Vaclav Havel, người viết kịch và tổng thống

E. L. The Economist, 18/12/2011

TK dịch

clip_image001

Đầu năm 1989, khi vừa đến Tiệp Khắc thời cộng sản, tôi đi ngang một tòa nhà trống tại quận Podoli, thủ đô Praha. Trên lớp bụi bẩn trong cửa sổ, ai đó viết dòng chữ "Svoboda Havlovi" (Trả tự do cho Havel).

Đó là thời khắc thú vị. Nhà viết kịch ở tù (chúng tôi thường gọi ông như thế) bị giam vì tội phá hoại trật tự công cộng sau một cuộc biểu tình tranh đấu. Nhưng, dù nhà cầm quyền có thể giam cầm người này người nọ, họ đã đánh mất cả ý chí lẫn khả năng kiểm tra bên trong những cửa hàng.

Khẩu hiệu này (vẫn còn đó một năm sau khi Havel trở thành tổng thống) rất đáng chú ý vì cửa hàng cũng là chủ đề một trong những luận văn nổi tiếng nhất của Václav Havel.

Trong luận văn "Quyền lực của những người không có quyền lực" (The Power of the Powerless)

[1], ông suy tư về sự có mặt của tấm tranh cổ động có câu khẩu hiện cộng sản sáo rỗng "Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại!" treo trên tường cửa hàng rau củ:

"Tại sao anh ta lại treo bức tranh tường kia? Anh muốn gửi thông điệp gì cho thế giới? Hay anh thật lòng quan tâm đến sự đoàn kết của vô sản toàn thế giới? Hay lòng anh cháy bỏng, không kiềm chế được, phải la lên cho mọi người biết lý tưởng của mình? Hay anh đã nghĩ kỹ về cách làm thế nào để vô sản toàn thế giới đoàn kết và điều đó có ý nghĩa gì?

Tôi nghĩ ta có thể đoan chắc là hầu hết những người bán hàng không bao giờ nghĩ về những khẩu hiệu họ treo trong cửa hàng, họ cũng chẳng dùng chúng để nói lên suy nghĩ thật của mình. Thực ra thì ban quản lý xí nghiệp rau củ trao cho anh kia tấm tranh cổ động khi giao cho cửa hàng anh hành tây với cà rốt.

Anh bày mọi thứ trong cửa hàng mình, vì đó là cách anh vẫn làm bao nhiêu năm nay, vì ai cũng làm như thế, và vì nó phải là như thế. Nếu từ chối, anh sẽ gặp nguy. Anh có thể bị kiểm điểm vì không trang trí cửa hàng đúng cách; có ai đó sẽ còn tố cáo anh tội phản động nữa cơ.

Anh làm vậy, vì những việc như thế phải được tuân thủ nếu muốn sống yên thân. Đó là một trong hàng ngàn việc vặt giúp anh có một cuộc đời yên ổn, "đúng với kỷ cương phép nước" như người ta vẫn nói.”

Điều vừa kể nói lên cách mà người dân Séc và Slovak ứng xử để tồn tại sau khi Liên Xô xua quân chiếm nước họ năm 1968.

Người bên ngoài nhìn vào sẽ thấy đất nước họ mụ mị, suy nhược về đạo đức. Chống đối chỉ vô ích thôi: ngay cả khi nếu bạn thay đổi được chế độ, thì xe tăng Xô Viết sẽ nghiền nát bạn tức khắc. Vì vậy, lối thoát duy nhất là rút vào trong, tự chịu lưu đày nội tâm, trừ một số ít lưu đày ra nước ngoài.

Thứ nhiên liệu nuôi dưỡng chế độ toàn trị là một hợp chất của sợ hãi và giả dối: Anh hàng rau giả vờ trung thành vì sợ hậu quả. Havel đã nói tới điều này cũng trong bài văn trên:

“Nếu anh hàng rau được chỉ thị phải trưng khẩu hiệu "Tôi sợ hãi nên tôi tuân lệnh không thắc mắc" thì điều đó cho thấy anh vẫn còn quan tâm tới ý nghĩa của khẩu hiệu. Nhưng, nếu làm vậy, anh hàng rau sẽ thấy bất an và xấu hổ vì phải trưng khẩu hiệu nói về sự suy đồi của chính anh, cũng tự nhiên thôi, vì anh là một người có lòng tự trọng.

Để vượt qua rắc rối này mà vẫn chứng tỏ được lòng trung thành, anh đành dùng ký hiệu, để ít nhất là trên bề mặt chữ nghĩa, cho thấy một mức độ tin cậy nào đó. Niềm tin tương đối ấy cho phép anh nói rằng "Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại thì đã sao nào?"

Bằng cách đó, tấm tranh tường mỹ miều giúp anh che giấu nỗi nhục vì sợ, cùng lúc che giấu luôn ý đồ thấp hèn của quyền lực dựa trên sợ hãi.”

Nhưng, nền tảng quyền lực nông cạn này rất mong manh, nhất là khi đối diện với những hành vi bất tuân của con người. Ở cuối bài luận văn, Havel đúc kết như sau:

“Hãy tưởng tượng một ngày nào đó lòng anh bán rau bỗng khác, và anh ngưng, không trưng bày khẩu hiệu vì chỉ để được yên thân. Anh cũng chấm dứt, không bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử phường tuồng. Anh bắt đầu nói điều mình nghĩ thật trong các cuộc học tập chính trị. Và rất có thể anh còn dũng cảm bộc lộ sự đồng cảm với những ai lương tâm anh mách bảo phải ủng hộ.

Trong cuộc nổi dậy này, anh hàng rau bước ra khỏi lối sống giả dối. Anh khước từ các nghi lễ và phá bỏ luật chơi. Một lần nữa, anh tìm lại được căn tính và nhân phẩm bị đè nén bấy lâu nay. Cuộc nổi dậy của anh chính là nỗ lực sống trong sự thật.”

Dĩ nhiên cách sống đó có cái giá phải trả:

"Anh hàng rau sẽ mất chức quản lý cửa hàng, bị chuyển qua làm trong nhà kho. Lương anh bị cắt giảm. Hy vọng đi nghỉ mát ở Bulgaria coi như tiêu tan. Cơ hội cho các con lên đại học sẽ chông chênh. Cấp trên sẽ làm khó anh, đồng nghiệp sẽ dòm ngó anh.

Thực ra hầu hết những kẻ sẽ trừng trị anh cũng không làm vì niềm tin nào cả, mà họ bị đặt trong thế phải làm, cũng như anh hàng rau bị ép phải treo khẩu hiệu.

Họ buộc phải làm, hoặc để chứng tỏ lòng thành với chế độ, hoặc đơn giản hơn, vì đó là một động tác trong hoạt cảnh lớn hơn, ở đó ai cũng biết phải làm gì trong tình huống nào, mà việc đó thì lâu nay nó phải là như thế, nhất là nếu bạn không muốn trở thành nạn nhân.

Kẻ trừng trị, vì vậy, cũng giống mọi người, và một cách nào đó, họ là bộ phận của chế độ toàn trị, là tay chân trong vở diễn tự động, là dụng cụ dễ bảo của quá trình toàn trị tự động”.

Havel đưa ra kết luận nổi tiếng nhất của ông: Sống trong sự thật là tước đi tính chính danh của chế độ cộng sản, và cuối cùng khiến nó bất lực:

"Chính vì vậy mà hệ thống quyền lực sẽ mửa anh ra khỏi miệng của nó, thông qua sự cộng tác của những kẻ trừng trị, những tay chân, bộ phận vô danh của chế độ .

Anh hàng rau không chỉ phạm một lỗi nhỏ, có tính cá nhân riêng lẻ, mà phạm lỗi nặng hơn rất nhiều.

Khi phá bỏ luật chơi, anh đã làm hỏng cả trò chơi.

Anh khiến nó lộ nguyên hình chỉ là trò chơi. Anh đã đập vỡ toàn bộ những trò giả vờ, trụ cột nâng đỡ cả chế độ. Anh đã làm chao đảo cán cân quyền lực vì xé nát chất kết dính chúng lại.

Anh chứng minh sống trong giả dối đích thị là sống trong giả dối. Anh đã chọc thủng vỏ bọc hào nhoáng của chế độ và phơi bày ra ánh sáng nền tảng thấp hèn của quyền lực.

Anh tuyên bố rằng hoàng đế ở truồng. Mà cũng vì hoàng đế trần truồng thật, nên điều vô cùng nguy hiểm đã xảy ra: bằng việc làm của mình, anh hàng rau đã lên tiếng cùng thế giới. Anh giúp mọi người nhìn xuyên qua màn che sân khấu. Anh cho thấy con người có thể sống trong sự thật.

Sống trong giả dối chỉ làm nên chế độ nếu mọi người đồng lõa, nếu giả dối bao trùm và xuyên suốt mọi sự.

Giả dối không thể tồn tại cạnh sự thật, cũng vì vậy khi một người bước ra khỏi lối mòn giả dối, họ cũng phủ nhận sự giả dối về nguyên tắc và đe dọa toàn bộ hệ thống xây trên giả dối.”

Havel làm những gì ông nói. Ông không được học đại học vì là con nhà tư sản nổi tiếng. Khi những nghệ sĩ khác viết kịch ca ngợi chế độ để trục lợi, thì ông chỉ giữ chân sai vặt sau sân khấu và học kịch nghệ khi rảnh rỗi.

Khi cộng sản Tiệp Khắc phần nào nới lỏng kiểm soát trong thập niên 1960 thì các vở kịch của ông được diễn và được công chúng đón nhận. Đến năm 1968, ông trở thành người viết kịch nổi tiếng và thành công.

Với ông và những trí thức tinh hoa trong lãnh vực văn hóa, cuộc xâm lăng của Liên Xô đặt ra một vấn đề sâu sắc: hoặc bỏ đi, hoặc đồng lõa, hoặc chịu hậu quả có thể xảy ra. Triết gia trở thành thợ lò, thi sĩ đi quét rác. Havel làm trong nhà máy bia (ông viết về điều này trong vở kịch "Khán giả" (Audience)).

Giữa thập niên 1970, ông tích cực hoạt động phản kháng chế độ, bênh vực cho nhóm nhạc rock chui Người nhựa Vũ trụ (Plastic People of the Universe), năm 1977 ký tên vào bản tuyên ngôn phản kháng "Hiến Chương 77"

Cuối thập niên 1977 là những năm khó khăn cho các nước chư hầu của đế quốc Liên Xô. Havel bị bỏ tù từ 1979 đến 1984, trong thời gian đó, ông viết nhiều thư cho Olga, vợ ông, những lá thư sau này trở thành một phần của cuốn sách có lẽ được biết đến nhiều nhất của ông. Ông cũng trải qua nhiều ngày bị bắt và tra khảo.

Ra tù, mọi việc ông làm, mọi khách đến thăm, thư từ, điện thoại và lời nói đều bị lực lượng StB, cơ quan mật vụ, tay sai của những ông chủ cộng sản Tiệp Khắc, kiểm soát gắt gao.

Đợt tù tội cuối ông chịu diễn ra khi tình hình có phần tốt hơn. Lúc đó (1989) chủ nghĩa cộng sản đang sụp đổ trong các nước thuộc khối Warsaw. Tại Ba Lan, bạn thân và đồng minh của ông trong Công đoàn Đoàn Kết đang trong chuẩn bị gặp gỡ những kẻ trước đây từng đàn áp họ nhưng nay thì kiệt sức.

Trong phiên xử về quyền tại ngoại vào tháng tư, các nhà báo, nhà ngoại giao và bạn hữu (không thuộc dạng cấm đến) tại tòa đã được nghe quan chức trại giam trịnh trọng đưa ra chứng cớ cho thấy tù nhân đã chấp hành tốt nội quy trại giam. Họ không thể nói gì về việc cải tạo ông, nhưng chắc chắn ông đã không vi phạm bất cứ nội quy nào. Nghe xong, tù nhân thấp bé nhưng đậm người chỉ mỉm cười và nháy mắt ý nhị.

Tối hôm đó, đã diễn ra một cuộc liên hoan tưng bừng tại căn hộ lớn ven sông của ông. Nhiều người có mặt đêm đó là nạn nhân bị chế độ bắt nạt trong suốt 20 năm: một số trí thức phải làm việc tay chân, những người khác thì gia đình đổ vỡ, con cái mất cơ hội thăng tiến (mật vụ StB thường đe dọa tước mất quyền lợi của con để khuất phục những bậc cha mẹ cứng đầu).

Đêm đó, ai cũng như chạm được vào sự dũng cảm, tinh thần phản kháng, cùng chiến thắng đang lừng lững tiến gần. Chế độ có thể không biết, nhưng nạn nhân của chế độ thì rõ: thời của những lão già đầu thì bạc, mặt thì lạnh và tái đã đến hồi kết thúc.

***

Havel là lãnh tụ không chính thức của phong trào phản kháng Tiệp Khắc, nhưng đó không phải là vai trò ông thích gánh vác.

Ông ghét những cuộc gọi soi mói của các tờ báo, của đài phát thanh, và thường rút về căn nhà thôn quê để được bình an và yên tĩnh. Ông ghi lịch hẹn trên một tờ giấy nhỏ gấp được, nhiều khi giao cho người bạn thân Zdenek Urbanek xử lý, với phong cách bề thế và giọng nói tiếng Anh hơi run, ông này là người có thể ngăn cản cả những nhóm phóng viên truyền hình hùng hổ nhất (nhiều đội phóng viên cứ đến mà không báo trước, quyết đòi phỏng vấn "lãnh tụ đối lập" tại chỗ, bất chấp có thuận tiện và được cho phép hay không). Điệp khúc quen thuộc và đơn giản của ông là nói rằng mình chỉ là người viết kịch, không phải nhà chính trị.

Ước mơ lớn nhất của ông là có một hệ thống chính trị mà trong đó, ông có thể làm công việc duy nhất mình cảm thấy thực sự có đủ chuyên môn để làm.

Nhưng rồi tình huống khiến ông phải gạt qua một bên sự rụt rè lưỡng lự đó. Sau khi cảnh sát đàn áp dã man cuộc biểu tình của sinh viên học sinh ngày 17/11/1989, Havel và đồng sự đã thành lập Diễn đàn Dân sự (Civic Forum) – một tổ chức không thuộc đảng phái chính trị nào cả, cũng không có cả người lãnh đạo trong giai đoạn đầu.

Nhưng lãnh tụ chính là điều người biểu tình muốn có khi họ kéo tới Quảng trường Wenceslas hàng ngày, càng lúc càng đông. Khi chính quyền bắt đầu thương lượng với Diễn đàn Dân sự, và khi nhiều quan chức mất ghế trong cả đảng lẫn nhà nước, thì các bích chương với dòng chữ "Havel na Hrad" (Đưa Havel đến Lâu Đài) bắt đầu xuất hiện.

Đến tháng 12, ông lưỡng lự chấp nhận đứng ra tranh cử tổng thống (để chặn trước dự tính đưa Alexendra Dubcek, người kiến tạo Mùa Xuân Praha, trở lại vị trí lãnh đạo)[2] Một số người trẻ Ba Lan cũng nhảy vào cuộc chơi, với bích chương kêu gọi "Havel na Wawel", ý nói nếu người Tiệp Khắc không muốn Havel làm tổng thống, thì người Ba Lan sẽ phong vua cho Havel trong lâu đài Wawel ở Cracow.

***

Havel làm ngạc nhiên những người nghĩ ông quá nghệ sĩ để trở thành tổng thống đúng nghĩa. Ông đã nhẹ nhàng lướt qua các hành lang quyền lực Tiệp Khắc. Bằng tính nhân văn và hài hước của ông, ông đã trục xuất hồn ma cộng sản quen cướp quyền còn vương vất.

Diễn văn gửi công dân nhân dịp giao thừa 1989-1990 là một văn bản xuất sắc và đầy cảm xúc. Trong hành động có thể được xem như đặc trưng cho đường lối chính trị của mình, ông đã công khai ủng hộ những nhân vật bất đồng chính kiến tương tự như ông ở các nước khác.

Ông mời lãnh tụ Lithuania, Vytaustas Landsbergis, đến Praha, vào lúc nước này đang đấu tranh để ước mơ độc lập khỏi sự chiếm đóng của Liên Xô trở thành sự thật.

Ông đưa Đức Giáo hoàng đến Praha, vượt qua chủ nghĩa bài công giáo và thế tục của một số người Séc, vẫn cay cú nhớ về thời chống Phong trào Cải cách và đặc quyền của giới giáo sĩ [thế kỷ 16-17], giống như mới xảy ra hôm qua.

Ông là người bạn thân thiết của đức Đạt lai Lạt ma – vị chức sắc nước ngoài đầu tiên ông đón tiếp khi lên làm tổng thống, và cũng là một vị khách trong những ngày cuối đời ông.

Người khác có thể tìm cách ve vãn kết bạn khi thấy Trung Quốc hùng mạnh, nhưng với Havel, những gì thuộc về nguyên tắc thì vẫn cứ là nguyên tắc.

Xuất thân là những người từng bị bỏ quên trong tù tội, người Tiệp Khắc dường như không thể làm ngơ trước hiện trạng khổ đau của người Tây Tạng, Uighur [người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương], Belarussia và Cuba.

Ông cũng trục xuất được những bóng ma khác của quá khứ: mở lại quan hệ thân mật với Israel, hợp tác toàn diện với các nỗ lực bên ngoài nhằm truy tìm nhiều tay khủng bố Ả Rập được đào tạo tại Tiệp Khắc dưới thời cộng sản.

Ông cũng cải thiện quan hệ với Đức – vào thời đó vẫn là một ám ảnh đen tối với nhiều người Séc và Slovak, vì họ cho rằng việc cộng sản Tiệp Khắc trục xuất người Sudeten và những người gốc Đức khác sau năm 1945[3] sẽ không thể được tha thứ hoặc quên lãng. Ông tiếp đón vị tổng thống đáng kính Richard von Weizsäcker[4] tại Praha, cùng ra tuyên bố chung góp phần điều chỉnh lại cho đúng, một phần cũng nhờ vào những biến ảo của ngữ pháp Tiệp, những hận thù và nghi ngại giữa người Tiệp và người Đức.

Ông đã không thành công trong việc bảo vệ Tiệp Khắc khỏi những chính khách nhiều tham vọng tại Praha và Bratislava, họ nhìn thấy cơ hội tiến thân lớn cho bản thân nếu đất nước được chia cắt nhỏ hơn.

Tuy vậy, ông vẫn lại trở thành tổng thống của Cộng hòa Séc năm 1993, và thêm lần nữa năm 1998, lèo lái đất nước bước vào Cộng đồng Châu Âu và khối NATO.

Mục tiêu lớn nhất của ông, như ông thường nói, là người dân trong nước có thể sống an vui mà không bị chính trị quấy nhiễu. Nhưng đó chỉ là một trong những thành quả ông đạt được.

Là người viết kịch, viết tiểu luận, một triết gia về thân phận con người, danh tiếng của ông vươn rất xa, ra khỏi cái "nước nhỏ và buồn chán thuộc Châu Âu" mà ông đã góp phần đưa đến bến bờ tự do với tất cả lòng thương yêu.

E. L.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

[1] Có thể tham khảo bản dịch tiếng Việt “Quyền lực của không quyền lực” của Khải Minh tại đây: http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nmnnn2n0n31n343tq83a3q3m3237nvn

[2] Alexandra Dubcek (1921-1992), bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc (1968-1969), người chủ trương cải cách chủ nghĩa cộng sản với khuôn mặt người. Những biến động vào "mùa xuân praha" 1968 khiến Liên Xô xua quân đàn áp vào tháng 8/1968. Sau đó Dubcek bị sa thải khỏi Đảng Cộng sản. Ông ủng hộ Diễn đàn Dân sự, vào ngày 14/11/1989 Havel và Dubcek cùng có mặt phát biểu trước rất đông người biểu tình tại Quảng trường Wenceslas, ông làm quần chúng hơi thất vọng khi kêu gọi sửa đổi những sai lầm của chế độ cộng sản, trong khi quần chúng không còn muốn cộng sản nữa. Cũng trong đêm đó, Cách mạng Nhung lên đến đỉnh điểm, toàn bộ giới lãnh đạo của cộng sản Tiệp Khắc từ chức. 28/12/1989, ông trở thành phát ngôn viên của quốc hội liên bang, được tái đắc cử năm 1990, 1992, trong khi Havel trở thành tổng thống.

[3] Cuối thế chiến thứ II, có tới 3 triệu người gốc Đức bị trục xuất khỏi Tiệp khắc, và có tới 300.000 người chết trong các vụ bạo động liên quan.

[4] Richard von Weizsäcker: Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức 1984-1994, cũng là tổng thống đầu tiên của nước Đức thống nhất sau Chiến tranh lạnh.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn