Độc canh 3 vụ lúa một năm là chủ trương sai lầm duy ý chí

Hoàng Kim (Đồng Tháp)

Làm 3 vụ một năm phải làm 2 vụ lúa 1 vụ màu, hoặc 2 vụ màu một vụ lúa. Độc canh cây lúa cả 3 vụ là một chủ trương sai lầm duy ý chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Vậy mà: “Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát mới đây đã có giải trình với các đại biểu Quốc hội về chủ trương sản xuất lúa vụ 3 ở ĐBSCL. Theo ông Phát, đây là một chủ trương đúng, đã có sự tính toán, chứ không phải ngẫu hứng” [1].

Rồi ông Bộ trưởng giải thích tiếp về nguyên nhân chủ trương trương làm lúa vụ 3 là do tình hình nguồn nước và mưa gió (?!):

Trước đây, có thời gian chúng ta cho rằng vụ 3 chỉ là vụ làm thêm, bà con thu hoạch được thì tốt, thậm chí có lúc chúng ta ngăn cản làm.

Nhưng gần đây, khi rà soát lại về tình hình nguồn nước, đặc biệt có nhìn tới tương lai của tác động của biến đổi khí hậu và dưới biển thì nước biển dâng lên, xâm nhập mặn sâu hơn, trên thượng du thì các nước sẽ sử dụng nước nhiều hơn. Tác động của biến đổi khí hậu có nghĩa là, lượng mưa sẽ tăng lên vào mùa mưa, nhưng lại giảm đi vào mùa khô.

Chúng tôi chủ trương điều chỉnh lại cơ cấu mùa vụ ở ĐBSCL và các vùng khác trong cả nước. Riêng tại vùng ĐBSCL, Bộ NNPTNT khuyến khích phát triển vụ 3 là vụ gieo cấy vào lúc ở đồng bằng đang có nhiều nước và sẽ thu hoạch vào cuối vụ mưa, đầu vụ khô. Như vậy, lúa cũng có chất lượng tốt hơn, đây là một chủ trương có tính chất lâu dài chứ không phải là ngẫu hứng" [1].

Câu trả lời trên của ông Bộ trưởng Phát lạc đề, không đi vào thực chất: sao lại phát triển lúa vụ 3 vì có nhiều nước? Ở Đồng bằng sông Cữu Long có vụ nào thiếu nước đâu? Còn thu hoạch vào cuối vụ mưa đầu vụ khô, lúa nếu có chất lượng tốt là tốt hơn vụ hè thu, chứ làm sao chất lượng tốt hơn vụ đông xuân?

Đúng ra, làm lúa vụ 3 hay không phải căn cứ vào 3 yếu tố chính: i) lợi ích của nông dân; ii) lợi ích về mặt kinh tế; iii) đảm bảo các yêu cầu nông học.

Vậy mà ông Bộ trưởng không hề nhắc đến bất cứ yếu tố nào trong 3 yếu tố trên.

Cũng trong bài viết trên, ông Bộ trưởng Phát nói:

“Về nguyên tắc nông học, chúng tôi cũng khuyến cáo với các địa phương và bà con nông dân nên đa dạng hóa cơ cấu cây trồng. Đối với vụ 3, có thể không nhất thiết phải lúa, mà ở những nơi có điều kiện, thì nên làm thêm một vụ màu hoặc nuôi trồng thủy sản hay cây trồng khác, thay vì làm liên tục 3 vụ lúa”.

Thưa ông Bộ trưởng Phát: về nguyên tắc lãnh đạo, ông phải tìm cho ra cây màu thích hợp hoặc vật nuôi thích hợp với Đồng bằng sông Cữu Long, có đầu ra thuận lợi, lên kế hoạch phát triển cây màu này,và phát động nông dân trồng 2 vụ lúa một vụ màu, chứ không phải chỉ khuyến cáo.

Là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà ông chỉ “khuyến cáo” khơi khơi như vậy, địa phương và nông dân chúng tôi biết cây màu nào mà trồng?

Là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông phải khẳng định nông dân Đồng bằng sông Cữu Long cần trồng cây màu gì, lợi ích ra sao, bán cho ai, chứ không chỉ khuyến cáo. Cái gì cũng “khuyến cáo”, vậy nông dân tự làm, chứ cần gì phải có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn?!

Nông dân chúng tôi biết chắc: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chẳng thể làm được gì trong việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi và cây trồng cả.

Muốn trồng được cây màu trên diện tích lớn vài trăm ngàn hecta (thí dụ như cây bắp) cần phải tìm cho được đầu ra, cần phải tìm cho được giống bắp thích hợp với khí hậu Việt Nam, cần phải cơ giới hóa toàn bộ việc sản xuất và thu hoạch, lúc đó mới có thể tính đến việc phát động nông dân chuyển đổi cây trồng - điều này vượt quá khả năng và trình độ của ông Bộ trưởng và thuộc cấp.

Vậy tiện lợi nhất - cũng là tệ hại nhất - là phát động nông dân làm lúa vụ 3.

Bắt nông dân làm lúa vụ 3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khỏe re, không cần phải động tay, động chân, hay động não. Nông dân làm hết, nhưng Bộ có thành tích là tăng được diện tích sản xuất và tăng sản lượng lúa trong năm.

Thưa ông Bộ trưởng Phát: Độc canh cây lúa cả 3 vụ trong năm, chưa chắc mang lại lợi ích cho nông dân, nhưng chắc chắn là sai lầm về mặt kinh tế và cả về mặt nông học.

Chưa chắc mang lại lợi ích cho nông dân

Độc canh lúa 3 vụ một năm, chỉ cần 1 vụ năng suất thấp, là thu nhập không bằng làm lúa 2 vụ, mà điều này rất dễ xảy ra, do dịch hại và sâu bệnh trong làm lúa 3 vụ tăng rất nhiều so với làm lúa 2 vụ.

“Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng để giúp người dân cải thiện đời sống thì phải làm thêm lúa vụ 3. Thực tế, mấy năm nay, số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đều tăng nhưng chưa hẳn đời sống người dân tốt hơn mà ở một khía cạnh khác là chúng ta xuất khẩu càng nhiều gạo chẳng khác nào bảo hộ cho những nước mua gạo của Việt Nam”. Giáo sư Võ Tòng Xuân đã có ý kiến hết sức chính xác khi phát biểu trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online.

Lúa đông xuân năm 2012 giảm hơn 2.000 đồng so với năm 2011. Lúa ế giá thấp vậy tăng sản lượng lúa bằng cách tăng lúa vụ 3 để làm gì?

Năm 2007 cả nước có khoảng 300.000 ha lúa 3 vụ, năm 2008 tăng lên 419.000 ha, đến năm 2010 tăng lên khoảng 500.000 ha, thế nhưng thu nhập của nông dân ngày càng giảm chứ chẳng hề tăng.

Năm 2008 lúa hè thu ế ẩm không ai mua, nông dân bán lúa giá không đến 4.000 đồng/kg.

Năm 2009, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt kỷ lục 6 triệu tấn, trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online tôi đã viết bài: “ Xuất khẩu gạo đạt 6 triệu tấn, nông dân vui hay buồn?”, xin được trích ra đây:

“Năm 2008 xuất khẩu gạo đạt 4,7 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,9 tỉ đô la Mỹ (tính ra, giá bán bình quân 617,02 đô la Mỹ/tấn). Năm 2009 xuất khẩu đạt 6 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,6 tỉ đô la Mỹ (giá bán bình quân 433,33 đô la Mỹ/ tấn). Như vậy, mặc dù năm 2009 xuất khẩu nhiều hơn năm 2008 đến 1,3 triệu tấn gạo, nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm 300.000 đô la Mỹ, giá bán giảm 183,68 đô la Mỹ/tấn”.

Qua đó ta thấy: xuất khẩu gạo năm 2009 có sản lượng tăng hơn năm 2008 đến 1,3 triệu tấn, nhưng kim ngạch lại giảm 300.000 đô la Mỹ.

Năm 2010, Việt Nam lại xuất khẩu đạt kỷ lục khoảng 6,71 triệu tấn lúa, nhưng cả năm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) mua lúa của nông dân với giá tạm trữ dưới 4.000 đồng/kg.

Tại sao lúa dư thừa ế ẩm không có người mua mà lại làm vụ 3 để tăng sản lượng lúa? Tăng sản lượng mà nông dân thu nhập thấp hơn thì tăng sản lượng để làm gì?

Hiện nay, cái chúng ta cần tăng là tăng giá bán chứ không phải tăng sản lượng, tăng sản lượng mà bán không được phải giảm giá bán, thì đúng là bắt nông dân “bảo hộ cho những nước mua gạo Việt Nam” như Giáo sư Võ Tòng Xuân đã nói.

Sai lầm về mặt kinh tế

Tăng sản lượng mà giảm kim ngạch như năm 2009 là sai lầm về mặt kinh tế.

Tăng sản lượng xuất khẩu gạo làm cho lúa dư thừa, khiến cho kim ngạch xuất khẩu gạo giảm hơn năm trước, là một sai lầm về mặt kinh tế.

Thế giới thiếu gạo ăn thì giá gạo mới cao, nếu tăng sản lượng lúa gạo dư thừa thì giá lúa gạo sẽ giảm.

Từ năm 2008 đến năm 2010, năm nào VFA cũng la làng không có khách hàng mua gạo và giá gạo thế giới thấp nên Chính phủ cho phép VFA mua lúa của nông dân để tạm trữ với gía lúa tạm trữ khoảng 4.000 đồng/kg, giá lúa 4.000 đồng/kg nông dân không đủ sống.

Giá lúa thấp, không có khách hàng, mà tăng sản lượng thì giá lúa sẽ ngày càng thấp hơn!

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã yêu cầu: “Cần phải giải bài toán chi phí – lợi ích của việc canh tác lúa vụ 3 trong mùa lũ để xem giữa tổng lợi ích và tổng chi phí thì cái nào lớn hơn”.

Về chi phí Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện liệt kê ra như sau:

“Nếu xét tất cả chi phí cho xã hội, kể cả chi phí trực tiếp và gián tiếp, kể cả chi phí tại chỗ và chi phí ở những nơi khác ĐBSCL thì có một danh sách dài những chi phí tiềm ẩn bao gồm: chi phí đầu tư đắt đỏ để xây dựng và duy tu đê; chi phí nhân lực, tài lực, vật lực cứu đê, cứu lúa; thiệt hại của những diện tích không cứu kịp; đất và con người không được nghĩ ngơi để hồi sức; phù sa không vào đồng được, mất nguồn dinh dưỡng tự nhiên, sau một thời gian đất sẽ bị kiệt dinh dưỡng và chi phí sản xuất sẽ tăng lên.

Ngoài ra, việc giảm diện tích nhận nước vào đồng sẽ làm cho nước chảy xiết hơn trong kênh mương, dẫn đến sạt lở, và tăng ngập ở những nơi khác, kể cả những thành phố, làng mạc ở phía hạ lưu. Do đó, sẽ phát sinh chi phí chống sạt lở và các biện pháp bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng con người; tăng chi phí nạo vét cửa sông Mêkông phục vụ giao thông thủy (do phù sa thay vì bồi lắng trên đồng thì bị trôi xuống vùng cửa sông); mất nguồn cá và tài nguyên thiên nhiên, sinh kế mùa lũ; nước thoát ra biển nhanh hơn trong mùa lũ gây xâm nhập mặn sâu hơn trong mùa khô”.

Sai lầm về mặt nông học

Đắp đê để làm lúa vụ 3 khiến cho đất ngày càng bạc màu do không được phù sa bồi đắp hằng năm, chế độ dinh dưỡng trong đất bị mất cân đối, đất nghèo dinh dưỡng làm cho lúa có năng suất thấp, muốn tăng năng suất phải tăng phân bón, khi tăng phân bón thì sâu bệnh sẽ tăng, lại phải tốn thêm chi phí phun xịt sâu bệnh.

Độc canh cây lúa cả 3 vụ trong năm làm tăng sâu hại và dịch bệnh, là điều mà các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam thường xuyên cảnh báo.

Điển hình, năm 2007, khi Đồng bằng sông Cữu Long thiệt hại nặng nề do dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, các nhà khoa học yêu cầu phải cắt vụ để ngăn dịch rầy nâu là tác nhân mang mầm bệnh.

PGS Nguyễn Bảo Vệ, thuộc trường Đại học Cần Thơ, xử lý từ Báo cáo Hội thảo cải thiện lúa 3 vụ tại An Giang, đã đưa ra 9 yếu tố có ảnh hưởng đến tính bền vững của sản xuất lúa 3 vụ ở Đồng bằng sông Cữu Long, trong đó có 7 yếu tố thuộc về nông học, muốn biết rõ xin đọc bài viết của PGS, ở đây tôi chỉ nêu tóm tắt những ý chính [2]:

1) Sâu bệnh nhiều hơn.

Kiểu canh tác lúa 1 vụ thì lúa không có trên đồng khoảng 6 tháng; ở kiểu canh tác 2 vụ thì có khoảng 4 tháng, còn kiểu canh tác 3 vụ lúa thì chỉ khoảng 1 tháng. Thời gian không có lúa trên đồng càng ngắn là điều kiện để cho sâu bệnh phát triển càng nhiều do thức ăn lúc nào cũng có. Chính vì vậy, canh tác lúa 3 vụ để tăng năng suất lúa/năm sẽ làm cầu nối cho sâu bệnh có cơ hội phát triển quanh năm và phát triển thành dịch.

2) Đất không còn nhận được phù sa.

Phù sa là nguồn dinh dưỡng cho cây trồng mà thiên nhiên ban tặng cho ĐBSCL kể từ khi hình thành vùng đất này… Bao đê không cho nước nổi hay triều cường tràn vào đồng ruộng có nghĩa là đã bỏ đi cái lộc mà thiên nhiên ban tặng. Dinh dưỡng cung cấp cho lúa bây giờ hoàn toàn dựa vào nguồn phân bón, làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của nông dân.

3) Ô nhiễm môi trường nặng hơn.

Nếu không có nước nổi hay triều cường rửa được độc chất ra khỏi vùng sản xuất thì không những gây hại cho môi trường đất mà còn làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

4) Gây ngộ độc hữu cơ cho lúa.

Theo khảo sát của chúng tôi thì ở vùng canh tác lúa 3 vụ/năm, ngộ độc hữu cơ đã xảy ra quanh năm, ngay cả vụ Đông Xuân. Điều này rất tai hại cho vụ lúa chính trong năm ở ĐBSCL.

5) Làm đất mau suy thoái.

Canh tác lúa nhiều vụ trong năm theo kiểu 3 vụ làm cho nông dân không có thời gian để cày ải phơi đất, đất bị ẩm ướt hầu như quanh năm và luôn ở trạng thái khử, tạo ra chất phenol trong đất ngăn cản sự phát triển của cây trồng, ngăn cản sự hấp thụ dưỡng chất của lúa và khả năng tích lũy khoáng N của đất bị giảm.

6) Lúa vụ 3 có hiệu quả kinh tế thấp.

Lúa vụ 3 được canh tác trong điều kiện tự nhiên rất bất lợi để cây lúa phát triển như:

Mây nhiều, thiếu nắng: quang hợp giảm, thiếu tinh bột làm hạt lửng.

Mưa nhiều: lúa thụ phấn kém làm hạt lép nhiều; dưỡng chất dễ bị rửa trôi.

Gió nhiều: lúa đổ ngã, giảm năng suất.

Sâu bệnh nhiều: sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật hơn.

Nước nổi dâng cao: chi phí tăng do phải ngăn nước nổi, triều cường.

Năng suất thấp, chi phí tăng cao dẫn đến hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa vụ 3 thấp.

7) Năng suất lúa giảm theo thời gian.

Tất cả những yếu tố có ảnh hưởng đến sản xuất lúa 3 vụ đã trình bày ở trên như: sâu bệnh phát triển nhiều hơn; đất không còn nhận được phù sa; gây ra ô nhiễm môi trường; ngộ độc hữu cơ cho lúa nhiều hơn; làm đất mau suy thoái; sức sản xuất của nông dân giảm… sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất của lúa về mặt lâu dài (Nguyễn Bảo Vệ và cộng tác viên 2002). Trong nghiên cứu lúa 3 vụ, Nguyễn Hữu Chiếm (1999) cũng đã có kết luận là năng suất lúa có khuynh hướng giảm theo thời gian canh tác ở cả 3 vụ.

Tóm lại, phát triển lúa vụ 3 là một hành động duy ý chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây là một chủ trương sai lầm, không có lợi cho nông dân và nền kinh tế đất nước.

Nhiệm vụ và trách nhiệm của ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong những năm trước mắt là phải chuyển đổi cho được việc độc canh 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa một vụ màu (hoặc 2 vụ màu một vụ lúa).

Mong rằng, ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hãy ngừng ngay việc bắt nông dân lúa vụ 3 ở Đồng bằng sông Cữu Long, và hãy làm một việc thiết thực hữu ích, là chuyển đổi việc độc canh cây lúa sang 2 vụ lúa 1 vụ màu.

H.K.

Tài liệu tham khảo:

(1) Báo Dân Việt Online, bài “ Bộ trưỡng Bộ NNPTNT: làm lúa vụ 3 là chủ trương đúng” danviet.vn

(2) Bài “Những yếu tố có ảnh hưởng đến tính bền vững của sản xuất lúa ba vụ ở Đồng bằng sông Cữu Long”

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn