Bắn vào Sheriff

Nguyễn Quang A

Ngay những ngày đầu năm 2012 dư luận chứng kiến một vụ cưỡng chế thu hồi đất có hậu quả tai họa. Tại xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, sáu công an và cán bộ thi hành cưỡng chế thu hồi đất ngày 5-1-2012 đã bị mìn tự tạo và súng săn của những người bị thu hồi đất làm trọng thương. Ngày 7-1-2012 Cơ quan cảnh sát điều tra Hải Hòng đã khởi tố vụ án “giết người và chống người thi hành công vụ” và đã bắt tạm giam 6 người.

Vụ này chắc sẽ còn được bàn luận nhiều và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc sửa đổi Luật Đất Đai.

Theo tác giả Quang Trung trên Đời Sống và Pháp Luật, anh Đoàn Văn Vươn, một người lính, một kỹ sư nông lâm, khi ra quân năm 1986, đã trở về địa phương lấn biển, tạo hành lang bảo vệ để lấy diện tích khai thác nuôi trồng thuỷ sản. Nhiều năm trời, Đoàn Văn Vươn cùng anh em họ hàng đã vật lộn với biển, bão tố và quần quật lao động đưa hơn 20.000 m3 đất, đá về để lấn, cải tạo biển thành đầm nuôi tôm, và nhờ đó gần 70 ha rừng vẹt ngăn sóng biển đã bám trụ thành công. Anh đã mất đứa con gái yêu 8 tuổi chính tại nơi đây. Vài dòng cuối của tác giả Quang Trung như báo hiệu điềm dữ: “Những việc anh làm có trời biết, đất biết. Còn việc đời và mất mát của anh, tôi cũng chỉ chia sẻ được phần nào. Bởi có những lúc, lòng người còn dậy sóng hơn biển cả. Đứng với anh trên con đê nơi có cống Rộc, phóng tầm mắt nhìn ra, ngút ngát một mầu xanh,  mầu xanh tươi từng thấm đẫm cả máu, mồ hôi và công sức. Phía xa hình như đang có một cơn giông…

Và cơn giông định mệnh đã đến ngày 5-1-2012.

Theo Người Lao Động, “năm 1994, một số hộ dân, trong đó có hộ ông Vươn, được UBND huyện Tiên Lãng giao đất để nuôi trồng thủy sản với thời hạn 14 năm. Hết thời hạn, UBND huyện ra quyết định thu hồi khu đầm này. Sau đó, các hộ dân đã khởi kiện ra TAND huyện Tiên Lãng yêu cầu hủy quyết định thu hồi diện tích đầm trên. Tháng 11-2009, TAND huyện mở phiên sơ thẩm, bác đơn khởi kiện của các hộ dân.

Các hộ dân này đã kháng cáo lên TAND TP Hải Phòng. Trong quá trình thụ lý vụ án, ngày 9-4-2010, thẩm phán Ngô Văn Anh đã lập “biên bản tạo điều kiện cho các đương sự tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án” có đóng dấu của TAND TP Hải Phòng. Theo biên bản này, ông Đoàn Văn Vươn sẽ rút đơn kiện, còn UBND huyện Tiên Lãng đồng ý cho ông Vươn và các hộ dân tiếp tục thuê lại đầm. Tuy nhiên, vừa qua, UBND ra quyết định thu hồi đất của ông Vươn và tổ chức cưỡng chế vào ngày 5-1.”

Qua những thông tin trên có thể thấy anh Vươn đã khai hoang, lấn biển từ trước khi có Luật Đất Đai năm 1987 và khá lâu trước Luật đất đai 1993 và 2003.

Điều 5 của Luật 1993 này nêu rõ Nhà nước khuyến khích người sử dụng đất đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn và áp dụng các thành tựu khoa học – kỹ thuật vào các việc…khai hoang, vỡ hoá, lấn biển, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, đất cồn cát ven biển để mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và làm muối”. Điều 12 của Luật Đất Đai (2003) cũng khuyến kích tương tự về “khai hoang, phục hoá, lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hoá vào sử dụng”.

Như thế, lẽ ra chính quyền đã phải cấp quyền sử dụng lâu dài (20 năm, theo Điều 20 Luật 1993 hay Điều 67 Luật 2003) cho anh Vươn và những người như anh chứ không phải 14 năm vì giao 14 năm như thế là chính quyền đã vi phạm luật. Nếu đã giao 20 năm, thì đến 2014 mới đến hạn và ngay cả khi đó chính quyền cũng chỉ được thu hồi theo Điều 26 và 27 của Luật đó (hay Điều 39 của Luật Đất Đai 2003).

Có thể thấy trong vụ này cần làm rõ quyết định thu hồi đất do người dân lấn biển để nuôi trồng thủy sản liệu có đúng pháp luật hay không. Người dân, trong đó có anh Vươn, đã dùng các phương tiện pháp lý để kiện, để kháng án, và những việc này cũng phải làm rõ trước công luận.

Vấn đề mấu chốt ở đây là phải rạch ròi giữa đất công (do nhà nước hay một cộng đồng sở hữu) và đất tư (do cá nhân sở hữu).

Theo luật tự nhiên, đất hoang được ai khai phá là đất của người ấy. Người dân có thể sở hữu đất bằng cách khai khẩn đất vô chủ, mua hay nhận chuyển nhượng đất đã có chủ. Theo luật tự nhiên, đầm do người dân lấn biển để nuôi trồng thủy sản ở Bắc Hưng, Tiên Lãng phải thuộc sở hữu của họ.

Đáng tiếc từ 1987 đến nay Luật đất đai quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý” ngược với luật tự nhiên mà luật pháp của hầu hết các nước (kể cả Việt Nam kia) đều chấp nhận việc phân định rạch ròi giữa đất công và đất tư.

Nhân vụ Tiên Lãng, đọc lại cuốn “Sự bí ẩn của tư bản” của De Soto – do tôi dịch và nghe nói đã chuyển cho các đại biểu Quốc Hội trước khi bàn và thông qua Luật Đất Đai 2003 (mà sau đó nhà xuất bản chính trị quốc gia đã xuất bản với tên “Sự bí ẩn của vốn” năm 2006) – và thấy rất đáng đọc lại nhất là Chương 5 “Những bài học bị bỏ sót về lịch sử Hoa Kỳ” (tr.113-162).

Trong chương này có tiểu mục mang tiêu đề “Bắn vào Sheriff” (tr.126-128), được NXB đổi lại thành “Bắn vào cảnh sát trưởng”, mà phần chính như sau:

Những người nhập cư đã bắt đầu vạch ranh giới, cày ruộng, xây nhà, chuyển nhượng đất, và thiết lập tín dụng trước xa việc chính phủ ban cho họ quyền làm như vậy. Bất chấp việc làm ăn táo bạo, dũng cảm của họ, tuy nhiên, nhiều nhà chức trách vẫn tin chắc rằng những người Mĩ mới này đã trắng trợn vi phạm luật và phải bị truy tố. Nhưng điều này đã không dễ làm. Thậm chí khi George Washington, người cha của Hoa Kì, đã cố đuổi những người đã chiếm đất trang trại của ông ở Virginia, luật sư của ông đã cảnh báo rằng “nếu ông thắng vụ kiện chống lại những người định cư trên đất của ông, thì chắc họ sẽ đốt nhà cửa và hàng rào của ông”.

Quan hệ giữa các bang khác và những người chiếm đất địa phương cũng bắt đầu nóng lên. Thậm chí trước Cách mạng, những người định cư từ Massachusetts đã bắt đầu định cư rồi ở Maine, vùng đất mà Massachusetts đòi ngay từ 1691. Lúc đầu, các chính trị gia Massachusetts đã chịu chấp nhận sự gia tăng những người chiếm đất ở vùng Maine xa xôi. Tuy nhiên, sau Cách mạng, với ngân khố trống rỗng và đồng tiền mất giá, các chính trị gia Massachusetts ngó tới vùng đất mênh mông của Maine như một nguồn thu nhập mới chủ yếu. Đột nhiên, những người chiếm đất ở Maine đã là trở ngại cho việc bán các lô đất lớn. Năm 1786, thống đốc ra một tuyên bố cấm chiếm đất ở Maine.

“Để làm yên lòng những người mua tiềm năng, Massachusetts đã chỉ định một uỷ ban để khảo sát và đòi “những kẻ chiếm đất” bất hợp pháp trả tiền. Hầu hết những người chiếm đất, tuy vậy, đã hoàn toàn từ chối di dời hoặc trả tiền đất. Thay cho việc thoả hiệp với những người chiếm đất, bang đã điều các sheriff để thực thi các thủ tục trục xuất hợp pháp, châm ngòi thùng thuốc nổ đã dẫn đến cái mà một sử gia đã mô tả như “cái gì đó giống một cuộc chiến tranh công khai”… Và khi một sheriff đã bị giết trong khi cố gắng trục xuất một người chiếm đất, ban hội thẩm đã từ chối kết án người được cho là kẻ giết người. Một phần như một kết quả của những hệ quả chính trị của sự thù địch giữa những người chiếm đất ở Maine, Massachusetts đã ưng thuận tư cách bang của Maine vào năm 1820.

De Soto, một người Peru, khi viết về lịch sử xử lý vấn đề sở hữu đất đai của Hoa Kỳ, đã phải thốt lên “Đối với một người thuộc thế giới thứ ba như tôi, bức tranh quá khứ này của người nước ngoài (Mỹ) thật quen thuộc đến kinh ngạc”.

Chúng ta cũng có thể học được nhiều từ cuốn sách của De Soto và từ lịch sử quản lý đất đai của bản thân cha ông chúng ta và cả từ chính quyền thuộc địa.

N. Q. A.

Nguồn: anhbasam.wordpress.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn