán đa phương đối với các tranh chấp đa phương và với tình trạng quốc tế đã xác lập của các tuyến đường giao thương trên biển.

Về các tuyến đường biển đi qua Biển Đông - mà một số người đánh giá là nhộn nhịp nhất thế giới, bà Clinton nói: "Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải, tiếp cận mở tới vùng biển chung của châu Á, và tôn trọng luật pháp quốc tế." Tuyên bố này tái khẳng định chính sách lâu dài của Hoa Kỳ là các tuyến đường biển ở Biển Đông không chịu sự kiểm soát, quyền sở hữu (chủ quyền) bởi bất cứ nước nào và tình trạng của các tuyến đường này là lợi ích sống còn của Hoa Kỳ ở đó các tàu thương mại và hải quân của họ thường xuyên qua lại. Có 12 trong số 27 đại diện tại ARF, gồm phần lớn từ các nước ASEAN, đã phát biểu ủng hộ vị thế của Hoa Kỳ.

Nếu Ngoại trưởng TQ Dương Khiết Trì chọn cách không phản ứng, tuyên bố của bà Clinton và chính cuộc họp tự nó sẽ chỉ nhận được sự quan tâm chiếu lệ bên ngoài một nhóm nhỏ các chuyên gia và các quan chức trong khu vực. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao TQ đã có phản ứng giận dữ. Ông cáo buộc Hoa Kỳ can thiệp vào các vấn đề không dính dáng gì đến mình và dường như đặc biệt tức giận các nước khác đã hùa vào chống đối TQ có dự tính qua việc ủng hộ Hoa Kỳ. E rằng còn có điều mù mờ, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh sau đó đã nói, "Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kì quốc gia nào không có dính dáng tới Biển Đông can dự vào tranh chấp, và chúng tôi phản đối việc quốc tế hóa, đa phương hóa, hay mở rộng vấn đề này." Trong khi đó (sau cuộc họp tại Hà Nội), một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng TQ tuyên bố theo ghi nhận rằng "TQ có chủ quyền không thể tranh cãi" đối với Biển Đông.

Tác động của những diễn tiến này làm nổi bật tầm quan trọng của Biển Đông không những là một đấu trường quốc tế căng thẳng và xung đột tiềm năng, mà còn là một phép thử và chỉ báo về ý định chiến lược của TQ đối với Đông Nam Á. Như vậy, Biển Đông đang nổi lên như là một tiêu điểm đáng quan ngại cho Washington, trụ sở Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tại Honolulu, và ở một số nước Đông Nam Á.

Trong hầu hết hai thập niên qua, rất nhiều điều mù mờ bao quanh ý đồ chiến lược của TQ đối với vùng phía nam của họ. Các học giả và các quan chức chính phủ TQ, đặc biệt là ở Đông Nam Á đã - và vẫn không chắc chắn và chia rẽ nhau về quan điểm của họ. TQ đã đưa ra các tín hiệu trái ngược nhau, cho dù vô tình hay hữu ý, đã góp phần đáng kể gây nên sự rối rắm. Nhưng kể từ cuộc họp ARF đó, các nhà quan sát am tường đã phát hiện một sự liên hệ chặt chẽ về quan điểm cũng như quan ngại.

Hòa bình và quyến rũ

Đối với các chính phủ Đông Nam Á, vị trí địa lí và dân số của TQ sẽ là vấn đề lớn, áp đảo trong quan hệ đối ngoại của họ. TQ có chung đường biên giới trên bộ rất dài với khu vực này. Qua lịch sử trải dài hơn hai thiên niên kỷ, dưới nhãn quan Khổng giáo, triều đình TQ luôn xem Nam Dương (Nanyang - biển Nam) như là chư hầu phải triều cống. Từ quan điểm này, việc thuộc địa hoá hầu hết các nước Đông Nam Á của châu Âu và Hoa Kỳ làm gián đoạn một mối quan hệ lâu đời và tự nhiên. Nhưng thuộc địa hoá cũng đã thu hút số lượng lớn người TQ tới định cư ở khu vực. Điều này đã để lại cho Đông Nam Á hiện nay một di sản đầy rẫy vấn đề - sắc tộc Hoa vừa lớn vừa vượt trội về kinh tế.

Chính phủ các nước Đông Nam Á trong những thập niên kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập đã thấy TQ chuyển hướng qua nhiều tầng năng lực và hành vi khác biệt. Trong những năm 1950 và thậm chí cả sau đó, TQ thúc đẩy ý tưởng quyền lực cách mạng vô sản, cổ vũ các cuộc nổi dậy Mác xít và các phong trào đô thị nhằm mục đích trước nhất lật đổ thuộc địa và sau đó lật đổ các chế độ hậu thuộc địa trong khu vực. Cuối cùng phong trào cộng sản chỉ nắm quyền ở các nước Đông Dương thuộc địa cũ của Pháp nhưng không vươn ra được bên ngoài.

Từ giữa những năm 1960 đến giữa những năm 1970, TQ đã bị tàn phá bởi chiến dịch cực đoan hoá cùng cực trong nước của Mao Trạch Đông – chính là Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản. Trong giai đoạn này, TQ hầu như không còn là một thành tố quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, và thậm chí ở bất cứ đâu trên chính trường quốc tế. Nhưng với cái chết của Mao Trạch Đông, và Đặng Tiểu Bình nắm vị trí lãnh đạo tối cao tiến hành cải cách kinh tế kiểu phương Tây, quỹ đạo chung của TQ và sự hiện diện của nó trong khu vực Đông Nam Á đã có bước ngoặt đáng kể và hứa hẹn. Bắc Kinh đã trở thành nhà vô địch trong các quan hệ kinh tế đang lên cũng như sự tăng trưởng và ổn định trong khu vực.

Lời nhắn nhủ tới Đông Nam Á, lồng trong cụm từ "trỗi dậy hoà bình của TQ," là lời nhắn các mối quan hệ cùng có lợi với tổng dương (postive-sum). Sự tương phản với thời gian trước đó - với kinh nghiệm lão luyện của các quan chức cấp cao Đông Nam Á - có thể hầu như không có gì ấn tượng hơn. Về triển vọng chiến lược, các nhà lãnh đạo TQ hiện nay hiện thân như nhà hiện thực chủ nghĩa cổ điển của châu Âu thế kỉ mười chín - quan tâm thiết thân tới các đặc quyền về chủ quyền và sự thiêng liêng của biên giới, nổi bật với các mưu toan quyền lực và ảnh hưởng. Từ quan điểm của chế độ TQ, Đông Nam Á được hiểu như là một vùng trong vòng ảnh hưởng TQ một cách tự nhiên và chính đáng, một khu vực mà các lợi ích của TQ là tối quan trọng. Khi những điều này được thừa nhận thích hợp, Bắc Kinh sẵn sàng thông qua các chính sách có lợi cho khu vực Đông Nam Á cũng như TQ – sự thống trị của nhân và hòa Nho giáo.

TQ hiện thân trước khu vực Đông Nam Á như một người hàng xóm lành tính, đôi khi được mô tả như là một "sự ve vãn dễ chịu" đã bắt đầu tạo nên mối quan hệ tốt đẹp vào giữa những năm 1990. Các nỗ lực ngoại giao tạo ra một loạt các thành tựu được thấy qua Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-TQ, các thoả thuận khung cho hợp tác an ninh giữa TQ và mỗi thành viên ASEAN, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông nói trên và một quá trình "đối thoại" công phu cho sự tương tác có thứ lớp và thường xuyên về các vấn đề ngoại giao, kinh tế, và quốc phòng.

Tất cả điều này đã được củng cố bởi các quan hệ thương mại và đầu tư, vốn đã phát triển lên đến chỗ TQ đã thay thế Nhật Bản và Hoa Kỳ thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Có lẽ thậm chí còn quan trọng hơn, TQ đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng (đường sắt, đường bộ, vận tải sông, đường ống, và lưới điện), một công việc có ý đồ liên kết khu vực Đông Nam Á và miền nam TQ như một đơn vị kinh tế duy nhất. Đồng thời, TQ đang xây dựng một "dòng thác" các đập thủy điện lớn trên thượng lưu sông Mekong ở miền nam TQ. Những con đập này sẽ không chỉ sản xuất điện mà còn cho TQ khả năng kiểm soát lưu lượng hệ thống sông Mekong, với những hậu quả không được tiết lộ cho các nước ở vùng hạ lưu.

TQ mô tả tất cả những tiến triển này như là hệ quả tự nhiên và lành tính của "sự trỗi dậy hòa bình", và như là các lợi ích trọng yếu hiển nhiên cho Đông Nam Á. Tuy nhiên, ta không cần phải hoang tưởng để thấy những phát triển tương tự cũng phù hợp với – hay là tiền thân của - một chiến lược thống trị của TQ đối với Đông Nam Á. Ở các các nước trong khu vực, sau nhiều năm tin cậy trên sự tự miêu tả theo nghĩa quyền lực mềm của TQ, sự khó chịu và nghi ngờ về các khả năng quyền lực cứng đang tăng và ý định chiến lược rõ ràng của TQ. Những nghi ngờ này bị kích động - không chỉ bởi, mà là một phần đáng kể - thông qua các tuyên bố, hành động, tăng cường quân sự của TQ liên quan tới Biển Đông.

Lần theo các đường nhiều chấm

Từ khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, TQ đã công bố bản đồ xác nhận biên giới biển ("đường chín chấm") do Trung Hoa Dân Quốc ban hành đầu tiên vào năm 1936 và bao trùm toàn bộ Biển Đông. Trong khi một số tuyên bố biên giới khác của Bắc Kinh đã làm dấy lên tranh cãi ngay lập tức (ví dụ, liên quan đến Ấn Độ, Tây Tạng, và Liên Xô), khái niệm bành trướng lãnh hải của TQ thường ít tạo ra sự chú ý.

Tuy nhiên, điều này đã thay đổi chỉ sau một thời gian ngắn qua sự kiện Mischief Reef – tiếp sau những nỗ lực của TQ làm dịu mối quan ngại của Đông Nam Á và khéo léo loại bỏ Biển Đông ra khỏi mặt trận ngoại giao. Quan tâm của Bắc Kinh là đẩy vấn đề nhẹ nhàng: Một tuyên bố quyết đoán trên toàn bộ Biển Đông sẽ khiến TQ phải đối đầu với cả ASEAN, và TQ, trong mọi trường hợp, đều thiếu các khả năng quân sự để thực thi tuyên bố của mình. Đặng Tiểu Bình đã thường xuyên nhắc nhở đồng hương của mình một câu cách ngôn của TQ truyền thống "thao quang dưỡng hối (giấu mình chờ thời).” Đối với Bắc Kinh, sự minh bạch là một mối nguy hiểm và sự mập mờ là vốn quý khi nói đến Biển Đông.

Trong những năm sau đó, sương mù dày đặc vẫn tiếp tục bao quanh những ý đồ của TQ. Một số là một sản phẩm phụ tự nhiên của thực tế về các quan điểm khác biệt ở TQ (giới học thuật, ngoại giao, quân sự, báo chí) nêu ra/giải quyết vấn đề mà không có hướng dẫn rõ ràng từ cấp lãnh đạo cao nhất. Nhưng phần lớn các động thái là có tính toán, và kết quả là sự mong manh và bất đồng trong cộng đồng nhỏ các nhà quan sát bên ngoài và các quan chức, những người có theo dõi vấn đề. Quan điểm phổ biến cho rằng TQ đã yêu sách một điều gì đó ít hơn yêu sách chủ quyền đầy đủ - phần lớn là vì Bắc Kinh tránh sử dụng từ đó. Theo quan điểm này, các đường nhiều chấm biểu thị một cái gì đó khác hơn là một biên giới pháp lý quốc tế, mà là biểu thị chính xác điều mập mờ của TQ.

Lý do hàng loạt cho sự rối rắm vẫn cứ tồn tại. Vào các thời điểm khác nhau, các quan chức TQ đã dẫn ra cho các lí do cơ bản khác nhau và mâu thuẫn nhau làm nền cho tuyên bố của TQ, bao gồm cả sự hiện diện lịch sử, nguyên tắc quần đảo, nguyên tắc vùng đặc quyền kinh tế, và nguyên tắc thềm lục địa. TQ bác bỏ yêu sách của Nhật Bản đối với các mỏm đá trong Biển Hoa Đông qua việc nhấn mạnh rằng dân cư không thể sinh sống ở đó được như luật pháp quốc tế đòi hỏi - nhưng TQ đã dẫn ra cùng một dạng hình thể địa lí để biện minh cho tuyên bố của chính mình đối với Biển Đông." Tuyên bố về Lãnh hải của TQ vào năm 1958 nói tới "vùng biển công" (vùng biển quốc tế) ở Biển Đông – đã mâu thuẫn với khái niệm lãnh hải.

Ngoài ra, bộ luật do TQ thông qua vào năm 1992, đưa đường nhiều chấm thành điều luật được nói đến như "vùng nước lịch sử TQ". Mục này không có chỗ đứng trong luật pháp quốc tế. Bắc Kinh đã vẽ các đường cơ sở quần đảo xung quanh quần đảo Hoàng Sa (mà họ tuyên bố chủ quyền), nhưng không vẽ xung quanh quần đảo Trường Sa (mà họ cũng có yêu sách). Và TQ đã phê chuẩn Luật Biển của Liên Hợp Quốc, nhưng với các bảo lưu khiến cho sự phê chuẩn trên gần như vô nghĩa.

Hơn nữa, qua tuyên bố “vùng đặc quyền kinh tế ven biển”, TQ lại đưa ra một cách giải thích khái niệm về vùng đặc quyền kinh tế không được công nhận trong luật pháp quốc tế. Trong nỗ lực để nhằm bác bỏ một hồ sơ chung của Malaysia-Việt Nam nộp cho Liên Hiệp Quốc, năm 2009, TQ đã đệ trình một bản đồ bao gồm đường biên giới nhiều chấm của họ mà không có sự biện giải gì. (Indonesia phản ứng với một yêu cầu chính thức gửi Liên Hiệp Quốc rằng Bắc Kinh phải làm rõ tuyên bố của mình, TQ đã giữ im lặng.) Thật ra, đường nhiều chấm chưa bao giờ chính xác phân định biên giới, và nhiều phần của nó (ví dụ, gần quần đảo Natuna) vẫn hoàn toàn không rõ ràng.

Sương mù mất đi khi chúng ta xem xét điều mà đường chấm chấm của TQ có ý định chính xác chính là những gì mà các quan chức TQ đã nhìn nhận nó là một phân giới của biên giới biển TQ. Bên trong đường này là lãnh thổ có chủ quyền của TQ. Trước hết, để ý rằng các đường chấm chấm xuất hiện trên tất cả các bản đồ TQ xuất bản được nới dài thêm quanh Đài Loan - và không có bất kì nghi ngờ nào tồn tại vì Bắc Kinh xem Đài Loan là lãnh thổ thuộc chủ quyền TQ. Năm 1974, TQ triển khai lực lượng hải quân cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa từ Việt Nam, một quần đảo không thuộc TQ vì tách rời và khác biệt trong vùng Biển Đông. Và Quân đội Giải phóng Nhân dân TQ (PLA) đã xây dựng một tiền đồn quân sự ấn tượng trên một rạn san hô nằm cách xa TQ hơn 600 hải lý.

Cũng lưu ý rằng luật lãnh thổ TQ ban hành vào năm 1992 khẳng định đường nhiều chấm và uỷ thác lực lượng vũ trang TQ bảo vệ lãnh thổ biển này của đất nước. Sự phát triển nhanh chóng của TQ về khả năng quân sự tập trung vào việc tung lực lượng hải quân và không quân vượt ra ngoài bờ biển của TQ. Trong thời gian đó, Hải quân TQ đã ngăn cản ngư dân Việt Nam không cho hoạt động ngay bên trong EEZ của Việt Nam, cùng lúc, Bắc Kinh cũng đã cảnh báo các công ty dầu quốc tế phải từ bỏ hợp đồng thăm dò, khai thác ngoài khơi Việt Nam.

Hơn thế nữa, một mặt TQ đồng ý kí Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông nhưng một mặt họ lại từ chối làm cho thỏa thuận này có ràng buộc pháp lý hoặc dừng việc xây dựng công sự mới. Hai đại tá PLA cao cấp đã trả lời "không" trong một hội nghị chuyên đề công cộng do Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ chủ trì, khi được hỏi liệu Hạm đội 7 của Hoa Kỳ có quyền đi qua Biển Đông mà không cần sự cho phép của TQ hay không. Và trong một màn trình diễn gần đây về sức mạnh công nghệ, một tàu ngầm TQ lặn xuống chỗ sâu nhất của Biển Đông và cắm một lá cờ TQ ở đó. Trong các cuộc thảo luận khác nhau, các quan chức TQ đã quy cho Biển Đông như là một "lợi ích cốt lõi" - một thuật ngữ trước đây được dành riêng cho Đài Loan và Tây Tạng.

Trong bối cảnh này, cuộc họp ARF tại Hà Nội đã cho thấy một khoảnh khắc rõ ràng - có lẽ không có gì rõ ràng hơn khi Ngoại trưởng TQ nhìn chằm chằm vào các đối tác ASEAN của mình bên kia bàn và nói gay gắt rằng một số quốc gia là "nước nhỏ" và TQ là "nước lớn."

Các vướng mắc Đông Nam Á

Hoa Kỳ sẵn sàng dành ra một phần vị thế cho việc ủng hộ một vùng biển chung, không là lãnh hải, và ủng hộ ngoại giao đa phương, trái ngược với sự quả quyết của TQ muốn thương thảo với từng nước Đông Nam Á một, lập trường đó của Hoa Kỳ được nhiều nước trong khu vực này hoan nghênh. Nó cho thấy một tín hiệu quan trọng và đã mỏi mòn chờ đợi rằng chính phủ các nước ASEAN không phải đối phó với TQ một mình mà có được sự ủng hộ của một người bạn hùng mạnh. Trong ý nghĩa này, sáng kiến của Clinton đã mang tới cho ASEAN một liều can đảm và sự tự tin trong mối quan hệ của họ với TQ.

Điều đó nói lên, rằng các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ phải duy trì một nhận thức lành mạnh về những gì các chính phủ Đông Nam Á thực sự có thể và sẵn sàng để hành động. Dùng một phép ẩn dụ hơi thô thiển, nếu Washington thi đấu với Bắc Kinh thì ít nhất một số thành viên ASEAN có thể sẽ sẵn sàng giữ áo khoác của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, do một số lí do thuyết phục, có thể không trông đợi họ sẽ tự bước vào đấu trường theo bất kì cách nào ngoài việc cẩn thận đứng vây quanh.

Thứ nhất, có một phương châm lâu đời rằng các chính phủ Đông Nam Á sợ bị buộc phải lựa chọn giữa TQ và Hoa Kỳ. Toàn khu vực đồng ý rằng mối quan hệ Hoa Kỳ-TQ là cực kì quan trọng đối với tất cả các bên liên quan. Khi các nhà lãnh đạo trong khu vực được hỏi loại quan hệ nào bảo vệ lợi ích cho Đông Nam châu Á tốt nhất, câu trả lời là một biến thể của nguyên tắc Goldilocks – “không quá nóng và không quá lạnh.” Một mối quan hệ hợp tác, nhưng không phải là hợp tác sâu sắc, mà chỉ vừa phải. Y như lo sợ xung đột Trung - Hoa Kỳ, các nước ASEAN cũng sợ điều ngược lại - các cường quốc định đoạt số phận của các nước nhỏ bất chấp ước muốn của nước nhỏ.

Thứ hai, tầm ảnh hưởng và tầm với chiến lược của TQ với Đông Nam Á khá sâu đậm, mạnh mẽ, và ngày càng tăng. Điều này đặc biệt hiện rõ trong lĩnh vực kinh tế. Giữa năm 2009 và 2010, tổng giao dịch thương mại hằng năm tăng khoảng 50%. Không phải tình cờ, khu vực Mậu dịch tự do TQ - ASEAN có hiệu lực vào đầu năm 2010.

Thứ ba, mặc dù có các khoản đầu tư đáng kể trong hiện đại hóa quân đội, không một quốc gia Đông Nam Á trang bị đủ để đối đầu với TQ về quân sự. Nước duy nhất đã làm như vậy trong những thập niên gần đây là Việt Nam, đáp trả lại cuộc xâm lăng vào năm 1979 của TQ vào biên giới phía bắc của họ. Quân đội Việt Nam tự thoát ra khỏi cuộc chạm trán đó, nhưng Hà Nội không có ảo tưởng rằng thành công như vậy có thể lặp lại ngày hôm nay. Lực lượng hải quân và không quân duy nhất có thể đối mặt với TQ ở Biển Biển Đông một cách đáng tin cậy chỉ có Hoa Kỳ - và nếu điều đó xảy ra, chỉ huy Hoa Kỳ khó có thể kì vọng nhiều vào sự hỗ trợ hoạt động từ các nước ASEAN, ngoại trừ sự hỗ trợ có thể có và rất hạn chế từ Việt Nam.

Thứ tư, ASEAN không phải là hang gió không hiệu quả như một số người phương Tây mô tả - nhưng nó cũng không phải là chủ thể có mục đích thống nhất về Biển Đông. Điển hình như một số chính phủ ASEAN, gồm Lào, Campuchia và Myanmar, đáp ứng cao lợi ích của TQ và không có phần trong cuộc đấu trên Biển Đông. Điều tốt nhất mà Washington có thể mong đợi - và chỉ khi nó chăm chút – là được hỗ trợ ngoại giao thận trọng theo cách như những gì diễn ra tại cuộc họp ARF tại Hà Nội.

Nghiêm trọng vượt mức

Sự phân nhánh của một tuyên bố chủ quyền nghiêm ngặt của TQ đối với toàn bộ Biển Đông là sâu sắc. Bằng cách khẳng định chủ quyền đối với các tuyến đường biển, TQ đã xác lập một vị thế mà không một nước chính yếu nào trên thế giới có thể ủng hộ - các nước châu Âu không, Nhật không, Ấn không, Australia không, Hoa Kỳ không, và các nước ASEAN cũng không nốt. Rõ ràng, khi một cường quốc toàn cầu trỗi dậy nhanh chóng thực hiện một bước đi như vậy thì tác động nghiêm trọng quá mức.

Ngoài ra, Biển Đông, giống như Đài Loan, có tiềm năng gây ra xung đột vũ trang rõ ràng giữa Hoa Kỳ và TQ. Đây là một bóng ma làm các nhà hoạch định quân sự ở Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương thức giấc giữa đêm. Nguy hiểm càng tăng lên bởi cách giả định rõ ràng của TQ rằng Hoa Kỳ đang thời kỳ thoái trào (cùng với các chi phí quốc phòng) trong khi TQ đang trỗi dậy (bao gồm cả chi phí quốc phòng).

Trong khi đó, mặc dù thường bị đánh giá thấp, một cấu trúc an ninh vượt trội và độc đáo đã nổi lên ở Đông Nam Á. Đó là, theo cụm từ thích hợp của Victor Cha, một "miếng vá chằng chịt " các cơ chế đối thoại đa phương và các cam kết an ninh song phương liên quan đến Hoa Kỳ. Cấu trúc đó gìn giữ hòa bình trong khu vực có hiệu quả trong vòng 35 năm qua và hứa hẹn tiếp tục làm như vậy ít nhất trong trung hạn. Một đối đầu lớn trong Biển Đông có tiềm năng gây tổn hại không thể sửa chữa được cho cấu trúc này.

Các sự kiện và các tuyên bố gần đây rõ ràng đã đóng khung cảnh quan chiến lược trong vùng Biển Đông. Một mặt, chúng ta đã thấy một vài cử chỉ của TQ có thể được miêu tả rộng rãi như là hòa giải. Tướng Trần Bỉnh Đức (Chen Bingde), tham mưu trưởng PLA, thực hiện một chuyến viếng thăm kéo dài một tuần tới Washington tháng 5 năm 2011. Trong một phát biểu quan trọng với các giới chức quân sự Hoa Kỳ, ông tuyên bố rằng "TQ không bao giờ có ý định thách thức [Hoa Kỳ về quân sự]," trong khi ghi nhận sự ưu thế liên tục của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ. Trong khi đó, các nhà ngoại giao TQ đã liên tục cố gắng gợi ý rằng các quy chiếu trước về một "lợi ích cốt lõi" của TQ ở Biển Đông có thể đã bị hiểu lầm. Đối thoại Shangri-la diễn ra tại Singapore vào tháng Sáu hằng năm, Bộ trưởng Quốc phòng TQ tuyên bố rằng TQ không "tìm kiếm quyền bá chủ" trong khu vực.

Tuy nhiên, hầu như vào cùng thời điểm đó, cả Việt Nam lẫn Philippines đã đăng kí khiếu nại công khai những gì họ xem là hành vi bá quyền của TQ. Tháng 5 năm 2011 Việt Nam phàn nàn rằng tàu tuần tra của TQ đối đầu với tàu thăm dò dầu Việt Nam đang hoạt động ngoài khơi bờ biển miền Nam Việt Nam và cố tình cắt cáp thăm dò - sự cố thứ hai tương tự như thế xảy ra hai tuần sau đó. Điều này tạo ra một cuộc biểu tình phản đối chống TQ tại Hà Nội. Vào tháng 6, Manila cáo buộc hải quân TQ bắn vào ngư dân Philippines, đe dọa một tàu thăm dò dầu Philippines, và đặt các cột mốc (nhiều trụ và một phao) ở khu vực quần đảo Trường Sa do Philippines tuyên bố chủ quyền.

Điều gì là thú vị và quan trọng nhất là phản ứng của TQ về các sự cố này và các sự cố tương tự. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao đòi hỏi cả hai nước này ngưng vi phạm trên lãnh thổ thuộc chủ quyền của TQ. Tờ TQ Nhật báo của chính quyền TQ đăng ý kiến của một học nổi tiếng TQ (Công Kiến Hoa) tố cáo rằng Việt Nam và Philippines đã lợi dụng sự kềm chế của TQ bằng cách cố chuyển tranh chấp song phương thành tranh chấp đa phương.

Bài báo này cho biết "Ban đầu, tranh chấp Biển Đông đã không dính tới bất kì tổ chức quốc tế hoặc khu vực nào. Nhưng sau khi ASEAN hình thành, Việt Nam, Philippines, và một số nước khác sử dụng nó như là một diễn đàn khu vực để phối hợp các vị thế của họ để ‘nói một tiếng nói chung’ và đạt được lợi thế chiến lược chống lại TQ… [Và bây giờ Hoa Kỳ đã nhảy vào cuộc". Tác giả đã khẳng định rằng TQ ở vào thế bất lợi "chỉ với một số lượng nhỏ các đảo tranh chấp dưới sự kiểm soát của họ." Ngoài ra "không có một lực lượng hải quân ghê gớm. . . TQ đang ở một vị trí không thuận lợi. Để trở thành một thế lực có ảnh hưởng, TQ phải chuyển từ một ‘cường quốc lục địa’ thành một ‘cường quốc hải dương’. Và tranh chấp Biển Đông là một thử nghiệm thực tế cho TQ để đạt được mục tiêu đó." Không ảo tưởng, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ lúc đó Robert Gates, trong bài diễn văn cuối trước đối thoại Shangri-la, đưa ra một cách nhìn khác về Biển Đông. Ông nói "Vị thế của Hoa Kỳ về an ninh hàng hải luôn rõ ràng. Chúng tôi có một lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải, trong phát triển kinh tế và thương mại không bị cản trở, và trong tôn trọng luật pháp quốc tế… [bao gồm]… tiếp cận mở và bình đẳng các tuyến đường thủy quốc tế." Gates mô tả sự hiện diện an ninh của nước Hoa Kỳ tiếp tục và phát triển ở Đông Á và Đông Nam Á: "Hợp lại với nhau, tất cả những diễn tiến này cho thấy cam kết của Hoa Kỳ duy trì mạnh mẽ sự hiện diện quân sự ở châu Á, một sự hiện diện bảo đảm sự ổn định bằng cách hỗ trợ và trấn an các đồng minh trong khi ngăn chặn, và nếu cần đánh bại kẻ thù tiềm năng". Nhìn chung, Biển Đông là một đấu trường chiến lược có tầm quan trọng ngày càng tăng và mức nguy hiểm không phải là không đáng kể. Nhìn toàn cầu, một kỉ nguyên trong chiến lược của Hoa Kỳ đang kết thúc khi các lực lượng Hoa Kỳ bắt đầu rút khỏi Iraq và Afghanistan. Kỉ nguyên chiến lược tiếp theo chắc chắn sẽ có châu Á tại tâm điểm của nó - tăng trưởng về khả năng kinh tế và quân sự nhanh chóng trong khu vực đó làm cho điều này không thể tránh khỏi.

TQ tạo thành cốt lõi địa lý và kinh tế của châu Á, sức mạnh và tham vọng đang tăng của TQ sẽ thúc đẩy các sự kiện và buộc các nước khác phải phản ứng. Hoa Kỳ từ lâu đã có được sự vượt trội trong lĩnh vực hàng hải. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang phát triển khả năng hải quân và không quân hiển nhiên dường như có ý thách thức sự vượt trội đó ở Biển Đông và ở các tuyến đường biển trên vành đai châu Á - và do đó thách thức lợi ích sống còn của Hoa Kỳ về tự do của các vùng biển. Các lãnh đạo cấp cao của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ không có ảo tưởng về tầm vóc của thách thức đang trỗi dậy này.

P.V.S. dịch

Nguồn: seasfoundation.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn