Tiếp tục sát cánh cùng với những ngư dân đang kiếm sống ở Hoàng Sa, của Việt Nam.

André Menras - Hồ Cương Quyết

Sau “lệnh miệng” cấm chiếu bộ phim “Hoàng Sa Việt Nam: nỗi đau mất mát” vào ngày 29.11 ở Sài Gòn, nhiều bạn bè e ngại điều đó sẽ khiến tôi chùn bước. Nhưng ngược lại, nó đã đẩy tôi đi nhanh, mạnh, cương quyết hơn về phía trước.

Tôi trở lại Pháp sau đó vài ngày vì việc gia đình. Theo lời mời của một số bạn bè đã quen và mới quen, tôi đã bắt đầu chuyến đi vòng Châu Âu để giới thiệu bộ phim. Bắt đầu ở Paris ngày 19.1, sau đó ngày 05.2 ở Lyon. Các ngày và địa điểm khác đã được lên chương trình bởi những người bạn Việt kiều sống ở Đức. Ở mọi nơi, mặc dù đi lại khó khăn do thời tiết mùa này rất lạnh, nhưng chúng tôi đã tìm thấy ở đây đa tầng cảm xúc : ngạc nhiên, căm giận, yêu thương và đoàn kết.

Sau khi trao một số tiền khiêm tốn là 22 triệu đồng trong tháng 4.2011 và 66 triệu đồng vào tháng 12.2011 tại Bình Châu và Lý Sơn cho những gia đình ngư dân bị mất tích và những ngư dân là nạn nhân của các cuộc tấn công của Trung Quốc, quỹ của chúng tôi đến nay đã có thêm được 100 triệu đồng. Số tiền này có thể không đủ đáp ứng nhu cầu thực sự của các bạn mà tôi đã thấy tận mắt. Nhưng nó đến từ trái tim và lý trí. Tôi nghĩ rằng đây chỉ là khởi đầu. Các buổi chiếu và thảo luận về bộ phim, cùng với các cuộc quyên góp đã được lên kế hoạch tại Pháp cũng như một số nước ở châu Âu cho đến cuối tháng Tư này.

Tôi đã đọc kỹ cuộc phỏng vấn trên RFA của “sói biển” Mai Phụng Lưu. Ông ta đã nói một cách rõ ràng và can đảm về các vấn đề ở vùng đảo Hoàng Sa, nơi mà mỗi ngày ngư dân của chúng ta phải đối mặt khi họ đi biển... Rõ ràng rằng, những ngư dân đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa này cần đến chúng ta và sự giúp đỡ của cộng đồng rất lớn. Qua những gì ông Lưu nói, tôi cảm giác họ vẫn đang đơn độc đối mặt với mối đe dọa hàng ngày của thiên tai và cả nhân tai là hải quân Trung Quốc, những kẻ liên tục tìm cách tấn công họ.

Ai có thể phủ nhận thực tế này và ai có thể ngăn cản chúng ta nói ra điều đó? Ai dám ngăn cản chúng ta trợ giúp các gia đình bị nạn, ngăn cản chúng ta làm tất cả mọi thứ để chính các ngư dân đang đánh bắt cá tại ngư trường của Việt Nam có thể nói lên những khó khăn, thậm chí là những bi kịch mà họ phải chịu đựng?

Mục tiêu của tôi không phải là để chỉ trích chính quyền, nhưng với tư cách là một công dân, tôi phải nói là Nhà nước không có chính sách hợp lý và trách nhiệm để hỗ trợ ngư dân miền Trung Việt Nam, đặc biệt là những người đi đánh cá ở Hoàng Sa. Tôi xin lỗi, nhưng thực tế là vậy. Tôi đang chờ các cơ quan có thẩm quyền chứng minh ngược lại bằng hành động cụ thể chứ không phải bằng những lời hứa bay đi, như cho đến nay. Vì vậy, trong tình huống này, chúng ta, là công dân, chúng ta có nhiệm vụ bảo vệ và giúp đỡ những đồng bào của chúng ta thay cho sự bất động. Bằng những phương tiện ít ỏi mà chúng ta có, song đáng tự hào như: sưu tập tìm tài liệu chứng minh chủ quyền của ta ở Quần đảo Hoàng Sa (đã nhiều người đã và đang làm), sử dụng truyền thông trong và ngoài nước, sự hỗ trợ giúp đỡ đặc biệt từ các doanh nghiệp yêu nước...

Ở Pháp, điều hơi đáng buồn là cho đến nay tôi đã chưa tìm thấy bất kỳ sự giúp đỡ nào từ Đại sứ quán Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chiếu phim và qua đó là sự giúp đỡ cho ngư dân. Mặc dù họ đã hứa giúp tôi vào tháng bảy năm 2011. Thay vào đó, tôi còn là nạn nhân của một số áp lực gián tiếp và các cuộc tấn công bằng lời nói trực tiếp từ những người cả Pháp lẫn Việt gần gũi với giới ngoại giao. Họ buộc tội tôi sử dụng bộ phim để « làm một cuộc xét xử chế độ". Thật đáng chán ! Thây kệ những kẻ xấu bụng đứng trong góc xó nói nhảm, những kẻ lo sợ mất ghế, mà đối với họ những thảm kịch chết người của ngư dân chẳng những không quan trọng, mà còn thậm chí gây phiền hà cho họ. Nhưng một khi sự thật sáng tỏ và phũ phàng đến thế, nó phải được công bố trong bất kỳ một quốc gia nào, dưới bất kỳ chế độ nào.

Thành thật mà nói, cụ thể mà nói, im lặng là một tội lỗi! Những người tìm cách bóp nghẹt tiếng nói của ngư dân vì lý do thương lượng chính trị với một cái nhìn ngắn ngủi và / hoặc vì lợi ích cá nhân, thì theo thời gian và những gì xảy ra sau đó họ sẽ thấy sai lầm của họ. Điều này là chắc chắn, không thể nghi ngờ.

Đối với chúng tôi, mọi thứ đều rõ ràng: tất cả những gì chúng tôi làm cho ngư dân và gia đình của họ là nhân đạo, mang tính xây dựng, minh bạch, vì lợi ích của Việt Nam, cho cả người dân Trung Quốc và một hoà bình thật sự. Vì vậy, mọi cấm đoán, tất cả các cuộc tấn công, tất cả sự im lặng khó hiểu lại càng thúc đẩy chúng tôi không ngừng củng cố sự phản kháng bất bạo động. Và, bất chấp những khó khăn, chúng tôi luôn lạc quan, bởi theo kinh nghiệm chúng tôi biết rằng sức mạnh lớn nhất là nguyện vọng của quần chúng, rằng dư luận là cường quốc mạnh nhất!

Để kết thúc bài viết, xin phép cho tôi nói lời cám ơn đến những người đồng bào Việt Nam, đến những người bạn Pháp, Đức, Séc và Ba Lan, ngay cả họ có lịch sử đau đớn, bất chấp sự khác biệt và thậm chí cả không cùng quan điểm chính trị, nhưng cùng sát cánh với chúng tôi để khởi đầu chiến dịch quyên góp trợ giúp ngư dân miền Trung và tuyên bố sự thực ở vùng Biển Đông ra với thế giới.

A. M. – H. C. Q.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

clip_image001

Phụ lục:

“Sói biển” – Người bám biển Hoàng Sa

Gia Minh, biên tập viên RFA

2012-02-09

Nhiều ngư dân thuộc đảo Lý Sơn vẫn tiếp tục đi đánh bắt tại ngư trường quần đảo Hoàng Sa, dù nơi đây bị phía TQ cưỡng chiếm từ năm 1974 và thường xuyên tuần tra không cho ngư dân Việt Nam vào làm ăn.

Courtesy nld

Ông Mai Phụng Lưu, ngư dân huyện đảo Lý Sơn, chuẩn bị ngư cụ trong một lần ra khơi.

.

Quyết bám giữ ngư trường

Một trong những người được mệnh danh ‘sói biển’, tiếp tục bám giữ ngư trường này là ông Mai Phụng Lưu.

Gia Minh hỏi chuyện ông này nhân dịp một số người quyên góp tặng cho ông một máy liên lạc ICOM và một bộ lưới đánh cá hôm ngày 5 tháng 2 vừa qua. Trước hết ông Mai Phụng Lưu cho biết:

Tôi đi vùng Hoàng Sa. Đây là vùng mà ông bà từng làm ở đó, và mong muốn con cháu cũng có thể làm ăn ở đó, giàu có nhờ biển.

Ô. Mai Phụng Lưu

Mai Phụng Lưu: Giờ mới có ICOM chất lượng này vì đắt tiền hơn mà.

Gia Minh: Vừa qua chính phủ có chương trình tài trợ ICOM cho ngư dân, vậy ông có nghe và thấy có ai nhận được không?

Mai Phụng Lưu: Có nghe chương trình này cho xứ biển; nhưng chuyển về huyện, xã thì họ giao cho bà con họ chứ mình đâu được. Chuyến này tôi mới được nhờ báo chí, bà con đóng góp. Có máy này thì đi ra Biển Đông sẽ có an toàn hơn.

Máy ICOM quan trọng lắm vì đi ra Biển Đông, radio nghe không rõ, còn ICOM báo gió bão rõ, nên mình có thể biết để né. Trong trường hợp nếu bị tàu nước ngoài ép chế cũng có thể điện về cho gia đình biết.

Gia Minh: Thông thường ông đi đánh bắt ở vùng nào? Khi có báo bão thì vào tránh ở những nơi nào?

Mai Phụng Lưu: Tôi đi vùng Hoàng Sa. Đây là vùng mà ông bà từng làm ở đó, và mong muốn con cháu cũng có thể làm ăn ở đó, giàu có nhờ biển.

Nếu chạy Hoàng Sa tôi ra khoảng 100 đến 210 hải lý; còn nếu đi Trường Sa đến 400 hải lý.

clip_image003

Tàu đánh cá vừa đánh bắt về cặp bến Cảng cá Kỳ Hà - Quảng Nam hôm 05/07/2011. RFA PHOTO.

Gia Minh: Ra những nơi đó, thường đánh bắt những loại hải sản nào?

Mai Phụng Lưu: Cá thu, cá bè, cá nhồng, và lặn tìm hải sâm bám ở độ sâu chừng đôi ba chục mét.

.

Gia Minh: Tàu của ông hiện có công suất bao nhiêu?

Mai Phụng Lưu: 90CV. Do hoàn cảnh của tôi nên người ta nay chỉ cho thế chấp nhà, vay ngân hàng 300 triệu đồng. Trước đây người mua thấy làm được thì cho vay nhiều, nhưng sau nhiều lần bị bắt họ không cho vay nữa. Ngân hàng cho vay 300 triệu không lấy lãi nên đóng tàu nhỏ thôi.

Gia Minh: Mỗi lần tránh bão thì tránh đâu?

Mai Phụng Lưu: Khi có báo bão tôi vào trụ ở đảo Trụ Cẩu, Vĩnh Hưng, Phú Lâm mà hiện Trung Quốc đang đóng.

Bão thị họ cho trú nhưng bão xong khi mình ra thì họ lấy hết định vị, máy dò, tài sản của mình, chỉ để ghe không về thôi.

Mỗi năm chúng tôi đi chừng 12 chuyến, mà có đến bảy tám chuyến bị khó khăn.

Mấy năm trước dễ, nhưng năm 2011 tôi bị bắt hai lần, năm 2005 bị bắt hai lần nhốt tù. Mỗi năm khi bị bắt họ phá nước, phá dầu rồi thả về.

Cần hải quân bảo vệ

Gia Minh: Lý Sơn có lập đội bảo vệ cho nhau thế nào?

Có máy ICOM thì liên lạc. Còn mình là dân đi làm ăn nên không có súng ống, chỉ có hai bàn tay, tàu, lưới thôi nên không có gì để chống chọi với tàu nước ngoài.

Ô. Mai Phụng Lưu

Mai Phụng Lưu: Vừa rồi nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam cho thành lập một nghiệp đoàn với hơn 400 thành viên. Khi hình thành rồi thì khi bị ép chế bởi tàu nước ngoài, các tàu đến đông để bảo vệ nhau. Ngoài ra thuận tiện còn giúp nhau thì khi tàu nào về trước, có thể gửi đem về để bán cho tươi, được giá hơn.

Gia Minh: Để tự bảo vệ thì thế nào?

Mai Phụng Lưu: Có máy ICOM thì liên lạc. Còn mình là dân đi làm ăn nên không có súng ống, chỉ có hai bàn tay, tàu, lưới thôi nên không có gì để chống chọi với tàu nước ngoài.

.

Gia Minh: Sau thời gian dài đi làm biển vậy ông có đề nghị gì?

Mai Phụng Lưu: Trước hết các tàu nâng niu nhau trong lúc bão gió, máy móc hư hỏng, qua máy ICOM điện cho nhau. Vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam là thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng nay Trung Quốc đóng. Hải quân có ranh giới giữ, mà chúng tôi không hiểu gì.

Chúng tôi nghĩ đó là vùng biển của cha ông để lại nên ra để làm ăn, chứ đâu có đi tranh chấp gì. Nhưng cũng cần hải quân bảo vệ cho ngư dân.

Gia Minh: Xin cám ơn ông Mai Phụng Lưu.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn