Vụ án Tiên Lãng: đừng dồn họ vào chân tường

Mặc Lâm, Biên tập viên RFA

Vụ bạo loạn tại Tiên Lãng, Hải Phòng bao gồm nhiều khía cạnh mà đảng và nhà nước cần xem xét lại để điều chỉnh trong đó quan trọng nhất là Luật Đất đai.

clip_image001

Cảnh sát bao vây ngôi nhà của Vươn sáng 5/1. Ảnh: Pháp luật TP HCM

Mặc Lâm ghi nhận ý kiến của nhiều phía nhằm làm sáng tỏ thêm sự việc này.

Tức nước vỡ bờ

Ông Đoàn Văn Vươn, là người đã kiên trì bỏ ra hàng chục năm lao động lấp đầy một khoảng đất tương đương 70 héc ta để trồng rừng chống lại sự xâm thực cũng như bão tố của biển nhằm bảo vệ cho hàng chục héc ta đầm nuôi thủy sản do ông và hàng trăm hộ dân khác thuê lại của nhà nước. Theo hợp đồng thì còn hai năm nữa mới hết hạn nhưng huyện Tiên Lãng đã buộc tất cả mọi hộ dân phải trả đất.

Ông Vươn và các hộ dân kiện Huyện ra tòa, từ cấp sơ thẩm lên cấp phúc thẩm. Thấy không thể thắng lý với họ huyện đã viết cam kết nếu ông Đoàn Văn Vươn và các hộ dân không kiện nữa và chịu rút đơn thì huyện sẽ tiếp tục cho thuê đất hoặc giao đất.

Vụ việc này khi có quyết định của Ủy ban Nhân dân Huyện bản thân tôi đọc trên báo chí thì thấy người ta đã kiện lên tòa án và tòa án đã chấp nhận sự hòa giải rồi thì tại sao không thực hiện những nguyên tắc của tòa án để giải quyết? Và chính quyền không giải quyết tốt khâu hòa giải với dân mà lại tổ chức cưỡng chế?

TS luật Trần Đình Triển

clip_image002

Sau năm năm với biết bao lần bị bão biển cuốn phăng, cuối cùng bờ kè dài hai cây số của anh Vươn đã hình thành tạo nên bãi bồi màu mỡ. Source Pháp Luật TP

Tin vào lời hứa này ông Vươn và rất nhiều người đã rút đơn nhưng ngay sau đó Chủ tịch huyện Lê Văn Hiền lập tức cho cơ quan chức năng cưỡng chế dẫn tới việc ông Vươn và gia đình nổ súng chống lại khiến cho 4 người bị thương.

Qua sự việc nghiêm trọng này chúng tôi ghi nhận những ý kiến từ nhiều phía để làm sáng tỏ phần nào những nguyên nhân chính dẫn đến vụ bạo loạn. Trước tiên TS luật Trần Đình Triển nhận xét việc UBND huyện không thực hiện hòa giải như án lệnh của tòa án là vi phạm đầu tiên của UBND Huyện Tiên Lãng:

Vụ việc này khi có quyết định của Ủy ban Nhân dân Huyện, bản thân tôi đọc trên báo chí thì thấy người ta đã kiện lên tòa án và tòa án đã chấp nhận sự hòa giải rồi thì tại sao không thực hiện  những nguyên tắc của tòa án để giải quyết? Và chính quyền không giải quyết tốt khâu hòa giải với dân mà lại tổ chức cưỡng chế?

Theo nhận xét của ông Lê Văn Cuông nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 12 thì vấn đề gây bức xúc cho toàn xã hội này do đền bù giải tỏa không thỏa đáng mà ra:

Đến 80% đơn thư khiếu kiện của công dân liên quan đến lãnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng đền bù không thỏa đáng. Người ta đầu tư bao nhiêu công sức tiền của hay đã thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật đối với hợp đồng thuê đất nhưng nhà nước thu hồi lại thì đền bù không thỏa đáng cho nên người dân bức xúc dẫn đến những khiếu kiện

ông Lê Văn Cuông

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Lực lượng hùng hậu có cả chó săn tham gia công tác cưỡng chế. Source Pháp Luật TP

Đến 80% đơn thư khiếu kiện của công dân liên quan đến lãnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng đền bù không thỏa đáng. Người ta đầu tư bao nhiêu công sức tiền của hay đã thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật đối với hợp đồng thuê đất nhưng nhà nước thu hồi lại thì đền bù không thỏa đáng cho nên người dân bức xúc dẫn đến những khiếu kiện. Thậm chí như trường hợp anh Vươn người ta dùng hung khí để chống lại người thi hành công vụ.

Chính quyền nên tự xét lại cách hành xử

Theo báo Pháp luật Việt Nam trích lời của các chủ đầm thủy sản cho biết trước đây huyện Tiên Lãng ra quyết định giao đất với thời hạn không cố định, từ 4 tới 14 năm. Các chủ đầm nuôi tôm đã nhiều lần đề nghị UBND huyện giao đất theo đúng thời hạn 20 năm mà Luật Đất đai quy định nhưng không được xem xét. Nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông cho biết:

Đây chính là vấn đề thực tế đang xảy ra và chính đại biểu Quốc hội khóa 12 đã kiến nghị nhà nước xem xét sửa đổi lại Luật Đất đai vì còn rất nhiều điều bất hợp lý. Trên thực tế nó đang xảy ra những vấn đề bức xúc gây thiệt thòi cho người dân, gây cho nhiều người  bị oan sai. Cần phải nhìn nhận đúng mức để sửa đổi lại luật này.

Có những trường hợp bị nhà nước thu hồi hàng nghìn mét vuông đất nhưng đến khi nhà nước giải quyết tiền đền bù thì không mua nổi mảnh đất 100 mét vuông đó là chưa nói đến tài sản trong miếng đất đó làm người dân mất đất rất bức xúc vì thiệt thòi.

Trường hợp anh Vươn là một trong nhiều trường hợp liên quan đến đất đai. Nó thể hiện vấn đề quy định của pháp luật đang cần phải xem xét một cách cụ thể. Thứ hai các cơ quan nhà nước mà để xảy ra va chạm thương vong như vậy thì không có lợi đối với dư luận chung. Nhất là những cá nhân có nhân thân tốt mà bây giờ lại vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng như thế thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sau này của họ.

clip_image004

Biên bản và văn bản trả lời thể hiện “nếu các hộ dân rút đơn thì huyện sẽ tiếp tục cho thuê đất theo quy định của pháp luật”. Ảnh: KIM LINH - phapluattp.vn

Nếu thu hồi đất đai vì lợi ích công cộng hay quốc phòng thì tôi thấy người dân tin đấy là lợi ích chung của nhà nước và của nhân dân. Nhưng thu hồi để cho những người khác hay cho những doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh với một giá rẻ bèo và không tính đầy đủ công sức và vốn liếng người ta bỏ ra, đẩy người ta vào ngõ cụt.

TS luật sư Trần Đình Triển

Trong cuộc họp báo chiều 5-1-2011, sau khi tiến hành cưỡng chế đất của gia đình ông Vươn, ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, đã xác nhận là thu hồi đất để tổ chức đấu thầu cho những ai có điều kiện tốt hơn thuê. TS luật sư Trần Đình Triển nhận xét:

Trước hết đối với gia đình anh Vươn đây là một sự việc chúng ta thấy đáng trân trọng. Từ một người lính về bỏ công sức ra khai phá vùng đất hoang trở thành những cái đầm nuôi tôm, nuôi cua để tao ra những sản phẩm cho xã hội cũng như tìm kiếm công ăn việc làm nhưng sau đó họ bị thu hồi vì vậy lý do thu hồi cần phải được xem xét trong nhiều vụ đất đai vừa qua.

Nếu thu hồi đất đai vì lợi ích công cộng hay quốc phòng thì tôi thấy người dân tin đấy là lợi ích chung của nhà nước và của nhân dân. Nhưng thu hồi để cho những người khác hay cho những doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh với một giá rẻ bèo và không tính đầy đủ công sức và vốn liếng người ta bỏ ra, đẩy người ta vào ngõ cụt. Thu hồi dất của dân ví dụ như một mét trả vài trăm nghìn đồng một mét nhưng sau đó bán lại hai chục triệu một mét chẳng hạn nó tạo chênh lệch về mặt xã hội. Đấy chính là nguồn gốc sâu xa của mâu thuẫn trong chính sách đất đai trong thời gian vừa qua.

Theo người dân cho biết thì huyện Tiên Lãng đã căn cứ vào thời hạn trong quyết định giao đất, cứ đến hạn là thu trắng, không bồi thường cũng không cho thuê lại. Ngay sau khi thực hiện cưỡng chế, toàn bộ nhà cửa trên đầm của ông Vươn đã bị san phẳng. Chính quyền Tiên Lãng tuyên bố đã dựa vào luật đất đai của nhà nước. TS Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội cho biết ý kiến của ông:

Họ ăn đất dễ dàng quá nên bỏ ra hàng 5 tỷ đồng để đánh cờ! Bỏ ra tám trăm ngàn ăn một tô phở. Cái bất công xã hội, chênh lệch giàu nghèo do đất đai mà ra.  Người ta mất đất mất đai tịch thu của người ta, mua của người ta có mấy chục nghìn đồng và bán mấy chục triệu đồng thì ai người ta chịu được

TS Nguyễn Thanh Giang

Họ cứ nói đất đai là tài sản của nhà nước nhưng thật ra thì nhà nước nào nắm được? Chỉ có mấy anh có quyền có chức là nắm được và tiêu vô tội vạ. Mấy cái anh giám đốc ở các địa phương cắt đất chia cho nhau. Subeco trong Đồng Nai họ cho nhau hằng 700 héc ta đất cho nên việc đó nó tạo nên nhiều tệ hại.

Cũng theo TS Nguyễn Thanh Giang thì bất công xã hội phát xuất từ những hành động cưỡng chiếm đất từ địa phương nơi các cấp thi nhau lấy đất của dân vô tội vạ và phung phí quá lố, ngông cuồng. Ông nói:

Họ ăn đất dễ dàng quá nên bỏ ra hàng 5 tỷ đồng để đánh cờ! Bỏ ra tám trăm ngàn ăn một tô phở. Cái bất công xã hội, chênh lệch giàu nghèo do đất đai mà ra.  Người ta mất đất mất đai tịch thu của người ta, mua của người ta có mấy chục nghìn đồng và bán mấy chục triệu đồng thì ai người ta chịu được? Người ta kêu ca, phàn nàn thì xã không giải quyết, huyện không giải quyết rồi tỉnh không giải quyết thì người ta lên trung ương. Họ nằm vạ nằm vật ở Mai Xuân Thưởng rồi bây giờ là Cầu Giấy… rồi bảo họ chống chính quyền, làm loạn.... rồi bỏ tù bắt bớ họ.

Người ta kêu ca, phàn nàn thì xã không giải quyết, huyện không giải quyết rồi tỉnh không giải quyết thì người ta lên trung ương. Họ nằm vạ nằm vật ở Mai Xuân Thưởng rồi bây giờ là Cầu Giấy… rồi bảo họ chống chính quyền, làm loạn.... rồi bỏ tù bắt bớ họ.

TS Nguyễn Thanh Giang

Mà nhốt ai? Không phải là dân thường đâu, là cựu chiến binh, những bà mẹ anh hùng cũng bị tống giam tạo ra uất ức không thể chịu đựng được. Tôi vẫn phản đối dù gì thì cũng không được chống người thi hành công vụ thì xã hội nó loạn. Nhưng có điều uất ức quá người ta không chịu được. Người ta không còn chỗ nào khác thì họ phải thí thân.

Trong trường hợp nếu ông Vươn và gia đình bị đưa ra xét xử thì hội đồng xét xử dựa vào đâu để có thể giảm nhẹ tội danh tấn công người thi hành công vụ? Luật sư Trần Đình Triển cho biết:

Qua vụ Tiên Lãng nếu về mặt xem xét thì trước hết phải xem xét về nhân thân của họ. Thứ hai phải xem xét đầy đủ công sức của người ta bỏ ra. Thứ ba là cần phải xem lại phương pháp làm việc, cách thu hồi đất của họ. Thu đề làm gì, cho ai? Nếu việc thu hồi có dấu hiệu tham nhũng hay bất công thì cũng cần xử lý.

Vụ án Tiên Lãng có lẽ sẽ trở thành tâm điểm trong một thời gian dài nữa vì chính sách đất đai không hợp thời. Luật pháp có quá nhiều khe hở cho các cán bộ địa phương lợi dụng và chia chác cho nhau một cách hợp pháp nguồn đất do chính mồ hôi nước mắt của người dân tạo ra.

M. L.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn