Võ dọa bố

Phương Bích

Cùng chia sẻ - Đọc bài Võ dọa bố mà mấy lần nghẹn ngào. Hai cha con nhà chị này thật hạnh phúc! Hai cha con có một cái mẫu số chung nghĩ gì làm gì để đi tới hạnh phúc, cái mẫu số chung được người cha gần 90 tuổi nói ra: “Bố không nói con sai, nhưng đối đầu với chính quyền khó lắm con ơi. Họ không bắt con, nhưng họ thiếu gì cách…

Rất có thể, cùng vào giờ khắc ấy, có cha con nhà khác cũng sụt sùi với nhau, mẫu số chung cũng là nghĩ gì làm gì để đi tới hạnh phúc, nhưng nội dung lại là những âm mưu: làm gì để chuyển hết tiền vào một cái danh nghĩa nào đó, làm gì để cha cài cắm con vào một cấp bậc nào đó, làm gì để đề phòng … Ta cứ phòng bị gậy, con ạ! Chớ có tin cái bọn nhân dân mà có lúc khốn đấy!

Trên đời này, có những cặp cha con hoàn toàn khác nhau. Gọi đó là đa dạng sinh học xã hội!

Phạm Toàn

Đang ngồi trong buồng, tôi nghe thấy có tiếng rì rầm ngoài phòng khách. Lạ thật, giờ này làm gì có khách nào đến chơi nhỉ? Tôi ngó ra phòng khách, chả thấy ai ngoài bố đang nằm ngủ trưa trên võng, vừa ngủ vừa làu bàu nói gì đó. Đã định quay trở vào, nhưng đúng lúc ấy tôi bỗng nghe thấy bố nói rất rõ: giả rồi.

Chẳng hiểu sao tôi nghĩ ngay cái câu ấy nó liên quan đến tôi. Tôi bèn đứng lại, nhìn vào khuôn mặt bố. Bố đang nói chuyện thật, những tiếng nói trong cơn mơ ngủ không rõ ràng, hệt như người nói ngọng. Nét mặt bố thay đổi liên tục, lông mày nhướng lên, mi mắt hấp háy như cố mở ra. Trong những tiếng nói ú ớ không rõ ràng ấy, tôi lại nghe được câu: đời tôi với bà…

Hóa ra bố đang nói chuyện với mẹ! Bỗng mặt bố nhăn nhúm lại, miệng mếu xệch, rồi từ khóe mắt bố nước mắt ứa ra. Bố đang khóc!

Tôi quay vào buồng, ngồi nhìn trân trân vào màn hình máy tính. Tôi đoán bố nói với mẹ, rằng công an họ đã trả máy tính cho tôi rồi. Tôi đoán bố nghĩ đến chuyện tôi bị bắt, bị đi tù …

Hồi tôi còn bé, bố thường đi công tác biền biệt. Mỗi khi bố về là nhà như có hội. Buổi tối, năm chị em tôi quây quần bên bố, nghe bố kể chuyện gián điệp. Tôi là út ít, thường được ngồi trong lòng bố. Bố nghiêm lắm, cũng đánh con cái khi dạy dỗ. Nhưng bố là người rất chu đáo. Khi tôi đi học về, chỉ cần nhìn mâm cơm là tôi biết ai để phần, chỉ có bố mới để phần tươm tất như thế. Lúc lớn, đi chơi về muộn, bố đã mắc màn sẵn, dắt màn rất cẩn thận, tôi chỉ có việc chui vào ngủ thôi.

Ngày trước, bố được cấp một khẩu súng lục K54. Thỉnh thoảng tôi lại lấy trộm súng ra, thử đóng vai cảnh sát. Cũng nai nịt thắt lưng, lên đạn, chĩa súng vào gương, bóp cò tanh tách, ngắm mình oai thế nào. Một lần sơ sểnh, tôi quên không rút băng đạn ra, thế là xoạch một cái, viên đạn vàng chóe đã nằm trong ổ đạn. Tôi sợ điếng người, không dám nói với bất cứ ai, cứ canh chừng cái khẩu súng để trong tủ, chỉ sợ bố đi công tác lại lôi súng ra lau chùi…Hồi ấy tôi đã học lớp 10 rồi mà còn nghịch thế.

Đến giờ học quân sự, thấy thầy giáo dạy cách tháo đạn, tôi hỏi thầy tháo đạn súng lục có giống súng trường không. Thầy bảo giống, nhưng tôi không yên tâm. Tiết quân sự sau, tôi lén lấy khẩu súng của bố ra, cho vào cặp rồi đem đến lớp thầy nhờ tháo hộ. Thầy hốt hoảng khi nhìn thấy khẩu súng, bảo chưa bao giờ tháo loại súng này. Bọn con trai bu đến xem làm tôi ân hận là mình đã nhờ thầy. Thầy bảo để thầy đem xuống phòng giáo viên thử tháo xem. Lúc thầy đang loay hoay với khẩu súng thì cô hiệu phó đi qua trông thấy, thế là cô hiệu phó tịch thu luôn khẩu súng và báo công an. Sau đó tôi bị gọi lên phòng hiệu phó. Một chú công an trẻ, rất đẹp trai hỏi cung tôi, bắt tôi kê khai tên bạn bè, không tin là tôi không hề chơi với bọn con trai. Trong khi tôi ngồi viết, tôi liếc nhìn chú công an đang tháo đạn ra. Trời đất ơi, nó đơn giản thế mà sao tôi không biết chứ.

Thấy tôi nhìn trộm, chú công an tủm tỉm cười bảo: trước khi học bắn thì phải học cách tháo đạn đã, nữ xạ thủ nhé. Mặc dù đang sợ, tôi vẫn đứng tim trước nụ cười của chú ấy. Sao hồi ấy, tôi yêu các chú công an, các chú bộ đội đến thế.

Rốt cục họ không trả súng cho tôi, bảo về nói bố ra đồn công an nhận lại súng. Tôi đến cơ quan bố, kể lại sự việc với chú trưởng phòng hành chính xong rồi trốn luôn, không dám về nhà nữa.

Tôi đến nhà đứa bạn ngủ. Hôm sau tan học, tôi thấy bố đứng chờ ở cổng trường. Bố không mắng gì, chỉ bảo bố phần cơm rồi, về ăn đi. Thấy tôi đứng im, cúi gầm mặt xuống, bố nhẹ nhàng bảo: Cả đời bố đi làm cách mạng, cũng có khi phạm lỗi nhưng cách mạng cũng không xử bắn bố. Huống hồ là con, con có lỗi thì bố có thể bắn con hay sao mà phải trốn. Thôi về nhà đi, cơm nóng bố ủ trong chăn ấy.

Sau này bố không lần nào nhắc lại chuyện cũ. Tôi lân la hỏi chuyện về khẩu súng thì bố bảo bố đem trả rồi. Thời bình, không cần dùng súng nữa.

Bây giờ tôi không còn là cô gái mười bảy tuổi. Bố cũng đã 89 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời rồi, thế mà tôi đã làm bố khóc trong mơ. Có cái gì đó đau lắm trong tim tôi. Khi gõ những dòng chữ này, nước mắt tôi vẫn nhòe nhoẹt.

Lúc bố thức giấc, tôi thử thăm dò bằng cách bảo bố nói mê loạn xạ. Bố cười buồn, nói bố mơ một giấc mơ đau khổ quá, không muốn kể lại nữa. Sau đó bố bỏ đọc báo, cứ chắp tay trước bụng, ngồi trầm ngâm. Đến bữa bố ăn có lưng bát cơm. Buổi tối bố cũng không xem ti vi, cứ ngồi im lặng trên ghế. Tôi đến bên bố hỏi:

- Bố sợ con bị bắt à? Thế bố có nghĩ con làm sai điều gì không?

- Bố không nói con sai, nhưng đối đầu với chính quyền khó lắm con ơi. Họ không bắt con, nhưng họ thiếu gì cách… bố chỉ muốn những năm cuối đời được sống thanh thản, cho đến lúc đi gặp ông bà tổ tiên thôi.

Trái với ý muốn, tôi bắt đầu gắt um lên:

- Thế ngày xưa, khi bố và bác Tính (*) đi hoạt động cách mạng, nó biết thì nó giết cả nhà. Thế ngày ấy bố và bác Tính có nghĩ đến gia đình không? Bà có ngăn cản bố và bác Tính không? Bây giờ thời bình rồi, có phải kẻ thù đâu mà bố sợ thế. Bố biết con không làm gì sai, thấy họ bắt con trái phép, sao bố không chống gậy đến tận nơi mà hỏi tại sao họ bắt con. Bao nhiêu ý chí ngày xưa của bố đâu hết rồi. Bố bất bình về những gì bố nghe thấy, nhìn thấy ở ngoài xã hội nhưng bố cứ im lặng thì ai biết đấy là đâu, rồi người ta lại nói xã hội luôn có được sự đồng thuận cao. Ít ra yêu cái gì, ghét cái gì thì cũng phải nói chứ. Nếu bố sợ con làm ảnh hưởng đến bố thì để các chị về chăm bố. Bố cứ từ con đi, để con ra ngoài xã hội con tự kiếm sống.

- Thôi, con nói thế thì bố chịu thua rồi, bố đầu hàng rồi.

Tôi bỏ vào buồng, muốn khóc mà không khóc được. Tôi sẽ phải ân hận suốt đời vì đã dọa bố thế. Làm sao tôi có thể đòi hỏi dũng khí ở một ông già gần 90 tuổi như bố chứ. Không có bố, liệu đời tôi có được như ngày hôm nay không? Cả cuộc đời bố đã lo cho vợ cho con. Bây giờ bố già rồi, không tự lực được nữa thì tôi lại dọa bỏ bố mà đi.

Mặc dù cái cách tôi làm là tàn nhẫn, nhưng nó cũng giống như một liều thuốc, khiến bố vượt qua được phút yếu đuối của tuổi già. Ngày hôm sau bố còn dậy sớm hơn thường lệ, quét nhà, tưới cây rồi tập thể dục. Bố bảo tôi về Thành Công thay pin đồng hồ cho bố, thái độ vui vẻ như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Nhân tiện đi làm thủ tục về hưu, tôi mua một con vịt luộc về, hái lá húng tự trồng trong chậu, pha nước chấm bố ưa thích rồi đứng gỡ thịt cho bố ăn. Hai bố con vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả về đủ thứ chuyện trên đời. Thấy bố khen thịt mềm và ngọt, tôi vui lắm. Hai bố con còn tự thưởng một chai bia về sự “can đảm” của mình.

Cuộc sống trở lại bình thường. Tôi vừa in bài của giáo sư Nguyễn Minh Thuyết phát biểu trước Quốc hội, truy trách nhiệm của chính phủ về vụ Vinashin cho bố đọc, bố khoái ghê lắm. Nhưng tôi cũng thầm hứa, sẽ cố gắng không tận dụng cái món võ dọa ấy nữa. Thực ra bố luôn ủng hộ tôi đấy chứ, chỉ tại nhè lúc tôi đi vắng, mấy ông công an cứ dùng cái võ to nhỏ tỉ tê thế này thế nọ khiến bố nao núng tý chút thôi. Nhưng cái võ của họ đã không thắng được cái võ của tôi. Đời nào bố nghe họ mà bỏ con gái út ít chấy rận của bố chứ. (Hic! Chấy rận U60 đấy).

P. B.

(*) Tên anh ruột bố, năm 1946 là bí thư tỉnh ủy tỉnh Hải Dương …

Nguồn: chimkiwi.blogspot.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn