Năm mới có nhiều nhạy cảm

PV Quốc Doanh

image Sang năm mới Nhâm Thìn, báo chí lề phải đồng ca, đất nước đã qua một năm nhiều thắng lợi, mở ra triển vọng giành những thắng lợi to lớn hơn nữa. PV Quốc Doanh tôi không dám luận bàn như thuở còn Liên Xô, năm nào cũng im lặng nghe tuyên bố phe xã hội chủ nghĩa giành nhiều thắng lợi có ý nghĩa quyết định; đầu năm chỉ tính chuyện đi chúc tết. Một người bạn thân của tôi nhắc, năm nay chúc tết phải cẩn thận lời ăn tiếng nói, tránh những điều “nhạy cảm” đang như cạm bẫy giăng mắc.

Trước tiên, không nên hỏi thăm vợ người ta. Chẳng hạn, đừng hỏi vợ người ta có mạnh không, kinh doanh thế nào; tránh hỏi chuyện người ta cưới vợ hoặc vợ người ta con cái nhà ai, hỏi như thế có khi như chê người ta chồng chằng vợ đụp đầu đường xó chợ. Cũng không nên hỏi, năm mới vợ người ta đã đi đâu chưa. Bởi vì, đã thành lệ lâu rồi, đi thăm hay dự lễ lạt đâu đó, bộ trưởng được 2 triệu đồng, thứ trưởng 1,5 triệu, vụ trưởng 1 triệu, vụ phó 0,5 triệu, dù danh sách duyệt chi chỉ trăm nghìn đồng một người. Đó là ngày thường, tết nhất phải hơn. Vợ đi theo dĩ nhiên không ai dám quên, nên hỏi thăm vợ người ta đầu năm đi chúc tết nhiều nơi là ngang bằng xỏ xiên người ta đầu năm đã vợ chồng kéo nhau đi bóp nặn thiên hạ.

Cũng không được hỏi thăm con cháu của người ta. Ví như con người ta học đại học bên Anh, 6 năm chưa tốt nghiệp vì ngu dốt (bên đó chặt chẽ đầu ra, lúc nào hoàn thành các môn học mới được tốt nghiệp) nhưng lại có khả năng tổ chức bữa tiệc cỡ 60.000 bảng Anh, mời nhiều quan chức lớn bé đến dự. Hỏi thăm là như dò la lấy tiền đâu ra, dễ bị khóa mồm lại. Rồi con người ta ra đường khi xung lên thường chửi bậy hay phun nước bọt vào cảnh sát giao thông, hỏi đến buộc người ta phải nói tránh là, đồ vô văn hóa như thế không phải con người ta, thì khác gì buộc cha con người ta từ mặt nhau! Cháu người ta cũng thế, hay dính vào ba cái chuyện tình ái lăng nhăng, cậy quyền cậy thế làm càn có khi liên quan giết người, hỏi đến kẹt cho người ta lắm.

Chuyện nhà cửa, đất đai của người ta cũng phải tránh; bởi khó biết thứ nào mua thứ nào chiếm. Có người đã chiếm hàng héc-ta rừng phòng hộ, hàng trăm mét vuông đất ở thành phố để xây biệt thự đấy, hỏi không khéo bị cho là móc máy. Không nên hỏi cả việc xây nhà thờ gia tộc người ta vì đó cũng là vấn đề “nhạy cảm”.

Lại càng không được hỏi chuyện ăn uống của người ta. Dân xứ ta xưa kia gặp nhau hay hỏi, bác ăn cơm chưa, nay tuyệt đối cấm. Càng không nên như mấy ông trong Nam Bộ, xuề xòa hỏi tối qua nhậu có lâu không, nhậu với ai mà kéo dài đến 3 tiếng đồng hồ lận, không khéo mang họa vào thân đấy.

Tránh cả hỏi chuyện công tác của người ta. Vì bữa hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tư đã khẳng định, một bộ phận không nhỏ từ cấp cao trở xuống cán bộ đảng viên bị suy thoái đạo đức, nên hỏi chuyện công tác sẽ dễ sơ sẩy lời nói làm người ta nghĩ rằng, cho người ta đã thuộc bộ phận lớn ấy. Việc công còn là nơi kiếm chác của người ta, không biết đâu mà lường, nên né trước là hay nhất. Ba cái chuyện đạo đức lặt vặt như ông bí thư xã nọ chui lộn mùng bà sui gia cũng đừng nhắc tới, vì biết đâu ông to hơn cũng chui lộn mùng, có khi còn chui lộn mùng của con dâu hay tình nhân của con ruột.

Cuối cùng, chuyện thế giới, trước kia có thể khoác lác một tấc lên giời thì nay cũng phải giữ mồm giữ miệng. Nhắc đến lãnh đạo Libya chết trong ống cống dễ bị cho là trù ẻo nhau; nói chuyện cha con lãnh đạo Triều Tiên hay anh em lãnh đạo Cu Ba truyền ngôi cho nhau có thể làm người ta nghĩ mình ám chỉ không lành mạnh; ca ngợi Mỹ hay Nga đều dễ bị quy là lập trường thiếu kiên định; ca ngợi châu Phi cũng đừng vì nước ta đã nghèo hơn nhiều nước xứ đó không khéo rơi vào ý đồ “diễn biến hòa bình”; còn mọi chuyện ở Trung Quốc đều là vấn đề “cực kỳ nhạy cảm”.

Ngờ đâu, đầu năm mới Nhâm Thìn, chuẩn bị đi chúc tết, tôi lại được biết có nhiều “nhạy cảm” như vậy. Người bạn của tôi giải thích, vì đất nước ta đang vận hành theo nguyên lý không giống ai. Trước hết, con người do trời sinh ra vốn khác nhau, nên luôn có người giàu và người nghèo, người làm quan và người làm dân, từ cổ chí kim ở mọi xó xỉnh trên trái đất đều vậy. Cái tự nhiên ấy khi mặc sức phát triển là xã hội dã man, cá lớn nuốt cá bé, cắn xé nhau như thú vật; nên xã hội hiện đại đã sinh ra luật lệ để hạn chế sự chênh lệch tự nhiên ấy, bằng cách lấy của người giàu chia cho người nghèo (các sắc thuế, quỹ an sinh, từ thiện…), hạn chế quyền của quan và tăng quyền của dân (mở rộng tự do, dân chủ…), nhờ thế loài người ngày càng văn minh. Ở nước ta, như cái ông trời con kia, du học 6 năm chưa hoàn thành được chương trình 4 năm, nhưng lại bình thản chi 60.000 bảng Anh cho một cuộc ăn nhậu hoành tráng mà không sợ ai phê phán, cho thấy đang ở thời dã man, thiếu tự do, dân chủ để tiến tới văn minh.

Rốt cục, anh bạn thân của tôi nhắc tôi tránh những vấn đề “nhạy cảm” không phải để tránh gây hại cho đất nước, hay cho những người có quyền và có tiền. Đất nước không hề bị thiệt hại khi nói những chuyện “nhạy cảm” như thế, những người có quyền và có tiền thì đã là xương đồng da sắt có ai dám đụng đến đâu. “Nhạy cảm” chỉ để nhắc nhở dân đen như tôi mà thôi, da thịt bình thường đâu đâu cũng dễ bị cắn xé.

Xuân Nhâm Thìn

PV Q. D.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn