Cuộc triệt thoái khỏi Iraq của Mỹ đã kết liễu một kỳ vọng lớn cuối cùng của Hoa Kỳ

Andrew J. Bacevich

Nguyễn Khoa Thái Anh dịch từ washingtonpost.com

Lời dịch giả. Đây là một bài bình luận gay gắt và không nhân nhượng của Andrew J. Bacevich, một cựu chiến binh Việt Nam, đại tá về hưu trong quân đội Mỹ, giáo sư Sử học và Bang giao Quốc tế tại Đại học Boston. Ông là tác giả quyển “Washington Rules: America’s Path to Permanent War” và biên tập viên cho quyển “The Short American Century: A Postmortem.”

Trong lịch sử Mỹ, có những lúc chúng ta chứng kiến được một kết cục dứt khoát và rõ ràng. Cuộc sụp đổ tài chính tháng 10 năm 1929 đã kết thúc thập kỷ Thăng hoa những năm 20’s của Hoa Kỳ (gọi là The Roaring Twenties). Ngày khải hoàn VJ kết thúc Đại chiến thứ II. Việc rút quân đội Mỹ khỏi Iraq trong tháng này, dù không nhiều kịch tính, cũng đánh dấu sự tàn lụi của một kỷ nguyên.

Khởi sự năm 2003, trong bối cảnh đảm bảo một chiến thắng nhanh chóng, cuộc chiến Iraq được kết thúc gần chín năm sau đó với Hoa Kỳ chấp nhận một kết quả khiêm tốn hơn dự tính. Trái lại, khi thi thố để chứng minh quyền lực tối cao của Hoa Kỳ, cuộc chiến đã cho thấy những giới hạn phũ phàng của sức mạnh Hoa Kỳ. Nó đã bác bỏ những kỳ vọng lớn của thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đã từng được xem là một phác họa của tương lai.

Còn nhớ những năm của thập niên 1990, mở đầu với Liên Xô giãy chết và Hoa Kỳ thượng tôn cao vòi vọi? Chiến tranh Lạnh đã đạt được một kết cuộc hòa bình, một chương sử mới, phong phú và đầy hứa hẹn bắt đầu. Dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ – tính ưu việt đó được khẳng định trong năm 1991 bởi trận chiến Bão Sa Mạc (Desert Storm dưới thời Bush cha) – thế giới đã được di chuyển từ bóng tối sang ánh sáng.

Trong khi chuẩn bị cho cuộc đụng độ quân sự đầu tiên của họ với Saddam Hussein, Tổng thống George H.W. Bush (Bush cha) đã tung hô một "trật tự thế giới mới." Thiếu chất thơ, phương thức và châm ngôn của ông không bao giờ được tiếp thu. Vì vậy, tại Washington, các chính khách và các bình luận gia đã vội vàng ganh đua để phác họa một mô hình thời cuộc sống động hơn. Nỗ lực này mang lại ba sự minh định bao quát.

Minh định đầu tiên thuộc ý thức hệ: Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản biểu hiệu chiến thắng của một nền dân chủ phóng khoáng, một chiến thắng được coi là dứt khoát và không thể đảo ngược; những lựa chọn khả thi khác nhằm chuyển hóa xã hội kể như không còn. Minh định thứ hai thuộc phạm trù kinh tế: Sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh đã tung ra các lực lượng toàn cầu hóa, với sự chuyển động không ngừng của hàng hoá, vốn đầu tư, tư duy và con người, những cơ hội để mang lại giàu sang trước đây không ai có thể ngờ, giờ đây đang chiêu dụ. Minh định thứ ba thuộc phạm trù quân sự: công nghệ thông tin cao cấp đã cách mạng hóa chiến tranh, quân đội nào có thể khai thác được cuộc cách mạng này sẽ thu thập được một hiệu quả chưa từng thấy.

Người Mỹ mặc nhiên cho rằng cách thực thi dân chủ riêng của họ sẽ được áp dụng khắp mọi nơi. Họ tin rằng chính vị trí ưu tú của mình so với bất kỳ đối thủ tranh đua nào khác đã giúp họ tận dụng lời hứa toàn cầu hóa. Còn sức mạnh quân sự công nghệ cao thì đã có chiến dịch Sa Mạc chứng tỏ sức mạnh vô song của Mỹ; những gì mà mà ai đó đã gọi là một cuộc Cách mạng Quân lực đã cho thấy một lợi thế rõ ràng tạo nên uy quyền vĩnh viễn.

Những minh định này cùng nhau hun đúc một niềm hoan lạc đến độ ngây ngất. "Mỹ chiếm một vị trí độc tôn như một quốc gia không thể thiếu của thế giới," Tổng thống Bill Clinton tuyên bố trong diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ hai. Là một nền "dân chủ cao quý nhất thế giới" và một nền kinh tế "hùng mạnh nhất quả đất", Hoa Kỳ, ông Clinton tiên đoán, sẽ sớm "dẫn đầu một thế giới dân chủ toàn diện."

Tầm nhìn của Newt Gingrich được xếp chung với ông Clinton. "Không một quốc gia nào có tiềm năng để lãnh đạo toàn thể nhân loại như Mỹ hiện nay", xướng ngôn viên Hạ viện của Đảng Cộng hòa đã tuyên bố như thế năm 1996. "Chưa một nước nào đã từng có nhiều người với nhiều nguồn gốc khác nhau được kêu gọi để hội ý cách làm thế nào để thành lập một chính phủ, thị trường tự do, và một quân đội có thể hoạt động trong quy định của pháp luật."

Lịch sử đã phán quyết: tương lai thuộc về Mỹ và những ai tán đồng phong cách Mỹ.

Đối với bất cứ ai không muốn chấp nhận phán quyết đó, đã có sức mạnh của quân lực Mỹ. "Bàn tay ẩn của thị trường sẽ không bao giờ hiệu nghiệm nếu không có một quả đấm ẩn đằng sau", nhà báo Thomas Friedman đã viết trong năm 1999. "McDonald (hamburger) không thể phát triển mà không có McDonnell Douglas, công ty chế tạo phản lực cơ F-15. Và nắm tay ẩn đang giữ thế giới an toàn cho nền công nghệ Silicon Valley, được xem là Bộ binh Hoa Kỳ, Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến. "

Rồi biến cố 9/11 xảy ra, khiến một siêu cường toàn năng trông ít giống một kiến trúc sư làm nên lịch sử hơn là chính nạn nhân của nó. Ngay từ đầu, phản ứng của Tổng thống George W. Bush (Bush con) đối với sự sỉ nhục này không chỉ đơn thuần tìm cách ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo trên đất Mỹ, nhưng ít ra để dẹp tan những nghi ngờ rằng lịch sử có thể chọn một hướng đi khác hơn con đường của Mỹ.

"Miễn là Hoa Kỳ vẫn quyết tâm kiên cường", Bush trấn an Hoa Kỳ vào ngày 20 tháng 9 năm 2001, "thì đây không phải là thời đại của khủng bố. Đây sẽ là một thời đại của tự do ở Mỹ và trên toàn thế giới." Đối với những ai muốn cản trở sự khởi đầu của thời đại tự do, Tổng thống Bush đã bác bỏ họ như những "người thừa kế của tất cả các ý thức hệ diệt chủng của thế kỷ 20, định mạng họ sẽ bị kết liễu "trong những mồ chôn vô danh của những dối trá bị ruồng bỏ."

Vì vậy, "cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố" đã mặc nhiên – thậm chí đã chủ yếu – trở nên một cuộc chiến để Hoa Kỳ giành tính ưu việt toàn cầu, được thực thi để minh xác các đồng thuận về hậu Chiến tranh Lạnh của Hoa Thịnh Đốn. Loại bỏ bất kỳ một nghi vấn nào về quyết tâm và sức mạnh của Hoa Kỳ đã trở thành một mệnh lệnh.

Điều này có nghĩa là để lộ ra nắm đấm ẩn. Dù sao, các cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20, lạnh cũng như nóng, đã đóng vai trò trọng tâm trong niềm tin và thực tiễn Hoa Kỳ. Chính quyền Bush dự kiến chiến tranh trong thế kỷ 21 để tái tạo lại thành tích này. Khẳng định tính ưu việt của quân sự Mỹ là chìa khóa để duy trì các quy định về tư tưởng về kinh tế Mỹ. Trên khắp thế giới, trát lệnh Washington sẽ trở thành luật.

Theo quan điểm này, chỉ định Saddam Hussein là kẻ thù số 1 là một điều rất hữu lý. Đúng, Iraq không tham gia vào các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9. Chế độ Hussein chỉ có những liên kết ít đáng kể nhất với al-Qaeda. Và, tất nhiên, kho dự trữ vũ khí hạt nhân và sinh học của Iraq hóa ra chỉ là một cơn sốt mê sảng nhất của óc tưởng tượng. Nhưng những người bất đồng chính kiến dùng các dữ kiện đó để lên án chính quyền Bush lừa dối hoặc thiếu tiềm năng đã quên mất một điều: Mục tiêu thực sự của Chiến dịch 'Tự do cho Iraq' (Operation Iraqi Freedom) nhằm để chứng minh rằng Hoa Kỳ vẫn là pháp nhân khua chiêng vỗ trống cho lịch sử diễn hành. Vì lý do đó, chế độ xiêu vẹo của Hussein đã trở thành một mục tiêu lý tưởng.

Khi chọn chiến tranh người ta luôn luôn đồng hóa nó với chuyện chọn một canh bạc. Tuy nhiên trong trường hợp này, do sự yếu kém của quân đoàn Hussein và sự thật hiển nhiên của siêu cường duy nhất trên thế giới, các con bài dường như đã được chọn. Điều còn lại chỉ việc giành thắng lợi trong một chiến thắng bất khả kháng và gặt hái phần thưởng.

Và trong một lúc trêu ngươi, chiến thắng dường như nằm trong tầm tay. Ngày 20 Tháng Ba 2003, các lực lượng Mỹ vào Iraq. Ngày 09 tháng tư, Baghdad thất thủ. Ngày 01 Tháng 5, Tổng thống Bush, trong quân phục của phi công hải quân đã hạ cánh trên boong tàu sân bay Abraham Lincoln để ăn mừng thắng lợi mà lực lượng Hoa Kỳ đã đạt được, với biểu ngữ tuyên bố: "Sứ mệnh hoàn thành" làm 'phông' cho nhận định của mình.

Các tên không tặc 9/11 đã tưởng rằng "họ có thể... ép buộc chúng ta lui bước trên thế giới, "tổng thống cho biết. "Họ đã thất bại." Thay vì tháo chạy, Mỹ đang tiến lên, với nhiều chiến thắng theo sau và lịch sử được khôi phục lại hướng đi đích thực của nó. Phát biểu với đặc tính chắc nịch, ông Bush dùng thì quá khứ để nói về Chiến dịch Tự do cho Iraq.

Tuy nhiên, tại Iraq, các sự cố xảy ra sau đó. Cuộc chiến ở đó chỉ mới bắt đầu. Nó kéo dài trong nhiều năm, lấy tánh mạng của nhiều nạn nhân. Nổi bật trong số đó chính là tương lai mà người Mỹ khẳng định là điều kể như đã được tiền định.

Phỏng trên con số tử vong, tàn tật hoặc là bị mang thương tích của binh sĩ Mỹ, chiến tranh Iraq được xếp hạng như một trận chiến tương đối khiêm tốn. Ngay cả khi tính hết con số thiệt mạng to hơn của các thường dân, những người bị thương hoặc tản cư, Iraq được xếp hạng sau các cuộc chiến thực sự kinh khiếp hơn của kỷ nguyên hiện đại. Không phải con số tử vong, nhưng chính hậu quả của cuộc chiến này đã xác định tầm quan trọng của giai đoạn thê thảm này. Trên bình diện này, nó được xếp hạng cao hơn chiến tranh Hàn Quốc và Việt Nam, cả hai cũng chẳng đánh dấu một ngả rẽ quyết định nào trong lịch sử – và thậm chí kể cả Thế chiến thứ II. Vào năm 1945, Hoa Kỳ đã tích lũy được các vốn liếng đạo đức và chính trị rộng lớn. Vì Iraq, những tích lũy này đã kể như bị cạn kiệt.

Sau Iraq, tương lai không còn mang nhãn hiệu "Sản xuất tại Hoa Kỳ." Ở những nơi như Trung Quốc, những lựa chọn khác hơn dân chủ tự do vẫn lì lợm được duy trì và không có dấu hiệu gia giảm. Nơi âm vang đòi hỏi dân chủ to nhất – như trong thế giới Ả Rập – có thể kết cuộc sẽ không lợi cho giá trị tự do. Trên khắp các châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh, mô hình Mỹ, ngày nay bị hư hỏng và không chỉ bị hơi lu mờ, nó đơn thuần chỉ là một trong nhiều mô hình để được chọn lựa.

Niềm tin rằng toàn cầu hóa sẽ (hoặc đáng lý phải) xác định tương lai kinh tế đã bị một vổ bổ nhào và chúi mũi. Trong khi chúng ta đang đeo đuổi chiến tranh, các cường quốc kinh tế đang lên đã chế tạo năng lực, với sự chi trả của Mỹ. Trong khi đó, chính phủ ở Mỹ, vì nhu nhược chiều ý thị trường đã tạo ra nhiều lũng đoạn và sự liều mạng (của Wall Street) và cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất Hoa Kỳ kể từ cuộc Đại suy thoái Kinh tế thời 30's. Hơn nữa, ngay cả khi toàn cầu hóa được việc với một số người, không hẳn rằng nó sẽ hữu hiệu với số đông – một điều mà phong trào Chiếm Wall Street được người biểu tình kêu gọi lãnh đạo chú ý mà nếu lờ đi sẽ mang lại nhiều hiểm nghèo.

Chỉ trong lĩnh vực sức mạnh quân sự là sự thống trị của Mỹ vẫn không thể chối bỏ, như các chính trị gia và tướng lãnh thường khẳng định. Tuy nhiên, sau nhiều năm chiến đấu ở Iraq, và với cuộc chiến Afghanistan và "những hoạt động dự phòng ở nước ngoài" khác đang tiếp diễn, giá trị của tuyên bố đó đang mờ dần. Chẳng còn nghi ngờ gì quân đội Mỹ có khả năng chiến đấu vô song. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là Mỹ không thể dựa vào sức mạnh quân sự để giành chiến thắng. Chỉ nội chuyện tránh không thua đã trở nên một đề xuất quá đắt tiền.

Niềm tin do thành quả của Chiến tranh Lạnh mang lại – tự do dân chủ thắng lợi, toàn cầu hóa là chủ trương lớn tiếp theo và sự thống trị của Mỹ đã khẳng định một mô hình mới của chiến tranh - tất cả đã đến bên ngôi mộ không bia, dành cho những ý tưởng không thành công. Những người thúc đẩy và tiếp tục duy trì cuộc chiến Iraq đã nắm giữ cái xẻng để đào hố chôn mình. Điều này xác định di sản của họ.

A. J. B.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn