Tế nhị + 18

Blogger Đào Tuấn

Theo thông báo chính thức trên website Quốc hội, ngày hôm nay, Chính phủ sẽ trình dự án luật Biển và Bộ Ngoại giao sẽ có báo cáo "thêm" về tình hình Biển Đông. Tuy nhiên, báo chí hôm nay sướng, tự cho mình quyền được nghỉ ngơi bởi đây là nội dung mà Quốc hội sẽ "họp riêng". Ngày mai cũng thế, khi Dự thảo luật được các đại biểu thảo luận.

Họp riêng, có nghĩa là chỉ số ít báo chí nhà nước được biết và đưa tin, cũng có nghĩa là nhân dân không được quyền biết, không cần biết, hoặc chỉ được biết thông qua trình tường thuật của vài phóng viên TTX.

Còn nhớ vào tháng 8-2011, khi Chính phủ có "báo cáo riêng" với QH về tình hình Biển Đông" đại biểu QH Dương Trung Quốc đã có một bài phát biểu trang trọng trước Quốc hội chỉ trích, rằng: "Phải đến lúc dư luận và đại biểu QH yêu cầu thì QH mới đưa vào chương trình một buổi báo cáo không đầy 1 tiếng và không có thảo luận".

Ông Dương Trung Quốc đã nhắc đến hai từ "tế nhị": "Cái gì cần tế nhị trong quan hệ ngoại giao ta phải giữ, nhưng với dân thì không cần đến sự tế nhị mà cần sự tin cậy, thẳng thắn. Cái gì cần mềm mỏng với ngoại giao thì cũng cần mềm mỏng trong “nội giao”, đừng tạo ra những khoảng cách, những xung đột không đáng có giữa Chính phủ và nhân dân, cho dù sự cảnh giác là cần thiết".

Hồi đó, rất nhiều người mắt chữ A, mồm chữ O không hiểu được cái mác "+18" của sự tế nhị. Không có nhẽ Quốc hội- vẫn coi mình là cơ quan quyền lực tối cao của nhân dân, họp riêng là không tin cậy nhân dân? là cần ngoại giao mà không cần nội giao? là cảnh giác ngay cả với nhân dân mình?

Còn nhớ vào ngày 21-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng (Sau đó vài hôm là chủ tịch Quốc hội) khẳng định : "Chúng ta cần hành động kiên quyết, kịp thời... huy động sức mạnh của toàn dân để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia".

Sau đó 4 ngày, chiều 25-7, trong phát biểu nhậm chức, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có một bài phát hiểu hùng hồn, làm nức lòng dân chúng: "Nước lớn có vị thế khác, nước nhỏ có vị thế khác. Chúng ta là nước nhỏ nên phải dựa vào sức mạnh của tập thể, của cộng đồng...để bảo vệ chủ quyền biển đảo, vùng đặc quyền kinh tế. Đó là quan điểm dứt khoát".

Và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong Lễ mít tinh quốc gia nhân Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2011 "Nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình... Đồng thời phản đối mạnh mẽ và kiên quyết đấu tranh với các hoạt động vi phạm chủ quyền và lợi ích chính đáng trên biển của chúng ta.

3 trong 4 vị "Tứ trụ triều đình" đều đã dùng từ "chúng ta".

Chúng ta, có lẽ không phải chỉ là các vị Ủy viên Bộ Chính trị, không phải chỉ là mấy trăm vị đại biểu QH. "Chúng ta" ở đây là nhân dân với một thực tế lịch sử đã được kiểm chứng hàng ngàn năm là máu xương của nhân dân đã thấm đỏ từng tấc đất của tổ quốc.

Tội nghiệp cho "chúng ta"!

Ngay cả khi báo chí cũng không được biết, thì "chúng ta" làm sao biết được các vị đại biểu do mình bầu đã nói gì, "chúng ta" làm sao biết được QH đang làm gì? "Chúng ta" lại càng không thể hiểu được tại sao một dự án luật liên quan đến chủ quyền quốc gia lại là "tế nhị", lại bị đẩy đi đẩy lại suốt từ năm 1994 đến nay, thậm chí không hề xuất hiện một dòng trên trang web chính thức của cơ quan soạn thảo là Bộ Ngoại giao.

Ngày 2-2-1992, Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật Lãnh hải và vùng biển tiếp giáp, chính thức luật hóa "Đường lưỡi bò", nhận vơ gần như toàn bộ Biển Đông, trong đó có cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, Luật này thậm chí còn "Giao trách nhiệm cho các lực lượng vũ trang phải bảo vệ lãnh thổ trên biển của Trung Quốc". 3 tháng sau đó, Trung Quốc cho công ty dầu khí Mỹ Crestone thăm dò đặc nhượng 25 155 km2 ở phía Tây quần đảo Trường Sa, cách thành phố Hồ Chí Minh chỉ khoảng 300 km, ngay cạnh đặc nhượng Đại Hùng của Việt Nam. 5 tháng sau đó,  tháng 7-1992, Trung Quốc đổ quân, cưỡng chiếm, thậm chí đặt cột mốc như đã từng làm năm 1988 trên một đảo đá ngầm của Việt Nam.

Còn Việt Nam?

Bây giờ đã là năm 2011. Ngay cả đến một dự thảo luật cũng phải "họp riêng", "thảo luận riêng". Vì tế nhị, và nhạy cảm.

Điều gì tế nhị đến mức nhân dân không được quyền biết? Điều gì nhạy cảm hơn cả chủ quyền quốc gia? hơn cả máu xương của người dân đã, đang và sẽ đổ xuống?

Đ. T.

Nguồn: tuanddk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn