Vụ án Tiên Lãng: tình tiết mới chứng tỏ ông Vươn vô tội

Hoàng Kim (Đồng Tháp)

Ngày 8/2/2012, trên Bauxite Việt Nam, khi chưa có kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tôi đã viết bài: “Vụ án Cống Rộc, huyện Tiên Lãng: anh em ông Đoàn Văn Vươn vô tội”.

Trong bài viết trên, tôi biện hộ cho ông Vươn chủ yếu dựa vào tiền lệ án sử ở vụ án Nọc Nạng, và dựa vào quan niệm đạo đức nhân bản của mọi người.

Nay, có những tình tiết mới từ kết luận của Thủ tướng và từ Tòa án Tối cao, chứng tỏ rằng ông Vươn vô tội, tôi sẽ biện hộ cho ông Vươn dựa vào Bộ Luật Hình sự.

Trong bài viết này chủ yếu tôi sử dụng bài: “Một số vấn đề phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” của Thạc sĩ Đinh Văn Quế đăng trên trang mạng của Tòa án Nhân dân Tối cao và Bộ Luật Hình sự Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 trên trang mạng Wikisource.

Những tình tiết mới

Ngày 10/2/2012 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận UBND huyện Tiên Lãng sai toàn diện: “Do quyết định thu hồi đất không đúng với quy định của pháp luật đất đai, nên Quyết định cưỡng chế thu hồi đất cũng không đúng pháp luật. Mặt khác, việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng cũng có nhiều thiếu sót, sai phạm.”.

Trong phiên tái thẩm chiều ngày 15/2 Tòa Hành chính Tòa án Tối cao đã tuyên hủy án sơ thẩm và quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, để xem xét lại từ đầu vụ ông Đoàn Văn Vươn, vì những sai lầm của Tòa án huyện Tiên Lãng và Tòa án thành phố Hải Phòng.

Với kết luận của Thủ tướng và phiên tái thẩm của Tòa Hành chính Tòa án Tối cao, thì vụ án của ông Đoàn Văn Vươn chống lại đoàn cưỡng chế huyện Tiên Lãng đã xuất hiện tình tiết mới, nên không thể khởi tố ông Vươn về tội “giết người, chống người thi hành công vụ”, mà phải áp dụng Điều 25 khoản 1 Bộ Luật Hình sự để miễn trách nhiệm hình sự cho ông Vươn: “Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.”.

Ông Vươn phòng vệ chính đáng chứ không phạm tội giết người, chống người thi hành công vụ

Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao thì hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khoẻ của người khác được coi là phòng vệ chính đáng khi có đầy đủ các dấu hiệu sau dây:

1- Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ phải là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm đáng kể cho xã hội;

2- Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ;

3- Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe doạ, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại;

4- Hành vi phòng vệ phải cần thiết với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.

Chúng ta hãy xem xét bốn dấu hiệu trên trong vụ án của ông Vươn.

1) Đoàn cưỡng chế huyện Tiên Lãng thực hiện quyết định cưỡng chế 40,3 ha đất của ông Vươn trái pháp luật (theo kết luận của Thủ tướng, và theo kháng nghị của Tòa án Tối cao), tức là xâm hại đến lợi ích cần phải bảo vệ của ông Vươn, nếu để đoàn cưỡng chế tước đoạt hết 40,3 ha đất thì ông Vươn sạt nghiệp, không có tiền trả nợ, không có tiền trả nợ thì chủ nợ sẽ xiết hết tài sản cửa nhà. Không còn đất để làm phương tiện sinh sống thì lấy tiền đâu mua gạo, không tiền mua gạo thì cơm đâu mà ăn, không có cơm ăn mà nợ nần bủa vây, gia đình ông Vươn chỉ còn cách trốn sang xứ khác vác bị ăn xin. Vậy hành vi tước đoạt 40,3 ha đất này có tính chất cực kỳ nguy hiểm cho ông Vươn và gia đình.

2) Ngày 5/1/2012 đoàn cưỡng chế đang đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho 40,3 ha đất của ông Vươn.

3) Đoàn cưỡng chế trên 100 người có công an, bộ đội, nên để ngăn đoàn cưỡng chế tước đoạt đất sai pháp luật ông Vươn phải tích cực chống lại sự xâm hại bằng cách cho nổ chất nổ tự chế để cảnh cáo, nhưng đoàn cưỡng chế vẫn áp sát vào nhà, buộc ông Vươn nổ súng hoa cải.

4) Để gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công của đoàn cưỡng chế sai pháp luật, bên ông Vươn có 3 người, vủ khí bên ông Vươn là hai khẩu súng hoa cải tự chế, và hai gói chất nổ tự chế, ông Vươn cho nổ một gói chất nổ tự chế và bắn một số phát đạn hoa cải vào đoàn cưỡng chế làm bị thương 6 người.

Ngược lại, đoàn cưỡng chế sai pháp luật có trên 100 người gồm cả công an, bộ đội, vũ khí của đoàn cưỡng chế là súng quân dụng AK 47, khiên chống đạn, chó nghiệp vụ…

Đoàn cưỡng chế trên 100 người có cả công an, bộ đội chứng tỏ chính quyền huyện Tiên Lãng sẽ tiêu diệt mọi kháng cự của ông Vươn bằng sức mạnh quân sự.

Đặc biệt, việc quân sự hóa đoàn cưỡng chế bằng cách đưa sai pháp luật bộ đội vào đoàn cưỡng chế, chứng minh chính quyền huyện Tiên Lãng coi gia đình ông Vươn như kẻ thù cần tiêu diệt.

Qua đó chúng ta nhận thấy: ông Vươn có đủ bốn đặc điểm chứng minh rằng ông phòng vệ chính đáng.

Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến cho rằng ông Vươn có tội khi chống lại đoàn cưỡng chế. Tiêu biểu cho ý kiến này là phát biểu của ThS Phan Anh Tuấn, Trưởng Bộ môn Luật hình sự (ĐH Luật TP.HCM) (xem bài “Tranh luận về tội danh ông Vươn”):

“Về nguyên tắc, một quyết định hành chính có hiệu lực phải được thi hành. Còn quyết định đó đúng hay sai, người dân có quyền khiếu nại lên cấp cao hơn hoặc kiện ra tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính. Nếu họ không chấp hành, chống lại lực lượng cưỡng chế bằng vũ lực, dùng hung khí, vũ khí… thì hành vi đó là chống người thi hành công vụ, bất kể có oan ức hay không.”. (3)

Ông Thạc sĩ Phan Anh Tuấn phân tích tội danh của ông Vươn, nhưng chỉ ở thời điểm ngay lúc anh chống lại đoàn cưỡng chế, mà không hề xét đến tình tiết mới là kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và tuyên án tái thẩm của TAND Tối cao về vụ Tiên Lãng, vì thế, đã bỏ sót điều 25 khoản 1 trong Bộ Luật Hình sự.

Vì về nguyên tắc, một quyết định hành chính đúng pháp luật có hiệu lực mới buộc phải thi hành. Một quyết định hành chính có hiệu lực nhưng sai pháp luật, người dân không những không buộc phải thi hành mà còn có quyền kháng cự.

Luật pháp nào lại buộc người ta phải chấp hành một quyết định hành chính sai pháp luật?!

Khi chưa có kết luật của Thủ tướng, và kháng nghị của Tòa án Tối cao, do không biết Quyết định cưỡng chế là đúng hay sai pháp luật, nên có thể truy tố ông Vươn tội giết người và chống người thi hành công vụ.

Khi Thủ tướng đã kết luận Quyết định cưỡng chế là sai pháp luật thì không còn cơ sở nào để truy tố ông Vươn tội giết người, chống người thi hành công vụ.

Thạc sĩ Tuấn kêu ông Vươn phải “khiếu nại lên cấp cao hơn hoặc kiện ra tòa án”, chứ không được chống đoàn cưỡng chế, xin Thạc sĩ Tuấn hướng dẫn giùm: Ông Vươn phải khiếu nại lên cấp cao nào nữa? Thời hiệu kháng cáo đã hết, Tòa án thành phố Hải Phòng đã ra Quyết định số 02/2010/HCPT đình chỉ việc xử phúc thẩm, vậy ông Vươn phải kêu ở đâu? Ai xét xử cho ông Vươn khi thời hiệu kháng án sơ thẩm đã kết thúc? Khi mà Tòa án thành phố Hải Phòng đã xử phúc thẩm?

Thạc sĩ Tuấn có lẽ không biết rằng: Ông Vươn đã bị Tòa án Thành phố Hải Phòng lừa gạt ký rút đơn kháng cáo, và mặc dù trong đơn rút đơn kháng cáo ông có thòng thêm câu: “Nếu Tiên Lãng không cho ông thuê lại đất thì đơn này không có giá trị”. Vậy mà, Tòa án thành phố Hải Phòng vẫn xử phúc thẩm vắng mặt ông căn cứ vào đơn xin rút kháng cáo mà không hề quan tâm đến câu thòng của ông Vươn.

Tại phiên xử tái thẩm, Tòa án Tối cao đã tuyên phán: Tòa án thành phố Hải Phòng vi phạm luật tố tụng nên hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm.

Cả đoàn người hùng hùng hổ hổ đến tước đoạt tài sản của ông Vươn một cách trái pháp luật, mà Thạc sĩ bảo ông Vươn phải ngồi im đưa tài sản cho người ta lấy, rồi đi kiện mà không biết kiện ở đâu, là ý kiến nghe chẳng lọt lỗ tai.

Rất nhiều người có quan niệm rằng đoàn cưỡng chế trong vụ án ông Vươn là nhữmg người đang thi hành công vụ, và người thi hành công vụ luôn luôn đúng, người chống người thi hành công vụ luôn luôn sai, dù cho hành động của người thi hành công vụ sai luật pháp. Đây là quan niệm sai lầm, vì chúng ta có Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước dùng để bồi thường hành vi gây thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra.

Điều 3 khoản 2 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước qui định: “Hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn không đúng quy định của pháp luật và được xác định trong văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Có hai hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ:

1) Người thi hành công vụ thi hành sai nhiệm vụ được giao. Thí dụ: nhiệm vụ được giao là thu hồi đất nhưng lại đi phá nhà.

2) Người thi hành công vụ thi hành đúng nhiệm vụ, nhưng nhiệm vụ được giao sai pháp luật. Thí dụ: đoàn cưỡng chế trong vụ ông Vươn thi hành đúng nhiệm vụ thu hồi đất, nhưng việc thu hổi đất lại sai pháp luật.

Nay, khi Thủ tướng kết luận “Quyết định cưỡng chế cũng sai pháp luật” thì hành vi cưỡng chế đất của ông Vươn cũng sai pháp luật.

Ông Vươn có quyền chống lại hành vi xâm phạm tài sản sai pháp luật để bảo vệ tài sản của mình.

Do đó, ông Vươn có quyền chống lại hành động tước đoạt đất sai pháp luật của đoàn cưỡng chế.

Chúng ta không thể tách hành vi sai pháp luật của đoàn cưỡng chế ra khỏi con người của đoàn cưỡng chế.

Cho nên, ông Vươn muốn chống lại hành vi tước đoạt đất sai pháp luật của đoàn cưỡng chế buộc phải chống lại những người thi hành pháp luật trong đoàn cưỡng chế.

Trong vụ án ông Vươn, những người thi hành công vụ trong đoàn cưỡng chế thực hiện một hành vi cưỡng chế đất không đúng qui định của Luật Đất đai, vì thế, nạn nhân Đoàn Văn Vươn có quyền chống lại để bảo vệ tài sản của mình.

Một nông dân vô tội, chống lại một đoàn người thực hiện hành vi tước đoạt đất của mình sai pháp luật, tức tước đoạt nguồn sống của mình sai pháp luật, mà bị kết án phạm tội, thì công lý ở đâu, công bằng ở đâu, và lương tâm ở đâu???

Ông Vươn biết rõ quyết định cưỡng chế thu hồi đất của ông là sai pháp luật, nên ông mới khởi tố ra tòa án huyện Tiên Lãng, sau đó kháng cáo lên Tòa án thành phố Hải Phòng, chỉ vì bị ông Thẩm phán Ngô Văn Anh gạt chuyện thỏa thuận với đại diện huyện Tiên Lãng, và Tòa án thành phố Hải Phòng vi phạm luật tố tụng nên ông mới mất quyền kháng cáo.

Do biết quyết định thu hồi đất của mình là sai pháp luật – và đã được Thủ tướng kết luận là sai pháp luật – nên đối với ông Vươn đoàn cưỡng chế là đoàn người đến để tước đoạt tài sản của ông một cách sai pháp luật, vì thế ông thấy “cần thiết” phải chống trả lại.

Nếu không chống trả lại đoàn cưỡng chế 40,3 ha đất của ông Vươn sẽ bị tước đoạt.

Nếu không chống trả gia đình ông sẽ sạt nghiệp, chủ nợ sẽ xiết tất cả tài sản của ông, gia đình ông chắc phải trốn đi xứ khác để vác bị xin ăn.

Vậy, chống trả đoàn cưỡng chế là hành động phòng vệ chính đáng của ông Vươn.

Cho nên không thể khởi tố ông Vươn tội “giết người, chống người thi hành công vụ”.

Việc kích nổ trái nổ tự chế có mục đích ngừng việc cưỡng chế chứ không có ý định giết người.

Đoàn cưỡng chế có trên 100 người gồm cả công an cơ động và bộ đội được trang bị vũ khí hiện đại gồm súng quân dụng, khiên chắn đạn, chó nghiệp vụ… Đưa quân đội và công an cơ động vào đoàn cưỡng chế chứng tỏ chính quyền huyện Tiên Lãng quyết tâm tiêu diệt mọi kháng cự bằng sức mạnh quân sự, bằng vũ khí quân sự.

clip_image002

clip_image004

“Theo tài liệu chúng tôi có được, trong kế hoạch chuẩn bị cưỡng chế khu đầm của ông Vươn, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng nêu rõ: “Trường hợp các đối tượng đe dọa sử dụng hoặc sử dụng chất cháy nổ, chất độc thì các lực lượng công an, quân sự phải kịp thời xử lý ngăn chặn không để xảy ra hậu quả xấu và không dừng việc cưỡng chế”. Điều này cho thấy khả năng phía người bị cưỡng chế sử dụng chất cháy nổ đã được dự liệu và việc cưỡng chế được thực hiện hết sức kiên quyết”, Báo Pháp luật TP HCM Online cho biết.

Lệnh cho cảnh sát cơ động và bộ đội ngăn chặn khi các đối tượng sử dụng vũ khí nhưng không được dừng việc cưỡng chế, tức là cho phép cảnh sát cơ động và bộ đội sử dụng vủ khí để tiêu diệt mọi kháng cự.

Sở dĩ, UBND huyện Tiên Lãng dự báo việc gia đình ông Vươn sử dụng vũ khí, là do ông Vươn và một số chủ đầm bị cưỡng chế cảnh báo sẽ có đổ máu nếu UBND huyện Tiên Lãng tiến hành cưỡng chế sai pháp luật (xem An ninh thủ đô Online, bài: “Hải Phòng: cuộc cưỡng chế đã được cảnh báo sẽ có đổ máu”).

Ông Vươn không có ý định giết người

Gia đình ông Vươn không có động cơ giết người.

Bắn vào đoàn cưỡng chế là ba người thân của ông Vươn, còn ông Vươn không có mặt tại hiện trường lúc nổ súng.

Tại sao ông Vươn, người chủ mưu, người xuất thân bộ đội, muốn giết người lại không ở hiện trường để bắn vào đoàn cưỡng chế?

Thực ra, ông Vươn chỉ bức xúc với những sai trái của chính quyền huyện Tiên Lãng và Tòa án thành phố Hải Phòng, chứ ông Vươn đâu có thù oán gì với đoàn cưỡng chế mà muốn giết người trong đoàn cưỡng chế.

Việc không có mặt ở hiện trường của ông Vươn, chứng tỏ ông chỉ muốn gây tiếng vang để công luận, Tòa án Tối cao, và cấp trên chú ý, sau khi ông đã bị chặn đường đến với pháp luật, bằng một phiên xử phúc thẩm gian xảo, ấu trĩ và đầy sai lầm của tòa án thành phố Hải Phòng.

Xin xem truyền hình trực tiếp của đài VTV1 và đài ATV.

Với ý định gây chú ý và ngừng việc cưỡng chế, thân nhân ông Vươn cho nổ trái nổ tự chế để cảnh báo đoàn cưỡng chế và cảnh báo cho công luận.

Cho nên, hai cảnh sát trong đoàn cưỡng chế mặc dù ở rất gần trái nổ tự chế mà chỉ bị sức ép làm cho bất tỉnh, chứ không bị thương do mảnh trái nổ gây ra.

Điều này chứng tỏ: trái nổ tự chế không có mảnh kim loại gây sát thương.

Nếu muốn giết người sao gia đình ông Vươn không tăng tầm sát thương của trái nổ tự chế bằng cách thêm đinh hoặc các mảnh vụn kim loại sắc bén?

Thân nhân ông Vươn nổ súng hoa cải là do “tình thế cấp thiết”

Lẽ ra, khi trái nổ tự chế đã nổ, đoàn cưỡng chế phải dừng việc cưỡng chế, để bao vây thuyết phục những người chống đối trong nhà bỏ vũ khí ra hàng.

Khi đã đạt mục đích là cho nổ trái nổ tự chế, để ngăn đoàn cưỡng chế, để gây chú ý của công luận và cấp trên, gia đình ông Vươn không có động cơ để nổ súng.

Thế nhưng, ông Thượng tá Đổ Văn Mãi lại đẫn đầu cảnh sát cơ động tấn công căn nhà. Xem trực tiếp truyền hình VTV1 chúng ta thấy có bốn người tấn công cửa của ngôi nhà, kế sau bốn người này là một số đông cảnh sát cơ động có khiên chắn đạn, người chỉ huy cầm súng ngắn bắn vào cửa ngôi nhà.

Rỏ ràng, mệnh lệnh phải ngăn chặn chống đối, và không được phép ngừng cưỡng chế của ông Chủ tịch huyện Tiên Lãng, là nguyên nhân khiến ông Thượng tá Đỗ Văn Mãi tấn công ngôi nhà. Sau khi trái nổ tự chế đã nổ, ông Thượng tá Đỗ Văn Mãi tấn công ngôi nhà làm gì, nếu không phải là để tiêu diệt những người trong ngôi nhà, để thực hiện bằng được việc cưỡng chế?

Hành động phá nát nhà ông Vươn của đoàn cưỡng chế, phá cả bàn thờ của nhà ông Vươn chứng tỏ mức độ hung hăng của đoàn cưỡng chế, chứng tỏ đoàn cưỡng chế sẵn sàng tiêu diệt cả nhà ông Vươn để thực hiện lệnh cưỡng chế.

Về phía gia đình ông Vươn, sau khi cho nổ trái nổ tự chế, đinh ninh rằng đoàn cưỡng chế sẽ dừng việc cưỡng chế, thế nhưng, bỗng nhiên, có một toán người đa số là cảnh sát cơ động có khiên chắn đạn, vũ khí lăm lăm trên tay, hùng hổ dùng súng tấn công vào ngôi nhà, cho nên, để bảo vệ mạng sống của mình, để có thời gian rút lui, những người trong nhà buộc phải bắn vào những người tấn công.

Căn cứ vào điều 16 “tình thế cấp thiết” trong Bộ Luật Hình sự, việc nổ súng hoa cải để bảo vệ tính mạng của mình là một hành động phòng vệ chính đáng.

Vì thế, hành vi nổ trái nổ tự chế và bắn súng hoa cải vào đoàn cưỡng chế là hành vi phòng vệ chính đáng của ông Vươn và người thân.

Ông Đoàn Văn Vươn – kỳ tài đất Tiên Lãng, người tiên phong trong việc khai hoang lấn biển, người dám đánh cuộc cả tài sản, sự nghiệp với trời và đã may mắn thắng cuộc – thành quả chưa kịp hái, nợ nần chưa trả xong thì kể từ năm 2008 luôn chịu sự áp chế của UBND huyện Tiên Lãng nhằm tước đoạt hết 40,3 ha đất.

Trong hơn ba năm trời, ông Vươn và gia đình luôn bị đối xử bất công, áp bức bởi những quyết định của UBND huyện Tiên Lãng sai Luật Đất đai.

Ông Vươn một lòng tuân thủ pháp luật, thế nhưng lại bị những người thi hành pháp luật trong Tòa án thành phố Hải Phòng bày mưu lừa gạt.

Tòa án thành phố Hải Phòng thực hiện một phiên tòa phúc thẩm gian xảo và ấu trĩ để ngăn ông kháng án lên Tòa án Tối cao.

Đường đến với pháp luật bị chặn, ông Vươn không còn con đường nào để kêu cứu lên cấp trên, không còn cách nào để bảo vệ tài sản là 40,3 ha đất mà không chống lại cường quyền huyện Tiên Lãng.

Ngày 5/1/2012 ông đã bị dồn đến đường cùng, phải đưa ra quyết định: hoặc chống lại đoàn cưỡng chế tước đoạt đất của mình sai pháp luật để bảo vệ tài sản của mình, hoặc để cho đoàn cưỡng chế sai pháp luật tước đoạt sạch trơn tài sản của mình.

Ông đã chọn chống lại đoàn cưỡng chế để bảo vệ tài sản của mình.

Ông đã chọn chống lại đoàn cưỡng chế để gìn giữ 40,3 ha đất cho vợ con của mình.

Việc nổ trái nổ tự chế là để cảnh báo ngăn không cho đoàn cưỡng chế tiếp tục tước đoạt đất đai của mình trái pháp luật.

Việc nổ súng hoa cải làm 6 người bị thương là do “tình thế cấp thiết” để bảo tồn mạng sống, để có thời gian rút lui.

Sao lại kết án người nông dân chất phác bị áp bức chống lại cường quyền?

Sao lại kết án người chồng, người cha xả thân bảo vệ tài sản cho vợ, cho con?

Từ năm 2008 đến nay, không dám sản xuất vì chính quyền treo thanh gươm cưỡng chế trên đầu, khiến thu nhập sa sút.

Từ năm 2008 đến nay, hằng ngày hằng đêm sống ray rứt, đau khổ, phẫn uất vì áp bức của cường quyền.

Nếu ông Vươn có tội thì tội đó cũng đã trả xong.

Đã có tiền lệ án sử là vụ án ở Nọc Nạng ở quận Giá Rai tỉnh Bạc liêu, trong vụ án này, tòa án của thực dân Pháp, đã tuyên trắng án cho những người nông dân Việt Nam, chống lại đoàn cưỡng chế lúa bằng dao mác, và giết chết một nhân viên thi hành công vụ người pháp trong đoàn cưỡng chế.

Tòa án thực dân Pháp đã hiểu rõ nổi thống khổ của người nông dân Biện Toại dưới sự áp bức của cường quyền, nên không cho hành vi chống lại đoàn cưỡng chế của nông dân Biện Toại là hành vi vi phạm pháp luật, chẳng lẽ, tòa án của người Việt Nam lại không thấy được nỗi thống khổ của nông dân Việt Nam Đoàn Văn Vươn?

Kết án ông Đoàn Văn Vươn là kết án quan niệm lương tâm, quan niệm công lý của đa số người dân Việt Nam.

Kết án ông Đoàn Văn Vươn là kết án lòng tin vào chính quyền của tất cả nông dân Việt Nam.

Vì thế, không những không thể truy tố ông Vươn và thân nhân tội giết người, chống người thi hành công vụ, mà tòa án cần phải tha bổng ông Vươn và thân nhân.

H. K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn