140 năm ngày mất nhà yêu nước, nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ (28/11/1871-28/11/2011)

Nguyễn Trường Tộnhà thiết kế vĩ đại của đất nước ở thế kỷ XIX

Nguyễn Đình Chú

Đúng là thời gian đã và đang ủng hộ Nguyễn Trường Tộ, đưa ông ngày một về gần với chúng ta, với đất nước hôm nay. Khoa học xã hội và nhân văn vẫn cần tiếp tục khám phá Nguyễn Trường Tộ, nhưng không ít mỹ từ cao sang đã dành để tôn vinh ông: “Người yêu nước sáng suốt”, “Nhà yêu nước sáng suốt nhất của thế kỷ XIX”, “Nhà cải cách lớn của dân tộc”, “Nhà phê bình xã hội đầu tiên ở nước ta”, “Nhà kiến trúc tư tưởng Việt Nam ở thế kỷ XIX”, “Một trí tuệ lớn mang tầm quốc tế” … Đến lượt tôi, tôi xin mệnh danh: “Nguyễn Trường Tộ: một nhà thiết kế vĩ đại của đất nước ở thế kỷ XIX”. Công việc thiết kế chính là công việc vạch đường chỉ lối, hoạch định chiến lược, chiến thuật, bày mưu định kế, xây dựng mô hình, phác hoạ mẫu này, mẫu khác để từ đó mà có sự thi công với vai trò điều khiển của công trình sư. Trong xây dựng, ở những công trình lớn đồ sộ, thiết kế và thi công là hai công đoạn khó bề kết làm một. Thiết kế phải có trước. Thi công là chuyện tiếp theo.

Từ cách nghĩ đó, trong đầu óc tôi, Nguyễn Trường Tộ đã hiện lên sừng sững như một nhà thiết kế vĩ đại của đất nước Việt Nam ta rất mực yêu thương và cũng rất mực đau thương ở thế kỷ XIX. Rất tiếc, vô cùng tiếc cho đất nước đã có một người con ưu tú, kiệt xuất, đầy đủ tư cách và khả năng là một nhà thiết kế vĩ đại mà không được chuyển tiếp làm vị tổng công trình sư. Lịch sử oái oăm là thế. Bi kịch là thế. Và Nguyễn Trường Tộ là nhân vật bi kịch của lịch sử oái oăm đó.

Để hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của nhà thiết kế Nguyễn Trường Tộ, hẳn là phải trở lại hoàn cảnh lịch sử đất nước ở thế kỷ XIX với hai đặc điểm cơ bản là:

1. Chế độ phong kiến nhà Nguyễn thay thế triều đại Tây Sơn huy hoàng nhưng sớm nở, tối tàn, đã có nhiều cố gắng trong việc củng cố thống nhất đất nước, mở rộng bờ cõi, kiện toàn thiết chế xã hội… nhưng vẫn không đủ để đưa đất nước thoát khỏi bế tắc, khủng hoảng và cuối cùng rơi vào hoạ xâm lăng, nhục nhã.

2. Cuộc xâm lăng của thực dân Pháp từ giữa thế kỷ XIX là cuộc xâm lăng có đặc điểm rất khác so với trước. Trước là chuyện phong kiến nước lớn bắt nạt phong kiến nước nhỏ. Nay là chuyện phương Tây trên đường phát triển bắt nạt phương Đông lạc hậu; là chuyện đụng độ giữa hai hình thái xã hội: Xã hội tư bản chủ nghĩa mà theo K. Mác đã nói trong Tuyên ngôn Cộng sản là “Một trăm năm phát triển tư bản chủ nghĩa có thể tạo ra một khối lượng của cải bằng hàng năm phong kiến cộng lại” và xã hội phong kiến nông nghiệp nghèo nàn, bế tắc. Cho nên ở thế kỷ XIX, mất nước đâu là chuyện riêng một Việt Nam. Chỉ trừ Nhật Bản và Thái Lan, còn Lào, Miên, Miến Điện, Mã Lai, Singapo, Philipin, Nam Dương, Ấn Độ đều mất. Cả đến Trung Hoa với chủ nghĩa đại Hán, từng xưng hùng, xưng bá trong khu vực mà cũng đã bị một số nước phương Tây xa tít kia đến xâu xé, chưa đến nỗi mất nước nhưng cũng đã phải nằm kềnh ra đó chứ còn gì.

Với cuộc thế khác xa thời trước và ngặt nghèo tày trời như vậy, một câu hỏi lớn ôi là lớn, một bài toán khó ôi là khó đối với Tổ quốc Việt Nam là:

Bằng con đường nào, bằng phương thức nào để giành lại giang sơn gấm vóc? Để đưa đất nước thoát khỏi bế tắc, tiến dần vào cõi văn minh phú cường?

Để có câu trả lời đích đáng trước câu hỏi lớn này, để có thể giải bài toán khó này của thời đại, cần rất nhiều điều kiện, nhưng trước hết phải xử lý đúng hai vấn đề sau đây:

1. Vấn đề tình và lý, tâm và trí, động cơ và hiệu quả trong cuộc sống nói chung ở cấp độ vĩ mô và vi mô. Cụ thể ở đây là trong hoàn cảnh đất nước đang bế tắc và đã rơi vào hoạ xâm lăng. Thì đấy, trong thực tế, đã thấy có hai trạng thái rõ rệt:

a. Sự lúng túng, bất lực, lý chẳng ra lý, tâm chẳng ra tâm, trí chẳng ra trí, động cơ thì mập mờ, hiệu quả thì thảm hại, của triều đình nhà Nguyễn.

b. Sự vùng lên kiên cường bất khuất, lãnh đạo nhân dân chống xâm lược, hết đợt này đến đợt khác của các sĩ phu mà tình, mà tâm, mà khí phách thì hữu dư được lịch sử muôn đời ca ngợi, nhưng xem ra thì lý, thì trí chưa đủ độ cần thiết, nên cuối cùng vẫn chịu thất bại đắng cay.

Rõ ràng là trước câu hỏi lớn và khó, trước bài toán khó của thời đại, đã phải có một cách xử sự mới, vượt lên truyền thống. Nghĩa là, vẫn phải có tình, có tâm mà truyền thống đã có, nhưng phải có một thứ , một thứ trí mới hẳn, mang tính hiện đại, có nhiều khả năng đảm bảo hiệu quả cho đất nước.

2. Vấn đề không phụ thuộc (độc lập: indépendant), phụ thuộc lẫn nhau (interdépendant), và con đường dành độc lập là thế nào? Indépendant và Interdépendant là hai phương diện, cũng có thể nói là hai quy luật tồn tại trong sự sống, không chỉ với một quốc gia, mà còn là với mọi cộng đồng sống, kể cả cuộc sống cá nhân. Tuy vậy, trong nhận thức về hai quy luật này và từ đó là trong hành động, không phải ở đâu lúc nào cũng giống nhau. Kể cả con đường giành độc lập dân tộc trước hoạ xâm lăng thì vẫn có hai phương thức bạo động và không bạo động. Có thể nói trong lịch sử nước ta, từng quen với quy luật độc lập. Trước ngoại xâm thì cũng quen dùng phương thức bạo động mà chưa quen, với quy luật phụ thuộc lẫn nhau (interdépendant) trong tình thế không bình thường là kẻ thù đã xâm chiếm đất nước và cũng chưa quen đi con đường giành độc lập không bạo động. Nhưng ở thế kỷ XIX, trước hoạ xâm lăng của thực dân Pháp, trong thực tế, đã có một số người Việt Nam, dù tự giác hay chưa tự giác, tự giác nhiều hay ít, đã sống với quy luật interdépendant, để rồi phải chịu đựng tiếng bấc, tiếng chì, thậm chí là sự lên án, sự mạt sát trong một bộ phận của người đời nhưng xem ra thời gian lại đang ủng hộ họ. Bởi thành quả mà họ để lại cho đất nước vẫn là thành quả muôn đời, trừ người không biết nhận thức mà vẫn phủ nhận phũ phàng. Trương Vĩnh Ký, cuối thế kỷ XIX, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh… đầu thế kỷ XX là những trường hợp tiêu biểu cho đường hướng interdépendant đó, dĩ nhiên, mới là trên phương diện văn hoá. Về chính trị, Phan Châu Trinh là người đi theo quy luật interdépendant này, và Phan Bội Châu về sau cũng vậy…

Từ những gì được nói trên đây, tôi xin được coi Nguyễn Trường Tộ là người số một, thậm chí là độc nhất vô nhị có tư cách trả lời câu hỏi lớn, giải bài toán khó của đất nước Việt Nam ta ở thế kỷ XIX. Dĩ nhiên, là mới ở phương diện nhà thiết kế. Bởi lẽ ở ông cái tình, cái tâm cũng lớn như ai. Nhưng quan trọng hơn là có cái lý, cái trí đột khởi mà đương thời chưa thấy ai sánh kịp. Bởi lẽ: với những người Việt Nam ưu tú, cùng thời thì hoặc là nhiệt tâm đeo đuổi phương thức giành độc lập bằng vũ trang mà hầu như chưa nghĩ gì tới quy luật Interdépendant, thậm chí còn đối địch với nó; hoặc là nhiệt tâm đi theo quy luật Interdépendant mà né tránh hoàn toàn con đường vũ trang giành độc lập. Trong khi Nguyễn Trường Tộ thì có tất cả. Với Nguyễn Trường Tộ là Interdépendant nhưng vẫn Indépendant. Mà Indépendant không vũ trang bạo động nhưng khi cần vẫn có vũ trang bạo động ít ra là trong ý đồ.

Để hiểu chất lượng thành quả thiết kế của Nguyễn Trường Tộ, trước hết lại phải hiểu được con người của Nguyễn Trường Tộ mà ở đó nổi lên những nét đặc sắc như sau:

1. Về nhân cách và cá tính sống: Nguyễn Trường Tộ quả là một người theo đạo Thiên chúa hết lòng hết dạ với giống nòi và rất tự tin vào sự hiểu biết, vào “tài ứng dụng với đời ” của mình. Chính ông đã tự nói điều đó trong nhiều bản điều trần bên cạnh những lời nói khiêm nhường, hạ mình. Ông là người rất có ý thức và bản lĩnh trong việc xa lánh chức tước, danh vọng để đeo đuổi lý tưởng cứu nước, giúp đời. Ông là người đã sống trọn với chữ Nhẫn theo ý nghĩa chân chính nhất của nó, nhằm vượt qua những sự mè nheo của thế gian để đạt tới lẽ sống cao cả của mình.

2. Về văn hoá: Nguyễn Trường Tộ là một hiện tượng hội tụ đột khởi tới mức đương thời, kể cả sau nữa, cũng không dễ mấy ai vượt qua, mặc dù di sản của ông để lại chủ yếu chỉ 58 bản điều trần. Ông là một giáo sỹ kiêm một nhà Hán học, một nhà Đông phương học, một nhà Tây học, mặc dù chẳng có bằng cấp gì. Qua những bản điều trần, thấy rõ ông có trình độ Hán học uyên thâm. Thuộc Bắc sử (sử Tàu), hiểu Nho giáo, đến nơi đến chốn. Cũng qua các bản điều trần, thấy ông hiểu phương Tây một cách khá toàn diện, không chỉ trên phương diện chính trị, xã hội mà cả các chuyên ngành khoa học, kỹ thuật, hiện đại từ chuyện lớn vĩ mô, đến chuyện vi mô cụ thể. Ở thời đại của ông, không một người Việt Nam nào lại hiểu biết tình hình thế giới, khu vực được như ông. Với đất nước mình cũng vậy, đương thời khó có ai hiểu sâu sát được như ông. Tôi nói thế mà không sợ quá lời, một khi bản thân đã ít nhiều so sánh hệ thống văn bản điều trần của ông với nhiều thư tịch đương thời trong đó có đình đối sách mà nhà vua, người ra đề thi thường có yêu cầu các đại thí sinh phản ánh tình hình thực tế đất nước.

3. Về tư duy: Nguyễn Trường Tộ cũng là người có một năng tư duy đột khởi, hiếm lạ so với tầng lớp đại nho, đại thức đương thời, đủ làm cơ sở vững chắc đảm bảo chất lượng tối ưu cho suy nghĩ, hành động và tầm vóc văn hoá của ông. Trong tư duy Nguyễn Trường Tộ nổi lên mấy đặc điểm sau:

- Có khả năng tư duy nắm bắt những vấn đề vĩ mô, khái quát, chiến lược mà vẫn không xa rời những điều vi mô, cụ thể, chiến thuật. Ví dụ: bàn “Về việc tổ chức cho sứ bộ đi Pháp” (Di thảo số 32 ngày 12.3.1868) là đụng đến một đại sự của quốc gia mà không quên dặn “Sứ bộ ta đi Tây lần này, cách ăn ở, hễ đến đâu, phải làm như thế nào, tôi sẽ nói trước với quan chính sứ, bàn bạc phải chăng, tạm theo tục họ, để tránh sự chê cười. Còn như áo quần, đồ dùng cần phải tề chỉnh sạch sẽ. Vì người Tây ghét nhất là ăn mặc bẩn thỉu. Trừ lễ phục ra, áo lót mình mỗi người ít nhất cũng phải 40 bộ, mỗi ngày mỗi thay đổi. Khăn mặt phải dùng vải Tây trắng, ít nhất mỗi người cũng phải 30 chiếc… 4, 5 đôi giày, còn bít tất phải 20, 30 đôi để thay đổi luôn mới được ”.

- Có khả năng tư duy tích hợp (intégration) vốn là một phương diện rất cần trong việc huy động tri thức, liên kết hiểu biết đa diện đa chiều nhằm tạo hiệu quả cao cho hành động. Khoa học hiện đại đang rất coi trọng khả năng tư duy tích hợp, khoa học tích hợp này. Không chỉ toán riêng, riêng, mà còn là toán lý. Không chỉ sinh riêng, hoá riêng mà còn là sinh hoá…Đọc lại di thảo của Nguyễn Trường Tộ, ta thấy rõ năng lực tư duy này. Ví như trong Tám việc cần làm gấp (Tế cấp bát điều), bàn chuyện xây nhà ở kinh thành, phải xây gạch lợp ngói. Thì trong ý nghĩ của ông không chỉ là chuyện để có nhà ở mà còn là chuyện “phải xắp xếp lại phương hướng cho hợp với binh pháp. Như vậy mới có ích lợi lớn. Như các nước phương Tây dùng nhà cửa làm thành. Đường sá qua lại chằng chịt. Ở những chỗ quan yếu có pháo đài nhỏ. Quan dân nhờ đó dễ phòng thủ. Một khi có biến, dân chúng đều rút vào nhà hết. Có ai chạy lộn xộn ngoài đường thì đó là quan binh hoặc quân loạn nghịch mà thôi nên dễ kiểm soát tầm nã”.

- Có khả năng tư duy so sánh mà hiệu quả nhận thức từ đó dẫn đến hiệu quả hành động cao hơn là không có so sánh. Nhất là năng lực tư duy so sánh lại được dựa trên một tầm độ hiểu biết chuyện đời Đông Tây kim cổ, văn hoá Đông Tây kim cổ như Nguyễn Trường Tộ đã có thì đúng là đương thời khó ai sánh kịp, mà cả hậu thế, cũng không dễ ai hơn. Trong Tám việc cần làm gấp, Nguyễn Trường Tộ từng viết: “Đem nước ta so với thế giới mà xem mới thấy mình có nhiều thiếu sót… Nếu sau khi quan sát thế giới rồi chịu nghiên cứu cho sâu, học cho hết, sau đó nhìn lại nước mình mới thấy lời nói của tôi là thiết thực xác đáng”. Một ví dụ: Trong khi bàn việc “Sửa sang cương giới”, ông so sánh và thấy: “Bản đồ cương giới của Trung Quốc ngày nay rõ ràng hơn của ta gấp bội nhưng so với các nước phương Tây, Trung Quốc chỉ đáng một phần mười”.

- Có khả năng tư duy triết học dù chưa phải là một triết gia. Năng lực tư duy triết học là năng lực tư duy cao sâu hơn tư duy xã hội học, tư duy cụ thể, thiển cận. Loại tư duy này cho phép vượt lên trên trình độ nhận thức hiện tượng để nhận thức về mối quan hệ giữa các hiện tượng vốn là phức tạp, trừu tượng, thậm chí là bí hiểm. Ở Nguyễn Trường Tộ, qua các di thảo của ông cho thấy, tư duy triết thể hiện ở hai trạng thái: kinh viện và thực tiễn. Kinh viện là những điều cao sâu ít nhiều đã có ở thư tịch, chủ yếu là của phương Đông, Trung Hoa cổ đại. Ví như khi “Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ (Thiên hạ đại thế luận), ông đã dựa vào triết lý về chữ Thế để mở đầu cho sự lập luận: “Trộm nghĩ việc trong thiên hạ chỉ có “Thế” mà thôi. Chỉ “Thế” là nói bao gồm cả thiên thời, nhân sự cho nên, người biết rõ “Thế” thì không trái trời, không mất thời, không hại người, không hỏng việc”. Hoặc như khi “Bàn về tự do tôn giáo ” (Giáo môn luận 29.3.1863) ông cũng bắt đầu từ ý tưởng “Trộm nghĩ rằng cái đức lớn của trời đất là sự sống. Sống là gì? Là làm cho muôn vật được bảo toàn thiên tính của nó. Vì vậy trên trời có sao sáng mây đẹp thì cũng có gió lớn mưa to, dưới đất có lúa tươi thóc tốt, thì cũng có cỏ xấu, sâu độc. Tuy tốt xấu khác nhau nhưng đều được sinh nở không cái nào bị hại. Như vậy, mới sáng tỏ cái đại toàn của trời đất. Chứ cái gì đẹp thì tô bồi, cái gì xấu thì dẹp bỏ, cái gi hay thì che chở, cái gì dở thì huỷ hoại thì không làm sao thấy được cái vĩ đại, cái kỳ diệu của tạo vật. Vì sao lại nói như vậy? Bởi vì nếu trên đời này, nếu có ngọt mà không có đắng, người ta sẽ không biết vị ngọt là đáng yêu, có ấm mà không có lạnh, người ta sẽ không biết được cái thích thú của sự ấm áp, có trắng mà không có đen, trắng không tự mình phơi bày cái đẹp được … Cho nên trời đất không vì tốt xấu mà phân biệt mưa sương, không vì văn minh dã man mà phân biệt sự che chở….”.

Đúng là Nguyễn Trường Tộ đã đụng vào quy luật đối trọng (Contre-poids) vốn là quy luật lớn nhất của sự sống. Còn triết lý thực tiễn ở Nguyễn Trường Tộ chính là những lẽ thường tình trong sự sống con người. Ví như: “Phải biết sống theo hoàn cảnh mới là người sáng suốt hiểu đúng đạo lý” (Tám việc cần làm gấp), “Thói đời giống với mình thì vui mừng, khác với mình thì chế diễu” (Về việc tổ chức cho sứ bộ đi Pháp), “Biết rõ uy thế của ta của họ để tuỳ cơ ứng dụng đường lối cứng rắn hay mềm dẻo” (Trả lời cái câu hỏi của triều đình) “Phàm việc đời không kể lớn nhỏ chưa có việc gì hoàn toàn tốt đẹp mười phần mà không hư hỏng chút nào, cũng chưa có việc gì hoàn toàn hư hỏng mười phần mà không có ích lợi chút nào(Nói rõ thêm về văn bản ngày 16 tháng 2. Tự đức 21), “Thói thường người ta chỉ lo cứu hoạn mà không biết phải lo làm sao cho mối hoạ không sinh ra (Tiễu trừ giặc biển)”. “Ở đời nếu phải tai hoạ thì hãy chọn cái hoạ nhỏ.” “Ăn trộm thì không gì bằng ăn trộm nước” (Kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh).

*

* *

Với tư chất như trên, Nguyễn Trường Tộ trở thành nhà thiết kế vĩ đại của đất nước ở thế kỷ XIX. Nội dung thiết kế bao gồm không biết bao nhiêu là vấn đề, sự việc, bộ phận, chi tiết. Lịch sử tiếp cận, đánh giá, nghiên cứu Nguyễn Trường Tộ từ khởi thủy là các tác giả Đại Nam thực lục chính biên, tiếp đến là Phan Bội Châu trong Việt Nam quốc sử khảo, tiếp đến nữa là các vị Lê Thước, Nguyễn Trọng Thuật trên Nam phong tạp chí, Đào Đăng Vỹ trên La Patrie annamite, Hải Vân trên Hà thành thời báo, Phan Trần Chúc trên tuần báo Tân Việt Nam, Sử Tử Bình,Lục Y Lang trên Tiếng Dân, Đào Duy Anh trên báo Tri Tân, Bulletin des amis du vieux Huế, Từ Ngọc với sách Nguyễn Trường Tộ (1941) và rất nhiều người nữa tiếp theo trong đó đáng chú ý nhất là Cao Xuân Huy với luận văn “Hệ thống tư tưởng triết học của Nguyễn Trường Tộ”(1960), Đặng Huy Vận – Chương Thân – với công trình “Nguyễn Trường Tộ và những đề nghị cải cách của ông” (1961), Trần Văn Giàu trong sách “Sự phát triển tư tưởng ở Việt Nam”(Từ thế kỷ XIX đến cách mạng tháng Tám) (1973), Trương Bá Cần với sách “Nguyễn Trường Tộ: con người và di thảo” (2002), Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh với kỷ yếu hội thảo khoa học có tên sách “Nguyễn Trường Tộ với vấn đề canh tân đất nước” (1992)… đã đề cập, đã giải mã không biết bao nhiêu điều về Nguyễn Trường Tộ. Hôm nay đến lượt tôi, người đi sau đã được học tập tiền nhân, liệu có thể nói gì thêm khi đã nổi lên trong đầu óc một ấn tượng bao quát về “Nguyễn Trường Tộ – nhà thiết kế vĩ đại của đất nước ở thế kỷ XIX” chứ không chỉ là nhà duy tân, nhà cải cách, nhà canh tân đất nước? Hy vọng rằng cách thay đổi mệnh danh này về Nguyễn Trường Tộ may gì cũng tạo được một cách nhìn toàn diện hơn nữa về Nguyễn Trường Tộ và từ đó cũng có thể làm rõ hơn nữa tầm vóc vĩ đại của ông. Tôi xin trình bày nội dung thiết kế của Nguyễn Trường Tộ dựa theo không chỉ một mục tiêu duy tân cải cách mà hai mục tiêu là:

- Tìm cách giành lại phần lãnh thổ đã mất cho đất nước.

- Duy tân để đưa đất nước lên cõi văn minh, phú cường.

A. Phần Một

Năm 1858, Pháp đánh Đà Nẵng. Năm 1859, Pháp bỏ Đà Nẵng vào đánh Gia Định. Năm 1862: Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam bộ. Năm 1867: Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam bộ. Trong khi Nguyễn Trường Tộ bắt đầu công việc điều trần tạm ghi là vào năm 1863. Nguyễn Trường Tộ mất ngày 10.10.1871, sau khi Nam bộ đã mất trọn 4 năm và ở Pháp có Công xã Paris xảy ra đầu năm 1871.

Pháp xâm lược đất nước. Đúng là Nguyễn Trường Tộ đã không đi theo con đường truyền thống mà các sĩ phu yêu nước thời đó đã đi là cùng nhân dân vùng lên anh dũng, võ trang chống Pháp, nghĩa là theo quy luật indépendant bằng lối đi độc đạo là bạo động. Nguyễn Trường Tộ, bằng trí tuệ riêng, bằng cách tính toán riêng đã chủ trương đi theo con đường khác mà dân tộc chưa quen đi là theo quy luật interdépendant (phụ thuộc lẫn nhau), chủ trương trước mắt tạm “hoà” mà không “chiến”. Vấn đề “hoà” hay “chiến” là vấn đề lớn nhất của lịch sử lúc này. Trong thực tế, đã diễn ra tình trạng ở những người có trách nhiệm cầm đầu vận nước đương thời trong đó có phái chủ chiến, có phái chủ hoà, kể cả tình trạng lúng túng, hoà không ra hoà, chiến không ra chiến. Hoà cũng lắm kiểu: hoà do yếu đuối, bạc nhược, sợ địch. Hoà do có sự tính toán thiệt hơn về trước mắt và lâu dài. Nguyễn Trường Tộ cũng hoà nhưng rõ ràng là ông có sự tính toán đa dạng, đa diện, đa mưu, đa kế hơn những người chủ hoà khác. Mặc dù, với chủ trương hoà này, đương thời ông phải chịu không ít sự hiềm nghi, kể cả đến hôm nay, với hầu hết người Việt Nam có suy nghĩ thấu đáo thì sự hiềm nghi đã được rũ bỏ, chỉ còn lại sự tôn vinh nồng nhiệt. Nhưng một vài người Việt sống ở nước ngoài, không hiểu vì lẽ gì, không những không rũ bỏ mà phần nào còn cường điệu sự hoài nghi ở mức xúc phạm đến con người kiệt xuất này. Mong rằng các vị đó sẽ có lúc hồi tâm tìm hiểu lại một cách kỹ càng để tự điều chỉnh mình cho phù hợp với đà chung của học giới. Trở lại với Nguyễn Trường Tộ mà thấy thương cho ông ngày đó. Ông tâm huyết với đất nước lớn lao là thế mà đã phải gánh chịu bao sự eo xèo, hiềm nghi để phải nhiều lần thanh minh, phải như tự kêu lên rằng: Tôi không phải là tay sai cho ngoại bang. Tôi chỉ là người đang tìm một con đường cứu nước theo kiểu khác mà tôi thấy nó mới thật sự có hiệu quả. Hãy đọc lại một vài đoạn trong bài Trần tình của ông:

Tôi bé không được dạy bảo, lớn lên lưu lạc nhiều nơi, những hoài bão và việc làm của tôi có chỗ khác hơn người (NĐC nhấn mạnh)…

“Từ bé tôi đã thận trọng trong việc giao du, thích yên tĩnh, đối với tất cả những sự cầu danh, lấn lướt giành công, tham lợi tôi đều coi như mây bay, nước chảy. Vả lại, tôi cũng không ham thích kinh doanh, không thích chuyện vợ con, đoạn tuyệt với hai cạm bẫy tài sắc. Người ta ở đời sở dĩ không được thanh thản tự do mà phải chìm đắm trong lưới trần tục, lại theo phường phản nghịch, đều do hai cạm bẫy này mà ra cả. Tôi thoát khỏi vòng đó, cho nên việc làm của tôi có khác người….”(NĐC nhấn mạnh)

“… Đến lúc lớn lên tôi chu du các nước, những điều mắt thấy tai nghe góp lại thành một sự ích dụng lớn. Về việc học không môn nào tôi không để ý tới: cái cao của thiên văn, cái sâu của địa lý, cái phiền toái của nhân sự, cho đến luật lịch, binh quyền, tạp giáo, dị nghệ, các môn cách trí, thuật số, không môn nào tôi không khảo cứu, nhất là để ý nghiên cứu về sự thế dọc ngang, tan hợp trong thiên hạ. Thường những người học được như vậy hay dùng đó làm phương tiện cầu vinh, để tiến thân, còn tôi dùng để đền đáp lại cái mà trời cho tôi học được, chứ không mong kiếm chác một đồng tiền nào”… “… Kíp đến lúc người Pháp gây hấn với ta, tôi đã cực lực chối từ lời mời của họ. Nhưng sau nghĩ lại tình thế nước ta hiện nay tạm hoà là thượng sách. Vì chưa đủ sức chống chọi được với họ, cho nên, phải uốn nắn mà theo họ. Như thế may ra góp được một phần nhỏ đối với việc hoà. Nỗi khổ tâm của tôi phải uyển chuyển để được chu toàn thật không bút nào tả được. Tôi đã dự định trong lòng từ lâu, nếu như việc đó được thành công thì tôi lại bay bổng cao xa ngao du khắp bốn bể… ” “…. Nếu quả tôi có lòng phản bội Tổ quốc thì sao tôi lại có thể cẩn thận suy nghĩ, bí mật lo liệu được như vậy?...” “… Mặt trời cho dẫu không soi đến. Hướng dương xin vẫn nếp hoa quỳ”. Trong di thảo “Tâm sự với Trần Tiến Thành” (19.3.1866) ông cũng viết: “… Tôi đang ở trong hoàn cảnh bị hiềm khích, chưa chắc ai đã tin ngay lời tôi nói nên phải kiên nhẫn đợi chờ, không dám đuổi theo tài lợi, đành cam chịu cuộc sống nghèo khó đạm bạc, để cốt chứng minh cho lời nói của tôi là không vì một cái gì, không mong được một cái gì, không bị ai sai khiến, không có một ý đồ gì khác mà thật vượt ra ngoài lẽ thường tình. Theo lẽ thường mà nói thì những việc làm của tôi như vậy, thật là khó hiểu, bấy lâu nay tôi không gánh vác việc gia đình, không thiết tha tài lợi, cả Tây Nam cũng đều thấy, như thế cốt để gạn lọc ý chí, đào luyện tính tình mà bảo dưỡng việc học tập của mình. Tất cả những điều đó vốn là để mong đợi thời hành sự để mong làm được một vài điều lòng hằng ôm ấp, để trọn ơn trên, để tròn thế sự. Chứ đâu phải cam chịu chôn mình trong cảnh tối tăm tịch mịch ? Trung và hiếu vốn là hai điều khó giữ vẹn. Nhưng chỉ nói suông không ngồi vào, không dự vào chỉ biết thân mình, nhà mình, theo thường tình thì việc an nguy của quốc gia thì coi như chuyện của nước Sở nước Việt, không hết lòng báo đáp ơn nước nhà, một mai bốn phương xảy ra nhiều việc thì thân thích của mình cũng sẽ cùng số phận với việc mất còn của đất nước. Trung không thành thì hiếu cũng chưa chắc giữ được…

Rõ ràng là Nguyễn Trường Tộ đã phải chịu sự hiềm nghi nặng nề trong khi bằng trí tuệ riêng của mình mà chủ trương tạm hoà (chứ không phải hoà) với Pháp. Thật là đáng quý dù bị hiềm nghi nặng nề mấy, ông vẫn kiên tâm theo đuổi đường lối vừariêng, vừa mới của mình trong đó có chủ đích là giành lại phần lãnh thổ của đất nước đã bị mất cho thực dân Pháp. Ông cũng ghét thực dân Pháp như ai là người Việt Nam yêu nước đương thời. Ông theo dõi rất sát sao và mật báo cho triều đình biết âm mưu của thực dân Pháp: “Hiện nay ba tỉnh ngoài họ đã không trả, ba tỉnh trong lại lăm le muốn lấy, rồi tương lai sẽ gây biến động gì nữa, cứ suy việc trước ắt biết” (Kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh 18.7.1864) Những sự tình trong lời xin của họ tôi đã nói rõ trong tờ bẩm trước. Nếu việc xin của họ gặp khó khăn, trở ngại, họ cũng không cưỡng ép mà cứ dần dần thi hành cái âm mưu quỷ quyệt để mưu chiếm lấy hết… Hiện nay họ đã sai người đi theo Tiền Giang dọc thẳng các đường đến tận Vân Nam. Những nước nhỏ ở phía Tây ven sông thuộc Xiêm La thường bị họ dùng kế ly gián để dễ bề sai khiến. Họ còn lên tiếng xin nước ta cho họ sai người dọc theo đường núi từ Bình Thuận ra Bắc đến Tuyên Quang để dò đường trước rồi sẽ sai binh thuyền dọc theo ven biển từ Bình Thuận đến Quảng Yên qua cái cảng khẩu và mặt biển để dò nông sâu, vẽ vào bản đồ. Sở dĩ họ cần làm như thế là không những chỉ mưu lợi mà còn dụng ý rất thâm, tôi đã mật báo rồi, nay không dám nói rõ nữa(Kế hoạch khai thác tài nguyên đất nước 15.2 – 17.3.1866), “Nay xem triều đình của họ đã có mật nghị, muốn lấy trọn sáu tỉnh hợp với Cao Miên để làm cửa ngõ lấy vùng đất hai bên sông Cửu Long dọc lên tận Vân Nam…” (tài liệu vừa dẫn). Trong “Tám việc cần làm gấp”, Nguyễn Trường Tộ đã nhắc lại âm mưu của Pháp gồm 5 kế độc là: “1) Giúp bọn làm loạn chia cắt đất nước. 2) Giả hoà rồi đánh ta bất thình lình. 3) Lập ngôi soán vị rồi chuyên quyền. 4) Mượn đường diệt giặc. 5) Lấy êm bằng cách hối lộ”. Nhận rõ âm mưu của kẻ thù, với nhiệt tâm cứu nước theo đường lối riêng của mình, có lúc ông đã cật vấn triều đình Huế: “... Binh chưa mạnh sao không chăm lo võ bị cho mạnh… Kẻ địch bên ngoài sắp muốn nô dịch dân ta, cướp bóc của cải của ta, tại sao không hỏi han nhắc nhở nhau tìm mưu lập kế để ngăn ngừa? … Tại sao không đem tâm lực ra mà lo những việc cần kíp trước mắt, lại đem dùng vào những chuyện xa xôi, không thiết thực ? Tôi sợ kẻ địch xung quanh đang bức bách ta ngày kia sẽ đem giáo hoá luật lệ của chúng đến sai khiến chúng ta. Chừng đó ăn năn sao kịp” (Tám việc cần làm gấp 15.11.1867). Nguyễn Trường Tộ đã bày mưu định kế để tiến tới chỗ tống khứ thực dân Pháp ra khỏi Nam bộ, giành lại lãnh thổ trọn vẹn của đất nước. Trong kế sách của ông, có đủ biện pháp, có đủ chiến thuật khá là hiện đại mà nói chung là dùng trí hơn là dùng lực. Cụ thể, có mấy điểm nổi bật như sau:

- Dùng Anh để kìm Pháp: phải nói đây là một kế sách rất cao tay. Bởi ông biết rõ mối quan hệ Anh – Pháp trong lịch sử và đương thời vốn chẳng hay ho gì, vốn có sự hiềm khích nhau. Trong Kế hoạch duy trì hoà ứơc mới” (18 – 24 tháng 3 - 1864), ông từng viết: “Nếu muốn mưu tính việc thiên hạ, khiến những bọn ghét nhau tự xâu xé lẫn nhau để ta được nhân đó mà hưởng lợi”… “Tôi xét thấy sự thế hiện nay chỉ có người Anh có thể cộng tác được với ta. Vì Anh và Pháp có mối thù truyền kiếp. Nay người bác của vua Pháp bị người Anh đày ở ngoài một đảo xa xôi, người Pháp lấy làm xấu hổ. Người Anh mất Hợp chủng quốc do Pháp hất cảng; người Pháp sở dĩ tạm thời hợp tác với người Anh vì người Anh giỏi về đường biển. Nay nếu có đánh nhau thì người Pháp chỉ giỏi về đường bộ, không thể biến hoá được. Vả lại, người Anh đã chủ được tình thế phương Đông hơn gấp 10 Pháp. Cho nên Pháp phải miễn cưỡng hoà thuân với Anh. Nhưng tính người Pháp hay kiêu điệu, lại hay dèm pha, nên càng dễ ly gián. Người Anh tuy được nhiều nơi nhưng chưa chỗ nào hiểm trở bằng Gia Định. Nay nếu Pháp lấy được Gia Định thì sẽ bất lợi cho mình. Nên có cơ hội thuận tiện, lẽ nào người Anh bỏ qua. Nay nếu ta tỏ ý cần mượn người Anh thì cũng dễ nói:” Việc ly gián Anh – Pháp còn được Nguyễn Trường Tộ nói lại nhiều lần trong nhiều văn bản khác, và trong khi bàn chuyện này, Nguyễn Trường Tộ cũng đã nghĩ đến cái nạn “đuổi hùm cửa trước, rước sói cửa sau” (lời của Nguyễn Trường Tộ). Và ông có cách biện giải, tựa như trong chuyện đánh cờ tướng vậy, gặp nước cờ này thì đi nước cờ khác, gặp tình thế nào sẽ tìm cách giải quyết tình thế ấy theo binh pháp “tương kế tựu kế” rất biến hoá. Nguyễn Trường Tộ còn chủ trương lợi dụng mâu thuẫn giữa Pháp với các nước khác mà Napoléon đã gây ra là YphaNho, Áo Đại Lợi, Nga La Tư, Ý Đại Lợi, Hà Lan…. và mở rộng quan hệ với nước ngoài nói chung nhằm tạo thế đứng cho đất nước trên trường quốc tế để từ đó tranh thủ mọi sự ủng hộ, khai thác nhiều quan hệ lợi cho đất nước hơn ở tình trạng chỉ bó hẹp lại trong quan hệ giữa ta với Pháp mà đã bị Pháp bắt nạt, kìm chế.

- Vừa khoét sâu vào mâu thuẫn của nội bộ thực dân Pháp, vừa tranh thủ sự ủng hộ của người Pháp. Nguyễn Trường Tộ nắm khá rõ mối quan hệ giữa Tây soái ở Gia Định và Chính phủ Pháp trong đó có chuyện dối trá của Tây soái trong các báo cáo về tình hình ở Việt Nam. Do đó ông tìm cách gây bất lợi cho Tây soái trước Tây triều. Bấy giờ có Aubaret (Hà Bá Lý) là một sĩ quan của Pháp sang xâm lược Việt Nam nhưng là một người có học, từng tiếp kiến Nguyễn Đình Chiển và dịch Lục Vân Tiên ra tiếng Pháp, từng khuyên triều đình Pháp trả lại ba tỉnh Đông Nam bộ cho ta, lại có thâm thù với Tây soái, nên Nguyễn Trường Tộ dặn “sứ bộ đi Tây ngầm tìm được ông ta, dùng lời nói khôn khéo và cầu kế với ông cũng được”. (Nói rõ thêm về văn bản ngày 16 . 2 Tự Đức 21).

- Vạch kế hoạch thu hồi 6 tỉnh một khi có thời cơ. Thật là kinh ngạc về khả năng dự báo của Nguyễn Trường Tộ. Ngay từ năm 1864 mà ông đã dự báo “Nước Pháp vài năm sau tất sẽ có nội loạn” (Kế hoạch duy trì hoà ước mới(18 – 24 tháng 3 năm 1864). Quả đúng như thế. Ba năm sau, năm 1871, cuộc cách mạng đầu tiên của công nhân và nông dân Pháp nổ ra và nhất thời thắng lợi (18 -3). Chính phủ Chie (Adolpie Thiers) bỏ chạy về Vecxay (Versailles), nhân dân Paris tiến hành bầu cử theo chế độ phổ thông đầu phiếu, lập Hội đồng công xã (28.3). Nguyễn Trường Tộ với nhận thức, “đại phàm việc thiên hạ, để thời cơ trôi qua mà hối tiếc, với thời cơ chưa đến mà cưỡng làm, đều sai lầm như nhau cả. Cho nên người khôn tuỳ thời mà giải quyết công việc, tuỳ việc mà ra mưu, gặp thời làm được thì gấp rút ra tay, không bỏ qua cơ hội”. Lúc này là lúc có cơ hội. Nguyễn Trường Tộ vạch “Kế hoạch thu hồi sáu tỉnh” (1.2.1871), trước cả ngày công xã Paris thành công. Ông nói rõ: “Hiện nay người Pháp đang gặp vận hội thay đổi lớn. Chính là lúc ta nên gấp rút đặt kế hoạch. Năm trước tôi đã nói “kỳ hạn khôi phục trong mười năm” là cũng đã liệu trước sẽ có cơ hội này, chứ không phải nói quàng, nói hão. Những lời trình bày của tôi trong những năm gần đây, tất cả đều quy vào việc tạm hoà để nghỉ sức, canh tân để mạnh thế của ta, cầu viện để giúp thêm cho ta. Còn dùng binh lực để quyết liệt một phen thì chưa nói đến. Vì muốn khôi phục lại được tất phải đổi mới tiến lên và giao thiệp rộng. Có hai cái ấy làm cơ sở, binh lực mới từ đó mà ra. Nhưng làm hai điều này phải khá lâu chớ không phải kể năm kể tháng mà được. Nếu không lo làm nhanh, đã muộn lại muộn thêm, khi thời cơ đến mà phương tiện chưa đủ hoá chẳng đáng tiếc lắm ru?”.

Trong kế hoạch này, trước hết Nguyễn Trường Tộ chỉ ra những thuận lợi liên quan đến thời cơ và nêu lên nhiều biện pháp cụ thể để tuỳ cơ mà áp dụng như:

1. Cử một đại thần vào gặp Tây soái ở Gia Định khuyên dồn quân về một nơi còn lại các nơi khác trả lại cho ta hết.

2. Sai người đi khắp sáu tỉnh , xúi dân đâu đâu cũng dự bị làm loạn và tung tin khắp nơi khiến cho y (Tây soái) biết được việc ấy.

3. Sai người đi Hương cảng bảo các khách buôn giàu, hứa ngày sau sẽ cho buôn bán ở một hai cửa biển lớn và cho bán nha phiến cả nước mà không đánh thuế, nhưng trước hết xin họ xuất tiền cho mua một số đại pháo, nhờ thuê cho một số người Anh lưu vong, xây một số pháo đài theo kiểu Tây ở cửa Thuận An, Nghệ An, Đà Nẵng, sông Gianh…

4. Từ Nghệ An trở vào Nam, giả vờ thôi thúc quân lính, ban rõ hiệu lệnh phao tin khắp mọi nơi nổi lên đánh giặc.

5. Sai người đi Cao Miên tìm Cầm Bô lấy lời khôn khéo xui sử y trên ấy nổi dậy trước, dưới này ta sẽ đánh thúc lên…

6. Làm công tác binh vận kêu gọi những người Việt được Pháp huấn luyện làm lính tập, mã tà… hãy là người còn có lòng người, còn nhớ đến Tổ quốc, tất cả đâu đó sẵn sàng.

7. Kêu gọi Hoa Kiều từng là khách nhưng ở nước Nam đã lâu, bị Tây ức hiếp, nhân lúc này hãy ngầm tiếp tay với người Nam để có lợi về sau.

8. Tranh thủ tầng lớp quan lại từng làm quan cho Pháp bằng cách tỏ lời thông cảm với hoàn cảnh vạn bất dĩ của họ, chỉ cho họ thấy lợi hại trước tình hình mới.

9. Dùng thủ thuật gây nghi ngờ lẫn nhau trong nội bộ người Pháp và cả những người cộng tác với Pháp, tìm cách kéo họ về phía mình.

10. Mật sai các đại gia thế tục trong 6 tỉnh Nam bộ họp nhau làm tờ thương nguyện gửi lên quan Tây sở tại, tung tin triều đình Việt Nam sắp hành động, gây sức ép để Pháp phải làm theo ý ta.

Kế hoạch thu hồi 6 tỉnh Nam bộ của Nguyễn Trường Tộ còn có nhiều điều khác nữa. Ở đây không thể nói hết. Nhưng điều này thì không thể không nói. Đó là “kế hoạch đánh úp Gia Định”. Trên cơ sở theo dõi sát sao, hiểu biết khá tường tận tình hình nước Pháp vào đầu năm 1871, với ý thức tranh thủ, chớp thời cơ, chỉ sau 8 ngày dâng “kế hoạch thu hồi sán tỉnh” (1.2.1871), Nguyễn Trường Tộ dâng tiếp điều trần “Bổ túc kế hoạch đánh úp Gia Định” (9.2.1871). Nội dung gồm 2 bước:

- Bước 1: là gấp rút cử phái bộ đi Pháp để tìm mọi cách tranh thủ sự ủng hộ của các nước từng ít nhiều có mặt này mặt khác, mẫu thuẫn với Pháp, nhân dịp này đứng về phía Việt Nam. Đó là các nước Y Pha Nho, Anh, Thổ. Tìm cách tranh thủ Giáo hoàng La Mã để Giáo hoàng ra lệnh rút các giáo sĩ người Pháp ở Việt Nam về nước, nhường chỗ cho các giáo sĩ người YPhaNho – Gặp gỡ, thuyết phục, lung lạc tâm lý giới cầm quyền nước Pháp trong hoàn cảnh đang bị rối loạn trả lại 6 tỉnh Nam bộ cho Việt Nam. Mặt khác, cũng không quên tìm cách lung lạc tâm lý của Tây soái ở Gia Định.

- Bước 2: Nếu bước 1 đã thành công thì không cần bước 2, nhưng không thành công thì bước 2 sẽ là như sau: Nguyễn Trường Tộ đóng vai trò trá hình, làm phản gián bằng cách giả xin bổ ông một chức quan trong triều nhưng lại ăn nói phạm thượng để bị cách chức. Từ đó, ông sẽ đóng vai trò của một người chiêu hồi với Tây soái. Và với vai trò chiêu hồi giả này, ông làm việc cho Tây nhưng thực tế là để đi khắp Lục tỉnh tìm cách móc nối với các tầng lớp nhân dân, chuẩn bị nhiều thứ trong đó có cả chuẩn bị vũ khí, luyện tập binh sự, chờ đợi thời cơ. Ngoài ra còn ra Bắc móc nối với những người từng có dã tâm muốn vào làm việc với Tây soái, lừa Tây soái cấp giấy tiếp nhận họ nhưng lại bí mật gửi cho triều đình biết loại người này. Riêng với một số người trong bọn này đã vào Gia Định, thì cuối cùng lại biến họ thành người có công với đất nước trong việc đánh úp Gia Định. Mặt khác, bố trí người tìm cách lung lạc tâm lý Tây soái, xúi nó rút quan võ về nước, thay bằng quan văn. Mọi việc chuẩn bị như thế là không thể nóng vội mà hỏng việc phải trong khoảng 2 năm. Cuối cùng việc chuẩn bị hoàn thành thì chuyển sang kế hoạch đánh úp, trước hết bằng cách nhân đêm khởi sự: phá đê ngăn nước để “Các thuyền Tây ở mặt dưới không kể lớn nhỏ đều bị chìm hoặc vùi xuống dưới bùn, hoặc trôi xuống ngã ba mà tan rã hết ”.Trong khi đó hô hào quần chúng nổi dậy. Theo ông là: “Phải nuốt giận mà vào, thừa lúc họ đang buông lỏng không phòng bị mới có thể đuổi giết họ được.

Quả thật chỉ qua hai bản điều trần về việc thu hồi 6 tỉnh, đánh úp Gia Định cũng đủ thấy Nguyễn Trường Tộ là một nhà cứu quốc, một nhà chiến lược chiến thuật, một nhà tâm lý chiến, đại tâm, đại trí, đại tài. Xin hãy đọc thêm mấy dòng cuối của điều trần “Bố trí kế hoạch đánh úp Gia Định” để rõ thêm ông là người thế nào:

Tôi lại có tâm sự xin trần tình một lời lên rằng: Nếu được triều đình tin dùng thì trên đội đức Hoàng đế, uy quyền triều đình, giữa nhờ các quan tổng binh, chỉ vẽ phương lược, dưới nhờ tướng sĩ đồng lòng, may mà quét sạch quân thù, khi trở về, tôi xin từ chức về vườn ngay để phụng dưỡng mẹ già mà thôi. Khi nào triều đình có việc cần đến, tôi lại vâng mệnh, việc xong lại xin về như trước, còn tước lộc quyết không dám nhận”.

B. Phần Hai

Là phần thiết kế duy tân đất nước cũng không chỉ với một mục tiêu mà hai mục tiêu có quan hệ tương hộ: duy tân để giành độc lập. Duy tân để đưa đất nước lên cõi văn minh, phú cường. Nội dung thiết kế phần hai này là vô cùng phong phú. Có dịp đối sánh với những gì mà thế hệ sau ông, các nhà Duy Tân, các nhà Đông Kinh nghĩa thục đầu thế kỷ XX từng đề cập tới, mới thấy hết tầm vóc phong phú, bề thế của Nguyễn Trường Tộ, nhất là ở phương diện của một cá nhân trong khi sau đó là của phong trào gồm nhiều cá nhân. Đọc lại di thảo của Nguyễn Trường Tộ và những công trình nghiên cứu về ông đã có, sẽ thấy rõ điều đó. Ở đây chỉ xin điểm lại những nét chính như sau:

1- Vấn đề chính thể xã hội

Chính thể xã hội vừa là cơ sở tồn tại vừa là mục tiêu hướng tới của mọi phương diện hoạt động trong cuộc sống của một quốc gia, kể cả một khi có công cuộc duy tân. Sau Nguyễn Trường Tộ, với các nhà Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục ở đầu thế kỷ XX thì công cuộc duy tân đã dược tiến hành với khát vọng xây dựng một xã hội dân chủ tư sản. Trong khi với Nguyễn Trường Tộ trước đó thì vẫn duy trì chế độ phong kiến. Bản điều trần “Ngôi vua là quí, chức quan là trọng” (cuối tháng 5.1866) thể hiện rõ điều đó. Tuy nhiên phải thấy mô hình chế độ phong kiến mà Nguyễn Trường Tộ nhe nhắm lại có những nét riêng so với chế độ phong kiến đương thời của nhà Nguyễn như sau:

- Đã thấy rõ những mặt trái; những xấu xa của chế độ phong kiến đương thời. Sau này có người mệnh danh ông là “Nhà phê bình xã hội đầu tiên ở nước ta”, chính là từ đó. Xin dẫn ra đây một vài lời của ông để biết cái cảm hứng phê bình ở ông là thế nào?

“Hiện nay tình hình trong nước rối loạn. Trời thì sinh tai biến để cảnh cáo, đất thì hạn hán tai ương, tiền của sức lực của nhân dân đã kiệt quệ, việc cung ứng cho quân binh đã mệt mỏi. Trong triều đình quần thần chỉ làm trò hề cho vui lòng vua, che đậy những việc hư hỏng trong nước, ngăn chặn các bậc hiền tài, chia đảng lập phái khuynh loát nhau, những việc như vậy cũng đã nhiều. Ngoài các tỉnh thì quan tham lại nhũng xưng hùng xưng bá tác phúc tác oai, áp bức tàn nhẫn kẻ cô thế, bòn rút mỡ dân, đục khoét tuỷ nước, việc đó đã xảy ra lâu rồi… đối ngoại thì không có cách nào để động đến một mảy may lông của quân Pháp, cũng chẳng thuyết phục được ai để giải vây cho, lại đi tàn sát nhân dân mình, giận cá chém thớt. Khiến cho dân bị cái hại “cháy nhà vạ lây” Thật đúng như câu nói “đào ao đuổi cá”, “nối giáo cho giặc”.

- Chế độ phong kiến mà Nguyễn Trường Tộ muốn có là một chế độ phong kiến hoà mục. Có thể nói đây là chỗ Nguyễn Trường Tộ còn chịu ảnh hưởng của Nho giáo, của Khổng nho vốn có thuyết “trung dung” mà sau này bị các học giả Mác xít cho là phản động, là “điều hoà mâu thuẫn giai cấp” là thủ tiêu đấu tranh giai cấp để duy trì chế độ người bóc lột người. Nhưng gần đây thì khác. Trên đất nước Trung Hoa xã hội chủ nghĩa, người đứng đầu Đảng cộng sản Trung Hoa lại kêu gọi bỏ chữ“đấu” mà theo chữ “Hoà”. Với Nguyễn Trường Tộ, đúng là muốn có một chế độ phong kiến dựa trên chữ Hoà. Trong bản điều trần “Ngôi vua là quí, chức quan là trọng”, ông từng viết:

“….mọi quyền lợi hành vi trong một nước phải do vua nắm và cùng với quốc dân chia sẻ nỗi vui buồn. Ngoài qui luật này ra đều là tội cả”.

“…Đó là điều mà sách kinh đời xưa đã ghi chép như vậy, các bậc hiền triết đã làm như vậy, những người khai sáng đã tạo lập qui mô như vậy. Phong tục đã kết thành như vậy, các nước đã noi theo một trật tự như vậy mà một mai có người muốn lập lại một cái gì khác, thật cũng khó có thể làm được. Cho nên làm vua biết rõ cái thế trường cửu đã có, không có bụng nghi ngờ bề tôi ở dưới, kẻ làm dân biết rõ cái thế lợi hại của việc trị việc loạn nên không có chí phạm thượng. Trên dưới tự mình không nghi ngờ lẫn nhau. Mọi việc đều có sự phó thác rõ ràng người nhận lãnh vui lòng, không có điều gì tối tăm, lo lắng, cho nên dễ đi đến chỗ đúng đắn, dễ cởi mở, dễ phân giải, tất cả đều do thật lòng tin tưởng nhau…”

Khi đưa ra những ý kiến như trên, Nguyễn Trường Tộ không chỉ dựa vào kinh điển nho gia xưa mà còn có sự quan sát, suy tính từ chế độ xã hội ở những nước như Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước khác ở phương Tây. Chính ông đã nói thế.

- Tuy vẫn theo chế độ phong kiến nhưng lại rất đề cao pháp luật. Có thể nói chế độ phong kiến mà Nguyễn Trường Tộ chủ trương là chế độ phong kiến pháp quyền, chứ không là độc quyền. Trong điều trần “Tám việc cần làm gấp”, ông đã đề nghị mở khoa luật với ý tưởng. “Bất luận quan hay dân, mọi người đều phải học luật và những luật mới bổ sung từ Gia Long đến nay. Ai giỏi luật sẽ được làm quan. Vì luật bao gồm cả kỷ cương, uy quyền, chính lệnh của quốc gia…. Quan dùng luật để trị, dân theo luật mà giữ gìn. Bất cứ một hình phạt nào trong nước đều không vượt ra ngoài luật. Bởi ở các nước Phương Tây, phàm những ai đã nhập ngạch bộ Hình xử đoán các vụ kiện tụng thì chỉ có thăng trật chứ không bao bị biếm truất. Dù vua, triều đình cũng không giáng chức họ được một bậc. Như vậy là để giúp cho các vị này được thong dong trong việc chấp hành luật pháp không bị một bỏ cuộc nào. Phàm những tội ngũ hình đều do các vị này xử. Vua cũng không được đoán phạt một người nào theo ý mình mà không có chữ ký của các quan trong bộ ấy”.

Có thể có người cho rằng Nguyễn Trường Tộ đã có hạn chế trong chủ trương “Ngôi vua là quí chức quan là trọng”. Với cách nghĩ thông thường thì đúng thế là hạn chế. Nhưng quan sát lịch sử nhân loại xưa và nay cho thật thấu đáo để nghĩ thì chuyện cũng không phải là đơn giản khi nói đến hạn chế này của Nguyễn Trường Tộ.

2. Nội dung duy tân, cải cách

Trong hệ thống điều trần của Nguyễn Trường Tộ, hai văn bản trực tiếp có nội dung duy tân, cải cách tập trung nhất là: Bản kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh khoảng 20 – 6 đến 18 – 7 năm 1864 và bản “Tám việc cần làm gấp” (15.11.1867)

Trong “Kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh”, Nguyễn Trường Tộ đã từ việc tổng kết lại tình hình lịch sử Đông Tây, Đông văn minh trước, Tây văn minh sau, nhưng Tây khôn ngoan vượt lên trên Đông theo quy luật vừa cạnh tranh, vừa học tập, lợi dụng nhau trong sự sống; từ việc nhìn lại lịch sử đất nước hiện đang bị cản trở bởi những người “Cứ viện xưa chống nay nói quấy qúa làm rối loạn việc chính trị, đàm luận xì xào để chia bè lập đảng mà bài bảng triều đình. Họ có biết đâu thời thế đổi thay, có những cái của đời xưa không áp dụng cho đời nay được” Ông để xuất những điều cấp thiết. “Đó là …. các phương pháp làm hạt nổ và đúc súng, đúc kim loại cùng các môn quang học, cơ học, hoá học, khai mỏ than”. Cách đề xuất của Nguyễn Trường Tộ chính là cách xây dựng phát triển cơ sở khoa học kỹ thuật tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế, làm giàu đất nước. Đúng là rất hiện đại như ngày nay đất nước đã và đang làm. Cũng từ cách đặt vấn đề một cách hiện đại như thế, ông cho việc làm giàu trước mắt gồm các điều khoản:

Một là khai thác nguồn lợi về biển

Hai là khai thác nguồn lợi về rừng

Ba là khai thác nguồn lợi về đất đai

Bốn là khai thác nguồn lợi về mỏ.

Ở mỗi điểm được nêu lên, ông đều có cách biện giải đến nơi đến chốn dựa trên sự hiểu biết về chuyên môn, về tình hình thế giới và đặc biệt là có tư tưởng lớn. Ví như ở đây, bàn đến chuyện làm giàu, ông đã phản bác lại quan điểm nho gia đang ngự trị lớp người hủ nho trong quan niệm “an bần lạc đạo” (an tâm trước cảnh nghèo để vui với đạo), Phi thương bất phú, vi phú bất nhân” (không buôn bán thì không giàu. Nhưng đã làm giàu thì không đạo đức). Ông nói: “Về tài lợi nếu như biết khéo thu nhập thì được nhiều mà không ai oán trách thu nhập ấy, đó là nền tảng của nhân nghĩa” (NĐC nhấn mạnh). Nguyễn Trường Tộ chủ trương làm giàu để có lợi cho dân. Ông nói: “Cái tôi gọi là làm cho có nhiều của ở đây không có nghĩa là nói bòn rút của dân để làm cho nước giàu, mà là nhân nguồn lợi tự nhiên của trời đất để sinh ra của cải. Do đó mà nước giàu mà dân cũng giàu”. “Nay nói về việc nước, khi đã có đủ của cải rồi thì lệnh trưng thu của cải trong dân chúng để cung ứng cho việc nước sẽ ngày càng giảm bớt mà sự nghiệp củng cố cho nước mạnh sẽ ngày càng tăng”. Ông vạch ra cho mọi người thấy “Có nhiều lối làm giàu, nếu đem ra thực hành trăm năm cũng chưa hết”. Trong “Tám việc cần làm gấp” để canh tân đất nước, ông nêu lên gồm:

Điều thứ nhất: xin gấp rút sửa đổi việc võ bị

Điều thứ hai: xin hợp tỉnh để giảm bớt số quan lại và khoá sinh

Điều thứ ba: xin gây tài chính bằng cách đánh thuế xa xỉ

Điều thứ tư: xin sửa đổi học thuật, chú trọng thực dụng

Điều thứ năm: điều chỉnh thuế ruộng đất

Điều thứ sáu: sửa đổi lại cương giới

Điều thứ bảy: nắm rõ dân số

Điều thứ tám: Lập viện dục anh và trại tế bần

Mỗi điều cũng lại là một nội dung vừa phong phú vừa đích đáng. Trong đó vẫn có phần xác lập quan điểm, nhận thức làm nền cho các biện pháp cụ thể. Ví như trong điều thứ tư “xin sửa đổi học thuật, chú trọng thực dụng” thì bắt đầu là việc giới thuyết “học là gì”, tiếp đến là nhận định, phê phán tình hình học thuật đương thời là “từ trẻ đến già, từ trường công đến trường tư đua nhau trau chuốt từng câu hay từng chữ kheó sao mà tệ mạt đến thế. Nếu đem cái công phu đã bỏ tâm trí một đời ra trau chuốt chữ nghĩa mà học những việc hiện tại như trận đồ binh pháp, đắp thành giữ nước, sử dụng súng ống thì cũng có thể chống được giặc, Nếu đem cái công lao nửa đời người đã dùng để học thuộc lòng những tên người tên xứ, rập khuôn việc chính trị, nhắc lại những cặn bã, xa xưa của Ngu, Hạ, Thương, Chu, Hán, Đường, Tống Nguyên mà học những việc hiện tại như binh, hình, luật lệ, tài chính, thương mại xây dựng canh nông, dệt và những cái mới khác thì dần dần cũng có thể làm cho nước mạnh dân giàu. Tại sao đến nay vẫn chưa nghe dân chúng khuyên nhau học những cái thực dụng ấy, mà chỉ ưa chuyện kỳ dị xa xưa, bàn bạc những chuyện từ họ Hy Hoàng, còn việc nước, dân tình được mất đều phó mặc cho triều đình. Vậy phải chăng họ tự xem họ như con nít? Không phải lỗi ở họ mà chính ở học thuyết… Nói về học thuyết mà không có đường lối sáng suốt rõ ràng, một phần do ở sách vở và một phần tại triều đình. Tuy nhiên tôi chưa dám nói rõ, sợ có điều quan ngại (Nếu đừng bắt tội mà cho phép nói, tôi sẽ nói rõ).

Đoạn văn này đáng xem là linh hồn, là điều cốt lõi nhất làm nền cho mọi đều nghị cải cách, mọi bộ phận, mọi chi tiết trong bản thiết kế duy tân của Nguyễn Trường Tộ. Ở đây trong điều thứ tư này, Nguyễn Trường Tộ đã đi đến những đề nghị cụ thể gồm các việc thành lập: 1) Khoa nông chính. 2) Khoa thiên văn và khoa Địa lý. 3) Khoa công kỹ nghệ. 4) Khoa luật học. Và “Dùng quốc âm” với quan điểm cơ bản là:

Không có một nền học thuật sáng suốt thì phong tục ngày một bại hoại, lòng người sẽ ngày một giả dối, phù phiếm, trống rỗng, tập tục sẽ làm thay đổi con người, dù người tốt cũng không tránh khỏi ảnh hưởng, huống gì những hạng dưới, lòng người đã hư hỏng thì khó tìm được người chuộng nghĩa thực tâm sốt sắng việc công.” Rõ là Nguyễn Trường Tộ đã rất gần với quan điểm trong thời đại hôm nay: “Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển xã hội” và “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Trong nội dung duy tân, cải cách của Nguyễn Trường Tộ ngoài những điều trên đây còn có rất nhiều vấn đề cụ thể, thuộc các lãnh vực: quân sự, quốc phòng, kinh tế, thương mại, tài chính, thuế khoá, nông nghiệp, tài nguyên, khai mỏ, giáo dục, khoa học kỹ thuật, giao thông vận tải, hành chính, ngoại giao, cải cách phong tục, tôn giáo… Riêng về tôn giáo, Nguyễn Trường Tộ xứng đáng là một người đẹp đời, đẹp đạo trọn vẹn. Ông chủ trương tự do tôn giáo. Ông đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên hết. Ông tìm cách tranh thủ một số linh mục Thiên chúa giáo tham gia công việc khôi phục lãnh thổ của đất nước. Ông thiết tha đoàn kết lương giáo. Và ở ông, ít nhiều cũng hé lên một ý tưởng xây dựng đạo giáo Thiên chúa độc lập của Việt Nam một khi mà ông bày kế thuyết phục Giáo hoàng La mã gọi các giáo sĩ Pháp về nước vì đã thấy có sự phức tạp trong quan hệ giữa các linh mục đó với quyền lợi dân tộc.

*

* *

Bạn đọc kính mến!

Như thế là tôi đã quá dài dòng về Nguyễn Trường Tộ, mặc dù trong thâm tâm và về cảm hứng vẫn còn muốn nói nhiều nữa về ông. Ít ra thì cũng thấy mình bất cập trước những gì mà nhà thiết kế vĩ đại này đã cống hiến cho đất nước ở thời buổi bế tắc, khổ nhục ấy. Trước khi dừng bút, tôi chỉ xin quý vị độc giả thông cảm cho tôi ở bài viết này, chủ đích là muốn tạo ra một cách nghĩ, một cách đánh giá bản thiết kế vĩ đại, rất vĩ đại đó hơn là việc nói lại một cách chi ly, cặn kẽ bản thiết kế. Và cũng xin nói lại: Thật là tiếc, vô cùng tiếc cho đất nước rằng lịch sử quá khắc nghiệt, đã không cho Nguyễn Trường Tộ được làm tiếp vai trò của một tổng công trình sư. Giá gì ông được làm tiếp vai trò đó thì không chừng, đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta thời đó đã trở thành một “Nhật Bản thứ hai”. Chẳng phải có người đã coi Nguyễn Trường Tộ là Y Đằng Bác Văn của Việt Nam đó sao! Nhưng sự sống thật là trớ trêu. Nguyễn Trường Tộ nếu sinh ra trên đất Nhật thì sẽ không chừng sẽ thành Y Đằng Bác Văn. Chứ ở Việt Nam ta thời đó thì cũng chỉ là Nguyễn Trường Tộ. Mà ngay cả Y Đằng Bảo Văn nếu sinh ở Việt Nam thì cũng là Nguyễn Trường Tộ thất bại mà thôi.

Nhân kỷ niệm 180 năm sinh Nguyễn Trường Tộ

Yên Hoà thư trai Mậu Tý, trọng thu

(9. 2008)

N. Đ. C.

Chú thích

(1) Những trích văn trong bài viết này đều lấy từ sách “Nguyễn Trường Tộ: con người - di thảo” của Trương Bá Cần. NXB Thành phố Hồ Chí Minh – 2002.

Nguồn: Viet-studies.info

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn