Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan: ASEAN đang chứng tỏ khả năng giải quyết vấn đề Biển Đông

clip_image001

Ông Surin Pitsuwan. Ảnh: Việt Anh

 
SGTT.VN - Bên lề hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19 và các hội nghị liên quan tại Bali (Indonesia), trao đổi với báo giới, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho biết, các quan chức cấp cao của ASEAN sẽ cố gắng hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử COC trong dịp này. Theo lịch trình, Trung Quốc mời đại diện ASEAN đến Trung Quốc để thảo luận tiếp vào tháng 1.2012.

Xin cho biết tiến độ của việc soạn thảo COC?

Tôi nghĩ chúng ta đã thấy có tiến triển trong vấn đề ở Biển Đông. Với DOC từ năm 2002 chúng ta có ý chí chính trị nhưng bị kẹt ở đó tận chín năm, nhưng hồi tháng 7 vừa qua (hội nghị ASEAN tại Bali), ASEAN và Trung Quốc đã đạt được nhất trí về hướng dẫn thực hiện DOC, về cách thức chúng ta thực hiện các hoạt động mà có thể giúp xây dựng lòng tin. Do vậy, chúng ta phải đạt được COC.

Biển Đông là một khu vực cần được quản lý, hợp tác để tránh bất kỳ hậu quả không lường trước. Sự mất ổn định và xói mòn lòng tin ở Biển Đông sẽ có ảnh hưởng tới không khí an ninh chung, ảnh hưởng tới sự thịnh vượng và phát triển của ASEAN.

Nhưng vấn đề rất phức tạp, giữa bốn thành viên của ASEAN với Trung Quốc và Đài Loan. Biển Đông là tuyến đường huyết mạch cho các nền kinh tế năng động ở Đông Á, 80% nguồn năng lượng được vận chuyển qua đây, nhiều hàng hoá được vận chuyển qua khiến đây trở thành tuyến hàng hải bận rộn, do đó cần có mối quan tâm đặc biệt ở đây.

Trung Quốc thì nói không có vấn đề gì về ổn định, an ninh hay tự do hàng hải ở Biển Đông, nhưng ASEAN cần thiết lập các quy tắc nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn trên thực tế có liên quan tới Biển Đông.

Lần này, các quan chức cấp cao của ASEAN đã nghiên cứu COC, nhận dạng các vấn đề, các yếu tố của nó. Trong tháng 1.2012, Trung Quốc và ASEAN sẽ cùng thảo luận tiếp về COC.

Ý tôi là, chúng ta đang có động lực chứng minh cho thế giới thấy rằng vấn đề Biển Đông có thể được quản lý, kiềm chế và sẽ được giải quyết trong khuôn khổ mà ASEAN thiết lập nên, với những công cụ mà không ảnh hưởng tới sự ổn định của cộng đồng quốc tế. Tăng cường lòng tin sẽ giúp ích nhiều cho sự tăng trưởng của khu vực đang trở nên ngày càng quan trọng với thế giới.

Ông có thể đánh giá về thoả thuận nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc vừa qua?

Tôi cho rằng chúng ta có hai cách để giải quyết vấn đề. Một là thảo luận giữa ASEAN với Trung Quốc, và hai là song phương tuân theo luật pháp quốc tế. Những gì mà Việt Nam và Philippines đang làm là ở trong khuôn khổ, họ cần thực hiện những gì có thể, làm sao thống nhất, có thể kiểm soát được tình hình, cùng với Trung Quốc.

Điểm nổi bật của hội nghị cấp cao ASEAN lần này là lần đầu tiên có sự tham dự của Mỹ và Nga với tư cách thành viên chính thức của cấp cao Đông Á. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

Có thể nói không có khu vực nào trên thế giới lại có vai trò thiết yếu với sức khoẻ của kinh tế Mỹ hơn là Đông Á. Mỹ rất cởi mở về vấn đề này, Mỹ tiếp cận Đông Á theo hai cạnh của chiếc kéo, một là về kinh tế (kinh tế mở, tự do hoá…) và APEC có thể là diễn đàn cho các vấn đề đó.

Thứ hai, dường như Mỹ cũng cho rằng ổn định, an ninh, chính trị và các vấn đề chiến lược nên được bàn thảo ở EAS (hội nghị Thượng đỉnh Đông Á sẽ diễn ra vào 19.11.2011, cũng tại Bali). Và ASEAN cần nhận thấy rằng chúng ta sẽ được hưởng lợi với những tiềm năng về nguồn lực mà họ có như các sáng chế, khoa học công nghệ, nhân lực, sự hiện diện quân sự và bảo vệ an ninh, là điều mà Mỹ đem lại cho khu vực.

Các nhân tố chính khác là Trung Quốc, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản. Ở đây, Trung Quốc nghĩ một cách riêng, Úc nói theo giọng của họ. Với Nga, chúng ta có thể hưởng lợi từ nguồn năng lượng lớn của Nga, công nghệ và thị trường rộng lớn.

clip_image003

Ngoại trưởng Phạm Bình Minh và ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa (phải) tại phiên họp ngoại trưởng khối ASEAN diễn ra ngày 15.11 tại Bali, Indonesia. Ảnh: Reuters

 
Vậy để duy trì vai trò trung tâm của mình, ASEAN cần phải làm gì?

ASEAN nên cẩn trọng, không nên “mua nhiều hơn chúng ta có thể chọn”. Chúng ta phải hết sức chú ý, cần có cơ chế để kiểm soát và đảm bảo sự cân bằng.

Phải nhận thấy rằng, các đối tác đối thoại muốn tham gia EAS để thúc đẩy, tăng cường hợp tác và cũng để bảo vệ những lợi ích mà đôi khi có thể mâu thuẫn lẫn nhau. Họ tìm thấy diễn đàn của ASEAN hợp lý để bàn bạc, nhưng chúng ta cần bảo đảm không bị vượt quá giới hạn trong chương trình nghị sự.

Tuyên bố của EAS kêu gọi tất cả các đối tác đối thoại (tám nước) và ASEAN cam kết tuân theo các quy tắc và giá trị của hiệp ước Hợp tác và thân thiện (TAC).

Chúng ta không chỉ kêu gọi các cư xử trong ASEAN mà còn với tám đối tác phải cư xử dựa trên nguyên tắc của TAC, tránh dùng vũ lực, phải dùng các biện pháp ngoại giao để xử lý các vấn đề khác biệt, tôn trọng luật pháp quốc tế trong tranh chấp…

Trung Quốc và Ấn Độ có những khác biệt, Mỹ và Nga có những khác biệt và ASEAN cung cấp một nền tảng chung để thảo luận, không chỉ giữa chúng ta với họ mà giữa họ với nhau.

Xin ông cho biết Cộng đồng kinh tế ASEAN đã đạt được thành quả gì?

Trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, kinh tế là một thành tố rất quan trọng, có đến 60% các cuộc họp và thảo luận của ASEAN là về cộng đồng kinh tế.

Có thể hội nhập kinh tế là một tiến triển rõ nhất trong xây dựng cộng đồng của chúng ta, vì nó ảnh hưởng tới cuộc sống, chất lượng cuộc sống của mọi người, như việc làm, tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại.

Hiện thương mại nội khối của chúng ta chiếm 25% tổng trao đổi thương mại của ASEAN, khoảng hơn 2.000 tỉ USD và chúng ta nhận thấy tỷ lệ này vẫn thấp. Tôi đề xuất và các bộ trưởng kinh tế ASEAN sẽ bàn sơ bộ mục tiêu cho năm 2015, thương mại nội khối sẽ chiếm 30%.

Ngoài hàng hoá, chúng ta cố gắng mở rộng dịch vụ, tăng cường đầu tư, hợp tác xuyên biên giới giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng ta muốn thu hút FDI hơn nữa. Năm 2010, FDI vào ASEAN tăng gấp đôi so với năm trước, đạt 70 tỉ USD. Trong đó 68% là đến khu vực dịch vụ. Thị trường chứng khoán ASEAN (sáu nước gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan) có thể trao đổi để huy động vốn cho cả khối ASEAN.

Cảm ơn ông!

Việt Anh (thực hiện từ bali)

Nguồn: sgtt.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn