Kỹ sư Vươn 'phản biện bằng hành động'?

Hoàng Kim PhúcNguyễn Duy Đông

Gửi tới BBC từ Anh Quốc

BVN đăng lại bài viết của hai tác giả Hoàng Kim Phúc và Nguyễn Duy Đông như dưới đây nhưng xin có thêm đôi điều giải thích: Khi GS Nguyễn Huệ Chi phát biểu trên BBC, ông chưa có trong tay nguyên vẹn bài trả lời báo Tuổi trẻ của GS Ngô Bảo Châu, mà chỉ mới được đọc phần đã đăng trên báo Tuổi trẻ. Ở phần đó, theo GS Nguyễn Huệ Chi, GS Châu định nghĩa về chức năng của trí thức không sai nhưng chưa trọn vẹn (nguyên văn trong băng ghi âm đã phát), bởi trí thức là những người được đào tạo và tự đào tạo một cách công phu theo thiên bẩm tất nhiên là phải trở thành những tài năng đặc biệt; phát huy tài năng ấy để cống hiến cho nhân loại là một việc tự nhiên mà nghĩa vụ làm người của anh ta phải làm, và ngay trong việc làm đó, anh đã góp phần phản biện rồi – phản biện những gì vốn còn mù mờ chưa rõ về tự nhiên và xã hội mà lâu nay nhiều người chỉ mới nhận thức được đến đấy, nay bằng kiến thức chuyên sâu, anh đẩy thêm một bước thậm chí lật ngược lại được những định luận tưởng chừng khó lay chuyển kia. Giải được bài toán Bổ đề cơ bản Langlands của GS Ngô Bảo Châu là một ví dụ rõ ràng. Tuy nhiên, người trí thức còn cần thực hiện một chức năng phản biện sát sườn hơn nữa về những vấn đề bức bối nảy ra trong cộng đồng xã hội mà mình xuất thân và có liên quan xa gần đến sự tồn vong của cộng đồng. Việc này không phải chỉ riêng trí thức mới có quyền và có trách nhiệm lên tiếng, nhưng chắc chắn, thông qua vốn liếng tri thức, nhãn quan rộng rãi của mình, và với tư cách một loại người ý thức được đầy đủ về lương năng cũng như sự độc lập, tự do về tư tưởng, người trí thức có điều kiện để đề xuất những kiến giải sắc sảo hơn người khác, góp phần hiệu quả vào công việc thứ hai này, thúc đẩy xã hội tiến nhanh hơn, đôi khi gỡ được nhiều tình thế khó khăn mà người cầm quyền không chịu gỡ hoặc gỡ không ra. Cũng cần khẳng định, GS Châu đã nhắc nhở không thừa rằng, là một người trí thức thì không phải bạ gì cũng nói mà chỉ nói những gì mình hiểu biết sâu sắc, cặn kẽ nhất.

GS Nguyễn Huệ Chi muốn nói thêm, sau khi đọc nguyên văn bài trả lời phỏng vẫn trên blog của GS Ngô Bảo Châu, ông thấy phần đã bị tước bỏ là một phần rất có giá trị, bổ sung và làm hoàn chỉnh ý kiến của GS Ngô Bảo Châu. Chính với phần bị lược đi đó, GS Ngô Bảo Châu đã thực hiện việc phản biện với Nhà nước Việt Nam hiện hành trên nhiều phương diện cụ thể đang là những điểm kẹt chứa đựng nhiều hiểm họa cho đất nước. Và nhất là đầu đề bài trả lời phỏng vấn của GS Châu “Không ai được độc quyền chân lý” cũng lại là một phản biện chí lý. Xã hội Việt Nam hiện có nhiều bế tắc chưa tìm thấy đâu là lối thoát, chung quy trước đến nay cũng do ở cái nạn coi chân lý là độc quyền của một lớp người nào đấy, và từ chỗ coi chân lý là một độc quyền đến chỗ tiếm quyền và lạm quyền, cao hơn cả là xoá bỏ hết mọi quyền hành của người dân: quyền được làm người, chỉ là một gang tấc. Phải chăng đầu đề bài phỏng vấn là một câu tinh kết lại tư tưởng của GS Châu mà phóng viên tờ báo vì vô tình – hoặc nhạy cảm – nên đã bỏ đi?

Bauxite Việt Nam

Đầu năm Thìn, trái mìn Đoàn Văn Vươn đã lật tung những mảng tối của nông thôn Việt Nam, phơi bày thân phận của người nông dân đồng thời cũng cảnh báo rằng tình trạng “cướp đất” không giảm mà có thể gia tăng.

clip_image001

Hiện chưa rõ các tranh luận trong giới trí thức lan tỏa bao nhiêu đến người dân

Điều này xảy ra khi khủng hoảng kinh tế đang làm giảm đi nguồn thu của các quan chức địa phương từ ngân sách và các dự án ở nông thôn.

Trong khi dư luận đang rất căng thẳng chờ đợi xem cách hành xử của chính quyền trung ương ra sao thì báo Tuổi trẻ Xuân đã đăng tải phát biểu của Giáo sư Ngô Bảo Châu về chức phận của trí thức.

Tưởng chừng đây cũng chỉ là 'cơn bão trong cốc nước', nhưng ngay lập tức ý kiến của ông đã nhận được sự phản ứng rất mạnh từ nhiều góc độ khác nhau, chứng tỏ nhiều mâu thuẫn và ẩn ức xã hội đang đợi chờ, cần giải quyết.

Nổi bật trong các ý kiến phản biện lại Giáo sư Ngô Bảo Châu, ý kiến của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi được nhiều người hưởng ứng.

Cả hai đều đúng

Tuy nhiên theo thiển nghĩ cá nhân, chúng tôi cho rằng cả hai vị Giáo sư đều đúng trong hoàn cảnh lịch sử ra đời của tầng lớp trí thức Việt Nam.

Trong một xã hội độc đảng và chuyên chính như Việt Nam, nền sản xuất hàng hóa và các thiết chế kinh tế tài chính còn ở trình độ thấp, pháp luật nhiều khi viết vậy nhưng không hiểu vậy, trí thức bị kiểm soát, xem như “cây cảnh”.

Vì những lí do cả chủ quan và khách quan đó, tầng lớp được thụ đắc kiến thức chưa thực sự chứng thực được vị trí tiên phong của mình qua các sản phẩm cụ thể.

Hoàn cảnh và vị thế xã hội đó khiến trí thức không biết đâu là ranh giới giữa sự “cho phép” và nghĩa vụ bắt buộc cũng như sự trông đợi của xã hội đối với mình.

Trong khi đó, những vấn đề liên quan tới sự tồn vong của cả đất nước như khai thác bauxite, tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc… lại ầm ầm lao tới, đòi hỏi cả dân tộc gấp rút thức tỉnh lẫn nhau trước những lẽ sống còn.

Thiết nghĩ, cách suy tư và hành trình khai khẩn ý thức tự thân của trí thức mà Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và nhiều nhân sỹ khác đang truyền bá là hoàn toàn khiêm tốn, sáng suốt và đầy ý nghĩa trách nhiệm.

Trở lại đoạn phỏng vấn Giáo sư Ngô Bảo Châu, phải chăng vì một lý do nào đó mà Ngô Bảo Châu đã không nói hết ý về “định nghĩa” trí thức mà ông đã triển khai, nên gây hiểu lầm.

Thực tiễn phát triển nhân loại đã chứng minh rằng, giới trí thức bên cạnh mớ mũ áo dài rộng và đống bằng cấp “thịnh soạn” của mình nếu muốn được xã hội tin cậy tham vấn và tôn vinh thì phải chứng minh mình qua những đóng góp cụ thể vào sự tiến bộ của xã hội mà đầu tiên là qua vị thế mạnh nhất là thứ mình đã được đào tạo.

Điều này hoàn toàn không ngáng trở sự tham gia có ý thức của trí thức vào các hoạt động xã hội mà còn chứng tỏ những ý kiến phản biện nếu có của họ đối với những vấn đề xã hội khác là bắt nguồn từ một trí tuệ tường minh.

"Nếu pháp luật và tri thức quản lý xã hội không bị chà đạp thô bạo thì người nông dân Đoàn Văn Vươn đã không phải tuyệt vọng phản biện bằng mìn"

Đẩy vấn đề tới tận cùng, nếu những người lao động trí óc muốn thực hiện trung thực và hiệu quả công tác chuyên môn của mình chắc chắn họ sẽ phải va chạm nẩy lửa và tìm cách gỡ bỏ hệ thống quản lý tham nhũng và đầy bất hợp lí đang tồn tại.

Sự va chạm đó nếu được khơi dậy, đoàn kết và hỗ trợ bởi luật pháp, nó sẽ là dạng phản biện rất mạnh và rộng khắp trong tất cả các ngõ ngách xã hội dính tới hoạt động tri thức.

Khó hình dung là các đề tài khoa học kỹ thuật được tiến hành qua phương thức “đấu thầu đá lại quả” có thể mang đến những kết quả tin cậy gì cho xã hội. Đặc biệt, nhân loại không phân lề thì sao ta có thể thương mại hóa được các sản phẩm khoa học xã hội chỉ khư khư tay lái phía bên phải?

Để đảm bảo sự công bằng, xã hội cần ủng hộ giới trí thức tháo gỡ và vượt qua những kìm hãm của thể chế, thương mại và xã hội hóa các sản phẩm khoa học của mình trước những thang tiêu chuẩn quốc tế, có như vậy mới tránh được sự ngộ nhận giá tri ảo được thể chế đặt ra mà không đếm xỉa các giá trị chung của nhân loại. Chúng tôi hiểu ý kiến của Giáo sư Ngô Bảo Châu theo cách ở trên.

clip_image002

GS Ngô Bảo Châu (phải) nổi tiếng sau khi nhận giải Fields nhưng các phát biểu xã hội của ông gây ra nhiều tranh cãi

Vì không đồng ý với Giáo sư Ngô Bảo Châu, không ít ý kiến đã thiếu công bằng cho rằng phát minh của ông là xa vời, ít ý nghĩa đối với một xã hội còn ở mức thấp như Việt Nam.

Dù rằng 99,9% dân tộc Việt nam chẳng hiểu cái bổ đề của ông cụ thể ra sao, nhưng chúng ta nên tin một điều rằng những phát minh lý thuyết đó có thể là vật liệu tạo ra các chìa khóa để con người tìm ra các dạng năng lượng mới hay mở đường đến các hành tinh khác trong khi trái đất này đang ngày càng trở nên kiệt quệ và quá tải ở mức báo động.

Như vậy, nó sẽ vẫn mang giá trị tiền bạc hoặc tinh thần to lớn chừng nào biên giới quốc gia vẫn còn tồn tại.

Phản biện thế nào?

Phân tích như vậy để thấy rằng hai vị Giáo sư đã đề cập hai thành phần cơ bản nhất trong hoạt động tri thức của nhân loại mà trí thức Việt nam trước sau cũng buộc phải hòa vào dòng chảy này. Phải khẳng định hai thuộc tính này là thống nhất và không mâu thuẫn.

Cái nên bàn thêm không phải là có phản biện hay không mà là phản biện sao cho hiệu quả.

Lấy ví dụ vụ cướp đất ở Tiên Lãng, trong nhiều năm trước khi xảy ra, anh Đoàn Văn Vươn đã kiên trì chiến đấu để bảo vệ quyền lợi của gia đình mình bằng cách “phản biện” lại những quyết định của chính quyền địa phương dựa trên chính những quyền cơ bản của công dân được pháp luật quy định và bảo vệ.

"Thể chế chính trị ở Việt Nam không cho phép những hoạt động phản biện có tính tổ chức chặt chẽ thì đương nhiên sẽ chịu những hậu quả lớn"

Tuy nhiên, những phản biện của người nông dân Đoàn Văn Vươn nói riêng cũng như của rất nhiều những Đoàn Văn Vươn khác trên khắp mảnh đất hình chữ S nói chung chưa mang lại hiệu quả.

Vụ việc ở Tiên Lãng cho thấy nếu pháp luật và tri thức quản lý xã hội không bị chà đạp thô bạo thì người nông dân Đoàn Văn Vươn đã không phải tuyệt vọng phản biện bằng mìn.

Thực tiễn này còn cho thấy, những phản biện đơn lẻ trong tình trạng pháp luật bị chà đạp, xã hội vô cảm thường kết thúc bằng sự tuyệt vọng của người nêu vấn đề.

Mặt khác, đứng trước các bài toán phức tạp của phát triển đất nước, ở tầm mức mỗi cá nhân do thông tin, thời gian và năng lực nhiều khi đã không đủ tạo ra một bức tranh phản biện đầy đủ.

Thường thường những vấn đề lớn của xã hội cần một tập thể những trí thức ở những chuyên ngành khác nhau, sử dụng các phương pháp khác nhau để đáp số chung cho một vấn đề và nhà cầm quyền cần phải tham khảo các đáp số đó.

Những công trình phản biện công phu tự nó sẽ mang lai giá trị vật chất và uy tín. Hơn nữa, nó tiết kiệm tài nguyên xã hội.

Xã hội bị thiệt hại nhiều hơn khi thiếu vắng các công trình phản biện có chất lượng và bỏ ngỏ cho sự tự tung tự tác của các phát biểu vô trách nhiệm của quan chức, chuyên gia đưa ra những “dự báo” chỉ nhằm lung lạc hay thỏa mãn mục tiêu chính trị, nhóm lợi ích nhất thời.

clip_image003

Hậu quả của tranh chấp khu nhà và đầm tôm của ông Vươn

Tình trạng đó dẫn đến sự mất phương hướng và lòng tin của cả xã hội. Nghiễm nhiên các tin đồn và suy diễn tùy tiện lên ngôi. Cứ nhìn cảnh cả xã hội tranh nhau mua vàng, đô, xô nhau bán đất, chứng khoán thì sẽ hiểu được thực trạng này.

Thể chế chính trị ở Việt Nam không cho phép những hoạt động phản biện có tính tổ chức chặt chẽ, ví dụ qua việc giải thể Viện IDS, thì đương nhiên sẽ chịu những hậu quả như vừa đề cập, về lâu dài thiệt hại cho xã hội là rất lớn.

Thệ́ nhưng, điều kiện đủ cho sự hiệu quả và tính tin cậy của các hoạt động phản biện là sự độc lập về tài chính và tự do trong các hoạt động tư tưởng. Hoạt động này còn cần một hành lang pháp lý đảm bảo và quan trọng nhất là ý thức xã hội chấp nhận sự tồn tại của nó trong một triết lý phát triển hướng tới dân chủ đa nguyên.

Khi đó, phản biện là điều hết sức tự nhiên, rộng rãi và sẽ được xã hội sàng lọc theo chất lượng của chính sản phẩm phản biện.

Quốc hội cần được quyền chế tài để lắng nghe và bàn thảo về các phản biện xã hội, điều chắc chắn sẽ giúp hạn chế được nhiều niềm tuyệt vọng đến từ 70% dân số mang tên Đoàn Văn Vươn.

Bài viết thể hiện quan điểm của TS Hoàng Kim Phúc, hiện sống tại Oxford và Thạc sĩ Nguyễn Duy Đông từ Reading, Anh Quốc tham gia tranh luận về Trí thức Việt Nam.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn