Cam Bốt cân nhắc quyết định về dự án thủy điện Xayaburi tại Lào

Mai Vân / Phạm Phan

clip_image001

Công trình thủy điện Xayaburi vẫn được âm thầm xúc tiến dù chưa có đèn xanh chính thức. Tổ chức Sông ngòi Quốc tế International Rivers

Theo dự kiến, ngày 08/12/2011 tới đây, tại Siem Reap, Ủy hội Sông Mêkông sẽ có quyết định về dự án đập thủy điện Xayaburi của Lào trên dòng chính sông Mêkông. Trong bốn thành viên Ủy Hội, quan điểm phản đối của Việt Nam đã rõ, trong lúc Cam Bốt tuy chống lại nhưng còn thận trọng.

Từ Phnom Penh, Thông tín viên Phạm Phan phân tích rõ hơn về thái độ của Cam Bốt.

1/ Nếu đập Xayaburi được xây dựng, Cam Bốt có nguy cơ bị thiệt hại như thế nào ?

Là một quốc gia nằm ở hạ lưu sông Mekong, Cam Bốt tất nhiên phải gánh chịu hậu quả không nhỏ về tác hại của biến đổi môi trường do việc xây dựng đập thủy điện Xayaburi trên Thượng Lào gây nên. Ít nhất có hai tác hại nghiêm trọng cho nước này, một là ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch cá, hai là tác động đến dòng chảy của chất trầm tích mà nó hình thành nên lớp phù sa màu mỡ cho hai bên bờ sông và vùng châu thổ.

Ở đây tôi chỉ xin trình bày về sự thiệt hại trên mặt sản lượng cá, như chị cũng đã biết, quốc gia này tùy thuộc phần lớn vào nông nghiệp và ngư nghiệp. Trên dòng sông dài 4.800 km chảy từ cao nguyên Tây Tạng xuống Biển Đông, sông Mekong có ít nhất 780 chủng loài cá nước ngọt, bao gồm 4 loài cá trong các loài cá lớn nhất thế giới. Một trong số đó là loại cá trê đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Theo Eric Baran, một nhà nghiên cứu về cá đang làm việc tại Trung Tâm Cá Thế Giới có văn phòng ở Phnom Penh nói rằng: Những tác hại do việc xây dựng đập Xayaburi ảnh hưởng đến môi trường rất lớn và trong một thời gian rất nhanh. Trong khi đó thì các quốc gia trong khu vực lại chưa có chuẩn bị đầy đủ để giải quyết các vấn đề tác hại do đập sinh ra.

Đó là quan điểm chuyên môn về khoa học của những nhà ngiên cứu quan tâm đến ảnh hưởng của việc xây dựng đập đối với môi trường hạ lưu sông. Còn đối với những người dân xứ Chùa Tháp đang sinh sống ở hạ nguồn thì cảm nhận mức độ thiệt hại rất thực tế và rõ ràng.

Như trường hợp ông Toun Neang, 52 tuổi, một ngư dân sinh sống trong vùng Biển Hồ, nơi đây nối liền với dòng sông Mekong bằng con sông Bassac, điểm hội tụ của hai dòng sông này nằm trước Hoàng Cung Phnom Penh, dân địa phương thường gọi là sông Bốn Mặt. Là một người sống bằng nghề đánh bắt cá hầu như suốt cả cuộc đời, hơn ai hết, ông Toun Neang thấy số lượng cá đánh bắt được một ngày một ít đi. Theo ông, trước đây, mỗi mùa mưa cá đổ vào Biển Hồ rất nhiều sau khi đẻ trứng trên thượng nguồn. Còn bây giờ nếu xây đập thì hẳn nhiên dòng chảy bị chận lại, thì làm sao cá di chuyển để kiếm ăn, và làm sao ngư dân có thể kiếm được cá nuôi sống bản thân và gia đình.

Biển Hồ là nơi cung cấp đến phân nửa chất đạm cho người dân Cam Bốt, và dòng sông Mekong cung cấp đến 80% chất đạm cho cả nước. Vấn đề an ninh lương thực được đặt ra ở đây. Mối nguy không nhỏ cho cả Cam Bốt, khi chỉ có một con đập được hình thành, chưa nói đến 10 con đập khác đang trong phạm vi dự kiến xây dựng trên thượng nguồn thuộc lãnh thổ Lào.

2/ Cam Bốt có được lợi gì không ?

Câu trả lời hiển nhiên mà nhiều người thấy được là Cam Bốt không có lợi gì hết. Trong dự án đập Xayaburi với trị giá hơn 3,5 tỷ Mỹ Kim, nó sẽ tạo ra một khu dự trữ nước dài đến 60 cây số và có công suất 1.260 megavvatt. Đáp lại đập thủy điện này sản sinh ra số lợi nhuận từ 3 đến 4 tỷ Mỹ Kim mỗi năm và chính quyền Lào thu được 30 % lợi nhuận, hầu hết số lượng điện được bán cho Thái Lan.

Chính vì điều này mà Lào là một thành viên trong Ủy Ban Sông Mekong hăng hái nhất trong việc đòi phải xây dựng đập nhanh dù chưa biết rõ hết những tác hại của việc xây đập mang lại, cũng như các công trình nghiên cứu chưa thấu đáo và chưa đủ thuyết phục các nhà khoa học quan tâm đến việc phải gìn giữ môi trường sống cho con người và không nên hủy hoại thiên nhiên vì quyền lợi vật chất trước mắt.

3/ Quan điểm của Cam Bốt đến nay như thế nào ?

Trong 4 quốc gia thuộc Ủy Ban Sông Mekong thì có hai đồng ý và hai chống, Cam Bốt và Việt Nam ở hạ nguồn và chịu hết những tác hại xấu thì tất nhiên không đồng ý với việc xây dựng đập Xayaburi.

Tuy nhiên, thái độ của một số giới chức Cam Bốt có liên hệ đến công tác môi trường đôi khi chưa rõ ràng, họ không đồng ý việc Lào tiến hành xây dựng đập nhưng lại không đưa ra các phát biểu mạnh như phía Việt Nam để chứng tỏ một quan điểm bảo vệ môi trường vững vàng, trái lại giới chức Cam Bốt chỉ nói chung chung là đề nghị Lào nên hoãn lại việc xây dựng đập để chờ kết quả của cuộc nghiên cứu thêm.

Hiện cũng chưa rõ các nguyên nhân nào thúc đẩy Cam Bốt không khẳng định quyết tâm của mình cho công luận thấy về vấn đề này dù nhiều tổ chức xã hội dân sự và bảo vệ môi trường đã lớn tiếng đánh động tầm nguy hiểm của công trình xây dựng đập Xayaburi.

4/ Bang giao thuận thảo hơn với chính quyền Thái Lan của bà Thủ tướng Yingluck có khiến Cam Bốt nhẹ nhàng hơn trong vấn đề phản đối hay không, vì mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường của chính phủ Yingluck đã tuyên bố là Thái Lan không chống lại việc Lào xây đập Xayaburi ?

Theo báo mạng Bangkok Post mới đây đưa tin thì chính quyền Thái không phản đối chuyện xây đập Xayaburi nhưng Lào phải chịu trách nhiệm chính đối với các tác hại nghiêm trọng về môi trường một khi các lời cảnh báo từ trước tới nay trở thành hiện thực tồi tệ.

Trong khi đó thì nhà điều phối Pianporn Deetes ở Thái Lan đang vận động cho việc đình chỉ xây dựng đập tỏ ý hy vọng rằng trong cuộc họp vào ngày mai các đại diện của 4 nước trong Ủy Ban Sông Mekong sẽ khảo sát các ý kiến bày tỏ sự quan tâm đến môi trường của nhiều cá nhân, đoàn thể và tổ chức.

Tuy nhiên, ông Te Navuth, Tổng Thư Ký Ủy Ban Sông Mekong Cam Bốt khi được báo mạng Phnom Penh Post phỏng vấn về vấn đề này thì lại không bình luận gì cả.

Hiện nay khi Thái có chính quyền do những người thuộc Phe Áo Đỏ nắm giữ, mối bang giao Thái – Cam Bốt tương đối dễ chịu hơn, căng thẳng ngoại giao và xung đột quân sự không xảy ra. Điều cần khẳng định rằng, quyền lợi quốc gia của mỗi bên là trên hết.

Tuy nhiên có thể vì không muốn tạo căng thẳng trong hành động chống đối Lào xây đập, và cũng không muốn làm phật lòng Thái Lan, nên Cam Bốt giữ thái độ thiếu mạnh mẽ. Thế nhưng, làm như thế lại không đồng điệu với Việt Nam, một quốc gia hiện có đến 17 triệu dân sống tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi gánh chịu nặng nhất những tác hại một khi đập Xayaburi được xây dựng, trong khi dân cư Cam Bốt sống tại Biển Hồ và dọc theo dòng sông Mekong chỉ có khoảng 2,4 triệu người.

5/ Tiếng nói của giới bảo vệ môi trường Cam Bốt trên vấn đề này như thế nào ? Có trọng lượng gì đối với chính quyền hay không ?

Ngay trước cuộc họp của Ủy Ban Sông Mekong diễn ra tại Siêm Riệp thì ở Phnom Penh một hội nghị của các tổ chức Phi Chính Phủ được tổ chức ngày 1/12/2011 để bàn về những tác hại đối với môi trường sống khi thiên nhiên bị hủy hoại do các công trình đập thủy lợi gây ra, không những nhắm vào đập Xayaburi mà còn chỉ ra các đập khác tại Cam Bốt như đập thủy điện Sesan 2 nằm trên sông Sesan ở tỉnh Stung Treng thuộc vùng Đông Bắc Cam Bốt.

Ý kiến chính của hội nghị này đưa ra là: Chính quyền Cam Bốt cần chú đến những tác hại môi trường, không những đến từ sự thay đổi khí hậu mà còn do con người gây nên như các công trình xây dựng đập thủy điện. Những tác hại này có thể được thấy như các trận lũ lụt làm chết hàng trăm người.

Người dân bình thường cũng quan tâm đến hội nghị và bày tỏ ý kiến như ông Hem Thy sống tại tỉnh Takeo nói rằng người dân đã thấy được hậu quả của sự biến đổi khí hậu như mùa mưa thì thiếu nước để làm ruộng còn mùa khô thì lại sinh ra lũ lụt. Một điều không thể tưởng tượng được.

Có một điểm cũng cần nêu lên ở đây là hồi tháng 12 năm ngoái, Thủ Tướng Hun Sen phát biểu rằng, các nước hạ lưu có quyền xây dựng đập và những nhà hoạt động bảo vệ môi trường không nên “quá cực đoan” khi liên hệ các đập thủy điện hiện hữu của Trung Quốc với tình trạng mực nước sông Mekong đang xuống thấp ở mức kỷ lục so với những năm trước đây.

Có thể chính vì điều này nên Cam Bốt không nói mạnh để can ngăn khi Lào cương quyết muốn xây đập Xayaburi.

Cảm ơn Thông tín viên Phạm Phan tại Phnom Penh.

M. V./P. P.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn