Biển Đông 'tiềm ẩn bất ổn'

Lê Quỳnh

Hội thảo hai ngày về Biển Đông tại Hà Nội, được nói là lớn nhất trong lần thứ ba tổ chức, đã khai mạc với sự tham dự của khoảng 180 nhà nghiên cứu từ nhiều châu lục.

clip_image001

Đây là lần thứ ba hội thảo Biển Đông diễn ra ở Việt Nam

Điểm "đặc biệt" của sự kiện diễn ra trong hai ngày 4/11 và 5/11 là chỉ thị từ ban tổ chức yêu cầu các diễn giả "chưa vội" trả lời phỏng vấn của báo chí.

Không có giải thích cụ thể, nhưng nhiều người ngầm hiểu là chính phủ Việt Nam một mặt muốn thúc đẩy quan tâm của quốc tế đến cuộc tranh chấp, nhưng mặt khác cũng lo ngại gây phật lòng về ngoại giao với Trung Quốc.

Tại phiên khai mạc, Giám đốc Học viện Ngoại giao Đặng Đình Quý được dẫn lời nói: “Cộng đồng khu vực và thế giới ngày càng quan tâm nhiều hơn tới Biển Đông”.

Ông giải thích: "Thế giới quan tâm hơn vì Biển Đông có ý nghĩa ngày càng quan trọng đối với hòa bình, ổn định và phát triển không chỉ của khu vực Đông Á mà còn của toàn Châu Á - Thái Bình Dương”.

"Thế giới quan tâm hơn vì Biển Đông vẫn tiềm ẩn những bất ổn mà nếu không có sự kiềm chế, sự tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế của các bên liên quan, nếu không có những nỗ lực có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế thì xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.

Giáo sư Quý cho biết số lượng hội thảo về Biển Đông ngày càng tăng - năm 2010 chỉ có 7, thì năm nay con số lên đến 15 hội thảo tại nhiều nước.

Đây là năm thứ ba Học viện Ngoại giao Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế, lần này cùng hợp tác với Hội Luật gia Việt Nam.

Giống như hai lần tổ chức trước, các phóng viên chỉ được dự phiên khai mạc và bế mạc.

clip_image002

Giáo sư Đặng Đình Quý phát biểu khai mạc hội thảo

Nhưng thêm điểm khác lần này, theo một người tham dự, là ông Đặng Đình Quý yêu cầu những người có bài phát biểu không trả lời báo chí, và không công bố bài của mình trong lúc này.

Chất vấn quan điểm Trung Quốc

Nguồn tin muốn giấu tên cho BBC biết buổi khai mạc hôm nay có lúc khá căng thẳng khi nhiều người chất vấn quan điểm của các nhà nghiên cứu Trung Quốc.

Học giả quen thuộc với các lần hội thảo, giáo sư Tô Hạo từ Đại học Ngoại giao Trung Quốc, lặp lại các luận cứ "lịch sử" để bảo vệ quan điểm chính thức của chính phủ Trung Quốc.

Một người ngồi nghe nhận xét các phát biểu của nhà nghiên cứu Trung Quốc "không mới".

"Trung Quốc lúc nào cũng nói gác tranh chấp, cùng khai thác. Vấn đề là hợp tác thế nào. Với Trung Quốc, hợp tác là song phương, đàm phán cũng song phương và phải tôn trọng chủ quyền Trung Quốc," vị thính giả nhận xét.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Nhã, đến hội thảo ở tư cách khán giả, cho biết nhiều người tại hội thảo đã chất vấn phía Trung Quốc về đường lưỡi bò.

Nhà nghiên cứu lâu năm về Hoàng Sa ở Sài Gòn nhận định ông cảm thấy "thú vị chưa từng có".

Ông cho biết ngay cả một học giả Trung Quốc, khi lên phát biểu, còn nói đây là hội thảo "hay nhất".

Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận các nguyên tắc xử lý và giải quyết những vấn đề trên biển trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng trước.

Có những ý kiến khác nhau quanh thỏa thuận này, nhưng quan điểm của phía Việt Nam là thỏa thuận đã giúp làm giảm thiểu căng thẳng giữa hai nước trên Biển Đông.

Dẫu vậy, giới nghiên cứu trong nước nhận định giải quyết tranh chấp vẫn vô cùng phức tạp, vì Trung Quốc vẫn có cách hiểu khác với các nước quanh những điểm gây tranh cãi như yêu sách đường lưỡi bò hay đề nghị hợp tác chung.

L.Q.

Nguồn: bbc.co.uk

––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ ba cảnh báo về nguy cơ chiến tranh trong vùng

Trọng Nghĩa

clip_image003  

Quang cảnh Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Hà Nội, ngày 04/11/2011. Reuters

 
Tranh

chấp chủ quyền trên Biển Đông có nguy cơ bùng nổ thành xung đột toàn diện nếu các nước liên can không tuân thủ luật lệ quốc tế. Tuyên bố trên đây của Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam đã nêu bật mối quan tâm của hàng chục chuyên gia về Biển Đông đang có mặt tại Hà Nội để tham gia Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ ba, được tổ chức trong hai ngày 04 và 05/11/2011 tại thủ đô Việt Nam.

Trong phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đặng Đình Quý đã nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng ngày càng hiển nhiên của Biển Đông đối với hòa bình và ổn định của toàn khu vực khi cảnh báo rằng: Biển Đông vẫn còn đầy rẫy những mối căng thẳng tiềm tàng có nguy cơ leo thang thành xung đột trên quy mô toàn diện nếu không cố gắng tự kiềm chế và tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”.

Đối với người đứng đầu Học viện Ngoại giao, cơ quan cùng với Hội Luật gia Việt Nam, đồng tổ chức hội nghị khoa học về Biển Đông ở Hà Nội, thì nguy cơ chiến tranh bùng nổ hoàn toàn có thể xảy ra nếu cộng đồng quốc tế không đối phó được với các tình huống khủng hoảng một cách thích hợp, cho dù tình hình khu vực về cơ bản vẫn hòa bình.

Hội thảo mở ra vào lúc tình hình khu vực Biển Đông đang có nhiều diễn biến đáng ngại đặc biệt là với một loạt hành động hung hăng của Trung Quốc nhắm vào tàu bè Việt Nam, Philippines – và kể cả Ấn Độ – để áp đặt đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên hơn 80% vùng Biển Đông.

Không chỉ thế, Bắc Kinh còn đẩy mạnh chủ trương đe dọa các tập đoàn dầu khí quốc tế đã cộng tác từ lâu với Việt Nam hay Philippines trong các dự án thăm dò khai thác dầu khí ngoài Biển Đông. Danh sách các đối tượng bị Trung Quốc gây áp lực càng lúc càng dài, từ Premier Oil Plc, một công ty có trụ sở tại Anh Quốc hợp tác với Philippines, cho đến ONGC Videsh của Ấn Độ làm ăn với Việt Nam, và gần đây nhất là Exxon Mobil của Mỹ.

Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc – dựa trên một tấm bản đồ hình chữ U mơ hồ mà họ đã chuyển đến Liên Hiệp Quốc vào năm 2009 – bị đánh giá là không phù hợp với luật lệ quốc tế. Tuy nhiên, những hành động quyết đoán của Bắc Kinh trong thời gian qua đều liên quan đến các vùng được khoanh trong tấm bản đồ thiếu cơ sở pháp lý đó.

Lời nhắc nhở của nhà ngoại giao Việt Nam vào hôm nay kêu gọi các nước liên can tuân thủ luật lệ quốc tế đã gợi lại vấn đề Trung Quốc bị xem là coi thường luật pháp quốc tế trong hồ sơ Biển Đông.

Đây là lần thứ ba mà Việt Nam đứng ra tổ chức một hội nghị khoa học quốc tế về Biển Đông, tập hợp được hầu như tất cả các chuyên gia nghiên cứu tên tuổi hiện nay trong lãnh vực này, đến từ mọi nơi trên thế giới. Trong khu vực thì có các học giả Đông Nam Á, Trung Quốc, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, ngoài châu Á thì có Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Na Uy, Thụy Điển, Nga…

Với chủ đề chính là “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, cuộc hội thảo lần này bao gồm 8 phiên thảo luận, về nhiều đề tài khác nhau, từ tầm quan trọng của Biển Đông, lợi ích của các bên trong và ngoài khu vực, cho đến những diễn biến gần đây trên Biển Đông, các khía cạnh pháp lý quốc tế, cách thức thúc đẩy hợp tác...

Sau khi Bắc Kinh liên tục bị nhiều nước láng giềng phản đối về các hành động gây hấn, các nhà quan sát đang chờ đợi xem giới nghiên cứu Trung Quốc giải thích ra sao. Theo chương trình được thông báo, có ít nhất là năm học giả Trung Quốc hiện diện tại Hà Nội lần này: Giáo sư Tô Hạo và Tiến sĩ Nhậm Viễn Giả từ Đại học Ngoại giao Trung Quốc, bà Lý Kiến Vỹ, Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông của Trung Quốc, Tiến sĩ Đằng Kiến Quần, Viện Nghiên cứu Quốc tế, và bà Tiết Quế Phương thuộc Đại học Hải Dương, Trung Quốc.

T.N.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn