Miến Điện thông qua luật biểu tình

Thanh Phương

clip_image001

Công chúng đứng xem các nhà sư ở tu viện Maha Mya Muni, Mandalay biểu tình phản kháng ngày 15/11/2011. (Photo: Mandalay Breeze Facebook)

Trong khi ở Việt Nam vẫn còn tranh cãi với nhau là nên hay không nên có luật biểu tình, thì tại Miến Điện, Quốc hội nước này vừa thông qua luật cho phép người dân biểu tình ôn hòa, tiến thêm một bước trên con đường dân chủ hóa.

Hôm nay, 24/11/2011, Quốc hội Miến Điện đã thông qua Luật biểu tình, cho phép người dân kể từ nay được biểu tình ôn hòa. Luật này quy định là những người biểu tình phải báo cho chính quyền trước 5 ngày và không được phép tập hợp trước các trụ sở chính phủ, trường học, bệnh viện và các tòa đại sứ. Theo lời một dân biểu Miến Điện được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, một điều khoản cấm người biểu tình hô khẩu hiệu cuối cùng đã bị bác.

Luật Biểu tình hiện còn chờ được Tổng thống Thein Sein ký phê chuẩn để có hiệu lực. Theo nhận định của trang thông tin của người Miến Điện lưu vong Tiếng nói Dân chủ Miến Điện (DVB), nếu luật này được ban hành, như vậy là lần đầu tiên từ một thế kỷ qua tại Miến Điện, các cuộc biểu tình được hợp pháp hóa.

Cho tới nay, rất hiếm khi xảy ra biểu tình ở Miến Điện và phần lớn các cuộc biểu tình đều bị đàn áp. Vào tháng trước, nhiều người đã bị bắt giữ ở Miến Điện trong một cuộc tập hợp của nông dân có đất đai bị trưng thu. Tuy nhiên, vào tuần trước, 5 nhà sư đã biểu tình suốt hai ngày để đòi trả tự do cho toàn bộ tù chính trị, nhưng lực lượng an ninh đã không can thiệp.

Phải trở ngược đến năm 2007 mới thấy có những cuộc biểu tình lớn ở Miến Điện. Vào năm đó, các cuộc biểu tình, do các nhà sư Miến Điện chủ xướng, đã thu hút đến 100.000 người trên đường phố Rangoon, tạo thành một phong trào phản kháng lớn nhất kể từ khi giới tướng lãnh lên nắm quyền năm 1988. Phong trào đã bị chính quyền quân sự Miến Điện dìm trong biển máu, khiến ít nhất 31 người thiệt mạng.

Tháng ba vừa qua, tập đoàn quân sự đã chuyển giao quyền lực cho một chính phủ gọi là « dân sự », nhưng thực tế vẫn do quân đội kiểm soát. Tuy vậy, chính quyền mới trong những tháng gần đây đã có liên tiếp nhiều hành động theo hướng dân chủ hóa chính trị, có lẽ để nhằm phá vỡ thế bị cô lập trên trường quốc tế.

Ngoài quyền tự do biểu tình, cách đây một tháng, người dân Miến Điện cũng đã bắt đầu được hưởng quyền tự do công đoàn và tự do đình công, những quyền mà họ đã bị tước đoạt từ nửa thế kỷ qua. Việc kiểm duyệt báo chí cũng đã được giảm nhẹ. Thậm chí, chính quyền Miến Điện, vì muốn tuân theo « ý nguyện của nhân dân », đã không ngần ngại đình chỉ một công trình đập thủy điện do Trung Quốc tài trợ và xây dựng, mà không sợ làm mích lòng đồng minh Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, giới lãnh đạo mới của Miến Điện đã bắt đầu đối thoại trực tìếp với nhà đối lập Aung San Suu Kyi và cho phép đảng của bà, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, được đăng ký hoạt động trở lại. Là một người đã từng ngồi tù và quản thúc tại gia nhiều năm, nay bà Aung San Suu Kyi có thể sẽ ra tranh chức dân biểu trong cuộc bầu cử Quốc hội một phần.

Những nỗ lực dân chủ hóa nói trên đã được quốc tế nhìn nhận, cụ thể qua việc Miến Điện sẽ được giao giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2014. Về phía Hoa Kỳ, Tổng thống Mỹ Obama quyết định gởi Ngoại trưởng Hillary Clinton đến thăm Miến Điện vào đầu tháng 12 tới để khuyến khích chính quyền nước này tiếp tục cải tổ chính trị. Đây sẽ là lần đầu tiên một người đứng đầu ngành ngoại giao của Hoa Kỳ đến thăm Miến Điện từ nửa thế kỷ qua. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cũng sẽ đến Miến Điện trong những ngày tới.

Nhật Bản còn đi xa hơn khi hôm nay loan báo sẽ cử các quan chức đến Miến Điện vào tuần tới để bàn về việc tái lập viện trợ phát triển cho nước này, vốn đã bị đình chỉ vào năm 2003, do việc bà Aung San Suu Kyi bị bắt giam.

Tuy nhiên, hiện giờ, cánh cửa của quốc tế vẫn chưa thật sự rộng mở đối với Miến Điện, vì một trong những đòi hỏi chủ yếu của các nước phương Tây là trả tự do cho toàn bộ tù chính trị vẫn chưa được đáp ứng.

T. P.

Nguồn: viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn