Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng quyền cai trị

Duy Ái - VOA

Trong năm vừa qua giới lãnh đạo Trung Quốc đã phải đối mặt với sự bùng nổ của sự bất mãn của dân chúng về nhiều vấn đề – từ ô nhiễm môi trường, tranh chấp lao động, cho tới nạn chiếm đoạt đất đai bừa bãi. Nhiều nhà phân tích cho rằng quốc gia có nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới này đang đứng ở bờ vực của một cuộc khủng hoảng về quyền cai trị.

clip_image001

Một người đại đại diện dân làng Ô Khảm đứng trên thang nói chuyện với dân làng trong khi một cuộc biểu tình đang diễn ra. Hình: AP

Ở Trung Quốc trong những năm gần đây, mỗi năm có gần 200.000 vụ rối loạn xã hội xảy ra trên cả nước, trong đó có chừng 2/3 là phát sinh từ nạn tịch thu đất đai bừa bãi. Những vụ gây rối tập thể –Trung Quốc gọi là “sự kiện quần chúng”, đã trở thành một việc mà nói theo cách nói ở Việt Nam hiện nay là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Tuy nhiên, những người dân ở làng Ô Khảm trong tỉnh Quảng Đông mới đây đã làm được một việc mà nhiều người trước đó đã không làm được: đó là buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc phải rời khỏi ngôi làng của mình – ít nhất là trong một khoảng thời gian ngắn.

Dân chúng ở ngôi làng đánh cá có số dân ước chừng 20.000 người này đã bày tỏ sự căm phẫn hồi tháng 9 năm ngoái trước điều mà họ cho là sự cấu kết của các quan chức địa phương với những công ty phát triển địa ốc để chiếm đoạt đất đai của họ. Họ đã xông vào trụ sở chính quyền thôn, xung đột với cảnh sát và đòi điều đình với chính quyền cấp cao hơn. Viên Bí thư Đảng ở đây đã phải bỏ trốn.

Tuần trước nhà chức trách đã câu lưu 5 dân làng trong toán điều đình và tìm cách giành lại quyền kiểm soát ngôi làng, nhưng không thành công. Hồi đầu tuần này, tình hình trở nên căng thẳng hơn sau cái chết của  ông Tiết Cẩm Ba, một người trong số 5 người bị bắt. Nhà chức trách nói rằng ông này qua đời vì bệnh tim nhưng dân làng nói rằng nạn nhân bị cảnh sát đánh chết.

Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với báo chí ở Hồng Kông, người con gái lớn của ông Tiết cho biết cô đã trông thấy xác của cha cô hôm Chủ nhật và trên người ông đầy những vết roi.

Trong vài ngày nay, giữa lúc ngôi làng này bị cảnh sát bao vây, ngày nào dân chúng ở đây cũng tụ họp để phản đối và hô to những khẩu hiệu như “nợ máu phải trả bằng máu”.

Ông Malcolm Moore, một nhà báo của tờ Telegraph ở Anh, là một trong các ký giả Tây phương đầu tiên tới làng Ô Khảm để tường thuật vụ nổi loạn này trong lúc truyền thông Trung Quốc hoàn toàn im tiếng. Ông Moore cho đài VOA biết rằng dân làng chỉ muốn đòi hỏi công lý chứ không đòi cải cách chính trị. Ông nhận định:

"Tôi nghĩ rằng những vụ việc như thế này luôn luôn là vì tiền bạc, luôn luôn là vì đất đai. Đây không phải là một phần của một phong trào dân chủ rộng lớn hơn. Đây không phải là một mưu toan để lật đổ bất kỳ một ai. Dân làng ở đây bày tỏ sự tin tưởng vào chính quyền trung ương và họ chỉ muốn nói lên một điều là chính quyền địa phương đã không giải quyết những mối bất bình của họ một cách thỏa đáng".

Tuy nhiên, theo nhận định của Tiến sĩ La Tiểu Bằng, Giáo sư kinh tế của Đại học Triết Giang, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã không làm gì nhiều trong 10 năm qua để kiểm soát các chính quyền địa phương, khiến cho Trung Quốc giờ đây phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về quyền cai trị.

Ông cho biết thêm rằng vấn đề này sẽ đứng đầu nghị trình làm việc của Phó Chủ tịch Tập Cận Bình khi ông lên thay ông Hồ Cẩm Đào làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm tới. Ông La Tiểu Bằng nói:

"Tất cả những vấn đề như vấn đề môi trường, vấn đề giáo dục, và vấn đề dịch vụ công ích đã tích lũy trong hơn một thập niên qua, chứ không phải bây giờ mới xuất hiện. Tôi nghĩ rằng mọi người ai nấy đều nhận thức được là khủng hoảng sắp xảy ra và giới lãnh đạo mới sẽ phải đứng ra giải quyết".

Giáo sư Hồ Tinh Đẩu của Đại học Kỹ thuật ở Bắc Kinh cũng có một nhận xét tương tự. Ông nói với đài VOA như sau:

"Trung Quốc đang tiến vào một thời kỳ có nhiều mối rủi ro đặc biệt to lớn. Không phải chỉ là một thời kỳ của những mối rủi ro thông thường. Tôi e rằng nếu chính phủ Trung ương không áp dụng các biện pháp để giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng thì chỉ trong vòng 4 hoặc 5 năm tới đây tình hình trên cả nước sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát".

Những vụ gây rối tập thể ở Trung Quốc trong năm nay có những vụ qui mô lớn và được nhiều người chú ý như vụ kháng thuế ở thành phố Chức Lý ở tỉnh Triết Giang hồi tháng 10, vụ xuống đường chống đối nạn ô nhiễm của một nhà máy hóa chất ở thành phố Đại Liên hồi tháng 8.

Những “sự kiện quần chúng” này đã xảy ra trong lúc có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang bắt đầu xuống dốc và đời sống của người dân bình thường đã trở nên khổ sở hơn trước.

Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, cho biết rằng một mối lo ngại lớn của giới lãnh đạo ở Trung Nam Hải hiện nay là kinh tế sẽ bị trì trệ trong năm 2012. Bà nói:

"Tôi nghĩ rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đang cảm thấy bất an, cảm thấy lo lắng rất nhiều về tình hình trong nước, về sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế, trong lúc những vụ rối loạn xã hội xảy ra mỗi ngày một nhiều, bất mãn của người dân ngày càng tăng và có thể trở nên tệ hại hơn nữa vì tình hình kinh tế bị xuống cấp".

Từ khi những cuộc nổi dậy đòi dân chủ bắt đầu bùng ra ở nhiều quốc gia Trung Đông và Bắc Phi hồi đầu năm nay, nhà cầm quyền Cộng Sản ở Bắc Kinh đã tìm đủ mọi cách để ngăn chận những hoạt động mà họ cho là có thể dẫn tới một cuộc “Cách mạng Hoa nhài” ở Trung Quốc.

Hàng loạt các nhân vật tranh đấu cho dân quyền và những văn nghệ sĩ, trí thức không tán đồng đường lối cai trị của đảng đương quyền đã bị kết án tù hoặc bị giam lỏng thông qua biện pháp được gọi là “cưỡng chế thất tung”.

Bà Sophie Richardson, một chuyên gia về Trung Quốc của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch ở Washington, nói rằng chính phủ ở Bắc Kinh hiện nay vẫn còn có thể dập tắt những vụ rối loạn xã hội một cách có hiệu quả, thông qua việc đàn áp và đe dọa.

Tuy nhiên bà nói rằng đây chỉ là một cách giải quyết tạm bợ. Bà cho rằng về lâu về dài Trung Quốc cần phải xây dựng một hệ thống tư pháp độc lập và công bằng để người dân có thể dựa vào đó mà giải quyết những vụ tranh chấp trong xã hội và những vụ tranh chấp giữa người dân với chính quyền, thay vì phải thực hiện những hành động quá khích như ở làng Ô Khảm.

D. A.

Nguồn: voanews.com

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Biểu tình đòi đất lan rộng tại Quảng Đông

Tú Anh

clip_image002

Dân làng Ô Khảm biểu tình. Ảnh chụp ngày 15/12/11. Reuters

Sau vụ một nông dân làng Ô Khảm bị thiệt mạng, dân làng Long Thủ bên cạnh tham gia vào phong trào phản kháng chống tham nhũng và lạm quyền. Mặc dù bị công an bao vây từ một tuần nay, người dân Ô Khảm cho phóng viên quốc tế biết là họ tiếp tục tranh đấu.

Theo hãng tin thiên chúa giáo Asia News, cư dân làng duyên hải Long Thủ, huyện Lục Phong, tỉnh Quảng Đông đã xuống đường biểu tình vào ngày  16/12/2011 để đòi công lý cho nông dân làng Ô Khảm tên Tiết Kim Ba, từ trần với nhiều vết thương trên người, sau khi bị công an tạm giam hồi tuần trước.

Hành động liên đới giữa dân chúng hai làng láng giềng cho thấy biện pháp trấn áp chỉ làm tăng thêm lòng căm phẫn của dân chúng.

Theo AFP, dân làng Ô Khảm cho biết sẽ xuống đường vào này hôm nay 17/12/2011 mặc dù bị lực lượng an ninh bao vây từ một tuần nay, phong tỏa điện nước, lương thực và cả internet. Qua điện thoại, một phụ nữ cho biết dân làng yêu cầu “Thủ tướng Ôn Gia Bảo đến tận nơi giải quyết vấn đề” vì không thể tin cậy vào chính quyền địa phương mà bà gọi là “một bọn ăn cướp dối trá”. Cũng như các nông dân đồng cảnh ngộ, bà thất nghiệp từ khi ruộng đất bị chính quyền địa phương trưng thu.

Cơn giận của dân làng Ô Khảm tăng cao sau khi lãnh đạo thành phố Sán Vĩ, được xem là cơ quan quản lý làng Ô Khảm kêu gọi các nông dân lãnh đạo phong trào ra đầu thú và đe dọa trừng phạt nặng nề.

Tất cả cán bộ đảng Cộng sản tại địa phương đã bỏ trốn. Toàn bộ làng Ô Khảm hiện nay do dân làng tự quản lý.

Theo giới phân tích, hiện tượng phong trào quần chúng nổi dậy tại Quảng Đông là tiếng chuông cảnh tỉnh chế độ vừa tham ô vừa bất công vừa độc tài tại Trung Quốc.

Mặc dù bị kiểm duyệt nhưng diễn biến tình hình tại Ô Khảm đang được loan tải và theo dõi trên các mạng thông tin xã hội tại Trung Quốc.

T. A.

Nguồn: Viet.rfi.fr

––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Ruộng đất bị trưng thu là cội nguồn gây căm phẫn tại Trung Quốc

Tú Anh

Phong trào nổi dậy của 13 ngàn dân làng Ô Khảm là biểu tượng của cuộc đọ sức giữa chính quyền và nhân dân Trung Quốc, trong bối cảnh trung bình mỗi ngày xảy ra 500 “sự cố tập thể”. Sự kiện người nông dân phải giành lại quyền sống và nhân phẩm không phải là một cuộc cách mạng chính trị. Bắc Kinh không thể trấn áp thành công bằng bạo lực.

clip_image003

Nông dân Quảng Đông đòi lại đất. REUTERS/Stringer

Ô Khảm, một ngôi làng duyên hải trù phú ở tỉnh Quảng Đông đang trở thành một điểm nóng.

Từ một tuần nay, chính quyền cấp trên đã gởi một lực lượng an ninh hùng hậu nhiều ngàn công an võ trang cô lập 13 ngàn dân. Cơn phẫn nộ của người nông dân tay không, không vũ khí và không đất canh tác đã làm toàn thể cán bộ chính quyền và đảng địa phương phải “sơ tán”.

Nguyên nhân là những cán bộ này đã thi hành chính sách trưng thu đất đai của nông dân với giá đền bù rẻ mạt và bán lại cho giới đầu cơ địa ốc với giá cao hơn gấp 50 lần.

Những chuyện kế tiếp diễn ra theo một kịch bản quen thuộc khi toàn bộ hệ thống nhà nước, tư pháp, từ trên xuống dưới nằm trong tay một đảng chuyên chế.

Cảm thấy bị lừa gạt và không còn phương kế sinh sống, dân làng trở thành dân oan đi khiếu kiện đòi lại đất.

Tháng 9/2011chuyện gì phải xảy tới đã xảy tới. Hàng trăm dân oan tấn công trụ sở chính quyền, đốt xe cảnh sát.

Phản ứng của chính quyền là bắt đi 5 nông dân bị xem là nòng cốt của phong trào dân oan. Một trong năm người, sau ba ngày bị giam đã từ trần trong bệnh viện với nhiều vết thương trên thân thể. Phía chính quyền giải thích nạn nhân chết vì bệnh tim gây ra một cơn thịnh nộ trong dân chúng địa phương.

Tất cả cán bộ chính quyền bỏ trốn nhưng cấp trên cho công vũ trang phong tỏa làng từ cuối tuần trước. Trên mạng internet, từ Ô Khảm, Wukan, bị chận lại.

Theo bản tin của RFI tiếng Pháp, một nhóm phóng viên Tây phương đã vào được làng Ô Khảm sau khi được dân làng hướng dẫn vượt qua hai vòng vây công an võ trang.

Dân làng, võ trang gậy gộc, rất mừng khi tiếp xúc được với phóng viên quốc tế. Trong làng treo đầy biểu ngữ nhưng không còn bóng dáng cảnh sát hay quan chức nào. Các quyết định tranh đấu được thảo luận và biểu quyết công khai, một hiện tượng hiếm thấy từ nhiều chục năm nay tại Trung Quốc.

Theo Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội, trong 20 năm gần đây, khoảng 6,7 triệu mẫu ruộng đất bị trưng thu. Do sự chênh lệch giữa giá thị trường và giá đền bù, người dân bị lỗ 1000 tỷ nhân dân tệ (160 tỷ đôla).

Đàng sau những số tiền khổng lồ này là 50 triệu nông đã mất trắng đất cày và trong 20 năm tới, đạo binh “người cày không ruộng” tăng thêm 67 triệu nữa.

Cũng theo nguồn tin chính thức này thì 67% những vụ nổi dậy được gọi với thuật ngữ “sự cố tập thể” là bắt nguồn từ trưng thu đất đai.

Một luật sư nhận định là tình hình càng lúc càng nghiêm trọng. Chính quyền địa phương vì không đủ sức đối phó đã thuê côn đồ tấn công lại dân oan.

Theo Giáo sư Tôn Lập Bình, đại học Thanh Hoa, trong năm 2010, mỗi ngày xảy ra ít nhất 500 “sự cố tập thể”.

“Ám ảnh mùa xuân Ả Rập”

Vụ đọ sức tại Ô Khảm xảy ra trong bối cảnh căng thẳng trong xã hội mỗi ngày mỗi nghiêm trọng. Ngoài xung đột với nông dân, chính quyền còn phải đối phó với bất mãn của thành phần công nhân với những vụ đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện lao động.

Từ khi xảy ra Cách mạng Mùa Xuân Ả Rập, chính quyền Trung Quốc gia tăng trấn áp giới trí thức, luật sư, nghệ sĩ và nhà báo tự do.

Theo giới phân tích trong và ngoài nước, Ô Khảm có thể xem là tiếng chuông báo động cho chế độ.

Dân làng bày tỏ nguyện vọng qua biểu ngữ “nợ máu phải trả bằng máu”. Dù vậy, phong trào nông dân đòi quyền sống và nhân phẩm, không phải vì mục tiêu cách mạng chính trị, mà bắt nguồn từ những bất công do chính chế độ chuyên chế gây ra. Do vậy không thể hy vọng xử lý thành công bằng bạo lực.

T. A.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn