Chung quanh chuyện giá thành điện

Hai câu hỏi lớn trước khi tăng giá điện

Blogger Bút Lông

image Cuộc họp công bố giá thành điện do Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức cuối tuần trước đã quá nhấn mạnh đến số lỗ trên 10.000 tỉ đồng nhằm “dọn đường” cho quyết định tăng giá điện, song lại bộc lộ hai câu hỏi lớn.

Thứ nhất, việc công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện là thực hiện quyết định của Thủ tướng nhưng những người báo cáo lại cố tình giấu nhiều thông tin quan trọng thuộc về các khoản mục chi phí chủ yếu (chiếm tỉ trọng cao trong giá thành), đặc biệt là chi phí tiền lương, phúc lợi của EVN. Bị nhà báo chất vấn, CEO của EVN dẫn bừa số liệu tiền lương của… năm 2009 với con số 7,3 triệu đồng/tháng, song lại kêu ca rằng đó là con số “quá thấp” và cá nhân ông thấy “đau lòng”?!

Ai có chút hiểu biết về kế toán cũng rõ một khi đã tính ra được số lỗ của năm 2010 (từ doanh thu trừ chi phí) thì chỉ tiêu tiền lương bắt buộc phải tính được.

Và dù có tạm chấp nhận con số 7,3 triệu đồng/tháng thì dư luận cũng không thể chia sẻ với sự “đau lòng” của lãnh đạo EVN khi mà tiền lương năm 2010 của các ngành khác còn rất thấp. Cụ thể, theo khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH, tiền lương bình quân trong các loại hình DN năm 2010 là 3,2 triệu đồng/người/tháng (đó là đã tăng 10,3% so với năm 2009). Trong đó, khối DNNN như EVN có mức lương bình quân chỉ là… 3,8 triệu đồng, dù đã tăng 8,6%. Khối DN có vốn đầu tư nước ngoài và dân doanh còn bi đát hơn, chỉ 3 triệu đồng và 2,7 triệu đồng/tháng (dù đã tăng hơn 10% so với năm 2009). Những ngành được gọi là “cao” như ngân hàng, dược chỉ là 7-7,6 triệu đồng/tháng, tức là ngang ngửa với mức lương bình quân 2009 của EVN.

Thứ hai, theo chính số liệu vừa công bố, tỉ lệ tổn thất lưới điện truyền tải và phân phối toàn hệ thống của EVN năm 2010 là 10,15%. Con số này so với mức trung bình thế giới là cực kỳ cao (nhiều nước giữ ở mức 5%-6%, nước nào quản lý kém cũng chỉ 8%-9%) và tính theo doanh thu thì mức tổn thất này là 9.093 tỉ đồng, tính theo chi phí là 10.109 tỉ đồng!

Như vậy, so với số lỗ năm 2010 thì mức tổn thất này là tương đương nhưng sự yếu kém chủ quan này lại chỉ được nhắc đến một cách qua quýt, hoàn toàn thiếu các phân tích về nguyên nhân, giải pháp khắc phục cũng như hướng hạch toán, trong khi vấn đề này đã tồn tại kéo dài hàng chục năm nay.

EVN không đề cập thì có phải con số trên 10.000 tỉ đồng này cũng được tính vào giá thành?

Vì thế dù đã họp báo, song xem như EVN vẫn còn nợ hai câu hỏi rất lớn và dư luận không thể không được giải trình trước khi giá điện tăng!

B. L.

Nguồn: butlong.multiply.com

Điện lỗ, dân chịu

Nguyên Hằng

Khoản lỗ hơn 10.000 tỉ đồng của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) năm 2010 sẽ được hạch toán vào giá điện như phát biểu của Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đang khiến dư luận bức xúc.

Đây là lần đầu tiên Bộ Công thương công khai chuyện lỗ, lãi, giá thành sản xuất điện của EVN.

Nhưng cũng là lúc người tiêu dùng sẽ phải chấp nhận việc điện chuẩn bị tăng giá. Trước đó, EVN cũng đã lên tiếng "đòi" tăng giá nhưng chưa được chấp thuận. Với việc "dọn đường" của Bộ Công thương như nói trên, tăng giá điện có lẽ đã rất gần. Không chỉ tăng giá, lần tăng này sẽ tăng mạnh khi khoản lỗ trên 10.000 tỉ đồng được hạch toán thẳng vào giá thành.

Điện tác động đến giá đầu vào của hầu hết các sản phẩm, dịch vụ. Giá điện tăng, hàng hóa tiêu dùng sẽ tăng theo, lạm phát mà Chính phủ đang nỗ lực kiểm soát, chắc chắn sẽ bị tác động. Tăng lương mới chỉ dừng lại ở khâu bàn bạc, thảo luận thì giá cả trên thị trường lại đứng trước nguy cơ tiếp tục bị đẩy lên theo giá điện. Câu chuyện lương lẽo đẽo theo giá, câu chuyện lợi ích ngành "đè" lợi ích chung của cả nền kinh tế... nói mãi vẫn thế.

Nhưng bức xúc hơn cả là việc người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế phải gánh chịu hậu quả của việc làm ăn thua lỗ cho ngành điện. Nguyên nhân lỗ theo lý giải của Bộ Công thương là do giá thành điện cao hơn giá bán. Nhưng vì sao giá thành điện cao, năng lực quản lý, thất thoát, những dự án chậm tiến độ, công nghệ, máy móc... của EVN đóng góp bao nhiêu trong con số thua lỗ này, chưa được làm rõ. Nếu lỗ vì năng lực quản trị, doanh nghiệp phải gánh chịu, tại sao bắt người tiêu dùng phải gánh? Nhưng có lẽ cũng chẳng cần phải phân tích sâu xa đến vậy. Nghịch lý "quýt làm, cam chịu" thể hiện ngay trong việc sẽ hạch toán lỗ vào giá thành của EVN.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng lý giải rằng, EVN là doanh nghiệp kinh doanh nên lỗ phải hạch toán vào giá thành. Thử hỏi trên thị trường hiện nay, có ngành nào được quyền ung dung hạch toán lỗ vào giá thành như vậy? Nếu được quyền làm như vậy, chắc chắn không có chuyện gần 50.000 doanh nghiệp bị phá sản vì khó khăn trong 10 tháng đầu năm nay. Nếu cứ lỗ thì nâng giá, việc gì các công ty phải đau đầu với bài toán tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng, công suất... để vượt khó. Nếu có thể đẩy lỗ sang khách hàng, việc gì phải kêu gọi tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc nền kinh tế...

Sở dĩ EVN được làm và làm được việc này là nhờ vào sự độc quyền kinh doanh trên thị trường điện. Vị thế độc quyền khiến người mua điện phải chấp nhận cả những việc vô lý nhất, chịu thay khoản lỗ cho EVN. Càng vô lý hơn khi chúng ta thí điểm thị trường điện cạnh tranh, chúng ta khẳng định điện sẽ theo cơ chế thị trường nhưng lỗ thì hạch toán vào giá thành, còn lãi doanh nghiệp hưởng.

Nhưng khoản lỗ trên 10.000 tỉ đồng là chưa tính các khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành; chưa tính lỗ, lãi tại các công ty cổ phần điện do EVN góp vốn; chênh lệch tỷ giá... Với sự độc quyền đang có, lại được "bật đèn xanh" từ cơ quan quản lý như nói trên, không loại trừ khả năng, người tiêu dùng nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ tiếp tục gánh lỗ cho EVN khi "cơ chế công khai" được tiếp tục.

N. H.

Nguồn: thanhnien.com.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn