Cưỡng chế Tiên Lãng: Cán bộ không phải là người cai trị

clip_image001

 

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (Ảnh: GDVN).

 
   
(VTC News) – Nhiều cán bộ, công chức quên rằng mình ăn lương từ tiền thuế của người dân, từ tiền khai thác tài nguyên của đất nước – cũng là từ tài sản của dân, do đó mình là công bộc của dân chứ không phải là những người cai trị, ngồi trên đầu trên cổ nhân dân.

Đây  là một trong những nội dung mà GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên ĐBQH, nguyên Phó Chủ nhiệm UB VH GD TNTN&NĐ của Quốc hội vừa trao đổi với VTC News xung quanh bài học rút ra từ vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng.

- Thưa ông, kết luận của Thủ tướng Chính phủ về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng) được dư luận xã hội rất đồng tình. Nhưng bài học rút ra từ vụ việc này, theo ông là gì?

Thứ nhất, chính sách đất đai bất hợp lý đã tạo ra quá nhiều vụ trục lợi, quyền chính đáng của người dân bị xâm phạm, dẫn đến khiếu kiện gay gắt, kéo dài.

Hiện hơn 70% khiếu kiện liên quan đến đất đai chứng tỏ chính sách pháp luật về đất đai của mình có vấn đề!

Nhà nước phải kịp thời sửa đổi chính sách, sửa đổi những quy định chưa phù hợp trong Luật Đất đai, thậm chí nhân dịp sửa Hiến pháp, cần quy định quyền sở hữu đất đai của người dân. 

Vụ việc này cũng bộc lộ yêu cầu chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền. Nhiều cán bộ, công chức quên rằng mình ăn lương từ tiền thuế của người dân, từ tiền khai thác tài nguyên của đất nước – cũng là từ tài sản của dân, do đó mình là công bộc của dân chứ không phải là những người cai trị, ngồi trên đầu trên cổ nhân dân.

Người cán bộ phải luôn nhớ lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đối với dân phải kính trọng, lễ phép”, “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.

Nói ví dụ trong vụ thu hồi đất ở Tiên Lãng, giả sử cả hai phương án thu hồi hay không thu hồi đất đều đúng luật thì phương án được chọn phải là phương án có lợi cho dân hơn. Nhưng cách giải quyết mà chính quyền huyện đã chọn không chỉ gây hại cho dân mà còn trái pháp luật nữa!

Điều này cho thấy cả cái đức, cái tâm lẫn năng lực cán bộ đều hỏng. Nhận thức và những hành vi như thế rất xa lạ với bản chất của chính quyền nhân dân, đẩy người dân vào thế thù địch, bất lợi vô cùng cho chính công việc của chính quyền.

Bài học thứ ba cần rút ra qua vụ Tiên Lãng là khi đã sai, cán bộ phải dũng cảm nhận sai lầm, không nói dối hay đổ lỗi loanh quanh. “Đường đi hay tối, nói dối hay cùng”. Càng nói dối càng mất lòng tin, mất đi sự tôn trọng của dân.

Cần nhớ rằng trong thời đại thông tin này, tin gì “hot” cũng có thể lan nhanh ra toàn cầu, đâu có phải chỉ người dân nước ta mới biết. Cán bộ đừng để cho dư luận chê cười.

Bài học thứ tư là tinh thần trách nhiệm trước dân. Khi xảy ra vụ việc, phần lớn các cơ quan hữu trách thiếu nhạy cảm, chậm đến với dân. Chỉ có Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quan tâm, cử đoàn về từ trước Tết Nguyên đán, kết luận kịp thời và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Là công bộc của dân, chúng ta không thể nào giữ mãi thái độ vô cảm, dây dưa, đẩy qua đẩy lại, thiếu trách nhiệm trước khiếu nại, tố cáo và những bức xúc của dân. Những vụ việc như Tiên Lãng, càng chậm xử lý thì càng bất lợi.

Bài học thứ năm là vai trò của những người đại diện nhân dân như đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, các tổ chức, đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên địa phương,…quá thụ động; thậm chí gần như toàn bộ hệ thống này đứng về phía những người làm sai trong chính quyền.

- Thế đoàn thể có trách nhiệm ra sao trong vụ việc này, thưa ông?

Tôi nghĩ các đoàn thể cần phải xem lại vai trò, trách nhiệm của mình với người dân, nếu cần thì phải thay người đứng đầu tổ chức của mình. Thực hiện nhiệm vụ đại diện như vậy thì  người dân biết trông vào đâu? Và liệu người dân có cần đóng thuế để nuôi những tổ chức cồng kềnh như thế này không?

Một bài học lớn nữa là sự tham gia của báo chí, đây là một vụ đặc biệt báo chí vào cuộc sớm và bám rất sâu sát, đưa tin, bình luận kịp thời. Thủ tướng đã cảm ơn các lão thành và chuyên gia, cảm ơn báo chí đã tham gia giúp cơ quan trung ương và giúp Thủ tướng nhìn nhận được toàn diện, đúng đắn, khách quan, đồng thời thức tỉnh lương tâm toàn xã hội, giúp cán bộ không quên vai trò công bộc của mình.

Tuy vậy, cũng có một số nhà báo thông tin một chiều theo hướng của người làm sai, tiếp tay cho cái xấu, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức và bản lĩnh của người làm báo.

- Từ vụ việc này, cần xử lý thế nào để cảnh báo những cán bộ đang có tư tưởng và hành động "cai trị"?

Cần hủy bỏ những văn bản không đúng, trả lại quyền cho người dân, xử lý nghiêm cán bộ làm sai và người đứng đầu cấp quản lý cán bộ làm sai. Có như vậy mới nêu gương tốt để từ nay cán bộ không dám giở thói cường hào với dân và cấp trên phải quan tâm đến việc bố trí nhân sự và thường xuyên giám sát công việc của cấp dưới.

Vụ việc ở Tiên Lãng có tính điển hình. Vì vậy, như Thủ tướng đã yêu cầu, các địa phương cả nước phải chủ động rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là việc thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Đề cao trách nhiệm, tập trung giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan tiến hành rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng đất đai. Khẩn trương tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai để kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp với thực tế tình hình và yêu cầu phát triển mới…

- Ông có cái nhìn thế nào về ông Đoàn Văn Vươn?

Tôi nhớ trước đây có tờ báo tuyên dương ông Vươn như người hùng của Tiên Lãng vì dám vay hàng chục tỷ đồng, “đội đá vá trời” lấn biển làm đầm nuôi tôm. Dự án của Tổng đội Thanh niên xung phong ở đó tiêu số tiền gấp gần 4 lần ông Vươn mà có thành công đâu?

Dư luận người dân địa phương đánh giá cao ông Vươn, chính quyền khóa trước cũng ủng hộ ông Vươn trong việc quai đê lấn biển, chống bão lũ, cải thiện đời sống, tạo công ăn việc làm, góp phần tạo ra một hướng làm kinh tế cho người dân trong vùng. Có thể nói ông Vươn là người lao động chân chính, vừa trí tuệ, vừa bản lĩnh, đáng khen.

Vậy vì sao một người lao động cần cù, hiền lành, chất phác như ông Vươn lại có hành động chống đối quyết liệt như thế? Đó là câu hỏi của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh chứ không phải của tôi.

Tôi thì tôi hiểu chuyện xảy ra là do việc thu hồi đất quá sai, diễn ra gay gắt, suốt một thời gian dài, đương sự nhiều lần khiếu nại đều bị chính quyền bác khiếu nại, kiện ra tòa án huyện cũng bị toà án bác, kiện đến tòa án thành phố để phúc thẩm thì vị thẩm phán ở đó làm một hành động gần như là phối hợp với huyện lừa dân, các đoàn thể thì không một ai lên tiếng bênh vực.

Lúc này, dư luận đang đổ dồn sự chú ý vào việc luận tội ông Vươn. Các cơ quan điều tra, công tố và xét xử cần rút kinh nghiệm về cách xử lý vụng về, bảo thủ, thiếu khách quan của chính quyền huyện và thành phố sau khi xảy ra sự việc, xem xét sự việc một cách khách quan, đặt nó vào toàn bộ quá trình, có tính đến nguyên nhân và hậu quả thực tế để có kết luận đúng pháp luật, hợp lòng dân. Đừng để dư luận phản ứng mạnh lúc ấy mới chịu sửa sai như vừa rồi.

Về hoàn cảnh đương sự, có thể thấy ông Vươn, ông Quý và những người đàn ông họ Đoàn là lao động chính trong nhà. Giao lại đầm nuôi tôm cho họ mà gần như toàn bộ lao động chính ở trong tù thì gia đình họ khắc phục tổn thất, tiếp tục sản xuất và sinh sống thế nào?

Cuối cùng, phải nói rằng phản ứng của gia đình ông Vươn đã giúp Trung ương nhận ra những góc khuất ở cơ sở, ở nông thôn để chấn chỉnh. 

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn: vtc.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn