Ai là địa chủ thời nay?

Hoàng Kim

Nhà giáo Phạm Toàn nhờ Giáo sư Huệ Chi gởi e-mail cho tôi, nội dung như sau:

Qua bài "tự phỏng vấn" quá hay vừa rồi, tôi muốn đề nghị anh Kim bổ sung hoặc nói thêm về khái niệm địa chủ thời nay.

Cái bọn người nó nói "nỗi lo hình thành giai cấp địa chủ mới" là cách lũ đó nó tung hỏa mù thôi. Thời nay, người ta cần lợi nhuận không cần tích tụ đất. Thời nay tên địa chủ lớn nhất là cái Hội lương thực phải gió gì đó. Nó xuất khẩu gạo là đủ, nó chi phối giá cả, nó cần gì tập trung đất?

Gợi ý của Nhà giáo Phạm Toàn quá hay, đúng quá, nhất là lại trúng vào trung tâm bức xúc của tôi, vì thế, tôi vội tìm hiểu để biết: Ai là địa chủ thời nay? Địa chủ thời nay hoạt động ra sao?

Để biết địa chủ thời nay, cần phải biết địa chủ thời xưa.

Ai là địa chủ thời xưa?

Lúc mới giải phóng năm 1975, đi học, tôi được thầy cô dạy rằng: địa chủ là những người bóc lột tá điền đến tận xương tủy, bọn địa chủ nó ác lắm.

Nghe cải lương: địa chủ là kẻ chuyên cướp vợ tá điền, cướp con tá điền để trừ nợ.

Nhớ có lần đang nghe cải lương mẹ tôi nói: địa chủ cũng có người tốt chứ không xấu hết. Ở huyện Nghĩa Hành tỉnh Quảng Ngãi ngày xưa có ông Ban Trình, ruộng đất cò bay thẳng cánh, nhưng là người rất tốt.

Theo Thông tư giải thích và bổ sung về chính sách phân định thành phần giai cấp ở nông thôn (xem phụ lục), thì năm 1957, “địa chủ” được định nghĩa như sau:

Về diện tích: địa chủ là gia đình có bình quân chiếm hữu một nhân khẩu trong gia đình đó gấp 3 lần bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu địa phương, những gia đình chỉ có một hoặc hai người, số ruộng đất của mỗi người trong gia đình quá gấp 4 số bình quân chiếm hữu của mỗi nhân khẩu địa phương.

Về thu nhập: địa chủ là gia đình có lao động chính nhưng chiếm hữu nhiều ruộng đất, số bóc lột về ruộng đất trên 40 tạ và gấp 3 số tự làm ra.

(Tổng số người bị quy trong Cải cách ruộng đất đã được thống kê là 172.008 người; số người bị oan sai là 123.266 người, chiếm tỷ lệ 71,66% – xin xem tham luận Để đường lối cách mạng đúng đắn hơn: cái nhìn từ lịch sử của Ths. Ngô Vương Anh tại Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ ba Việt Nam: hội nhập và phát triển tháng 12 năm 2008, tại Hà Nội).

Địa chủ miền Bắc được định nghĩa như trên, còn địa chủ miền Nam khoảng năm 1931 thì như thế nào?

Theo cụ Vương Hồng Sển, trong cuốn Hơn nửa đời hư (nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, trang 298) thì ngoài thế lưu danh bốn người đại địa chủ: Nhất An, nhì Phát, tam Chanh, tứ Định.

Bà Phủ An có một sở ruộng tại làng Hòa Tú, ấp Bâng-Xa-mo, rộng đến 1121 ha.

Cũng theo Cụ Vương, thì con cháu của bốn vị đại địa chủ này cũng phải lên chợ sinh sống, chỉ hai ba đời là không còn ruộng đất.

Hỏi lại mẹ về ông địa chủ Ban Trình, mẹ tôi kể:

- Ông Ban Trình ruộng đất cò bay thẳng cánh, thế nhưng ông rất tốt với tá điền, khi mất mùa ông cho nợ lại chứ không đòi xiết nợ, ai bán đất cho ông thì ông cho phép tùy ý thục mãi hoặc đoạn mãi, chứ không ép người ta phải bán đoạn mãi ( thục mãi là bán đất nhưng khi có tiền thì được phép chuộc đất lại, đoạn mãi là bán đứt không được chuộc), đến ngày trưng nộp lúa ông bảo người nhà nấu cơm cho tá điền ăn.

Ông cố của con bán đất cho ông Ban Trình bằng cách thục mãi, ông ngoại con chuộc lại.

Đến thời khởi nghĩa ông bị chết chém, thế nhưng, đến nay, những người biết về ông ở Nghĩa Hành đều thương tiếc ông.

Ai là địa chủ thời nay?

Thông tư đã dẫn giải thích và bổ sung về chính sách phân định thành phần giai cấp ở nông thôn qui định:

Trong khi vạch một gia đình là địa chủ, phải căn cứ trên cả ba mặt:

1) Chiếm hữu hoặc sử dụng ruộng đất,

2) Lao động,

3) Bóc lột,

của gia đình đó, chứ không thể đơn thuần chỉ nhìn vào một mặt nào.

Chúng ta đều biết:

1) Hiện nay, đất đai thuộc sở hữu Nhà nước.

2) Nông dân làm ra lúa gạo nhưng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) độc quyền trong việc mua bán lúa gạo, VFA muốn mua lúa của nông dân bao nhiêu thì mua, muốn bán gạo của nông dân bao nhiêu thì bán.

Trong bài báo Bao giờ mới giàu?, Giáo sư Võ Tòng Xuân chua chát hỏi: “Nếu chúng ta cứ duy trì mãi kiểu tổ chức sản xuất lúa gạo như thế này, để cho nông dân suốt đời làm tôi mọi cho các công ty xuất khẩu làm giàu thì liệu đến bao giờ người trồng lúa mới giàu nổi?”

Hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong VFA là doanh nghiệp Nhà nước, tức là Nhà nước sở hữu các doanh nghiệp này.

Theo Nông Nghiệp Việt Nam o­nline,Tổng công ty Lương thực miền Nam (TCty LTMN) là đơn vị chủ lực trong XK gạo của nước ta, hàng năm XK hơn 3 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch hơn 2 tỷ USD, tức chiếm tới hơn 60% lượng gạo XK của cả nước.”

Bán 3 triệu tấn gạo phải mua khoảng 4,8 triệu tấn lúa. Một năm mỗi Ha làm lúa 2 vụ được khoảng 11 tấn, như vậy, cần khoảng 436.363 Ha để làm được 4,8 triệu tấn lúa (1,6 tấn lúa xay được 1 tấn gạo).

Báo điện tử của VFA xác nhận Hiệp hội lương thực Việt Nam có số lượng gạo xuất khẩu “chiếm trên 90% tổng số lượng gạo xuất khẩu chung của cả nước.”.

90% của khoảng 7 triệu tấn gạo, tức khoảng 6,3 triệu tấn gạo, qui ra lúa khoảng 10 triệu tấn, để sản xuất 1 năm 10 triệu tấn cần khoảng 909.000 ha.

Bà Phủ An đại địa chủ số 1 của Việt Nam có 1.121 ha.

VFA bắt nông dân làm đến 909.000 ha để cung cấp lúa cho VFA bán lấy lời.

3) VFA luôn dùng quỷ kế mua lúa tạm trữ để bóc lột nông dân đến tận xương tủy.

Năm 2008, bán lúa giá 6432 đồng/kg, nhưng mua lúa tạm trữ của nông dân có 4.000 đồng/kg vậy VFA lời 2.432 đồng/kg, còn nông dân hòa vốn.

Năm 2009, VFA bán lúa tạm trữ giá 6.362 đồng/kg, nhưng mua lúa tạm trữ giá 4.000 đồng/ kg, lời 2.362 đồng/kg lúa, nông dân lại bán lúa hòa vốn.

Năm 2010, VFA bán lúa giá 5.365 đồng/kg, mua lúa tạm trữ với giá 4.000 đồng/kg. VFA lời 1.365 đồng/kg.

Đến đây, xin Nhà giáo Phạm Toàn miễn cho tôi khỏi phải kết luận ai là địa chủ thời nay.

HOÀNG KIM ( ĐỒNG THÁP)

Phụ lục 1:

PHỦ THỦ TƯỚNG

******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Số: 1196-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 1956

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC GIẢI THÍCH VÀ BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỂM VỀ CHÍNH SÁCH PHÂN ĐỊNH THÀNH PHẦN GIAI CẤP Ở NÔNG THÔN.

Ngày 01-3-1955 Thủ tướng phủ đã ban hành bản điều lệ phân định thành phần giai cấp ở nông thôn và ngày 9-10-1955 lại có bản bổ sung quy định việc phân định thành phần giai cấp ở các vùng ngoại thành.

Trung tuần tháng 5-1955 Hội đồng Chính phủ lại thông qua “Mấy vấn đề bổ sung vào chính sách cải cách ruộng đất đối với vùng mới giải phóng ” trong đó có một số vấn đề về phân định thành phần giai cấp.

Kiểm điểm lại trong đợt cải cách ruộng đất vừa qua, việc phân định thành phân giai cấp đã phạm nhiều lệch lạc nhất là đã quy lầm một số nông dân và thành phần khác lên địa chủ.

Để bảo đảm việc sửa chữa sai lầm về phân định thành phần được đúng đắn, nay giải thích rõ những văn bản đã ban hành trứơc đây và bổ sung thêm một số điểm về chính sách phân định thành phần giai cấp như sau:

I. - NHỮNG ĐIỂM CẦN GIẢI THÍCH THÊM

Mục đích ý nghĩa của việc phân định thành phần giai cấp ở nông thôn.

Trong bản điều lệ, có nói “Phân định thành phần giai cấp là một việc rất quan trọng trong khi tiến hành cải cách ruộng đất. Mục đích của việc này là để phân rõ ranh giới giữa nông dân và địa chủ, do đó đoàn kết giai cấp nông dân lao động, phân hoá và đánh đỗ giai cấp địa chủ, thi hành đúng đường lối chính sách của Chính phủ ở nông thôn”.

Chúng ta cần nhận rõ tầm quan trọng và mục đích ý nghĩa của việc phân định thành phần giai cấp, nắm vững chính sách và tiêu chuẩn, đề cao tinh thần trách nhiệm, dựa vào quần chúng để sửa chữa sai lầm về phân định thành phần được đúng, đảm bảo không quy oan thành phần một người nào, cũng như không hạ lầm một địa chủ nào xuống nông dân.

Về việc phân định thành phần có mấy vấn đề cần chú ý:

1) Tiêu chuẩn để phân định thành phần giai cấp ở nông thôn:

Trong bản điều lệ đã nói rõ “Tiêu chuẩn cốt yếu để phân định thành phần giai cấp là nguồn sống chính của mọi người, mọi gia đình, do ở chỗ họ có hay không có ruộng đất, trâu bò, nông cụ, nhà cửa…. có những gì ?  Có bao nhiêu?  Sử dụng thế nào (tự làm lấy, thuê người làm hoặc phát canh thu tô), mà định họ thuộc vào hạng bốc lột, bị bóc lột hoặc tự lao động”.

Về tiêu chuẩn địa chủ, bản điều lệ đã quy định “Địa chủ là những người chiếm hữu nhiều ruộng đất, tự mình không tham gia lao động chính hoặc chỉ tham gia lao động phụ, nguồn sống chính nhờ vào bóc lột nông dân theo lối phát canh thu tô hoặc thuê người làm. Địa chủ có người kiêm cho vay lãi, kiêm công thương nghiệp nhưng cách bóc lột chính và thông thường của địa chủ là phát canh thu tô”.

Như vậy, cần phải chú ý:

Tiêu chuẩn để phân định thành phần một gia đình là nguồn sống chính của gia đình đó, không thể căn cứ vào tội ác, thái độ chính trị, lịch sử (làm hào lý, ngụy quyền…) của người đó, cũng không thể chỉ căn cứ vào mức sinh hoạt của người đó mà vạch thành phần của họ.

Trong khi vạch một gia đình là địa chủ, phải cân nhắc cả ba mặt chiếm hữu, lao động, bóc lột của gia đình đó. Không nên chỉ nhìn một mặt như  thấy không lao động là quy lên địa chủ, mà không xét mặt chiếm hữu và mức bóc lột của gia đình đó thế nào. Trong khi xét các tiêu chuẩn trên đây phải chú ý đến tiêu chuẩn thời gian (xem  điều 6 của bản thông tư này).

2) Phân biệt lao động chính với lao động phụ:

Bản điều lệ quy định “Lao động chính là làm công việc sản xuất chính như cày, bừa, cấy, gặt… lao động phụ là làm công việc phụ như giúp cào cỏ, tát nước([1]), chăn trâu, hái rau… Một người  tuy tham gia lao động chính nhưng không đủ 4 tháng trong một năm thì vẫn gọi là lao động phụ”.

Nay giải thích và bổ sung thêm những điểm sau đây:

a) Lao động chính là làm những công việc có quan hệ trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp như cày, bừa, cấy, gặt, làm cỏ, bón phân, tát nước và làm đủ 120 ngày trong một năm.

b) Lao động phụ là quanh năm chỉ làm những công việc không quan hệ trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp như: thổi cơm, nấu nước, dọn dẹp nhà cửa, chăn trâu … (hoặc làm công việc thuộc về lao động chính nhưng không làm tới 120 ngày  trong một năm).

Không bắt buộc phải làm đủ mọi công việc cày, bừa, cấy, gặt, làm cỏ, tát nước mới coi là lao động chính; một người chỉ làm một vài việc trong các việc trên mà làm đủ 120 ngày trong một năm thì cũng coi là có lao động chính.

Trong khi xét về lao động chính của một người phải căn cứ theo mức lao động bình thường, không thể lấy mức lao động vất vả của bần cố nông làm tiêu chuẩn.

c) Phải căn cứ vào đặc điểm của từng địa phương và cân nhắc từng trường hợp cụ thể trong khi xét về lao động chính. Nhiều nơi, phụ nữ không biết cày bừa, chỉ cấy gặt  rồi trồng dâu, nuôi tằm hoặc dệt cửi thêm…vẫn phải coi là có lao động chính. Vùng trồng rau, trồng hoa (như ở ngoại ô các thành thị) thì việc tưới rau, tưới hoa phải coi là lao động chính. Vùng trồng chè không cày bừa, thì việc làm cỏ chè, hái chè cũng phải coi là lao động chính.

d) Thời gian lao động chính trong một năm nói chung là 4 tháng hai 120 ngày. Có người làm công việc lao động chính không đủ 120 ngày còn thiếu một số ít ngày nữa, nhưng lại làm thêm các công việc khác như làm nghề phụ… thì vẫn coi là có lao động chính. Có những vùng, ruộng chỉ cấy một vụ, thời gian lao động nông nghiệp trong một năm không đến 120 ngày thì cũng không máy móc tính đủ số ngày đó, mà phải căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương, do quần chúng ở địa phương đó bàn, rồi đề nghị lên Uỷ ban Hành chính tỉnh xét duyệt.

e) Có những người trước vẫn có lao động chính, nhưng sau vì già yếu, bận con mọn, cho nên lao động ít đi, hoặc người nhà bị hy sinh, vì kháng chiến, đi bộ đội, làm cán bộ thoát ly… cho nên phải phát canh hoặc thuê người làm, thì vẫn phải coi gia đình đó là có lao động chính và vạch theo thành phần cũ của họ.

g) Lao động chính nói ở đây là chỉ vào lao động nông nghiệp, cốt để phân biệt giữa địa chủ với phú nông và nông dân lao động. Ở nông thôn có những người làm nghề khác như thợ thủ công, tiểu thương, tiểu chủ, giáo học… thì phải coi họ là những người lao động, đối đãi với họ như nhân dân lao động. Nếu họ có ruộng đất cho phát canh hoặc thuê người làm thì trong khi phân định thành phần giai cấp phải rất thận trọng theo như điểm 4 trong bản thông tư này.

Trong gia đình địa chủ có người làm nghề nghiệp khác, khi vạch giai cấp phải vạch họ theo nghề của họ và đối đãi với họ như đối đãi với người thuộc từng lớp đó, không nên gộp họ vào gia đình địa chủ.

h) Việc phân biệt lao động chính với lao động phụ rất là quan trọng, gặp trường hợp khó phân biệt cần phải mở rộng dân chủ, lắng nghe ý kiến quần chúng và nghiên cứu kỹ càng rồi mới quyết định.

3) Vấn đề vợ lẽ, con nuôi, con dâu, người ở rễ:

Bản điều lệ phân định thành phần giai cấp ở nông thôn đã quy định “Vợ lẽ, con nuôi, người ở rễ trong gia đình địa chủ, phú nông, mức sống chỉ ngang cố nông và bị đối đãi như cố nông, không thể tính họ là nhân khẩu lao động trong gia đình địa chủ hay phú nông”.

Trong gia đình, người vợ lẽ, con nuôi, con dâu thường bị đối đãi không bình đẳng, đó là tình trạng thông thường ở nông thôn trước đây. Cho nên không thể vì sự đối đãi chênh lệch trong gia đình mà nhất thiết quy họ là cố nông, không tính vào nhân khẩu lao động trong gia đình họ (tất nhiên nếu thật họ bị bóc lột và bị đối đãi như người ở thì phải quy họ là cố nông).

Trường hợp em ruột ở với anh em thì không vạch là cố nông; trường hợp chán ở với chú, bác, cô, dì, thì nói chung cũng không vạch là cố nông.

Vì hiếm con mà lấy vợ lẽ, nuôi con nuôi, thì nói chung người vợ lẽ và con nuôi đó không quy định là cố nông. Ở miền núi có phong tục ở rễ và nuôi con nuôi, thì lại càng không thể quy con rể, con nuôi là cố nông.

Trong nhưng trường hợp khó xét, cần dựa vào ý kiến quần chúng và bản thân người con nuôi, vợ lẽ, người cháu đó mà quy định cho đúng.

4) Đối với những người kiêm làm nghề khác:

Đối với những người làm nghề khác đồng thời có ít ruộng đất phát canh hoặc thuê người làm, cần chú ý tinh thần chính sách của Chính phủ là chiếu cố nghề nghiệp của họ. Trừ người nào vẫn ở nông thôn có làm nghề khác mà có nhiều ruộng đất phát canh thì gọi là kiêm địa chủ, sau khi cải cách ruộng đất xong thì gọi theo nghề mới của họ.

Cụ thể là:

- Nếu bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu trong gia đình không quá gấp 3 lần số bình quân chiếm hữu của mỗi nhân khẩu ở địa phương hoặc gia đình chỉ có 2 nhân khẩu mà bình quân chiếm hữu không quá gấp 4 lần số bình quân chiếm hữu của mỗi nhân khẩu ở địa phương thì nhất thiết không vạch là địa chủ (mức bình quân ruộng đất ở địa phương tính theo đơn vị xã khi đang cải cách ruộng đất).

Trường hợp ruộng đất có nhiều hơn số này, nhưng nguồn sống chủ yếu dựa vào nghề nghiệp khác, hoặc do bình quân ruộng đất ở địa phương quá thấp, tuy bình quân chiếm hữu một nhân khẩu trong gia đình có quá gấp 3 gấp 4 lần, nhưng tổng số ruộng đất không nhiều thì không vạch là địa chủ, cũng không nên gọi là người có ít ruộng đất phát canh mà gọi theo nghề của họ (tiểu thương, tiểu chủ, công nhân…).

- Những người như thầy lang, thầy thuốc, giáo học ở xã có nhiều quan hệ với đời sống của quần chúng, nói chung nên chiếu cố.Nếu gia đình thầy lang, thầy thuốc, giáo học ở xã có nhiều ruộng đất cho phát canh đúng tiêu chuẩn là địa chủ thì chỉ vạch gia đình họ là  địa chủ, còn bản thân những người đó không bị vạch là địa chủ.

Ở miền núi, thầy mo, thầy cúng có nhiều quan hệ với quần chúng, dù có ruộng đất phát canh, nói chung cũng không vạch là địa chủ.

- Những người có ruộng đất khá nhiều, nhưng không ở nông thôn, gia đình cũng ở thành phố, nguồn sống chính dựa vào một nghề nghiệp nhất định ở thành phố thì nói chung không quy định thành phần ở nông thôn, nghĩa là không vạch là địa chủ nhưng họ vẫn phải chấp hành đúng chính sách ruộng đất như thoái tô, trưng mua ruộng đất… (xem bản “Quy định tạm thời về việc phân định thành phần giai cấp ở các vùng ngoại thành, số 600-TTg ngày 9-10-1955”).

5) Ở vùng nhiều ruộng công:

Những gia đình tuy không có hoặc có ít ruộng tư, sống dựa vào uy thế của mình chiếm đoạt nhiều ruộng công, không lao động, trong cải cách ruộng đất đã vạch là địa chủ thì nay vẫn quy là địa chủ. Trong thời gian kể từ khi sửa sai ngược về trước 5 năm liền, nếu họ đã trả lại nhiều ruộng công và đã tham gia lao động chính, xét không cần thiết thì không vạch là địa chủ.

6) Về vấn đề thay đổi thành phần:

a) Bản điều lệ quy định: tính từ tháng 12-1953 (ngày ban hành luật cải cách ruộng đất) ngược về trước 5 năm liền (tức là từ đầu năm 1949) địa chủ nào đã tham gia lao động chính hoặc làm nghề khác, không bóc lột hoặc bóc lột ít, thì trong cải cách ruộng đất không bị vạch là địa chủ và được thay đổi theo thành phần mới.

Vì vậy trong khi sửa chữa sai lầm về phân định thành phần không thể chỉ xét tình hình ruộng đất và lao động của gia đình đó trong thời gian gần đây. Có trường hợp năm 1949 có nhiều ruộng đất, không lao động nhưng phân tán dần qua các năm, đến lúc cải cách ruộng đất chỉ làm ít ruộng đất, hoặc có lao động chưa đủ 5 năm (kể từ năm 1949) thì trong cải cách ruộng đất cũng cần phải vạch là địa chủ, nhưng khi sửa sai cần tính ngược về trước nếu đã lao động được 5 năm liền thì được thay đổi thành phần.

Còn việc thay đổi thành phần địa chủ sau cải cách ruộng đất thì theo nghị quyết của Hội đồng Chính phủ tháng 10-1956 về “chính sách đối với địa chủ sau cải cách ruộng đất”.

Trong khi sửa chữa sai lầm, những địa chủ nào đã đến thời hạn được thay đổi thành phần thì tuyên bố chho thay đổi thành phần. Cần phân biệt việc thay đổi thành phần (đúng là địa chủ nhưng đến nay đủ điều kiện cho đổi thành phần) với việc sửa chữa vạch sai thành phần.

b) Trường hợp trước vốn không phải địa chủ, nhưng liên tiếp ba năm bóc lột theo lối địa chủ và sinh hoạt như địa chủ thì vẫn vạch là địa chủ.

c) Trong vùng mới giải phóng, có một số người trước thuộc các thành phần khác, nhưng trong thời gian tạm bị chiếm dựa vào đế quốc chiếm đoạt nhiều ruộng đất, trở nên không lao động, bóc lột theo lối địa chủ liên tiếp ba năm thì vẫn phải vạch là địa chủ.

Song có những người vốn trước là nông dân lao động, trong thời gian tạm bị chiếm đi ngụy quân, có ít ruộng đất cho phát canh hoặc thuê người làm, sau khi lập lại hòa bình, lại trở lại lao động thì không bị vạch là địa chủ.

Những người vốn trước là nông dân lao động, mà địa phương bị địch tạm chiếm phải tản cư ra vùng tự do làm ăn, ruộng đất ở quê đem phát canh thu tô, nhưng khi lập lại hòa bình lại về tiếp tục cày cấy lấy thì cũng không bị vạch là địa chủ.

7) Về tiêu chuẩn địa chủ cường hào gian ác:

Như trong điều lệ đã quy định, cần chú ý:

- Địa chủ cường hào gian ác chỉ hẳn trong giai cấp địa chủ. Nếu không thuộc thành phần giai cấp địa chủ thì không gọi là địa chủ cường hào gian ác. Không quy “ác bá cá biệt”.

- Những người đúng tiêu chuẩn là địa chủ cường hào gian ác có con đi bộ đội, làm cán bộ thì vẫn phải vạch là địa chủ cường hào gian ác, nhưng được chiếu cố trong việc xét xử và trong việc tịch thu, trưng thu.

II. - NHỮNG ĐIỂM BỔ SUNG

1) Trường hợp có con đi bộ đội, làm cán bộ

a) Nếu trước khi đi bộ đội, làm cán bộ, nhân viên cơ quan hoặc cán bộ xã nửa thoát ly, người đó có tham gia lao động chính, thì nay vẫn phải coi là nhân khẩu lao động chính trong gia đình họ.

b) Trước khi đi bộ đội, làm cán bộ, nhân viên cơ quan, hoặc cán bộ nửa thoát ly, người con chưa tham gia lao động chính nhưng gia đình này vốn là gia đình có lao động chính thì nay người con cũng được coi là nhân khẩu lao động chính của gia đình.

Ví dụ: một gia đình có lao động chính và bóc lột thêm 300 công, có một người con đi bộ đội, làm cán bộ… thì được trừ 120 công như vậy quy là trung nông mà không quy là phú nông.

Một ví dụ khác: một gia đình có lao động chính và bóc lột 500 công, có một người con đi bộ đội, làm cán bộ… thì được trừ 120 công như vậy còn lại trên 240 công, gia đình này vẫn là phú nông.

c) Gia đình vốn có lao động chính, có con đi bộ đội, bố mẹ ở nhà già yếu phải phát  canh hoặc thuê người làm thì vạch theo thành phần cũ, chứ không vạch là địa chủ.

d) Trước đây khi ở nhà người con không tham gia lao động chính quyền mà xét gia đình này từ trước đến nay rõ ràng không có ai tham gia lao động chính, nay người con đi bộ đội, làm cán bộ thoát ly, nhân viên cơ quan, thì coi người con là người có lao động, song không tính  người con đó là nhân khẩu lao động nông nghiệp của gia đình (về nhân khẩu thuế nông nghiệp thì bộ đội, thương binh, liệt sĩ, vẫn được tính). Còn gia đình đó vạch là thành phần gì phải căn cứ vào cả các mặt tiêu chuẩn khác như bóc lột, chiếm hữu mà định.

2) Về  phân định thành phần phú nông:

a) Trong khi tính số bóc lột của phú nông, không tính những công thuê mướn không trực tiếp dùng vào sản xuất nông nghiệp như thuê lợp nhà, làm chuồng trâu, quét dọn…

b) Về thời gian thay đổi thành phần của phú nông thì tính từ ngày sửa sai ngược về trước phú nông nào thời bóc lột theo lối phú nông 3 năm liền và sinh hoạt như trung nông thì được thay đổi thành phần xuống trung nông.

Việc sửa chữa sai lầm về phân định thành phần phải đảm bảo được đúng đắn. Có sai thì phải kiên quyết sửa, đồng thời phải ngăn ngừa tình trạng có thể xảy ra là trước đã vạch đúng, nay lại sửa thành sai.

Việc sửa chữa sai lầm về phân định thành phần có nhiều khó khăn:

- Trình độ giác ngộ của quần chúng chưa cao, bần có nông sợ bị trả thù, không dám nói sự thật, không dám bênh vực lẽ phải, một số nông dân thì bàng quan. Ngược lại một số nông dân đã được chia ruộng đất, tài sản vì không được giải  thích kỹ có thể không muốn hạ thành phần cho những người bị quy sai lên địa chủ; một số cốt cán phạm sai lầm sợ trách nhiệm, không muốn sửa chữa; một số cán bộ nhân dịp này tìm cách hạ thành phần cho gia đình họ hàng mình (đúng là địa chủ) để tránh tiếng “liên quan” với địa chủ.

- Mặt khác, một số địa chủ lợi dụng việc sửa sai lôi kéo họ hàng bà con kêu ca thành phần cho chúng, làm cho việc xét định thêm khó khăn, phức tạp.

Trước tình hình đó, muốn cho việc sửa chữa được tốt phải mở rộng dân chủ, phải dựa hẳn vào quần chúng, giáo dục cho quần chúng thông suốt mục đích ý nghĩa việc vạch  thành phần, có ý thức bảo đảm việc sửa đúng và lắng nghe ý kiến của mọi người. Cần tránh chỉ nghe ý kiến một bên rồi kết luận hấp tấp. Phải khách quan đi sâu nghiên cứu phân tích kỹ càng trước khi kết luận về thành phần của một người. Mặt khác, phải nghiên cứu nắm vững chính sách phân định thành phần của thông tư giải thích và bổ sung này và của các văn bản đã ban hành trước đây.

 

K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

PHÓ THỦ TƯỚNG

Phan Kế Toại

([1]) Giúp tát nước

Nguồn: thuvienphapluat.vn

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ                  VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Số: 12/TTg                                   Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 1957

THÔNG TƯ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 12/TTG, NGÀY 12-1-1957

VỀ MỘT SỐ ĐIỂM TRONG CHÍNH SÁCH CỤ THỂ, CẦN NẮM VỮNG KHI TIẾN HÀNH SỬA CHỮA SAI LẦM VỀ CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT

Kính gửi: Uỷ ban hành chính các khu, thành phố và tỉnh

Thủ tướng phủ đã có Thông tư số 1196/TTg ngày 28-12-1956 giải thích và bổ sung chính sách phân định thành phần giai cấp ở nông thôn, và Thông tư số 1197/TTg ngày 29-12-1956 về việc đền bù tài sản, nay nói rõ thêm mấy điểm để các cấp chính quyền và cán bộ nắm vững trong khi tiến hành sửa chữa sai lầm về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức:

1- VỀ VIỆC PHÂN ĐỊNH THÀNH PHẦN GIAI CẤP

1. Đối với những người làm nghề khác, trong Thông tư 1196/TTg nói: "Những người làm nghề khác có ruộng đất phát canh tuy bình quân chiếm hữu một nhân khẩu trong gia đình có quá gấp 3,4 lần bình quân chiếm hữu một nhân khẩu ở địa phương, nhưng tổng số ruộng đất không nhiều, xét không cần thiết, thì không vạch là địa chủ". Như vậy là trường hợp ruộng đất của gia đình đó có ít, tuy mức bình chiếm hữu của một nhân khẩu trong gia đình đó gấp 3 hoặc 4 lần mức bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu địa phương, nhưng mức bóc lột không quá mức bóc lột của phú nông thì cũng không quy là địa chủ.

Ở vùng nhiều ruộng công, trong Thông tư số 1196/TTg cũng nói: "Những gia đình chiếm nhiều ruộng công mà không lao động nếu những năm gần đây đã trả lại ruộng công và đã tham gia lao động, xết không cần thiết thì không vạch là địa chủ ".

Cần hiểu "xét không cần thiết" có nghĩa là những người đó theo tiêu chuẩn nói trên đáng lẽ vạch là địa chủ nhưng vì họ có ít ruộng đất và có ít tội ác với quần chúng thì không vạch là địa chủ. Trong trường hợp có người nhiều tội ác, quần chúng oán ghét, trong cải cách ruộng đất đã vạch là địa chủ thì nay không hạ thành phần nữa.

Đói với những người có nghề khác, và ở vùng nhiều ruộng công việc sửa thành phần phải do Uỷ ban hành chính tỉnh xét duyệt.

2. Những người đủ tiêu chuẩn là dịa chủ, đáng lẽ có thể chiếu cố không vạch là địa chủ, nhưng trong cải cách ruộng đất đã vạch gia đình đó là địa chủ thì nay cho thay đổi thành phần theo nghề nghiệp của họ.

Ví dụ: một người là nghề khác có ruộng đất phát canh, bình quân chiếm hữu một nhân khẩu trong gia đình đó quá gấp 3 lần bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu địa phương; đáng lẽ chiếu cố nghề nghiệp khác của họ thì không vạch gia đình này là địa chủ, nhưng trong cải cách ruộng đất đã quy họ là địa chủ, thì nay không nên coi là cải cách ruộng đất làm sai, phải sửa lại thành phần, mà nên đặt vấn đề cho họ được thay đổi thành phần theo nghề nghiệp của họ. Ruộng đất, tài sản của họ đã trưng mua, nay không phải đền bù lại, trừ trường hợp đã trưng mua quá đáng làm cho họ gặp khó khăn về sinh sống thì cần điều chỉnh lại một phần nào.

Nếu rõ ràng họ không đủ tiêu chuẩnlà địa chủ, như có nghề khác mà ruộng đất của một nhân khẩu trong gia đình đó không quá gấp 3 lần bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu địa phương thì phải sửa thành phần cho họ.

3. Ở vùng nhiều ruộng công, những người tuy mua trương ruộng công của xã hoặc mua phần ruộng của những người khác, nhưng trong gia đình không có ai tham gia lao động chính, số ruộng đất lại nhiều, chuyên đem ruộng đất đó phát canh hoặc thuê người làm thì vẫn phải vạch là địa chủ, chứ không vạch là quá điền hoặc là phú nông.

4. Trước đây, trong cải cách ruộng đất có quy định: tuy là gia đình có lao động chính, nhưng chiếm hữu nhiều ruộng đất, số bóc lột về ruộng đất nhiều, trên 40 tạ và gấp 3 lần số tự làm ra thì vẫn vạch là địa chủ. Điều quy định này là đúng và cần thiết. Trong cải cách ruộng đất, một số xã đã vạch một số địa chủ theo tiêu chuẩn này. Nay các cấp và cán bộ cần chú ý nắm vững những quy định đó để tránh hạ lầm địa chủ xuống phú nông.

5. Trong vùng mới giải phóng, có một số người trước vốn là nông dân hoặc thành phần khác, đi ngụy quân, hoặc làm ngụy quyền, bản thân và cả gia đình không tham gia lao động nữa, ruộng đất chỉ có ít , nguồn sống chính dựa vào càn quét, cướp bóc của nhân dân trong cải cách ruộng đất đã vạch họ là địa chủ cường hào gian ác và đã trừng trị về tội hình, nay xét tội của họ vẫn đúng thì bản thân họ vẫn bị giam giữ, nhưng tuyên bố cho gia đình họ được thay đổi thành phần.

Nếu người có ít tội ác không đáng trừng trị, thì khi tha vẫn cần tuyên bố là họ có tội nhưng Chính phủ khoan hồng. Đồng thời khi về xã cũng tuyên bố cho họ được thay đổi thành phần.

6. Những tên địa chủ cường hào gian ác có tội nhưng bị xử án quá nặng (không phải oan) thì sau này có dịp sẽ ân xá hoặc ân giảm.

7. Địa chủ hết thời hạn được thay đổi thành phần thì chỉ đổi xuống trung nông mà không hạ xuống bần nông cố nông, và không cho vào nông hội hoặc tổ đổi công. Nếu họ chuyển sang làm nghề khác, thì quy thành phần theo nghề nghiệp của họ.

8. Trong khi tiến hành sửa sai, yêu cầu chính về sửa thành phần là sửa chữa những trường hợp vạch lầm nông dân lao động, phú nông và những người thuộc thành khác lên địa chủ.

Trong khi sửa sai, nếu có địa chủ cường hào gian ác lọt lưới rõ ràng, tội ác lớn quần chúng oán ghét thì vẫn phải vạch thành phần những tên đó. Những địa chủ thường lọt lưới rõ ràng, ruộng đất hiện nay còn nhiều, quần chúng yêu cầu, thì cũng phải vạch thành phần.

II- VỀ VIỆC ĐỀN BÙ TÀI SẢN

1. Nơi nào có phú nông có nhiều ruộng đất mà ít sức lao động, thật thà tự nguyện xin hiến một phần ruộng, thì Uỷ ban hành chính tỉnh nghiên cứu và có thể chuẩn y cho phú nông đó hiến ruộng,nhưng không nên tuyên truyền việc cho phú nông hiến ruộng.

2. Trong khi điều chỉnh ruộng đất để đền bù cho người bị quy sai, không được rút ruộng của những người làm nghề khác ở nông thôn.

3. Đối với những nông dân lao động trong cải cách ruộng đất bị rút một phần ruộng tư thì nay phải trả lại phần ruộng tư đó hoặc phải đền bù cho họ. Trong cải cách ruộng đất có trung nông bị rút ruộng phân tán nhưng đã giữ phần ruộng phân tán lại, đưa ruộng tư ra thì nay không phải trả hoặc bù lại phần ruộng đã rút.

Cần chú ý là trong cải cách ruộng đất nơi nào đã rút một phần ruộng trung nông vỡ hoang của địa chủ, hoặc vỡ hoang ruộng công thì đó không phải là sai chính sách, nay không phải đền bù lại (xem nghị quyết của Hội đồng Chính phủ tháng 5-1955 về "mấy vấn đề bổ sung vào chính sách cải cách ruộng đất đối với vùng mới giải phóng").

4. Về trâu bò, khi đền bù cho những người bị quy sai là địa chủ phải dùng phương pháp thương lượng trên tinh thần đoàn kết, nhân nhượng lẫn nhau để đảm bảo sản xuất. Có thể trả lại cho người bị quy sai một phần trâu, bò; nơi nào nhiều trâu, bò có thể trả lại cho những người bị quy sai con trâu, bò của họ, đồng thời vận động họ cho những gia đình bần cố nông bị rút trâu được mượn trâu bò để cày, hoặc vận động nông dân giúp đỡ lẫn nhau, hay là chia ghép thêm vào những con trâu mới chia cho 2, 3 gia đình, v.v...

5. Đối với nhà Chung, đền chùa, sau khi trưng thu trưng mua nếu ta đã để lại ruộng đất quá ít, hay đã trưng thu lầm cả đồ lễ... thì nay phải sửa lại theo chỉ thị về việc sửa chữa sai lầm đối tôn giáo. Còn việc trả lại số tô thoái quá mức thì không đặt ra.

6. Nơi nào Nhà chung lấy lại ruộng đất đã chia cho nông dân thì phải giáo dục, vận động quần chúng đấu tranh kết hợp với biện pháp chính quyền buộc nhà Chung phải trả những ruộng đất đó cho nông dân.

Nơi nào giáo dân gặt tranh lúa của nông dân bên lương mới được chia ruộng nhà Chung, hoặc đem của đấu tranh trả lại nhà Chung, thì cần giải thích cho giáo dân nhận rõ làm như vậy là sai. Đồng thời cũng giải thích cho nhà Chung nhận rõ việc lấy lại hoa lợi mà nông dân vừa được chia là trái với chính sách của Chính phủ. Nơi nào quần chúng giác ngộ tự giác đấu tranh đòi lại thì phải hết sức nâng đỡ, giải quyết nguyện vọng của quần chúng, xong cũng không nên đặt ra yêu cầu quá cao, thoát ly quần chúng, nhất là phải tránh gây ra xung đột giữa giáo và lương.

III- ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI BỊ HY SINH, NGƯỜI TỐ SAI VÀ CÁN BỘ PHẠM SAI LẦM TRONG CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT

1. Những người bị hy sinh là những người bị xử tử hình oan, bị tra tấn chết, hay chết trong trại giam, hoặc bị truy bức đã tự sát. Những người này không gọi là liệt sĩ. Người nào có thành tích đặc biệt thì phải báo cáo lên Uỷ ban hành chính Khu xét và quyết định đề nghị truy thưởng.

2. Hài cốt của những người bị hy sinh lúc này chưa nên bốc đi nơi khác vì dễ gây căm thù cho quần chúng, đồng thời hại cho vệ sinh chung. Việc đưa hài cốt của những người ấy vào nghĩa trang hay không cũng để sau này sẽ xét từng trường hợp cụ thể rồi quyết định.

3. Đói với con cái những người hy sinh, nhân dân và chính quyền địa phương cần cố gắng giúp đỡ về sinh sống, còn việc học hành thì giúp trong điều kiện có thể, không nên đặt thành nguyên tắc như có nơi đề nghị "bé được phụ cấp, lớn được đi học và có học bổng" vì hiện nay ta còn gặp khó khăn, nhiều con em cán bộ và liệt sĩ cũng chưa giải quyết được như thế.

Những người bị hy sinh sẽ được tính vào nhân khẩu thuế nông nghiệp của gia đình trong thời hạn là 5 năm.

4. Đối với cán bộ thoát ly bị xử trí đuổi về xã và cán bộ xã bị xử trí sai (không phải đi tù), không đặt vấn đề truy lĩnh sinh họat phí và tiền phụ cấp, mà cần giải thích cho anh em thật rõ khó khăn về tài chính hiện nay của Nhà nước. Nếu gia đình anh em túng thiếu thì giúp đỡ, tuỳ theo hoàn cảnh từng gia đình mà định mức giúp đỡ một tạ, một tạ rưỡi hoặc nhiều nhất là hai tạ.

5. Đối với những người tố sai, làm cho người khác bị tù, bị chết, cần phân biệt mấy loại:

- Đối với những người bị cán bộ truy bức mà tố sai, thì cần giải thích cho quần chúng thấy lỗi đó là do cán bộ, không nên thành kiến, đả kích số người này.

- Đối với những người chủ tâm tố sai để trả thù riêng thì nói chung vẫn lấy giáo dục làm chính, giải thích cho họ thấy khuyết điểm và xin lỗi người bị tố sai. Trong trường hợp có những phần tử xấu rõ ràng (chỉ điểm, gián điệp...) dụng tâm bố trí tố sai để hãm hại nhân dân, cán bộ, gây tác hại lớn mà nhân dân oán ghét thì phải điều tra thật cụ thể rồi báo cáo và đề nghị Uỷ ban hành chính Khu xét và có hình thức trừng phạt thích đáng.

6. Đối với những cán bộ cải cách ruộng đất phạm sai lầm, nói chung phải giúp đỡ giáo dục, trừ trường hợp đối với một số ít phần tử quá xấu, phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng, như truy bức, nhục hình nặng, mất cảnh giác, dựa vào phần tử xấu gây nhiều tổn thất lớn cho Đảng và cho nhân dân bị nhân dân rất oán ghét thì cũng điều tra lấy tài liệu cụ thể rồi báo cáo và đề nghị Uỷ ban hành chính Khu xét và có hình thức kỷ luật thích đáng.

Trên đây là một số điểm về chính sách cụ thể để các cấp chính quyền và cán bộ năm vững trong khi tiến hành sửa sai.

Những điểm này không được phổ biến trong quần chúng.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ(*)

Phan Kế Toại

(*) Lẽ ra phải ghi KT Thủ tướng BVN)

Nguồn: vbqppl.moj.gov.vn

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Số: 120-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 1957

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH VÀ BỔ SUNG VỀ CHÍNH SÁCH PHÂN ĐỊNH THÀNH PHẦN GIAI CẤP Ở NÔNG THÔN

Sau khi Thủ tướng phủ ban hành 2 Thông tư số 1196-TTg ngày 28-12-1956 và số 012-TTg ngày 12-01-1957 về việc phân định thành phần giai cấp ở nông thôn, nhiều địa phương còn những thắc mắc hoặc đề nghị bổ sung, nay Thủ tướng phủ giải thích và bổ sung thêm những điểm cụ thể sau đây:

1. - Về tiêu chuẩn để phân định thành phần:

Trong khi vạch một gia đình là địa chủ, phải căn cứ tren cả ba mặt:

1) Chiếm hữu hoặc sử dụng ruộng đất, (2)

2) Lao động,

3) Bóc lột,

của gia đình đó, chứ không thể đơn thuần chỉ nhìn vào một mặt nào.

Không quy định mức chiến hữu ruộng đất đến bao nhiêu mới vạch là địa chủ, vì tình hình ruộng đất mỗi nơi một khác, nếu định mức chiếm hữu ruộng đất để phân định thành phần thì không sát và dễ sinh ra máy móc.

Không quy định người từ bao nhiêu tuổi trở lên mới coi là lao động chính, mà chỉ cần xét xem người đó có làm những công việc thuộc về lao động chính và đủ 120 ngày trong một năm hay không?

Ở miền núi, một người nông dân làm ruộng không đủ 04 tháng trong một năm, nhưng thường ngày đi kiếm lâm thổ sản thêm thì vẫn phải coi là có lao động chính. Trong Thông tư số 1196-TTg của Thủ tướng phủ đã nói rõ: "Có người làm công việc lao động chính không đủ 120 ngày, còn thiếu một số ít ngày nữa, nhưng lại làm thêm các công việc khác như làm nghề phụ, thì vẫn coi là có lao động chính".

Không lấy mức sinh hoạt làm tiêu chuẩn để vạch thành phần, vì có địa chủ giả nghèo, giả khổ, có trung nông, phú nông mức sinh hoạt khá; nếu lấy mức sinh hoạt làm căn cứ thì dễ bị lầm lẫn.

2. – Đối với những người làm nghề khác kiêm có ruộng đất cho phát canh hoặc thuê người làm:

a) Trong bản điều lệ phân định thành phần giai cấp ở nông thôn (số 472-TTg ngày 01-03-1955) của Thủ tướng phủ đã quy định:

"Những người vì tham gia công tác kháng chiến (như cán bộ, bộ đội, viên chức, v.v...) hoặc vì làm nghề khác (như buôn bán, thợ thủ công, nghề tự do, v.v...) hoặc gia định vì mất sức lao động (như già yếu, tàn tật, v.v...) có ít ruộng đất phát canh hoặc thuê người làm, nhưng bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu trong gia định họ không quá gấp 3 số bình quân chiếm hữu của mỗi nhân khẩu ở địa phương, thì không gọi là địa chủ, mà gọi là người có ít ruộng đất phát canh hoặc người có ít ruộng đất thuê người làm, hoặc cứ gọi theo thành phần cũ của họ (thí dụ: công nhân, tiểu thương, viên chức v.v...).

"Những gia đình chỉ có một hay hai người, số ruộng đất của mỗi người trong gia đình chưa quá gấp 4 số bình quân chiếm hữu của mỗi nhân khẩu địa phương, thì vẫn không gọi là địa chủ".

Như vậy, theo tinh thần điều quy định trên đây thì đối với người làm nghề khác (buôn bán, thợ thủ công, nghề tự do v.v...) có ruộng đất phát canh hoặc thuê người làm, nếu bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu trong gia đình họ quá gấp 3 số bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu ở địa phương (hoặc quá gấp 4 nếu là gia đình chỉ có một hay hai người), trong cải cách ruộng đất đã vạch gia đinh đó là người làm nghề khác kiêm địa chủ, thì nay vẫn đúng, không phải sửa lại.

Công tác sửa sai cần tiến hành trên cơ sở chính sách đã quy định, chú không nên thay đổi lại những điều quy định cũ, và cần nhận rõ ta tiến hành sửa sai chứ không phải làm lại cải cách ruộng đất, có như thế công tác sửa sai mới gọn, giảm bớt được khó khăn.

Vì tinh thần đó cho nên Thông tư số 012-TTg đã quy định:

"... một người làm nghề khác có ruộng đất phát canh, binh quân chiếm hữu một nhân khẩu trong gia đình đó quá gấp 3 lần bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu địa phương, đáng lẽ chiếu cố nghề nghiệp khác của họ thì không vạch gia đinh này là địa chủ, nhưng trong cải cách ruộng đất đã quy họ là địa chủ, thì nay không coi là cải cách ruộng đất làm sai phải sửa lại thành phần, mà nên cho họ được hay đổi thành phần theo nghề nghiệp của họ. Ruộng đất, tài sản của họ đã trưng mua, nay không phải đền bù lại, trừ trường hợp đã trưng mua quá đáng, làm cho họ gặp khó khăn về sinh sống thì cần điều chỉnh lại một phần nào.

"Nếu rõ ràng họ không đủ tiêu chuẩn là địa chủ, như có nghề khác mà ruộng đất của một nhân khẩu trong gia đình đó không quá gấp 3 lần bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu ở địa phương thì phải sửa thành phần của họ".

Nói chung những người làm nghề khác kiêm có ruộng đất phát canh hoặc thuê người làm, mà mức bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu trong gia đình đó quá gấp 3 lần mức bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu ở địa phương thì mức bóc lột về ruộng đất của họ thường bằng hoặc cao hơn mức bốc lột của phú nông.

Riêng ở một số nơi, do mức bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu ở địa phương quá thấp, hoặc vì số nhân khẩu trong gia đình có ít, nên tuy mức bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu trong gia đình có quá gấp 3 lần mức bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu ở địa phương, nhưng tổng số ruộng đất chiếm hữu của gia đình đó quá ít, mức bóc lột về ruộng đất cũng ít, không bằng mức bóc lột của phú nông (nghĩa là không đến 240 công) thì không nên quy là địa chủ. Nếu trong cải cách ruộng đất đã quy là địa chủ rồi thì nay coi là sai và sửa lại thành phần cho gia đình ấy.

b) Đối với người vừa trồng mía, vừa làm đường thì phải phân biệt hai trường hợp: nếu là người có ruộng trồng mía rồi thuê nhân công kéo mía làm mật, thì phải tính việc bóc lột nhân công kéo mía làm mật gắn liền với nghề trồng mía; song nếu người đó thuê mướn nhân công chế biến từ mật ra đường thì phải tính phần bóc lột nhân công chế biến mật ra đường là phần bóc lột về công thương nghiệp.

Nếu là người chuyên môn mua mía hoặc có trồng ít mía, còn mua thêm về thuê mướn nhân công kéo mía làm mật và chế biến mật ra đường thì người đó là nhà công thương nghiệp.

c) Ở nông thôn, việc chăn tằm là một nghề phụ của nông dân, cho nên không cần tách riêng ra để tính nghề phụ đó là công thương nghiệp. Riêng ở một vài nơi có người kinh doanh về nghề chăn tằm, nếu họ không có hoặc chỉ có rất ít ruộng đất trồng dâu thì coi họ là người làm nghề chăn tằm. Nếu họ có nhiều ruộng đất (trồng dâu hoặc cấy lúa, tám màu) và chuyên bóc lột về ruộng đất ấy thì vạch họ là người làm nghề chăn tằm kiêm địa chủ. Công cụ, nhà cửa dùng vào việc chăn tằm thì không đụng đến, song ruộng đất trồng dâu thì lấy ra đem chia cho nông dân. Để bảo vệ nghề chăn tằm, cần giáo dục cho nông dân tiếp tục trồng dâu bán cho người chăn tằm đó, không nên phá đi trồng thứ khác.

d) Trước đây Thủ tướng phủ đã quy định mức bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu ở địa phương là tính theo đơn vị xã khi đang cải cách ruộng đất. Cần thi hành theo quy định đó mà không nên tính theo đơn vị thôn, vì tuy mức bình quân chiếm hữu ruộng đất ở mỗi thôn có chênh lệch nhau, song điều đó không có ảnh hưởng quyết định đến việc vạch thành phần địa chủ.

đ) Khi tính bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu trong gia đình thì tính theo số nhân khẩu năm 1949 vì đó là năm ta lấy làm mốc để xét định thành phần.

3. – Đối với những gia đình có con đi bộ đội, làm cán bộ:

a) Trong Thông tư số 1196-TTg của Thủ tướng phủ có quy định:

"Trước khi đi bộ đội, làm cán bộ, nhân viên cơ quan hoặc cán bộ nửa thoát ly, người con chưa tham gia lao động chính, nhưng gia đình này vốn là gia đình có lao động chính thì nay người con cũng được coi là nhân khẩu lao động chính của gia đình".

Gia đình nào đã được coi là có lao động chính, dù là lao động chính của bố mẹ, anh em ruột hay con dâu, vợ cả, vợ lẽ, thì người con đi bộ đội, làm cán bộ đều được tính là nhân khẩu lao động chính của gia đình. Nếu con dâu, vợ lẽ bị coi là cố nông, do đó gia đình này trở nên không có lao động chính, thì người con đi bộ đội, làm cán bộ, nhân viên cơ quan hoặc cán bộ nửa thoát ly không được tính là nhân khẩu lao động chính của gia đình.

b) Cán bộ xã nửa thoát ly là những người tính đổ đồng thì tham gia sản xuất được phần nửa thì giờ trong một ngày, còn nửa thì giờ bận làm công tác ở xã và chọn trong những người giữ chức vụ sau đây: chánh, phó chủ tịch và ủy viên thường trực Ủy ban Hành chính xã, ban chi uỷ, thư ký văn phòng chi ủy, thư ký văn phòng Ủy ban Hành chính xã, ban chỉ huy dân quân xã, trưởng và phó công an xã, bí thư và phó bí thư các đoàn thể nông hội, thanh niên, phụ nữ, các ủy nhiệm thôn, người phụ trách thông tin xã và giao thông viên của xã.

Nói chung cần chiếu cố những người giữ những chức vụ kể trên. Người nào chưa làm đầy đủ nhiệm vụ thì cần khuyến khích, thúc đẩy họ làm tròn nhiệm vụ, không nên tước tư cách cán bộ nửa thoát ly của họ.

4. - Về việc quy định địa chủ kháng chiến:

Trong bản điều lệ phân định thành phần giai cấp ở nông thôn và trong nghị quyết của Hội đồng Chính phủ tháng 10-1956 về chính sách đối với địa chủ sau cải cách ruộng đất, đã quy định về tiêu chuẩn địa chủ kháng chiến.

Trong nghị quyết Hội đồng Chính phủ có câu:

"Những địa chủ thường tuân theo pháp luật mà có con làm cán bộ cách mạng hay đi bộ đội, hoặc gia đình họ bảo về cán bộ, bảo vệ bộ đội trong thời kỳ bí mật hay là trong thời kỳ kháng chiến ở vùng tạm bị chiếm, cũng được vạch là địa chủ kháng chiến".

Cần nhận rõ tinh thần điều quy định này là phải cân nhắc trên cả hai mặt: bản thân địa chủ đó tuân theo pháp luật và có con đi bộ đội, làm cán bộ...; song điều kiện chính là bản thân địa chủ đó tuân theo pháp luật, chứ không phải cứ gia đình địa chủ nào có con đi bộ đội, làm cán bộ thì đều là địa chủ kháng chiến cả.

Tuân theo pháp luật nghĩa là chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ tương đối đầy đủ, không có hành động chống phá chính sách.

Địa chủ thường tuân theo pháp luật, có con làm cán bộ xã nửa thoát ly (theo quy định trong điều 3 trên đây), cũng được vạch là địa chủ kháng chiến.

Trong vùng tạm bị chiếm lâu năm, không có cơ sở của chính quyền ta, địa chủ thường nào không hoạt động chống kháng chiến, trái lại có ủng hộ kháng chiến (như ủng hộ bộ đội, giúp đỡ cán bộ...) và từ khi hòa bình lập lại vẫn tuân theo pháp luật, lại có con đi bộ đội, làm cán bộ, thì cũng được vạch là địa chủ kháng chiến.

Khi vạch những người ấy là địa chủ kháng chiến cần hỏi ý kiến quần chúng và phải được quần chúng tán thành.

Gia đình địa chủ có người sau khi hòa bình lập lại mới đi bộ đội hoặc tham gia công tác cách mạng thì nên chiếu cố về mặt tinh thần (như thái độ đối xử rộng rãi hơn, dễ dãi trong việc cấp giấy tờ đi lại, cho đi dự họp xóm trong những phiên hợp nhất định nào đó, v.v...) chứ không quy là địa chủ kháng chiến.

5. - Về cách tính bóc lột 40 tạ và gấp ba lần số tự làm ra:

Trước đây trong cải cách ruộng đất, đã có quy định: "Gia đình có lao động chính nhưng chiếm hữu nhiều ruộng đất, số bóc lột về ruộng đất trên 40 tạ và gấp ba lần số tự làm ra thì vẫn vạch là địa chủ".

Trong trường hợp này, cách tính số bóc lột như sau:

- Chỉ tính số bóc lột về ruộng đất (địa tô và thuê người làm), không tính số bóc lột về nợ lãi, tô trâu.

- Tính theo sản lượng thường niên của ruộng đất, chứ không tính theo thực thu từng năm.

- Khi tính số bóc lột, thì trừ phần thuê mượn nhân công và giống má.

- Phải xét cả hai mặt: số bóc lột trên 40 tạ và gấp ba lần số tự làm ra mới vạch là địa chủ, nếu bóc lột trên 40 tạ nhưng không gấp ba lần số tự làm ra (thì dù bóc lột 45 tạ nhưng số làm ra là 20 tạ) thì vẫn không vạch là địa chủ.

- Cần cố gắng tìm số nhân công đã thuê mượn là bao nhiêu, song có nhiều trường hợp khó tìm đủ, như thuê công ngày, v.v.... thì cần kết hợp tính số chiếm hữu ruộng đất, tình hình lao động của gia đình đó, dựa vào ý kiến quần chúng mà xác định số bóc lột của gia đình đó.

Ví dụ một gia đình có 15 mẫu, nhà có một người lao động chính và một người lao động phụ (cũng cấy, gặt... nhưng không đủ 120 ngày), phát canh 2 mẫu ruộng được 6 tạ tô mỗi năm, còn thuê người làm. Trung bình một lao động chính ở địa phương làm được 1 mẫu 5 sào ruộng. Gia đình này thuê người ở năm, ở tháng ít, còn phần nhiều thuê công ngày, nên không tính được đủ, thì nay có thể qua hình thức quần chúng nhận xét, bàn bạc mà tính theo cách sau đây:

Gia đình có một người lao động chính là một người lao động phụ, sức có thể làm được 2 mẫu ruộng, mỗi mẫu được 10 tạ; như thế là số tự làm ra là 20 tạ. Thuê người làm 11 mẫu; mỗi mẫu cũng thu hoạch 10 tạ; 11 mẫu thu hoạch 110 tạ. phần thuê người làm và giống má ước tính mất 40 tạ. Như vậy còn bóc lột 70 tạ, cộng với số bóc lột địa tô 6 tạ là 76 tạ. So với số tự làm ra 20 tạ thì quá gấp ba lần. Như vậy gia đình này là địa chủ.

6. - Địa chủ chết để lại ruộng cho con hoặc cho họ hàng hưởng thừa dư:

a) Địa chủ đã chết, để lại ruộng đất cho con, người con còn nhỏ hoặc đang đi học thì không vạch thành phần con là địa chủ, nhưng vẫn xử lý ruộng đất ấy như đối với ruộng dất của địa chủ, song cần chia cho người con một phần ruộng đất để làm ăn sinh sống.

b) Địa chủ đã chết, do đó ruộng đất, trâu bò, nhà cửa đã chuyển qua tay người họ hàng là nông dân hưởng thừa tự, thì cần phân biệt hai trường hợp như sau:

- Nếu người nông dân lao động hưởng thừa tự trước ngày ban hành sắc lệnh phát động quần chúng giảm tô (12-04-1953) thì coi là chuyển dịch hợp phát, ta không đụng đến ruộng đất, trâu bò, nhà cửa đó, nếu người thừa kế không bóc lột theo lối địa chủ. Nhưng nếu trong cải cách ruộng đất đã rút phần tài sản thừa tự đó đem chia rồi thì nay cũng không đặt vấn đề đền bù lại.

- Nếu người nông dân lao động hưởng thừa tự sau ngày ban hành sắc lệnh phát động quần chúng giảm tô (12-04-1953) thì về nguyên tắc ta không công nhận việc thừa kế đó là hợp thức. Nếu ruộng đất chỉ có ít, người thừa kế đó thiếu ruộng thì chia luôn ruộng đất đó cho họ. Nếu ruộng đất, trâu bò, nhà cửa còn nhiều thì nay lấy ra một phần đem chia cho nông dân, song cần thiết cố chia cho người thừa kế được hưởng một phần bằng mức bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu ở địa phương.

7. – Trường hợp vạch địa chủ cũng được, không vạch cũng được, mà cải cách ruộng đất đã vạch là địa chủ:

Có người chiếm hữu ít ruộng đất, song rõ ràng là không có lao động chính, dựa vào bóc lột ruộng đất mà sống, không có nghề gì khác, mức sinh hoạt không cao lắm, trong cải cách ruộng đất đã quy là địa chủ thì nay không sửa lại. Nếu đã lao động đủ 5 năm tính từ ngày sửa sai ngược về trước thì được thanh đổi thành phần.

8. - Về địa chủ cường hào gian ác:

Đối với những tên trong cải cách ruộng đất đã bị vạch là địa chủ cường hào gian ác và đã bị trừng trị, nay xét lại thành phần gia đình đó không phải là địa chủ, nhưng tên đó có tội ác lớn, thì giải quyết như sau:

- Bản thân tên đó vẫn bị trừng trị, song sửa lại thành phần cho gia đình nó, vợ con được đối xử theo thành phần được sửa sai.

- Tài sản đã bị tịch thu, trưng thu thì nay không đền bù, coi như kẻ có tội bị xử phạt và bị tịch thu tài sản.

9. - Về thành phần phú nông:

Từ nay trở đi không tính việc thuê trẻ em chăn trâu vào số bóc lột của phú nông hoặc để xét thay đổi thành phần của trung nông. Trong cải cách ruộng đất, nơi nào đã tính việc thuê trẻ em chăn trâu vào số bóc lột của phú nông rồi thì nay không coi là sai, không phải sửa lại.

Việc đổi công trâu lấy công người không tính vào số bóc lột của phú nông. Trên thực tế có một số địa chủ, phú nông lợi dụng việc đổi công trâu để bóc lột nhân công song ta không nên tính vào số bóc lột của phú nông để khỏi ảnh hưởng xấu đến việc đổi công trâu trong lúc nông dân còn thiếu trâu cày.

Ở một vài địa phương thuộc trung du và đồng bằng, có tục lệ "làm mải" (gần như đổi công). Đối với việc "làm mải" có tính chất tương trợ trong nội bộ nông dân, người được "làm mải" lần này, lần sau lại đi "làm mải" cho người khác thì không tính công "làm mải" là bóc lột. Đối với địa chủ, phú nông lợi dụng "làm mải" để bóc lột nhân công, bản thân không đi "làm mải" cho người khác thí tính công "làm mải' đó vào số bóc lột của địa chủ, phú nông (việc "làm mải" ở miền núi không kể trong quy định này).

Khi tính số bóc lột nhân công để xét định thành phần phú nông, cần cố gắng tìm số nhân công đã thuê mượn, đồng thời kết hợp tính về chiếm hữu và lao động của gia đình đó (như đã quy định trong điều 5 trên đây).

Phú nông đã hiến ruộng trong cải cách ruộng đất hoặc trong sửa sai, từ đó không bóc lột nữa hoặc bốc lột không đến 240 công, thái độ chính trị tốt, được nông dân đồng ý thì sau hai năm được thay đổi thành phần xuống nông dân lao động.

Việc thay đổi thành phần phú nông do Ủy ban Hành chính và Nông hội xã đề nghị, Ủy ban Hành chính huyện chuẩn y.

Những phú nông được thay đổi thành phần xuống trung nông thì chưa được kết nạp vào nông hội và tổ đổi công ngay. Sau này khi nào có thể kết nạp họ vào nông hội thì cấp trên sẽ có chỉ thị.

10. – Khi sửa sai về thành phần, chủ yếu là sửa thành phần cho những người là nông dân hoặc thuộc thành phần lao động khác bị quy sai lên địa chủ. Còn việc tuyên bố thay đổi thành phần cho địa chủ đã lao động đủ 5 năm ngược về trước, cho địa chủ kiêm làm nghề khác từ trước đến nay, cho phú nông bị quy sai lên địa chủ, nay cho đổi xuống trung nông thì cần phải làm riêng vào bước 3, không nên làm lẫn lộn vào cùng một lúc với việc sửa sai về thành phần.

11. – Một số xã đã tiến hành sửa thành phần trước khi có chính sách và kế hoạch của Thủ tướng phủ và trước khi kiện toàn tổ chức ở xã, thì nay cần tổ chức cho cán bộ và quần chúng học tập lại chính sách và tiêu chuẩn phân định thành phần, nhất là phải phát động tư tưởng quần chúng chu đáo, tiến hành xét lại việc sửa thành phần trước đây, phân biệt trường hợp đúng và trường hợp sai, cái nào đúng rồi thì thôi, cái nào sai thì sửa lại, theo đúng kế hoạch bước 2 của Thủ tướng phủ.

12. – Trong Thông tư số 1196-TTg ngày 28-12-1956 của Thủ tướng phủ, điều 5 nói về vạch thành phần ở vùng có nhiều ruộng công, có câu: "Trong thời gian kể từ khi sửa lại ngược về trước 5 năm liền, nếu họ (2) đã trả lại nhiều ruộng công và đã tham gia lao động chính, xét không cần thiết thì không vạch là địa chủ". Cần hiểu "không vạch là địa chủ" nghĩa là cho thay đổi thành phần, chứ không phải là sửa sai về phân định thành phần.

Thông tư này phổ biến nguyên văn đến tận xã.

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

PHÓ THỦ TƯỚNG

Phan Kế Toại

(1) Có những địa chủ vừa chiếm hữu ruộng đất tư, vừa sử dụng ruộng cộng, ruộng nửa công, nửa tư, ruộng đồn điền, hoặc chỉ sử dụng toàn ruộng công, cho nên phải xét cả tình hình chiếm hữu và sử dụng ruộng đất của họ. Trong thông tư số 012-TTg của Thủ tướng phủ đã quy định: "Ở vùng nhiều ruộng công, những người tuy mua trương ruộng cộng của xã hoặc mua phần ruộng công của những người khác, nhưng trong gia đình không có ai tham gia lao động chính, số ruộng đất lại nhiều, chuyên đem ruộng đất đó phát canh hoặc thuê người làm thì vẫn phải vạch là địa chủ, chứ không vạch là quá điền hoặc phú nông".

(1) Họ tức là những người chiếm nhiều ruộng công.

Nguồn: thuvienphapluat.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn