Tính độc lập của Kiểm sát viên trong tố tụng hình sự


Trịnh Minh Tân
Sự kiệp pháp lý ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã, đang và sẽ tiếp tục là đề tài nóng bỏng về nhiều mặt, dư luận đang bức xúc trước các thông tin liên qua đến hoạt động tác nghiệp của cơ quan điều tra, e ngại sự việc sẽ không được điều tra một cách khách quan. Vì vậy, nhiều ý kiến yêu cầu các luật sư phải tích cực, chủ động trong việc tham gia tố tụng, thậm chí đề nghị các luật sư phối hợp và phân công nhau trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bị can.
Tuy nhiên, vụ án đang trong giai đoạn điều tra nên các luật sư khó có thể đưa ra được các kiến nghị cụ thể với các cơ quan tiến hành tố tụng vì chưa được phép tiếp cận toàn bộ hồ sơ vụ án, đồng thời luật sư cũng phải tuân thủ các quy định của bộ luật tố tụng hình sự về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa. Những công việc cần thiết phải làm lúc này của luật sư là tham dự các buổi hỏi cung bị can, thu thập các tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án và giao nộp cho cơ quan điều tra theo quy định; yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng nếu có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
Trước những lo ngại của dư luận là việc điều tra vụ án sẽ không được khách quan nên cơ quan có chức năng thực hành quyền công tố - kiểm sát điều tra là VKSND TP Hải Phòng cần thể hiện đầy đủ trách nhiệm, bản lĩnh của mình để thực hiện tốt chức năng đã được pháp luật tố tụng hình sự quy định.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn các cán bộ ngành Kiểm sát phải “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Trong các vụ án hình sự thì vai trò của Kiểm sát viên là rất quan trọng, hoạt động tác nghiệp của Kiểm sát viên có ý nghĩa quyết định đến việc xác định bị can bị khởi tố có tội hay không có tội, nếu có tội thì là tội gì; quyết định đến việc đề xuất đường lối xử lý vụ án một cách đúng đắn.
Xin gửi đăng lại bài “Tính độc lập của Kiểm sát viên trong tố tụng hình sự” tôi đã viết năm 2007 (khi chưa hành nghề luật sư) và được đăng trên tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 6 năm 2007 (xem mục lục tạp chí tại đây) để mọi người tham khảo với mong muốn là: các Kiểm sát viên được giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra “vụ án Tiến Lãng” vận dụng hết “công lực” để tác nghiệp, giúp cho việc xử lý vụ án đúng quy định của pháp luật, tâm phục, khẩu phục và hợp với lòng dân, góp phần xứng đáng vào lộ trình cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền thông qua vụ án cụ thể này.
Ths. Ls. Trịnh Minh Tân

Viện Kiểm sát Nhân dân nằm trong hệ thống các cơ quan tư pháp, có chức năng và nhiệm vụ theo Hiến pháp qui định. Đó là thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2003 đã cụ thể hóa các chức năng trên bằng việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người tiến hành tố tụng. Khác với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988, Bộ luật TTHS năm 2003 quy định cụ thể người tiến hành tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng Viện Kiểm sát là Viện trưởng, Phó Viện trưởng và Kiểm sát viên.
Ba loại chức danh trên là những thành tố cấu thành hoạt động của Cơ quan tiến hành tố tụng là Viện Kiểm sát, thiếu một trong các hoạt động của Viện trưởng (hoặc Phó Viện trưởng được Viện trưởng ủy nhiệm), Kiểm sát viên thì chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong tố tụng hình sự của Viện Kiểm sát cũng không thực hiện được. Căn cứ quyền hạn, nhiệm vụ và trách nhiệm của Viện trưởng (hoặc Phó Viện trưởng được Viện trưởng ủy nhiệm) thì Viện trưởng không “bao đồng” làm thay công việc của Kiểm sát viên, và Kiểm sát viên cũng không thể được ủy quyền làm những công việc thuộc thẩm quyền của Viện trưởng, vì chủ thể tiến hành tố tụng được làm thay Viện trưởng chỉ có thể là Phó Viện trưởng được Viện trưởng ủy nhiệm!
Viện Kiểm sát Nhân dân có hệ thống tổ chức mang tính đặc thù, Viện trưởng Viện Kiểm sát là người tiến hành tố tụng, đồng thời là người đứng đầu cơ quan, quản lý và điều hành mọi hoạt động của Viện Kiểm sát. Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn giữa công tác lãnh đạo, quản lý hành chính trong nội bộ Viện Kiểm sát với công tác chỉ đạo nghiệp vụ và thực hành quyền công tố trong những vụ án cụ thể được thực hiện theo nguyên tắc thủ trưởng. Trong chỉ đạo nghiệp vụ, Viện trưởng ra quyết định phân công Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, thực hành quyền công tố - kiếm sát xét xử và có trách nhiệm giám sát các hoạt động và chỉ đạo kịp thời những vấn đề về nghiệp vụ đối với Kiểm sát viên, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình. Nói như vậy không có nghĩa là Kiểm sát viên thụ động trong hoạt động tác nghiệp. Trái lại, tính độc lập của Kiểm sát viên trong khi thực hành quyền công tố - kiểm sát điều tra, thực hành quyền công tố - kiểm sát xét xử hình sự đã được thể hiện trong các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Pháp lệnh Kiểm sát viên năm 2002. “Trong phạm vi công tác được giao, Kiểm sát viên có quyền ra quyết định, kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu theo quy định của pháp luật, trừ những việc thuộc thẩm quyền của Viện trưởng”.
Tính độc lập của Kiểm sát viên phải được đảm bảo trong suốt quá trình tố tụng. Vì là người trực tiếp thụ lý vụ án, Kiểm sát viên phải thường xuyên tác động vào quá trình điều tra trong giai đoạn điều tra, tích cực và chủ động trong việc đánh giá, phân loại chứng cứ trong giai đoạn truy tố để ra được một bản cáo trạng hàm chứa nội dung pháp lý hình sự, có tính thuyết phục cao và đảm bảo tính chủ động khi thực hành quyền công tố tại phiên tòa mà trọng tâm là sự buộc tội.
Tính độc lập của Kiểm sát viên là quyền chủ động tiến hành các hoạt động tác nghiệp nằm trong khuôn khổ quy định của pháp luật về quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của Kiểm sát viên trong các giai đoạn của tố tụng hình sự. Tính độc lập của Kiểm sát viên trong tố tụng hình sự được thể hiện ở các giai đoạn khác nhau của quá trình tố tụng. Đó là: tính độc lập trong giai đoạn điều tra, truy tố; tính độc lập trong giai đoạn xét xử. Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến:
Tính độc lập của Kiểm sát viên trong giai đoạn điều tra, truy tố
Là người tiến hành tố tụng, Kiểm sát viên do Viện trưởng phân công thực hành quyền công tố - kiểm sát điều tra, Kiểm sát viên phải chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Viện trưởng.
Vậy trong mối quan hệ với Viện trưởng, hoạt động tác nghiệp của Kiểm sát viên có đảm bảo tính độc lập không?
Việc Kiểm sát viên chịu sự chỉ đạo, điều hành của Viện trưởng trong khi thực hành quyền công tố - kiểm sát điều tra là thực hiện nguyên tắc thủ trưởng và Viện trưởng là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện chức năng của Viện Kiểm sát. Do đó, trong giai đoạn này, tính độc lập của Kiểm sát viên phải đặt trong mối quan hệ trên dưới giữa Viện trưởng với Kiểm sát viên.
Trong giai đoạn điều tra và truy tố, luật quy định Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự có các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm là kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra; đề ra các yêu cầu về điều tra; triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Như vậy mặc nhiên Kiểm sát viên có thể thực hiện các quyền này mà không cần phải có sự chỉ đạo của Viện trưởng. Quy định này đảm bảo cho Kiểm sát viên luôn ở trạng thái chủ động trong việc thực hiện chức năng của Viện Kiểm sát. Tuy nhiên, Kiểm sát viên phải báo cáo với Viện trưởng về diễn biến của quá trình tiến hành tố tụng và chịu sự chỉ đạo trở lại của Viện trưởng.
1. Kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra
Các cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự khi xác định có dấu hiệu tội phạm; khởi tố bị can khi xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội. Kiểm sát viên là người trực tiếp thực hiện quyền kiểm sát việc khởi tố. Khi thực hiện quyền này, Kiểm sát viên không cần phải có sự đồng ý của Viện trưởng, nhưng khi phát hiện việc khởi tố thiếu một trong số các căn cứ quy định tại Điều 100 Bộ luật Tố tụng hình sự, hoặc chưa đủ căn cứ xác định người bị Cơ quan điều tra khởi tố là người đã thực hiện hành vi phạm tội thì Kiểm sát viên phải báo cáo và đề xuất với Viện trưởng để ra các quyết định thuộc thẩm quyền của Viện trưởng được quy định tại Điều 36 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Đối với các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên chủ động bám sát qui trình điều tra, đọc hồ sơ điều tra để chủ động trao đổi với điều tra viên thực hiện đúng các bước điều tra, thu thập chứng cứ và việc lập hồ sơ điều tra phải theo trật tự về thời gian; hình thức các văn bản tố tụng và nội dung của các văn bản này phải theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
2. Kiểm sát viên đề ra các yêu cầu về điều tra
Trong quá trình điều tra, Kiểm sát viên luôn chủ động tác động đến tiến trình điều tra vụ án, thu thập chứng cứ để chứng minh tội phạm. Khi cần đề ra các yêu cầu về điều tra, Kiểm sát viên tự mình quyết định những nội dung cần yêu cầu điều tra. Yêu cầu về điều tra là một trong số các quyền của Viện Kiểm sát mà người trực tiếp thực hiện quyền này là Kiểm sát viên. Khi thực hiện quyền này, Kiểm sát viên không cần phải có sự ủy quyền của Viện trưởng ( không có chế định ủy quyền trong Bộ luật Tố tụng hình sự).
Việc đề ra các yêu cầu về điều tra tác động trực tiếp đến hướng điều tra của điều tra viên và nội dung, chứng cứ cần thu thập trong quá trình điều tra tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Chỉ có Điều tra viên và Kiểm sát viên mới có thể biết được cụ thể những vấn đề cần điều tra, những chi tiết cần phải thu thập để chứng minh tội phạm hoặc loại bỏ sự nghi ngờ một người phạm tội. Tuy nhiên, định hướng điều tra và tư duy pháp lý của Điều tra viên không phải lúc nào cũng sát với thực tiễn của vụ án. Do đó Kiểm sát viên là người kiểm tra và giám sát các hoạt động điều tra có tư duy pháp lý và nhìn nhận sự việc một cách khách quan hơn, đồng thời Kiểm sát viên là người chịu trách nhiệm về các chứng cứ chứng minh tội phạm, nên khi cần thiết họ phải đề ra được các yêu cầu về điều tra nhằm đảm bảo thu thập các chứng cứ xác thực để chứng minh tội phạm. Để làm được việc này, Kiểm sát viên phải theo sát quá trình điều tra, hợp tác chặt chẽ với Điều tra viên , kể cả khi Điều tra viên hỏi cung bị can cũng như khi đến hiện trường nơi xảy ra vụ án, kiểm tra vật chứng…
Trên thực tế không có một khuôn mẫu cụ thể nào quy định Kiểm sát viên phải hoạt động như thế nào để có thể tìm ra những vấn đề cần yêu cầu điều tra. Đề ra các yêu cầu điều tra là một trong những kỹ năng tác nghiệp của Kiểm sát viên, kỹ năng này có được thực hành tốt hay không là tùy thuộc vào sự nhạy cảm, bản lĩnh nghề nghiệp, tư duy phán đoán và niềm tin nội tâm của Kiểm sát viên. Đó là một trong những biểu hiện của tính độc lập của Kiểm sát viên trong khi thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.
3. Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Luật không quy định cụ thể Kiểm sát viên thực hiện các quyền trên ở giai đoạn nào, giai đoạn điều tra hay trong thời hạn quyết định truy tố. Việc luật quy định như trên là xác định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm sát viên trong việc tìm ra các chứng cứ chứng minh tội phạm. Tuy nhiên trên thực tế trong giai đoạn điều tra, Kiểm sát viên ít khi thực hiện quyền này mà thường thực hiện ở giai đoạn sau khi có kết luận điều tra và Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ qua Viện Kiểm sát để đề nghị truy tố. Chỉ khi nào thấy cần thiết, Kiểm sát viên mới thực hiện các quy định này.
Triệu tập là một loại văn bản tố tụng có tính mệnh lệnh, buộc các đối tượng được triệu tập phải có mặt để làm việc với Kiểm sát viên. Theo luật định, Kiểm sát viên có quyền ban hành giấy triệu tập và chịu trách nhiệm trước Viện trưởng và pháp luật về việc tiếp xúc với các đối tượng ghi trong giấy triệu tập. Mục đích là yêu cầu các đối tượng cung cấp các nội dung liên quan đến vụ án, nhằm làm sáng tỏ các tình tiết mà Điều tra viên chưa làm rõ hoặc chưa có điều kiện làm rõ (như hểt hạn điều tra).
Triệu tập và hỏi cung bị can: về nguyên tắc, khi nhận được giấy triệu tập của Kiểm sát viên, bị can phải có mặt để trả lời những câu hỏi do Kiểm sát viên đặt ra.Có hai đối tượng bị can là bị can bị tạm giam và bị can không bị tạm giam. Do đó khi triệu tập bị can Kiểm sát viên phải xác định đó là bị can bị tạm giam hoặc không bị tạm giam để gửi giấy triệu tập. Đối với bị can không bị tạm giam, Kiểm sát viên gửi giấy triệu tập thông qua chính quyền địa phương (Công an xã, phường) hoặc trực tiếp hoặc qua đường bưu điện. Đối với bị can bị tạm giam, về mặt lý thuyết, khi có giấy triệu tập gửi đến nhà tạm giam thì cơ quan quản lý trại giam phải đưa bị can tới Viện Kiểm sát để Kiểm sát viên tiến hành hỏi cung. Tuy nhiên, trên thực tế, Kiểm sát viên thường đến nơi tạm giam, tạm giữ để hỏi cung. Thực tế này xuất phát từ chỗ cơ sở vật chất của Viện Kiểm sát còn thiếu thốn và không có những biện pháp kết hợp đồng bộ với Trại tạm giam. Đây cũng là một nhược điểm làm hạn chế khả năng tác nghiệp độc lập của Kiểm sát viên.
Trước khi tiến hành hỏi cung, Kiểm sát viên chuẩn bị những câu hỏi hướng tới mục đích là làm rõ những vấn đề mà trong quá trình điều tra chưa được làm rõ nhẳm củng cố chứng cứ buộc tội, hoặc cả những chứng cứ gỡ tội để đề xuất hướng xử lý đối với vụ án và bị can, khi cần thiết thì trao đổi, tranh luận với Điều tra viên về những vấn đề cần tiến hành hỏi cung, nhưng Kiểm sát viên không phụ thuộc vào bất cứ áp lực nào khi tiến hành hỏi cung.
Việc triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án cũng được Kiểm sát viên thực hiện với phương châm đảm bảo tính chân thật, khách quan. Khi thực hiện thao tác nghiệp vụ này, Kiểm sát viên tiến hành hoàn toàn độc lập và chỉ chịu trách nhiệm trước Viện trưởng và pháp luật. Triệu tập và hỏi cung bị can, triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là hoạt động tố tụng mà Kiểm sát viên được phép tiến hành nhằm đảm bảo cho việc xử lý vụ án mọt cách khách quan, đúng đắn, không làm oan cũng như không để lọt tội phạm.
Trong giai đoạn điều tra, truy tố, Kiểm sát viên có vai trò rất quan trọng trong việc thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ nhằm đảm bảo cho việc xử lý đúng đắn vụ án. Chính vì vậy Luật đã quy định rất cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên, đảm bảo Kiểm sát viên hoạt động tác nghiệp một cách độc lập nhưng đồng thời phải tuân thủ nguyên tắc thủ trưởng và nguyên tắc trực thuộc một chiều của ngành Kiểm sát. Do đó, khi nói đến tính độc lập của Kiểm sát viên trong tố tụng hình sự, nhất là trong giai đoạn điều tra, truy tố thì cần phải hiểu là tính độc lập nằm trong các “khuôn” pháp lý mà nếu vượt ra khỏi các “khuôn” đó thì trở thành sự lạm quyền. Kết quả là những gì được thu thập ngoài các “khuôn” đó sẽ không có giá trị pháp lý.
T. M. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn