Sấm trên núi

Châu Diên

Truyện ngắn dưới đây là của Châu Diên (bút danh của Phạm Toàn trên các sản phẩm nghệ thuật) đã in trên báo Thanh niên năm 2007 và in trong tập truyện ngắn Sấm trên núi (nhà xuất bản Thời đại, Hà Nội, 2008).

Nhân có vụ việc xảy ra với bác nông dân Đào Văn Vươn, tác giả gửi Bauxite Việt Nam in lại, để tỏ tấm tình với tất cả các bác nông dân, như lời tác giả.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc và xin ngỏ lời cảm ơn thái độ công dân và thái độ xã hội của nhà văn Châu Diên.

Bauxite Việt Nam

Nhân vật chúng ta sẽ bắt gặp trong truyện này tên là Thuyên. Bạn bè quen gọi ông là Thuyên Gàn. Dần dần tên thật và tên hiệu bị gọi chệch đi thành ông Hàn Thuyên.

Đã mười hôm nay, người vợ thấy hình như ông chồng có chuyện gì khác thường. Đó là bà vợ tinh tế biết chăm sóc ông cho tận khi ông về già. Bà đã đoán đúng là ông Hàn Thuyên “có chuyện” gì đó. Song, chuyện gì thì chỉ có ông biết. Mấy hôm nay, cái ông bạn già phải gió lại gửi cho ông quẻ Dịch chỉ gồm có ba chữ Sấm trên núi…

Ông ra đứng bên ban công căn hộ ông mới tới ở. Từ tầng cao thứ mười lăm của căn hộ chung cư hiện đại, ông nhìn xuống dưới. Ông lẩm nhẩm trong đầu như người làm thơ vẫn hay lầm bầm như thế nhà cao tầng nhìn xuống thấy trăng và sao đang mọc.

Thế rồi chièu nay bà thấy ông cạo râu, rồi lại vã một chút nước hoa sau khi cạo râu vào mặt, nên bà không nhịn được tò mò.

– Ông định đi đâu thế?

– Có định gì đâu…

– Ông sao vậy, như người thất thần… Ông nên ở nhà… Muộn rồi, đừng ra ngoài nữa, trời đang chuyển mùa, gió máy…

– Ờ… ờ…

Bà vợ đã có kinh nghiệm sống chung với ông, khi ông nói “ờ ờ” tức là ông không định “ừ” đâu, và vì thế bà căn vặn:

– Giờ này, sắp tối rồi, ông còn định …

– Ờ… ờ…

Trời đâu đã lạnh và đâu đã sắp tối? Sấm trên núi thì đâu có lạnh và tối?

Đúng thế, trời chưa kịp tối, cũng chưa lạnh chuyển mùa khiến bà vợ phải lo lắng cho ông. Ông vẫn mặc áo cộc tay và để bà vợ ở nhà một mình tròn xoe mắt nhìn theo cái bóng người đâm đậm lững thững bước ra khỏi nhà.

Ông đi bộ qua một cái ngõ nhỏ chen chúc người và mùi thịt nướng, rồi ông bước ra một phố lớn chen chúc những biển hiệu, và ông bước đi về mạn đê sông Hồng.

Điện thoại di động trong túi áo ông rung rung. Ông nhìn thấy mấy chữ Núi đang gọi…

“Núi”, đó là tên cô học trò ông đang hướng dẫn viết một cái gì đó mà ông không bao giờ thoả mãn và cô ta cũng không khi nào chịu nhận rằng con người không thể thoả mãn dễ dãi đến thế.

Ông đã bắt buộc cô đi về cái làng quê ấy. Ở đó xảy ra một chuyện và người bạn cựu chiến binh đã gọi điện báo tin cho ông. “Hàn Thuyên đó hử?” “Ờ Thuyên Gàn đây”. “Buồn quá, mày!” Những người bạn già, kề miệng lỗ vẫn mày tao. Ông Thuyên nói “Có chuyện gì mà buồn, nói đi mày!” “Buồn vì mình bất lực”. “Thì nói đi…” Hoá ra đó là chuyện ở làng ông bạn cựu chiến binh kia. Người ta ngoắc tay nhau chiếm một mảnh đất khá lớn. Cứ như thế thì không sao. Nhưng bây giờ một ông cựu chiến binh khác có thể bị ra toà. Tội gì? Tội chống người thi hành công vụ. Tội giữ xe ô-tô của người thi hành công vụ. Khi cái mảnh đất kia đã thành chuyện công vụ, thì người nào đụng đến nó đều mang vạ chống người thi hành công vụ.

Ông Thuyên thở dài. Sấm trên núi… Quẻ Dịch đó có nghĩa gì? Ông già rồi. Ông bảo cô học trò phải về cái làng quê đó…

Ông bấm nút máy để nghe.

– Thầy à…

– Thuyên Gàn đây.

– Em cần gặp thầy ngay.

– Vui hay buồn?

– Vui và buồn.

– Em đến nhà đi.

– Không, em muốn thầy đi ra phía bờ đê sông Hồng… Trời đẹp quá. Mùa thu Hà Nội rồi.

– Đến nhà tôi nhìn từ tầng mười lăm xuống cũng có mùa thu.

– Không đâu, cao quá, không có mùa thu. Em muốn nói chuyện với thầy ở một chỗ ngồi thâm thấp bên bờ sông Hồng.

Ông Thuyên nghĩ bụng: thì đúng là mình đang đi về phía đê sông Hồng đây! Cô học trò này hình như là phù thuỷ. Phù thuỷ hoặc là tiên nữ. Cô có thể đoán được mình đang thích gì và đang nghĩ gì. Nhưng ông không chịu chấp nhận là cô học trò có khả năng đoán được ý thích của mình. Ông nói dối:

– Bờ sông Hồng, ô kê, tôi sẽ đi bộ ra đó.

– Em phóng xe ra đó.

– Chỗ nào?

– Chỗ có cái quán thịt vịt với mấy lùm tre…

Họ ngôi đó, một quán hàng chưa kịp đông đúc, tiếng nhạc chưa kịp làm nát tai người nghe, và người chạy bàn lịch sự im lặng nhưng vẫn không giấu nổi vẻ khinh thị khi thấy hai vị khách quý không đập phá gì hết mà chỉ gọi có mấy đĩa rau đủ các loại rau.

– Mình chỉ gọi ăn rau, nhà hàng chắc là không thích lắm.

– Rau bây giờ là sành điệu, thầy ạ.

– Chuyện ở làng ông bạn tôi ra sao?

– Trời thu Hà Nội đang đẹp, nghĩ làm gì vội chuyện làng quê với ông bạn già?

Dưới sông, một chiếc sà lan đen thui lừng lững đi qua, im lặng như một người xẩm mù đang sờ soạng tìm đường đi. Giữa sông, doi đất lừng lững năm như một con tàu chiến dài ngoẵng ngoi đầu về phía cây cầu. Lại một chiếc sà lan nữa trôi qua sát bờ sông, đen thui, lừng lững, sờ soạng lần mò trong bóng tối chạng vạng.

– Tại sao cả hai chiếc sà lan vừa đi qua đều không đèn đóm gì nhỉ?

– Đó không phải trách nhiệm của thầy, lo nghĩ làm gì?

– Nhưng nhỡ họ đâm vào nhau, hoặc đâm phải người khác?

– Thầy có ngửi thấy mùi khói không?

– Mùa thu bao giờ cũng phảng phất mùi khói.

Hai người lại ngồi im lặng. Ba đĩa rau trên bàn chẳng ai đụng đũa. Như thể hai người gọi ba đĩa rau chỉ để trả tiền ghế ngồi.

– Sao? Chuyện ở làng ông bạn tôi ra sao?

– Thầy đi nhờ bói quẻ Dịch đi…

– Tôi được một quẻ sấm trên núi…

– Thầy nghiêm túc quá, khổ cả đời vì nghiêm túc đấy!

– Có gặp ông Hãn không?

– Thưa thầy, em về làng đó, họ có hẳn cho thầy ba ông Hãn.

– Vậy?

– Một ông Hãn đang đi cải tạo vì tội gì đó…

– Ông Hãn của tôi chắc là không…

– Một ông Hãn nữa đã dọn nhà lên ở thủ đô, vì không ở nổi làng xưa, dân họ cười ghê quá…

– Chắc cũng không phải ông Hãn của tôi… Ông Hãn của tôi hiền và tốt lắm…

– Đúng vậy. Ông Hãn của thầy đi đấu tranh với xã và huyện về thì lên cơn đau tim và đã…

Ông Thuyên như thể chồm lên, hai tay vồ lấy tay cô gái. Ông nhìn chằm chằm vào gương mặt sáng mờ mờ trong buổi chiều thu Hà Nội bên bờ sông Hồng. Ông Thuyên ngỡ như nước mắt của mình có thể thấm sang cô gái kia.

Thế mà cô ta lại mỉm cười được mới lạ!

– Cuộc sống có sự phân công… Thầy có thấy cái cô gái báo tin bão và người chết không? Cô ấy vẫn đánh sáp môi và ăn mặc đẹp.

– Thế là mọi chuyện vẫn dang dở…

– Cuộc sống là một chuỗi những dở dang dang dở, thầy ơi. Một chuỗi sấm trên núi tay ta với không đến.

Ông Thuyên buông hai bàn tay cô gái ra.

Lúc đó, dưới sông, lại một chiếc sà lan nữa, đen thui, không đèn đóm gì hết, lừng lững trôi đi, trôi ngay dưới chân hai người, một trẻ một già, bên bờ sông Hồng một chiều thu Hà Nội se se lạnh, đườm đượm buồn và man mác một mùi khói…

Không rõ vì sao chiều mùa thu hay có mùi khói?

Biệt thự Thu Trang 25-8-2006

P. T.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn